Trở lại bến Bình Ca

Mới 21 năm mà bến Bình Ca bây giờ khác hẳn. 5 năm sau khi cụ Hòe đến đây, trên đỉnh núi Ba Cô ven con dốc xuống bến phà, đã lừng lững tượng đài Chiến thắng Bình Ca, có khắc lời tướng Giáp ghi công đầu cho tiểu đoàn 42, sau chiến công này được phong danh hiệu “Tiểu đoàn Bình Ca”.
tro-lai-ben-binh-ca2-1664356270.jpg
 

Trong chuyến điền dã tìm đọc bia cổ đời Mạc ở chùa Hang Tuyên Quang vừa rồi, nhờ sự ưu ái của bạn Huy Khánh, ngoại tôn họ Bùi ngõ Phất Lộc thông gia với ngũ đại tổ của tôi là TS Vũ Tông Phan, tôi được trở lại thăm bến Bình Ca lừng danh từ chiến thắng sông Lô 1947:

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

Tôi đứng trên triền dốc xuống bến phà xưa cùng anh Bùi Huy Ánh, người cũng đam mê truyền thống văn hóa và gia phả dòng họ như tôi, ngắm nhìn dòng sông chảy xiết lấp loáng dưới ánh nắng xiên khoai… Bất giác nhớ lại 21 năm trước, 2001, cũng một buổi chiều nắng chói chang thế này, cha chúng tôi, ông lão 90 râu tóc bạc trắng phất phơ bay, đứng lặng đúng nơi này, ngày ấy còn hoang dã, trầm ngâm nhìn xa xăm sang dốc xuống phà xưa ở bờ bên kia, hẳn nhớ lại một thời hào hùng đồng tâm đoàn kết toàn dân Kháng chiến trường kỳ… Lần ấy, thương cảm nỗi trăn trở về nguồn của vị “Bộ trưởng Tư pháp Kháng chiến” (lời ông Hà Hùng Cường, UVTW Đảng, BT Tư pháp trong bài viết trên báo Nhân Dân, khi cụ Hòe từ trần): “HỌ quên tôi rồi… Muốn về Tân Trào trước khi nhắm mắt mà chẳng ai cho đi!”, anh em tôi tự thuê xe, đưa Cụ về thăm ATK (An toàn khu) Sơn Dương, ngắm lại Cây Đa Tân Trào và thắp hương trong đình Tân Trào, vào ngồi hồi lâu trên tảng đá cạnh Lán Nà Lưa, nơi Hồ Chủ tịch từng sống và làm việc. Lần ấy (và không bao giờ nữa!), Cụ chỉ không được toại nguyện một điều: đến Thác Rẫng (đang tu bổ), nơi từng được thấy tận mắt “Ông Tiên mình trần” râu tóc bạc phơ vùng vẫy giữa làn nước bạc” (lời cụ Hòe trong hồi ký), rồi được ngồi lại trên chiếc ghế dài ghép bằng nứa, nghe Ông Tiên như người Cha già thân mật an ủi, “đả thông tư tưởng tiêu cực” (xin từ chức vị bị ông Phó CS o ép, vượt quyền)…

tro-lai-ben-inh-ca-1664356270.jpg
 

Mới 21 năm mà bến Bình Ca bây giờ khác hẳn. 5 năm sau khi cụ Hòe đến đây, trên đỉnh núi Ba Cô ven con dốc xuống bến phà, đã lừng lững tượng đài Chiến thắng Bình Ca, có khắc lời tướng Giáp ghi công đầu cho tiểu đoàn 42, sau chiến công này được phong danh hiệu “Tiểu đoàn Bình Ca”. Theo truyền thuyết địa phương Ba Cô là ba người vợ trẻ của vị tướng chống quân nhà Hán từ trước Công nguyên. Khi chồng tử trận, cả ba người phụ nữ để thủ tiết đã trẫm mình taị vực sâu dưới chân núi. Cái miếu tranh tre đơn sơ thờ Ba Cô lưng chừng núi, không biết có từ đời nào (địa danh Bình Ca được Bảng nhãn Lê Quý Đôn nhắc tới trong sách Kiến văn tiểu lục, TK XVIII), trong trận phục kích ven bờ sông ngày 12/10/1947 trung đội pháo binh sử dụng làm đài quan sát, hướng dẫn tọa độ cho pháo 75 ly và bazoca bắn cháy pháo thuyền đầu tiên của giặc Pháp, mở màn chuỗi chiến thắng oanh liệt nhấn chìm cả loạt tầu chiến địch, bẻ gẫy gọng kìm thủy quân do trung tá Communal chỉ huy. Nay cái miếu ấy, nhờ công đức hiến đất của bà Đông 76 tuổi, người thủ nhang đã hơn ba chục năm ngày ngày tự nguyện hương khói cho các liệt sĩ sông Lô, và tiền tài trợ của Cựu chiến binh-quân y sĩ chống Mỹ kiêm doanh nhân Huy Khánh, - đã biến thành ngôi đền Ba Khuân khang trang dưới chân tượng đài. Huy Khánh cho biết đầu tháng 11 tới, một tượng Phật Bà Quan Âm trên tòa sen, không tính phần đế đã cao 2m80, anh đặt chế tác ở Đà Nẵng, sẽ được vận chuyển ra lắp đặt tại mô đất cao ở sau miếu, nơi có cây thị di sản hai trăm năm tuổi vẫn sai quả thơm ngào ngạt, tạo thành một quần thể danh thắng bên bến Bình Ca lịch sử.

tro-lai-ben-binh-ca-1664356519.jpg