Bây giờ đến Tết ở quê tôi ít nhà vẫn còn duy trì việc gói, nấu bánh chưng ngày Tết để cho các cháu được sống trong bầu không khí Tết cổ truyền nhưng cái háo hức đợt chờ khi vớt bánh dường như không còn nữa. Trẻ con dường như không còn thích thức đêm trông bánh như ngày xưa. Nhìn Tết nay mà nhớ lại Tết xưa. Nghĩ thế trong lòng lại ao ước bao giờ cho đến ngày xưa.
Anh bạn tôi nói Tết bây giờ nhạt hơn ngày xưa, tâm trạng chờ đón Tết và không khí chuẩn bị cho Tết vẫn còn đấy nhưng không còn náo nức, háo hức, hồi hộp, mong ngóng từng ngày như thời trước nữa. Ngẫm những điều bạn nói thấy quả thực như thế. Nghĩ vậy nhưng sợ rằng mình võ đoán nên đôi lúc cũng băn khoăn, trong lòng tự vấn, phải chăng do mình không còn trẻ nữa mà Tết trong những nỗi niềm cũng thay đổi theo thời gian? Cứ thế, miên man nghĩ suy về Tết mà trong lòng lại rộn lên bao nỗi nhớ và Tết xưa lại trở về theo dòng ký ức nao nao thương luyến. Nhớ Tết xưa để nghĩ về Tết nay. Tết xưa trong ký ức còn lại như một miền “cổ tích” xa xôi còn Tết thời nay có gì đáng nói? Ngẫm thế mà lại thấy bùi ngùi tiếc nuối, dường như xã hội ngày càng phát triển, lối sống của thời công nghệ làm cho người ta không thể dềnh dàng theo kiểu sống chậm được cho nên cái sự chuẩn bị cho Tết bây giờ cũng thu ngắn lại, chỉ vội vàng, gấp gáp, tập trung, dồn dập vào mấy ngày cuối năm. Chẳng thế vợ tôi bảo có tiền là có tất cả. Tết một buổi là xong hết. Tết đầy ngoài đường, Tết thiếu gì trong siêu thị mà cứ phải lo. Cứ có tiền là sẽ có Tết. Tiền nhiều là Tết to, Tết vui. Nghe thế lòng lại bùi ngùi, nôn nao nhớ về Tết xưa, nhớ về một thời “trông bánh chưng chờ trời sáng” để được tíu tít vớt bánh, ăn những chiếc bánh cua xinh xinh.
Tết ngày xưa, thời bao cấp, sang tháng Chạp là mọi nhà đã bắt đầu náo nức, rộn ràng chuẩn bị. Có lẽ ngày ấy “Tết” nhất phải kể đến nồi bánh chưng. Thời đó, với mỗi nhà, có thể nói: “Phi bánh chưng bất thành Tết” cho nên chuẩn bị đón Tết nhà nào nhà ấy lo lắng, tất bật sắm sửa rất chu đáo, kỹ càng cho nồi bánh chưng. Từ hàng nửa năm trước người ta đã nhặt nhạnh, cất giữ những gộc tre, cành cây to, cháy bền, đượm than như củi nhãn, củi bạch đàn để đến Tết nấu bánh chưng cho tốt. Những nhà làm ruộng, đến vụ mùa đã phải tính toán một mảnh ruộng để gieo trồng lúa nếp, phải là loại nếp cái hoa vàng để có gạo ngon đồ xôi ngày giỗ và gói bánh chưng ngày Tết. Những nhà không có ruộng có khi phải mua gạo cất đi từ hàng tháng trước Tết. Nói chung cứ phải có đủ gạo nếp để gói bánh chưng rồi mới yên tâm về Tết.
Nhà tôi thời đó cũng vậy. Ông tôi thường dành mảnh ruộng trên khu đồng cao nhất để trồng lúa nếp, ngoài ra ông còn tăng gia ở dọc bên đôi bờ mương trên cánh đồng gần nhà những đám đỗ xanh để làm nhân bánh. Ông chăm mảnh ruộng lúa nếp kỹ lắm. Mỗi khi đến vụ gặt, ruộng lúa vàng óng; bông lúa cúi đầu; chĩu chịt hạt thóc to tròn, căng mẩy. Khi gặt lúa mang về nhà ông cho đập riêng, phơi riêng để khỏi lẫn với thóc tẻ. Và năm nào ông cũng nấu một nồi bánh chưng rất to, khoảng hai thúng gạo nếp để đón Tết và chia cho các con các cháu. Bây giờ ông đã đi xa, ruộng lúa ấy cũng đã bị thu hồi làm công trình của nhà nước nhưng mỗi khi Tết về lòng không khỏi bâng khuâng nhớ về ông, nhớ về một trời kỷ niệm của tuổi thơ với nồi bánh chưng ngày Tết.
Tôi nhớ, cứ vào khoảng ngoài mùng mười tháng Chạp, đến phiên chợ Trôi ông đã nhắc bà mua lá dong và mấy ống giang về trẻ lạt. Khi lá dong mang về ông cho vào bồn (khi xưa nhà dệt vải nên có bồn để ngâm sợi) lấy nước mưa rửa ba, bốn lần cho thật sạch rồi để ráo nước, xếp thành từng lớp bó vào mấy cái cột bên hè để hàng tuần cho lá không bị rách, gãy; khô ráo; giữ được nguyên vẻ tươi xanh. Còn ống giang được ông cạo sạch lớp vỏ màu xanh bên ngoài, đem ngâm qua nước cho có độ mềm và dẻo sau đó pha ra thành từng thanh rồi chẻ ngang thành từng sợi lạt. Trẻ lạt xong ông cất đi đợi đến hai bảy hoặc hai tám Tết đem ra gói bánh.
Nhà tôi thường nấu bánh chưng vào đêm hai mươi bảy. Để có nồi bánh chưng bắc được lên bếp vào đêm hai mươi bẩy thì tối hai mươi sáu bà tôi phải đem gạo nếp và đậu xanh đã vỡ bằng cố xay đá cho bong vỏ đem ngâm. Gạo và đậu ngâm qua đêm đến sáng ngày hai mươi bảy vớt ra đem vo đi vo lại cho thật sạch rồi để cho ráo nước, rắc thêm ít muối sóc đều lên; riêng đậu xanh rắc thêm ít hạt tiêu đã xay. Cũng sớm đó bà ra chợ chọn mua chỗ thịt ba chỉ thật ngon đem về thái miếng và ướp muối, ướp tiêu. Đến đầu giờ chiều, ông cởi các bó lá ra lấy khăn khô lau lại một lần nữa rồi đem gói bánh. Ông tôi gói bánh rất khéo. Ông không cần khuôn mà gói bánh tám góc vuông vức đều nhau chằn chặn. Cứ lần lượt ông đổ một bát ăn cơm gạo xuống lá dong đã sắp sẵn rồi rải một lớp đậu xanh vào giữa, sau đó đặt nhân thịt rồi lại dải lớp đậu xanh lên trên, xong rồi lại đổ tiếp bát gạo nữa lên trên cùng, sao cho gạo nếp trùm kín đậu, rồi bắt đầu gói lá buộc lạt sao cho không quá chặt để khi đun bánh, gạo nếp còn nở được, không bị sùi. Ông không chỉ gói bánh chưng vuông mà còn gói dăm chiếc bánh chưng tày. Tôi vẫn còn nhớ ông đổ bát gạo vào giữa sống lá dong, dàn đều ra và cho đậu xanh lên trên gạo, tiếp đến là để miếng thịt lợn lên trên đậu rồi lài lấy đậu phủ kín thịt, sau đó đổ tiếp gạo lên trên cho kín đậu. Khi phủ gạo xong, ông cầm hai mép lá dong kéo lại vào nhau, cột chặt lại, gấp mép lá lại thành hình trụ, lắc cho tròn đều, dùng lạt buộc dọc, buộc ngang. Một loáng những chiếc bánh đã được gói xong nhìn tựa như những tày giò. Và bao giờ cũng thế, khi gần gói xong, ông tôi thường gói vài cái bánh chưng vuông cỡ nhỏ (gọi là bánh cua) để khi đun bánh xong, sau khi thắp hương mời tổ tiên thì lấy bánh cua cho các cháu ăn trước. Những bánh khác treo lên xà ngang đợi đến ba mươi Tết làm cỗ mời tổ tiên rồi mới bắt đầu được ăn. Nhớ lại hồi ấy chúng tôi chỉ thích ăn bánh cua, thức đêm đun bánh cũng là để chầu chực ăn bánh cua mà thôi. Có lẽ khi chưa Tết ăn bánh lúc đó mới ngon. Đến khi Tết rồi, có nhiều thứ ăn và bánh chưng lúc đó cũng được ăn thoải mái nên không còn thòm thèm. Phải chăng vì thế Tết ăn bánh chưng cảm giác không thấy ngon bằng ăn bánh cua mấy hôm trước.
Gói bánh chưng thường thì cũng phải mất cả buổi chiều. Bánh gói xong được ông xếp vào nồi. Tôi nhớ trước khi đưa bánh vào luộc ông để hai cái bánh vuông quay mặt vào nhau và dùng lạt bó lại thành một cặp rồi mới xếp vào nồi. Trước khi xếp bánh vào nồi ông lấy những cuống lá dong để ở đáy nồi để khi đun bánh không bị cháy và dính vào đáy nồi. Nồi đun bánh khi đó là cái thùng tôn to như thùng phuy nhưng chỉ cao bằng hai phần ba thùng phuy. Thường ngày nhà tôi dùng thùng này đựng thóc. Tết mới bỏ ra để đun bánh chưng. Nấu xong của nhà lại cho mấy nhà hàng xóm mượn cũng để đun bánh. Khi xếp bánh vào nồi ông làm rất cẩn thận. Ông để bánh chồng lên nhau ngay ngắn thành các tầng thật chặt và cũng là để giữ bánh cố định phòng khi nước sôi có đẩy bánh cũng không bị xô lệch mà vỡ bánh. Khi bánh xếp xong vào nồi thì nhấc nồi lên các viên gạch kê sẵn trong bếp. Khi kiểm tra đã đảm bảo chắc chắn rồi thì tiến hành đổ nước vào nồi. Ông đổ nước mưa ngập bánh. Nước đổ xong thì bắt đầu đun. Củi cho vào bếp khi đã đỏ lửa lại được rắc thêm chấu xung quanh cho tăng thêm nhiệt. Khi nước trong nồi sôi ùng ục thì giảm lửa chỉ để lửa liu riu, âm ỉ. Thỉnh thoảng phải kiểm tra nước trong nồi để tiếp thêm cho không bị cạn, cháy nồi, hỏng bánh. Nhà tôi thường luộc bánh khoảng chín đến mười tiếng đồng hồ. Đến khoảng một nửa thời gian, sau khi đun độ năm tiếng thì thay toàn bộ nước và trở bánh lại và đun tiếp để bánh không bị sống, chín đều. Khi bánh chín ông vớt ra ngâm vào thùng nước mưa khoảng mười lăm phút rồi xếp từng cặp lên mặt cánh một chiếc cánh cửa. Xếp xong ông lấy một cánh cửa khác úp lên rồi lấy cối đá nhỏ, lấy thùng đổ nước vào trong để lên nhằm nén bánh xuống cho nước ra, bánh không bị nhão. Ép khoảng bốn tiếng thì bỏ ra treo bánh lên xà nhà chờ đến Tết.
Với tôi những đêm đun bánh bao giờ cũng thú vị nhất. Chập tối, cơm xong, khi dọn dẹp xong thì cả nhà quây quần bên nồi bánh, chuyện trò rôm rả; hết chuyện thì mấy anh em chơi tam cúc bôi nhọ, búng tai với nhau. Càng về khuya, khi cơn buồn ngủ kéo đến, mọi người rút dần lên nhà đi ngủ. Cuối cùng chỉ còn lại hai ông cháu. Thực ra tôi cũng chẳng thức được lâu, chỉ là ngủ trong bếp mà thôi. Khi ấy gọi là thức đun bánh nhưng cũng chẳng phải là tôi đun (vì có phải đun đâu, ông mới là người đun), cái chính vẫn là thức để chờ được vớt bánh, đợi ăn bánh cua. Sao cái bánh cua khi đó ăn ngon đến vậy. Ăn hết mà vẫn thòm thèm. Nhớ lại khi xưa ngồi xem đun bánh mà đến giờ vẫn thấy thèm cái mùi khói củi lẫn mùi nước bánh chưng sôi. Đó là những mùi vị đặc trưng của từng loại gỗ và mùi thơm của bánh chưng bốc lên từ nồi nước ùng ục sôi và tỏa khói nghi ngút vào trong không gian mà chẳng thể lẫn vào mùi vị nào khác được.
Bây giờ cuộc sống không còn khó khăn như những ngày xưa. Đường sữa, bánh kẹo, thịt cá trẻ con nhìn thấy đã sợ nên bánh chưng không còn là món ăn xa xỉ phải đợi đến Tết mới có hoặc mong ốm để được ăn. Nhưng song hành với sự phát triển ấy thì con người cũng bị cuốn vào guồng quay của công việc. Công việc tăng lên nhiều gấp bội. Nhà nhà, người người lao vào làm việc để kiếm tiền. Bởi thế Tết bây giờ đâu có còn được nhiều thời gian để dềnh dàng, nhẩn nha chuẩn bị. Hơn những thế, có lẽ bởi vì sung túc, không còn thiếu thốn mà người ta cũng mất đi cái cảm giác thèm thuồng, háo hức đợi chờ bánh chưng. Bây giờ đến Tết ở quê tôi ít nhà vẫn còn duy trì việc gói, nấu bánh chưng ngày Tết để cho các cháu được sống trong bầu không khí Tết cổ truyền nhưng cái háo hức đợt chờ khi vớt bánh dường như không còn nữa. Trẻ con dường như không còn thích thức đêm trông bánh như ngày xưa. Nhìn Tết nay mà nhớ lại Tết xưa. Nghĩ thế trong lòng lại ao ước bao giờ cho đến ngày xưa.