“Trông bốn bề”: Bức tứ bình của “Chinh phụ ngâm”

Giang Hiền Sơn (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội)

09/04/2024 19:26

Theo dõi trên

Toàn bộ đoạn trích có 16 câu song thất lụt bát được cấu tứ thành bốn cảnh Nam, Bắc, Đông, Tây rất cân xứng; mỗi cảnh tương ứng với một khổ gồm bốn câu thơ.

chinhphungam-1712665516.jpg

Nhan đề “Trông bốn bề” là do các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 10 căn cứ vào nội dung đoạn trích để đặt tên cho phần trích thơ khi đưa vào học trong chương trình Ngữ văn phổ thông. Nguyên văn trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm không đặt tên cho từng khúc, từng đoạn. Toàn bộ văn bản là một bài thơ trường thiên dài 408 câu thơ được sáng tác theo thể song thất lục bát. Đoạn trích này được bắt đầu từ câu 273 đến câu 288.

Trước đoạn trích “Trông bốn bề”, các tác giả kể lại chuyện người chinh phụ sau khi tiễn chồng ra trận thì đã trở về với “buồng cũ chiếu chăn”. Bắt đầu từ đây người chinh phụ thay người chinh phu gánh vác giang sơn nhà chồng: “một thân nuôi già dạy trẻ” với biết bao nỗi gian lao khổ cực. Nhưng chưa hết, nàng còn phải sống trong những nỗi đợi chờ, phấp phỏng, lo âu cho số phận người chồng đang phải chinh chiến trên sa trường nơi “cõi xa mưa gió”. Dường như bao đêm ngày xa cách là bấy nhiêu nỗi lo lắng, chờ mong. Biết bao đêm trường lẻ bóng, hết thương nhớ chồng người chinh phụ lại ngẫm nghĩ đến mình mà không khỏi đau xót cho số phận. Tình thương, nỗi nhớ cứ thế chất chồng lên nhau: “Mối sầu dằng dặc tựa miền biển khơi”, “Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”. Người chinh phụ phải “Mượn hoa, mượn rượi giải buồn” nhưng “Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi”. Bao nhiêu tháng ngày xa chồng là bấy nhiêu ngày tháng vô vị, buồn tủi, nhạt nhẽo.

Đọc “Chinh phụ ngâm” người ta có cảm giác người chinh phụ đang phải gắng gượng, gồng mình để thoát khỏi cái cảm giác cô đơn, chán nản vì nỗi đợi chờ mòn mỏi. Người ta thấy, có những lúc, nàng phải mượn đến giấc mơ để tìm đến với người chinh phu nhằm an ủi mình: “Khi mơ những tiếc khi tàn/ Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không”. Thật là xót xa! Đúng là mơ càng nồng nàn thì khi tỉnh lại càng đau đớn. Nhưng than ôi nỗi nhớ chồng vẫn cứ khắc khoải, triền miên không dứt: “Bui có một tấm lòng chẳng dứt/ Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi” nên người chinh phụ không đi tìm chồng trong những giấc mơ nữa. Người chinh phụ quay trở lại với thực tế để lên trên lầu cao “trông vời bánh xe” nhưng mênh mông bốn bề “chân mây mặt đất” nơi đâu cũng xao xác, mịt mù, chẳng thấy bóng dáng người chinh phu đâu:  

“Trông bến nam bãi che mặt nước, (273)

Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh

Nhà thôn mấy xóm chông chênh,

Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.

Trông đường bắc đôi chòm quán khách,
Rườm rà cây xanh ngắt núi non.
Lúa thành thoi thóp bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.

Non đông thấy lá hầu chất đống
Trĩ xập xòe, mai cũng bẻ bai
Khói mù nghi ngút ngàn khơi
Con chim bạt gió lạc loài kêu sương.

Lũng Tây chảy nước dường uốn khúc
Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu
Ngàn thông chen chúc khóm lau
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về?”

Toàn bộ đoạn trích có 16 câu song thất lụt bát được cấu tứ thành bốn cảnh Nam, Bắc, Đông, Tây rất cân xứng; mỗi cảnh tương ứng với một khổ gồm bốn câu thơ. Nhìn tổng thể, bốn cảnh trong đoạn trích là những nét họa bằng thơ về phong cảnh thiên nhiên. Nhưng ẩn trong mỗi bức tranh là một mối sầu chan chứa những tình. Đặt bốn cảnh ấy cạnh nhau người ta thấy đoạn trích giống như một bộ tranh tứ bình, một hình thức tạo hình thường thấy trong nghệ thuật hội họa cổ điển vốn xuất phát từ Trung Hoa rồi ảnh hưởng tới các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là thơ ca. Ví dụ, nói về thời gian (mùa) người ta có Xuân - Hạ - Thu - Đông; nói về cây cỏ người ta có Tùng - Cúc - Trúc - Mai hay Lan - Sen - Cúc - Mai; nói về nghề nghiệp người ta có Ngư - Tiều - Canh - Mục; nói về thú vui người ta có Cầm - Kỳ - Thi - Họa (hoặc Tửu); nói về phong cảnh người ta có Phong - Hoa - Tuyết – Nguyệt; nói về con vật người ta có tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng … Thơ cổ ở Việt Nam tả cảnh người ta cũng rất chuộng tranh tứ bình, ta có thể thấy rất rõ điều này trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Hai tác giả Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm mượn đề tài của người xưa nhưng không bị rơi vào công thức, sáo mòn. Trái lại, trên cơ sở những nỗi niềm đồng cảm, các nhà thơ đã thổi vào các mẫu hình một luồng sinh khí của thời đại để tạo thành một tiếng thơ da diết, lắng đọng đầy ám ảnh. Người chinh phụ lo lắng, thương nhớ, buồn tủi; ngày đêm mong ngóng, đợi chờ người chinh phu trở về nhưng hoàn toàn biệt tin, vắng bóng. Trong nỗi cô đơn nàng tìm cách giải thoát bằng hy vọng (dù có mong manh). Nàng hy vọng lên cao (Lòng theo nhưng chửa thấy người/ Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe) thì sẽ nhìn được xa hơn và có thể thấy được hình bóng của người chồng. Nàng hy vọng bao nhiêu thì lên lầu cao nhìn ra bốn phương chỉ gặp lại gặp những vô vọng bấy nhiêu.

Nhìn về phương Nam (bức tranh thứ nhất). Người chinh phụ nhìn về phương Nam trước có lẽ vì vẫn nhớ hướng đi của người chinh phu lúc chia tay: “Chàng từ sang đông nam khơi nẻo”. Bức tranh bến nước phương Nam hiện lên trong mắt người chinh phụ trong buổi chiều hôm đẹp nhưng rất buồn với một gam màu xanh chất chứa nỗi niềm. Bao trùm bức tranh phương Nam là một sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên. Người ta có cảm giác thiên nhiên ở đây cứ tràn ra, lấn lướt hết thảy mọi thứ: “bãi che mặt nước”, “cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh”, “một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm”. Ở giữa cái nơi ngự trị mạnh mẽ của thiên nhiên ấy sự sống của con người cũng có nhưng chỉ hiện lên vắng vẻ, thưa thớt như một chấm nhỏ, lẻ loi, đơn chiếc giữa mênh mông, rợn ngợp: “nhà thôn mấy xóm chông chênh”. Ngắm nhìn bức tranh ấy người ta sẽ nhận ra có một sự đối lập giữa cảnh và người. Cảnh thì mạnh mẽ, đông đúc, giàu sức sống: “bãi che mặt nước”, “cỏ biếc um”, “dâu mướt màu xanh”, “đàn cò đậu”. Người (nhà) thì hoang vắng, đơn sơ, không chắc chắn: “mấy xóm chông chênh”. Có thể nói, đọc bốn câu thơ, ngoài các nét vẽ chấm phá sinh động về cảnh vật chúng ta còn thấy các tính từ và từ láy trong bản dịch của Đoàn Thị Điểm cũng đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ. Nó không chỉ làm cho đường nét, màu sắc của bức tranh nổi rõ mà còn gợi lên một cảnh sắc chiều tàn tiêu điều, hoang sơ ở một nơi bến bãi làng quê Việt Nam.

Nhìn về phương Bắc (bức tranh thứ hai). Thoạt nhìn bức tranh này vẫn là gam màu xanh nhưng nền cảnh đã thay đổi so với bức tranh phương Nam. Đó là cảnh núi rừng phương Bắc. Đặt trong tương quan với bức tranh thứ nhất là cảnh bờ bãi phía Nam thì ta thấy bức tranh thứ hai này là cảnh núi non phương Bắc. Vậy là, hai bức tranh đầu tiên của bộ tứ bình đã tạo thành một cặp tương quan thứ nhất. Cặp tương quan sông và núi này tương phản nhưng tương xứng với nhau. Chúng hô ứng và bổ sung cho nhau để tạo thành một bức tranh không gian hoàn chỉnh. Bức tranh phương Bắc được tái hiện với vài ba nét vẽ: quán khách, núi xanh, sóng lúa và tiếng sáo. Xem bức tranh người ta thấy có sắc màu, có âm thanh, có sự sống nhưng bao trùm tất cả vẫn là thiên nhiên mịt mùng, giàu sức sống. Hình ảnh báo hiệu sự sống của con người có nhưng cũng thưa thớt, vắng vẻ. Hình ảnh “rườm rà cây xanh ngắt núi non” cho thấy cảnh phương Bắc hiện lên núi trồng lên núi, cây trồng lên cây, núi và cây trùng điệp nối nhau chạy dài ra xa tít với một màu xanh ngắt. Màu xanh ở đây là xanh ngắt chứ không phải xanh biếc, xanh um. Xanh ngắt là xanh đậm và thuần một màu trên diện rộng. Màu xanh này đi cùng với hình ảnh của núi non trong câu thơ gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc sắc màu của rừng cây đang chen chúc, chồng chất trên những tầng núi ngút ngàn. Đúng là một tự nhiên rất hoang vu nhưng chứa đựng một sức sống vô cùng mạnh mẽ. Giữa cái nền thiên nhiên ấy sự sống của con người được hiện lên với nhiều nét vẽ hơn nhưng cũng không thể xóa được cái vắng vẻ, cô liêu. Sự sống ấy được hiện lên qua hình ảnh của quán khách, ruộng lúa, tiếng sáo nhưng quán khách chỉ có “đôi chòm”, ruộng lúa thì “thoi thóp” bên thành (có nghĩa là vắng vẻ, tiêu sơ, yếu ớt, thiếu sức sống); riêng chỉ có tiếng sáo là mạnh mẽ “nghe thôi ngọc địch véo von trên lầu”. Thế đấy, một màu xanh chất ngất núi non vẫn là chủ đạo. Thoạt nghe ta cứ tưởng có tiếng sáo vang to là sự sống mạnh mẽ nhưng không phải. Hóa ra các nhà thơ đã dùng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Cho nên tiếng sáo càng “véo von” bay bổng, vang xa bao nhiêu thì càng chính tỏ không gian vắng vẻ, hoang vu bấy nhiêu. Quả là nhân vật chính của bức tranh vẫn là thiên nhiên. Một thiên nhiên hùng vĩ và mạnh mẽ đến choáng ngợp.

Nhìn về phương Đông (bức tranh thứ ba). Đây là bức tranh mùa thu. Bức tranh này so với hai bức tranh trước thì tuyệt bóng con người. Không gian bao la, nhìn hút tầm mắt là những cánh rừng lá rụng chồng chất. Ở đây không còn màu xanh nữa, tuy không nói đến màu sắc nhưng với hình ảnh “lá hầu chất đống” thì người ta cũng đủ để hình dung nên một sắc vàng của lá rụng về cội. Bức tranh mùa thu như thế hiện lên trong mắt người đọc cũng khá sống động với cách bài trí cảnh vật rất hài hòa, cân đối: lá vàng chất đống, đôi trĩ quấn quýt với nhau trên đồng cỏ, ngàn mai rung rinh bên bờ sông, phía xa khói tỏa mịt mù, nghi ngút cùng cánh chim bay ngược gió cất tiếng kêu thảm thiết. Nhưng nhìn tổng thể người ta vẫn thấy toát lên cái vẻ rợn ngợp đến lạnh người. Đó là cái rợn ngợp của lá rụng (tượng trưng cho sự tàn lụi), cái rợn ngợp của khói sương mờ ảo, cái rợn ngợp, ớn lạnh của tiếng chim lạc đàn. Bức tranh có một nét vui. Đó là cảnh “Trĩ xập xòe, mai cũng bẻ bai”. Nhưng cái vui ấy được đặt trong sự tương phản với cánh chim lẻ loi, kêu thương đến khản giọng: “Con chim bạt gió lạc loài kêu sương” nên cũng không gợi vui lên được. Trái lại nó càng tô đậm cái bi thương của cánh chim chiều côi cút. Tiếng kêu của con chim lạc đàn tưởng như xóa tan được bầu trời u ám, ảm đạm nhưng thực tình cũng lại không nốt. Hóa ra nghệ thuật dùng động để tả tĩnh của các nhà thơ đã một lần nữa cho người ta thấy cái sự yên tĩnh đến vắng lặng của không gian. Không gian càng yên tĩnh bao nhiêu thì tiếng kêu càng rõ và thảm thiết bấy nhiêu. Tiếng kêu thảm thiết của cánh chim lạc đàn ấy khép lại bức tranh phương Đông buồn đến não nùng.

Nhìn về phương Tây (bức tranh thứ tư). Bức tranh là một cận cảnh. Trong bức tranh này chúng ta thấy người chinh phụ đưa mắt từ gần đến xa để mong nhìn thấy người chinh phu nhưng kết quả vẫn chẳng thấy gì: “Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về?”. Cái câu hỏi thu từ ở cuối bức tranh không chỉ là một sự khẳng định về sự vắng bóng mà còn là một tiếng kêu đau đớn xoáy sâu vào lòng người về một nỗi niềm tuyệt vọng. Ngắm nhìn bức tranh phương Bắc ta lại gặp lại cái cảnh thiên nhiên lấn lướt con người nhưng ở một mức độ mạnh mẽ hơn. Đó là những cảnh vật tự nhiên tràn trề sức sống: “nước dường uốn khúc”, “Nhạn liệng không”, “sóng giục thuyền câu”, “Ngàn thông chen chúc khóm lau”. Trong cái mênh mông và vô tổ chức của tạo vật theo quy luật kẻ mạnh át kẻ yếu ấy thì hình ảnh của con người hiện lên dường như cũng rất lẻ loi, mong manh, mờ nhạt trên chiếc “thuyền câu”. Đặc biệt là đối tượng cần tìm (người chinh phu) của người chinh phụ vẫn bặt vô âm tín. Đặt bức tranh thứ ba trong cái nhìn tương quan với bức tranh thứ tư chúng ta lại thấy cặp tương quan thứ hai. Tương quan giữa đông và tây; cặp tương quan này tương hỗ với nhau để khắc họa và làm nổi bật lên cái cảnh hoang sơ, vắng lặng đến rợn người của đất trời mênh mông. Hai bức tranh phương Đông và phương Tây khép lại đoạn trích và cùng với hai bức tranh phương Nam và phương Bắc để làm thành một bộ tứ bình đặc sắc về phong cảnh thiên nhiên. Một bức tranh mà thiên nhiên làm chủ. Thiên nhiên ấy mạnh mẽ, giàu sức sống nhưng vô cùng hoang vắng, rợn ngợp.

Nhìn bề ngoài người ta thấy đoạn trích “Trông bốn bề” là bức tứ bình phong cảnh: Nam – Bắc – Đông - Tây. Cái nhìn ấy đúng nhưng chưa đủ. Bức tứ bình phong cảnh mà mắt thường nhìn thấy kia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ẩn đằng sau bức tứ bình phong cảnh ấy còn có bức tứ bình tâm cảnh. Tuyệt bút của thi nhân Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm là đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình của nghệ thuật cổ điển Trung Hoa nhằm kín đáo nói lên những nỗi niềm tâm trạng của người chinh phụ đang đêm ngày nóng lòng ngóng chờ, đón đợi người chinh phu đi thú trở về để đoàn tụ gia đình. Bức tranh tâm cảnh của người chinh phụ ấy cũng được tăng dần theo sự tuyệt vọng. Ở bức tranh thứ nhất ta bắt gặp một nỗi buồn của người chinh phụ qua sự tương phản giữa con người và thiên nhiên. Cảnh vật thiên nhiên ở đây mạnh mẽ, sống động, có bầy với nhau bao nhiêu thì sự nhỏ bé, cô đơn, buồn thảm của con người hiện lên rõ ràng bấy nhiêu. Hẳn là nhìn đàn cò quây quần bên nhau trước ghềnh trong buổi chiều hôm người chinh phụ không khỏi chạnh lòng cho cảnh lẻ loi, cô độc của mình trong suốt bấy nhiêu năm thiếu vắng hơi chồng. Cái cảnh vật hữu tình như thế bảo sao lại không gợi lên trong lòng người đàn bà đơn chăn gối chiếc này cái khát khao gia đình sum họp để đôi lứa được bên nhau? Trong bức tranh thứ hai người ta lại thấy một tâm trạng bồn chồn, thoảng thốt, thẫn thờ, não nuột của người chinh phụ. Ở bức tranh này chúng ta thấy nhà thơ đã khéo sử dụng từ “thoi thót” để tả sóng lúa rập rờn trước gió bên bờ thành. Từ “thoi thóp” ấy lại làm ta nhớ tới cái tâm trạng âu lo, hoảng hốt của Thúy Kiều từng được Nguyễn Du miêu tả trong “Truyện Kiều”: “chim hôm thoi thót về rừng”. Có lẽ sức gợi tả của từ láy này trong câu thơ tả cái nhìn của người chinh phụ cũng vậy. Nhưng có lẽ nỗi niềm chất chứa hơn trong bức tranh thứ hai phải là tiếng sáo “véo von” mà người chinh phụ nghe thấy giữa bốn bề bát ngát xa trông. Tiếng sáo réo rắt trầm bổng trong cảnh ngộ lúc bấy giờ như thức dậy trong lòng nàng những khát vọng về hạnh phúc; như khơi dậy trong trái tim nàng bao nỗi buồn thương khắc khoải. Đến bức tranh thứ ba tâm trạng của người chinh phụ được hiện lên trong sự đối lập giữa người và cảnh. Người thì cô độc, lẻ loi cảnh thì sum vầy, có đôi: “Trĩ xập xòe, mai cũng bẻ bai”. Đôi uyên ương hạnh phúc bên nhau bao nhiêu thì như dao cứa vào lòng người chinh phụ bấy nhiêu.

Đặc biệt ở bức tranh này ta còn bắt gặp một hình ảnh ẩn dụ: “Con chim bạt gió lạc loài kêu sương”. Cánh chim ấy có vẻ như tương đồng với thân phận của người chinh phụ. Cũng lẻ loi, cô độc, côi cút, thương tâm. Tiếng kêu của con chim phải chăng cũng là tiếng lòng của người chinh phụ đang được thả ra giữa mênh mông của đất trời. Nhìn cảnh những cảnh nhỡn tiền của tạo hóa như thế ta không khỏi nghĩ đến cái sự cô quạnh, trống trải, vắng vẻ, cô đơn của người vợ xa chồng với bao nỗi khát khao đau đớn. Cuối cùng là bức tranh vô vọng thứ tư. Ở bức tranh này thế giới tự nhiên cũng lấn át thế giới con người. Trong cái không gian trập trùng từ gần đến xa với cảnh con sông nước chảy quanh co uốn khúc trước mắt cho đến rừng thông chen chúc với khóm lau ở phía mờ xa, con người hiên ra dường như rất mờ nhạt. Xem bức tranh này người ta có cảm giác người chinh phụ đang cố lên cao, cố kiễng chân lên để nhìn được xa hơn với một hy vọng là trông thấy người. Hy vọng cũng chỉ là mong manh vậy thôi. Trông thấy người để lại hy vọng tiếp người đó là đối tượng ngóng chờ của mình. Nhưng hỡi ôi, cái bóng người thôi cũng chẳng có: “Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về?”. Câu hỏi cứ như xoáy vào lòng người và cũng chốt lại một tuyệt vọng. Cuối cùng chỉ có một nỗi cô đơn và sự khắc khoải đến đau đớn là hiện hữu giữa bốn bề mênh mông, lặng ngắt. Đó chính là nỗi niềm tâm trang của người chinh phụ.

“Trông bốn bề” là một trong những trích đoạn tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh ngụ tình (qua việc miêu tả cảnh vật để thể hiện nỗi niềm tâm trạng, tình cảm của con người). Bằng bút pháp nghệ thuật đặc sắc đó đoạn trích đã dựng lên một bộ tứ bình phong cảnh nhưng cũng là tứ bình về tâm cảnh. Nhưng hơn cả vẫn là một tấm lòng thấu hiểu, cảm thông sâu sắc với người chinh phụ cùng với sự tài hoa đặc biệt mà các tác giả của “Chinh phụ ngâm” đã vượt qua nhưng khuôn thước sáo mòn của nghệ thuật cổ điển đương thời để đem đến cho bạn đọc các thời đại một bức tranh chân thực và chan chứa tình đời, tình người. Xem mỗi bức tranh trong bộ tứ bình ấy người ta đều thấy được một nỗi lòng của người chinh phụ mà nỗi lòng nào cũng cô đơn, buồn thương, khắc khoải đến đớn đau như cắt lòng. Thấu hiểu và thấu cảm bức tranh tâm cảnh trong đoạn trích ta sẽ hiểu được tại sao bốn bức tranh đẹp như những nét vẽ thủy mặc mà lại buồn nao lòng đến vậy. Nhận ra cái đẹp và nét buồn trong bộ tứ bình chúng ta cũng sẽ thấy được cái tâm và cái tài của tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm trong việc gửi gắm tiếng nói phản chiến mạnh mẽ qua tác phẩm. Đây cũng chính là giá trị và sức sống vượt thời gian của đoạn trích cũng như là của tác phẩm.

Bạn đang đọc bài viết "“Trông bốn bề”: Bức tứ bình của “Chinh phụ ngâm”" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn