Nói đến Giáo sư Trần Thanh Vân – Việt kiều Pháp - đương nhiên phải nói đến Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) do ông thành lập tại Quy Nhơn. Dưới đây là những tâm tư của ông về sự ra đời của ICISE cùng những mong muốn đóng góp cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam.
Ở Việt Nam, ông được biết đến với tư cách là nhà sáng lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành. Xin ông cho biết từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã và sẽ làm những gì cho đất nước Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ?
Trên nền tảng hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục từ năm 1993 đến nay, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam mong muốn xây dựng tại Việt Nam một điểm gặp gỡ, trao đổi, giao lưu khoa học, góp phần làm cầu nối cho giới khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế.
Chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo 05 tỉnh khu vực Miền Trung có các thành phố ven biển như Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết trước khi đến Bình Định và đã được tất cả các lãnh đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi.
Ngày 05/8/2008, chúng tôi đến Quy Nhơn gặp lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để khảo sát triển khai dự án thành lập ICISE. Thấy rõ sự quan tâm và tinh thần tôn trọng khoa học, giáo dục của ông Vũ Hoàng Hà - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Ban lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã quyết định dừng chân lại ở Quy Nhơn để thành lập Dự án nói trên nhằm đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
ICISE có sứ mệnh là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. ICISE sẽ là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp học chuyên đề phục vụ nghiên cứu nhằm mục đích kết nối cộng đồng khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học thế giới, tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với các nhà khoa học nước ngoài, nâng cao hình ảnh, vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.
ICISE ra đời với ước nguyện sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE đã, đang là điểm đến của khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đẩy mạnh thêm cố gắng của Chính phủ về phát triển khoa học và đào tạo.
ICISE được khởi công xây dựng ngày 11/12/2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12/8/2013. Với các hoạt động tích cực đóng góp cho khoa học Việt Nam và khoa học thế giới, ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đạt giải Nobel.
Các sự kiện khoa học được tổ chức tại ICISE đã quy tụ hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực về Bình Định, với sự tham gia của 20 giáo sự được giải thưởng Nobel và huy chương Fields, mang đến Việt Nam luồng sinh khí mới trong lĩnh vực khoa học, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các phương pháp giáo dục tiên tiến, các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, tìm kiếm học bổng tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài; tạo điều kiện để thiết lập các hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhóm khoa học trong nước và quốc tế.
Những buổi nói chuyện đại chúng cũng như những ngày các học sinh được giải Olympic quốc tế giao lưu và đàm thoại với các giáo sư Nobel hay những nhà khoa học nổi tiếng như các GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn đã truyền cảm hứng và thắp lên ngọn lửa yêu khoa học trong tim của thế hệ trẻ. Vì vậy, ngay từ năm 2008, lúc chúng tôi trình dự án Trung Tâm Hội nghị quốc tế đầu tiên ở Quy Nhơn, chúng tôi đã có đề nghị thành lập nhà chiếu hình vũ trụ trong tinh thần đưa khoa học đến cùng quần chúng. Với sự thành công của Trung Tâm ICISE từ ngày khai trương, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã dựa trên kinh nghiệm của ICISE để cùng với tỉnh Bình Định đề nghị với Chính phủ xây dựng từ đầu dự án Trung Tâm Khám phá Khoa học, hiện nay đã đi vào hoạt động và đã là điểm đến của các học sinh và giới trẻ của toàn nước. Có những ngày đón tiếp hàng ngàn học sinh và sinh viên thăm và học hỏi, gợi lên tình yêu khoa học cho giới trẻ và nâng cao hình ảnh đặc biệt Thành phố khoa học cho tỉnh Bình Định.
Về phát triển khoa học và công nghệ, năm 2015, chúng tôi đã cùng với GS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với Tỉnh quy hoạch khu Đô thị Khoa học Quy Hòa; một đô thị khoa học đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ và đồng ý chủ trương.
Xin ông cho biết, vì sao ICISE lại đặt trụ sở ở Quy Nhơn chứ không phải là những đô thị lớn là Hà Nội hay TPHCM?
Mục đích chính của các hội nghị mà Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức là tạo điều kiện để các nhà khoa hoc gặp gỡ và trao đổi để tìm hiểu về các vấn đề khoa học. Chúng tôi không chọn các thành phố lớn vì chúng tôi muốn các đại biểu dự hội nghị tập trung vào đề tài hội nghị, chia sẽ ý tưởng với các bạn đang dự hội nghị chứ không bị chia phối bởi các mối quan hệ hay cuộc sống xã hội, các tham quan, gặp gỡ các bạn trong các viện nghiên cứu hay đại học khác trong những đô thị lớn.
Ở Pháp, lúc chúng tôi thành lập các hội nghị Gặp gỡ Moriond, chúng tôi đã chọn làng Moriond trên núi xa xôi để các nhà khoa học tập trung ý tưởng để trao đổi không bị chia phối gì cả. Vì vậy, hiện nay, sau gần 60 năm hoạt động, Gặp gỡ Moriond vẫn tiếp tục là điểm đến hàng năm quan trọng nhất của các nhà khoa học thế giới trong ngành vật lý hạt và vật lý thiên văn để chia sẽ các khám phá mới nhất trong ngành. Sự yên tĩnh, một cảnh quan phù hợp với thiên nhiên như Trung tâm ICISE hiện nay là nơi rất hấp dẫn cho các nhà khoa học chỉ biết cống hiến đời mình để tìm hiểu, nghiên cứu cho phát triển khoa học.
Chúng tôi rất cảm kích ý tưởng của ông Vũ Hoàng Hà lúc cầm chân chúng tôi lại với mong ước là các nhà khoa học đến Quy Nhơn để đóng góp cho sự phát triển khoa học cơ bản chứ không đề nghị với chúng tôi đến đây để phát triển du lịch khoa học.
Theo ông, nền khoa học và giáo dục Việt Nam nên học hỏi như thế nào với thế giới để có thể phát triển thiết thực cho đất nước?
So với trình độ khoa học của các nước phát triển thì ai cũng biết Việt Nam chúng ta là nước đi sau. Do vậy, việc học hỏi và giao lưu với các nhà khoa học của thế giới là hết sức cần thiết ngay cả với những người đã từng học tập và công tác ở nước ngoài. Trong thời đại Internet đã hiện diện khắp thế giới thì các nhà khoa học trong nước có thể giao lưu với thế giới hết sức thuận tiện nhưng cũng chưa thể đầy đủ. Cần những cuộc gặp gỡ trực tiếp trong một bầu trời yên tĩnh và thảnh thơi để từ đó có những kết nối mạnh mẽ và chặt chẽ hơn để truyền lửa đam mê khoa học và dọn đường cho sự phát triển của nước nhà trong tương lai.
Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi phải vận động và đầu tư cho sự hình thành của ICISE với mong muốn mời được các nhà khoa học hàng đầu và động cơ của khoa học quốc té đến với Việt Nam. Nhằm mục đích để giới khoa học trong nước tham gia nhiều hơn, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã được thành tập từ năm 1994 đến nay, các lớp học chuyên đề hàng năm. Nhiều sinh viên đã có dịp tiếp tục được đào tạo thêm bậc tiến sĩ ở các Đại học Âu, Mỹ và Á châu.
Trong tên gọi của ICISE có 2 chữ "liên ngành", xin ông cho biết, giá trị của khoa học liên ngành là ở chỗ nào?
Nền khoa học ngày nay của thế giới đã và đang phát triển một cách liên ngành và rất cần sự tích hợp của nhiều lĩnh vực để giải thích nhiều vấn đề phức tạp. Một ví dụ cụ thể: nhờ sự liên kết với vật lý hạt, vậy lý thiên văn mới có thể hiểu được sự tiến hóa của vũ trụ từ lúc «Big Bang» đến giờ nay. Chính vì thế, chúng tôi rất chú trọng đến tính liên ngành cho các hoạt động của mình.
Sẽ không có những cuộc cách mạng về khoa học nếu không xây dựng và thúc đẩy những sự tích hợp liên ngành. Chính vì thế và cũng là theo gương của các nước phát triển, chúng tôi rất mong giới khoa học trong nước có sự học hỏi và hợp tác liên ngành với nhau để giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp mà chỉ một ngành khoa học riêng lẽ không thể giải quyết được. Điển hình có thể nói đến ngành công nghệ thông tin là một ngành có thể ứng dụng cho rất nhiều ngành khoa học, ngành sinh học nguyên tử phát triển mạnh khi liên kết với vật lý và toán học.
Cuối cùng, ông kỳ vọng gì về thế hệ trẻ Việt Nam trong khoa học và giáo dục?
Tương lai của đất nước chúng ta sẽ dựa trên thế hệ trẻ. Tâm huyết của chúng tôi là luôn luôn nhắm đến thế hệ trẻ. Cụ thể là đã thành lập nhóm nghiên cứu về hạt neutrino ở viện IFIRSE, trực thuộc ICISE, đã đưa các nhà khoa học trẻ chính thúc gia nhập đội ngũ nghiên cứu quốc tế.
Các nhà khoa học trẻ trong nước hiện có rất nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi khi còn trẻ như họ. Với những người như chúng tôi, việc được gặp gỡ, giao lưu với thế hệ trẻ vừa là trách nhiệm vừa là động lực lớn thúc đẩy chúng tôi trong các hoạt động khoa học tại Trung tâm ICISE: truyền lửa đam mê khoa học.
Chính vì tâm nguyện đó, chúng tôi đã thành lập và xây dựng ICISE tại Quy Nhơn và không có gì mong muốn hơn là ngày càng được đón tiếp thế hệ trẻ đến với chúng tôi cùng các nhà khoa học nước ngoài có thiện chí với đất nước để chúng ta cùng nhau xây dựng một thế hệ các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai có thể hội nhập sâu rộng với giới khoa học quốc tế.
Xin cám ơn giáo sư!