Trường Sơn một thời để nhớ

Triều Dâng - Tuyện & Thơ

27/09/2022 08:03

Theo dõi trên

Bệnh viện của binh trạm 34 nằm trong thung lũng. Xung quanh nhiều núi cao rừng già, nên cũng ít bị máy bay Mỹ quấy nhiễu.

Đến viện đã mấy ngày, vẫn sốt ly bì. Người còm nhom. Chưa thể đi lại được. Ngày nào cũng lên cơn sốt, nhưng không toát mồ hôi như sốt rét. Nhiệt độ cao. Đo toàn 40 - 41 độ. Tôi cảm nhận được nó luôn gây đau buốt ở khoang bụng. Nhiều lúc tự nhiên thấy nhói một cái đến rợn người. Hay khi quay người đột ngột cũng thế, nhưng bác sĩ không tin tôi nói. Vì vết thương không có lỗ xuyên vào, đành chịu thua bác sĩ...

dvh1av1-1664240567.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi nghĩ đây là mảnh bom rất nhỏ, nhưng sắc nhọn như mũi kim, nên mới buốt ghê người. Tiếc là ở Trường Sơn không có máy X quang để chụp. Đã bao lần tôi ngất xỉu vì nó.

Điều trị hai tuần, chắc có tiêm kháng sinh nên đỡ sốt. Tôi đi lại được, liền ra ngoài dạo chơi tắm nắng cho thoải mái, rồi đi lang thang quanh quẩn một lúc...

Gần lán ở có cây hồng rất nhiều quả, nhưng cây to và cao quá, không tài nào lấy được. Hơn nữa bác sĩ đã dặn sốt rét không được ăn quả rừng dễ bị quật lại.

Mấy hôm sau buổi trưa vắng vẻ, có đàn chim sáo đang tranh nhau ăn hồng trên cây, quả chín rụng xuống rào rào, tôi nhặt mấy quả ăn thử. Quả là rất ngon.

Liền lấy đầy túi quần, rồi tìm chỗ vắng để ăn cho thoả thích. Đi dọc các lán đến cuối bệnh viện, qua một vạt rừng thưa, gần bờ suối ngay chân núi có một lán bỏ không. Liền vào xem thì thấy có hai cái sạp để nằm. Vào ăn vừa kín lại vắng chả ai biết.

Thế là tôi nằm lăn trên sạp, rồi bỏ hết hồng ra, vừa ăn vừa cảm nhận hương vị của nó, thơm giòn giống như hồng ngâm ngoài Bắc. Đang thoải mái vô tư, bỗng tự hỏi lán này giành cho ai...

Nhà bảo vệ, không phải vì bên kia suối là núi rồi. Cho ai nữa nhỉ...

Chết rồi! Đây chính là nhà xác không sai. Thấy người hơi rờn rợn. Phải về mau thôi. Để ít quả lại biếu tặng mọi người. Có linh thiêng phù hộ cho những ai còn đang sống nhé.

Chiều ấy tôi có cảm xúc ghi lại sự việc vừa rồi bằng bài thơ sau:

ĂN HỒNG...

Nằm viện gần nửa tháng

Thấy người kha khá rồi

Sáng nay giời mát mẻ

Thủng thẳng đi bộ chơi

Gần lán tôi đang ở

Có cây hồng rất cao

Thân to như cây gạo

Quả chín vàng ngon sao

Mỗi lần đàn chim đến

Quả rụng xuống rào rào

Tôi liền ra gốc nhặt

Ăn thử xem thế nào

Quả rừng đã bị cấm

Bác sĩ biết thì sao

Liền đi tìm chỗ vắng

Mà lòng thấy xốn xao

Tít xa kia có lán

Cạnh dòng suối nước trong

Bên kia là sườn núi

Ngồi ăn có khoái không…

Vừa nhai vừa suy nghĩ

Lán này giành cho ai

Cảm giác như linh tính

Đây nhà xác chẳng sai

Thấy gai người rờn rợn

Biếu ít hồng tặng ai

Mời mọi người dùng tạm

Những cô gái chàng trai

Ôi cái tình đồng đội

Tháng năm mãi nhớ hoài...

Ở viện chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh. Bác sĩ nói theo chuyên môn. Còn tôi vẫn nghĩ do vết thương chột nơi khoang bụng chính là thủ phạm gây sốt giật!

Cuối cùng bác sĩ phải cho tôi ra viện đoàn 559 điều trị tiếp. Chuyển viện mùa mưa nên mọi người đều phải đi bộ. Tôi đi được khoảng 30 phút thì không theo kịp đoàn, đành quay lại bệnh viện. Chục ngày sau khoẻ hơn cố đi ra viện đoàn 559.

Sau này tôi được nghe chuyện về tiểu đội nữ TNXP Tây Trường Sơn đã anh dũng hi sinh khi các O làm cọc tiêu dẫn xe qua ngầm. Một hành động khiến lính ta nể phục. Vì trời quá tối, các O đã tự cởi áo, lấy làn da trắng thân mình làm cọc tiêu cho xe các anh vượt ngầm. Nên tôi có bài thơ tặng các O như sau:

SUỐI CON GÁI*

Máy bay quần nát đêm trường

Đèn gầm vẫn đủ nhìn đường xe đi

Tiếng OV...vọng ầm ì

Đèn đành phải tắt để thì lộ ngay

Tầm nhìn chỉ độ sải tay

Vượt ngầm thì quả thật gay go rồi

Lấy màu da trắng thân người

Làm cọc tiêu sống dẫn tôi qua ngầm

Khắp nơi bom giội ầm ầm

Có em xe vẫn âm thầm vượt qua

Loạt tia chớp sáng chói lòa

Loạt bom hủy diệt nát ra hết rồi

Bàu nhàu máu thịt em trôi

Quờ tay như thấy đất trời nghiêng chao

Hồn trinh hóa những vì sao

Hóa thành bất tử hóa vào trang thơ

Kể từ độ ấy đến giờ

Thành "SUỐI CON GÁI” mà ngơ ngẩn người!

* (Sau khi các O hi sinh, mọi người qua đây đã gọi là "SUỐI CON GÁI" để tưởng nhớ đến các O)

Bệnh viện đoàn 559 nằm ở Xa Va Na Khẹt Lào. Nơi rừng già, cây cành đan vào nhau kín mít. Ở xa đường tuyến, hơn nữa đang mùa mưa nên cũng ít máy bay. Vết thương vẫn vậy chả khá lên là bao. Khi quay người đột ngột vẫn bị buốt nhói, rồi cũng sốt nhưng chỉ 40 độ trở xuống.

Ở lại không được, bệnh viện cử tôi dẫn 11 người ra Bắc điều dưỡng.

Đoàn vừa đi khoảng hơn cây số, đến chỗ rẽ thấy mấy người khiêng liệt sĩ. Liền hỏi nhau có đường nào đi tránh không nhỉ. Một người nói không có đâu, đi thôi. Với lại sinh dữ tử lành kia mà. Thì ra nó vừa ném bom xong...

Chúng tôi đi qua vẫn còn mùi khen khét. Khi đến gần con sông nhỏ đang chuẩn bị cởi quần áo gói ghém buộc trong nilon để bơi, thì một thằng F4 bay dọc sông ngay trước mặt. Tôi bảo ta may quá. Chỉ nhanh mươi phút mà đang bơi giữa sông thì nguy to.

Lên bờ đi một đoạn đã gặp bãi trống. Cây cối trụi lủi, chẳng còn bóng cây mà ẩn nấp. Tôi bảo mọi người phải bám sát nhau. Lúc nào có máy bay qua đầu, lúc đó hô nhau chạy. Khi nó bắt đầu lượn vòng quay lại, tất cả phải nằm im không được cựa quậy.

Dặn dò xong ra nghe ngóng, thấy yên tĩnh liền bảo nhau xuất phát. Đến giữa bãi trống, thì một thằng trực thăng đang lù lù bay tới. Chúng tôi kịp thời nằm xuống, may có những lùm cây lúp xúp đủ cho mọi người nằm ẩn ở đó. Nó bay ngay trên đầu, đến hết bãi trống rồi quành lại. Đợi bay qua đầu hô nhau chạy tiếp. Rất may là nó không lượn vòng lại nữa. Thật hú vía...

Còn nhớ chiều hôm ấy, đến trạm khách ngay thung lũng. Cây rừng rậm rạp nhưng có vẻ hoang vắng. Đang chuẩn bị ăn thì anh nuôi thông báo cơm hôm nay hơi sạn, vì kho mới bị đánh bom, gạo lẫn sạn nhiều, mà sạn đá trắng nên dù đãi và nhặt thế nào cũng không hết. Mọi người ăn nhai nhẹ, nếu nhai mạnh có khi gẫy răng.

Quả thật ăn khó nhằn sạn ra được. Thôi thì nhai trếu tráo rồi nuốt chửng để lấy sức mà đi. Sáng sau vẫn thế. Ăn xong lên đường đi tiếp. Anh nuôi đưa mỗi người một nắm cơm bằng quả trứng vịt để ăn trưa. Khi ăn cũng không dám nhai, liền bẻ nhỏ rồi cho vào mồm nuốt... Đó là trạm khách duy nhất ăn cơm không nhai...

Lại có trạm phải vượt núi đá tai mèo. Thang bằng gỗ dựng đứng. Hôm ấy cô gái giao liên dẫn đường nên mọi người khí thế lắm. Khi bám thang tôi nhìn người nọ nối người kia, chân người trên như đạp đầu người dưới. Đến chỗ nghỉ tôi có cảm xúc viết bài thơ:

EM GÁI GIAO LIÊN

Ba lô con cóc gọn gàng

Bốn quai đôi dép dọc ngang núi đồi

Bà ba bó sát thân người

Ngại ngùng cả giọt mồ hôi...dám bò

Đường đi uốn lượn quanh co

Bắc thang dựng đứng lò dò mà lên

Tai bèo đụng gót người trên

Đặt chân tới đỉnh là quên mệt rồi

Gió đùa mái tóc em tôi

Xốn xang một khoảng đất trời gần xa

Làm nên cả một rừng hoa

Có em đỉnh núi như là thấp hơn...

Cứ thế đi hết trạm này đến trạm khác. Rồi một hôm, trong bữa ăn tối một cán bộ của trạm thông báo mai vượt dốc Nguyễn Chí Thanh. Dốc vừa cao vừa dài. Vượt qua dốc cũng là một cung đường, sang trạm bên kia ngay cuối dốc. Nhưng vất vả hơn mọi trạm rất nhiều. Các đồng chí chuẩn bị tinh thần, hãy cố gắng vượt qua.

Sáng hôm sau tôi đi tốp đầu. Đây cũng là trạm đuy nhất trên đường, không cần dừng nghỉ, mà ai đi mệt ở đâu thì nghỉ ở đó. Vì không sợ bị lạc lối bởi chỉ có một con đường độc đạo. Chúng tôi hăm hở lên dốc. Chân bước từng bước một cho chắc. May mà chiều qua đã chặt sẵn mỗi người một cái gậy để chống, nên có tác dụng rất tốt.

Càng đi lên dốc, cảm thấy bước đi nặng dần, người cũng khom dần xuống như lấy đà. Thỉnh thoảng mấy con chim hót véo von trên đầu, rồi mấy chú khỉ đùa nhẩy ngay trên cành cũng chả thèm để ý nữa. Giờ thì mồm mũi đã tranh nhau thở! Gần trưa ì ạch cũng leo lên đỉnh dốc. Chúng tôi bảo nhau mắc võng trên đỉnh Trường Sơn. Lấy nắm cơm ra ăn, cảm nhận sao mà ngon thế. Đung đưa võng, rồi chìm dần trong giấc ngủ lúc nào không hay.

Ngủ một giấc, mấy anh em hô nhau dậy đi tiếp. Chắc xuống dốc sẽ dễ dàng hơn, ai ngờ cũng khó ra phết. Nếu không có gậy thì rắc rối to chứ chả chơi. Tất cả sức nặng đều dồn lên đầu gậy đỡ cho người khỏi lao xuống dốc. Không khác gì mình phải liên tục phanh lại, hãm cho đi từ từ. Nếu trượt chân là lăn xuống vực...

Xế chiều chúng tôi cũng vượt qua hết dốc! Đúng là hú hồn. Chả thế mà đặt tên dốc, lấy tên Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh để xốc tinh thần lính quả là quá chuẩn. Còn nghe đâu ở Tây Nguyên có dốc bò lăn. Chắc là dốc đứng nên mới khủng khiếp thế.

Mấy hôm sau đến một con sông khá rộng, mới có trận mưa to. Nước chẩy cuồn cuộn. Đằng nào cũng phải vượt. Chúng tôi bàn nhau cách vượt sông. Ước lượng sức nước chẩy để bơi cắt chéo dòng sông. Mọi người nhất trí đi ngược lên 100 mét. Rồi bơi chéo xuống áp sát bờ bên kia, nhanh chóng bám vào cành cây nằm xà xuống sông để lên đường mòn đi tiếp.

Đúng như tính toán, tất cả đều bơi qua sông an toàn... đến chiều nằm võng nghỉ ngơi tôi liền viết bài thơ:

ĐƯỜNG HÀNH QUÂN

Chuyển tuyến sau điều dưỡng

Tôi toán trưởng dẫn đường

Mọi việc đều khẩn trương

Mười một người ra Bắc...

Khói bom lùa cay mắt

Địch oanh tạc nơi đây

Thấp thoáng bên lùm cây

Mấy người khiêng liệt sĩ

Tránh đường nào được nhỉ

Không có đâu...đi thôi

Bãi trống phải vượt rồi

Vừa đi vừa quan sát

Trực thăng rẽ đột ngột

Phải tức tốc nằm ngay

Đợi qua đầu nó bay

Hô nhau co cẳng chạy

Khi nó nhìn không thấy

Ta càng phải khẩn trương

Với bản lĩnh ngoan cường

Cùng vượt qua bãi trống

Thông minh giành sự sống

Chẳng sợ lũ máy bay

Chiến trường là nơi đây

Đã làm nên huyền thọai!

Cứ thế chúng tôi đi theo giao liên với quãng đường khá dài, từ Xa Va Na Khẹt, qua Khăm Muộn. Chỉ ngày mai là đến trạm khách Quảng Bình. Ôi Tổ Quốc muôn vàn mến yêu, những đứa con đã hoàn thành nhiệm vụ trở về đất mẹ rồi đây.

Sáng hôm sau tạm biệt trạm 6 Lào về Việt Nam. Lòng bồi hồi khó tả. Không thể nghĩ mình có ngày hôm nay.

Đến trạn khách Quảng Bình, gặp các anh chào hỏi hồ hởi như đã từng quen nhau từ lâu. Chỉ cho chúng tôi chỗ nghỉ, chỗ mắc võng, nơi đi tắm giặt xong rồi về ăn cơm.

Xuống nhà bếp thấy cơn trắng tinh. Thịt hộp nấu rau rừng trông sao mà ngon thế. Đoàn chúng tôi có 11 người, các anh cho hai mâm, còn cơm xới đầy thúng khiêng ra ăn thoải mái. Ăn hết nhẵn cả thúng cơm mà vẫn thấy thòm thèm. Anh nuôi hỏi các đồng chí no chưa. Mọi người cười bảo chưa ạ. Anh nuôi lại cho hẳn hai mâm 6 nữa. Bọn tôi đua nhau ăn. Một lúc cũng hết luôn. Cả trạm trố mắt nhìn thán phục, anh nuôi hỏi có ai làm sao không. Tất cả trả lời không sao ạ. Thế mới no... Cám ơn các anh nhiều.

Khi nằm võng hỏi nhau mày ăn mấy bát. Thì người ít nhất cũng tám chín bát B52. Còn người nhiều tới mười hai mười ba bát... Quả là quá khủng khiếp và cũng là kỉ niệm có một không hai trên đời...

Sau này những kỉ niệm Trường Sơn luôn ùa về trong những giấc mơ, trong tâm trí của tôi. Bao nhiêu gian khổ, hi sinh, của đời lính, trước cảnh hoang tàn, những thời khắc chiến tranh ác liệt đến rùng rợn... Hình ảnh Trường Sơn và tình đồng đội mãi in đậm trong ký ức đời lính, vừa đẹp, vừa hào hùng, bao vất vả, gian khổ, với những lúc đói cơm khát nước. Rồi đồng đội hy sinh thịt xương tan nát thật thảm khốc. Luôn ùa về trong những giấc mơ... Đã thôi thúc tôi viết những bài thơ, trong đó có bài: ĐỒNG ĐỘI. (được giải nhì không có giải nhất) cuộc thi thơ về đề tài: "NGƯỜI LÍNH VÀ CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG" do BCHQS và HVHNT tỉnh Hải Dương đồng tổ chức. Xin tặng mọi người:

ĐỒNG ĐỘI

Ba người trong tổ tam tam

Đều là binh nhất quân hàm như nhau

Ngôi sao trên mũ đội đầu

Xanh xanh áo lính tươi màu cỏ cây

Tai bèo thấp thoáng trong mây

Đôi chân vạn dặm tràn đầy sức trai

Trường Sơn xẻ dọc càng dài

Quân trang trĩu nặng hai vai xá gì…

Đường xa dẻo bước quân đi

Nhận thư thủ thỉ, thù thì đọc chung

Chẳng may gặp trận sốt rừng

Ba lô chất cả trên lưng lặc lè

Mồ hôi vắt kiệt nắng hè

Chiều tà bầy muỗi le ve quanh mình

Chớp bom loé bất thình lình

Xông lên dẫu biết hy sinh cũng vì

Bị thương cõng bạn cùng đi

Bước qua cái chết có gì phân vân

Thương nhau tý xíu cũng phần

Quý nhau như thể tình thân ruột già

Ta là bạn - bạn là ta

Con tim như đã cùng hoà nhịp chung!

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Trường Sơn một thời để nhớ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn