Trưởng thành từ nơi đất lửa Trị - Thiên

Cứ mỗi dịp xuân qua rồi hè tới, từ sâu trong tâm khảm đại tá Lê Văn Điệp lại bồi hồi nhớ về những ngày đầu của đời quân ngũ, nhớ vùng đất lửa Trị-Thiên cách đây tròn nửa thế kỷ năm. Những trận đánh thử lửa mãi mãi khắc sâu vào trong ký ức, tạo thành nền tảng để ông gắn bó với đời binh nghiệp.
tri-thien1-1639451069.JPG
 

 

Khi đang là học sinh cuối năm lớp 9, Trường cấp III Lạng Giang, Lê Văn Điệp tạm xếp bút nghiên, tạm biệt quê hương (Thôn Đồng Nô, xã Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang) lên đường nhập ngũ vào tháng 04/1970 với lá đơn tình nguyện. Anh được biên chế vào B1, C3, D1, E568 đóng tại Mai Sưu, Lục Nam. Sau huấn luyện, tháng 12/1970 đơn vị anh được lệnh bổ sung cho chiến trường Miền Nam và giữ chức A phó. Theo kế hoạch đơn vị sẽ bổ sung cho chiến trường B2 (Quân khu 9), nhưng đến Quảng Trị, thì chuyển sang bổ sung cho mặt trận B5 (Bình-Trị-Thiên). Được huấn luyện sử dụng hoả lực bộ binh như: B40, B41, A72, B72, anh được biên chế là xạ thủ B41 của đoàn pháo 204 của Bộ tư lệnh Pháo binh. Ở Quảng trị, ngày ngày, anh cùng đồng đội phải chứng kiến những trận pháo kích, bom toạ độ của máy bay B52 dải thảm…. Những cánh rừng Trường Sơn bát ngát, bị cày xới đến tận đá gốc, lá rụng vì chất độc da cam, xơ xác. Đường tắc, xe cháy, người hy sinh trên các tuyến đường tây Trường Sơn. Cả đơn vị nóng lòng muốn xung trận, một phen sống mái với quân thù, nhưng phải nén lại.

Anh nhớ như in ngày nổ súng mở màn chiến dịch Đường 9-Nam Lào là ngày 12/02/1971, chống cuộc hành quân Lam sơn 719 của địch, nhằm đánh bật quân ta ở Bắc Quảng trị và Nam Lào trước mùa mưa. Không khí chuẩn bị chiến đấu của đơn vị dồn nén đến căng thẳng, nhưng tất cả đều phải im lặng. Ngày 13/03/1971 đơn vị được lệnh xung trận, Lê Văn Điệp cùng đồng đội cắt rừng mật phục tại cây cầu trên đường 9 cách động Chi (Hướng Hoá-Quảng trị) 3 km sát biên giới Việt-Lào. Khoảng 05 giờ chiều, đoàn xe tăng của địch ầm ầm nghiến xích tìm lực lượng ta để tiêu diệt và tăng cường cho các cứ điểm. Được lệnh nổ súng, Lê Văn Điệp bình tĩnh tiến vào cự ly hiệu quả của súng B41, lấy tư thế rồi nhằm vào chiếc xe tăng đi đầu và xiết cò. Một tiếng nổ vang rừng, cột lửa bùng lên chùm kín chiếc xe tăng, cả đội hình hành quân của địch hoảng loạn. Chúng bắn như vãi đạn ra bốn phía. Anh lợi dụng địa hình địa vật tiếp tục áp sát, nhằm tiếp vào chiếc xe đi giữa, xiết cò. Lại một chiếc xe tăng địch bùng cháy. Đơn vị ào lên tiến công. Đoàn xe địch hoảng loạn, tháo chạy dọc theo đường 9, bị các chốt đón lõng đánh thiệt hại nặng. Thoát ly khỏi trận địa theo kế hoạch, đơn vị rút ra tập kết tại động đá Phan Thiên ở đồi Không Tên (Hướng Hoá-Quảng Trị) cách đường 9 khoảng 5 km. Địch phát hiện và cho một đại đội lính Mỹ bao vây, nhằm tiêu diệt gọn. Tiểu đội phó Lê Văn Điệp được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu đội dùng B41 phá vòng vây. Cả tiểu đội leo qua vách đá dựng đứng vòng ra phía ngoài, dùng B41 bắn vào đội hình địch, phá vỡ vòng vây để đưa thương binh ra ngoài. Địch bổ sung quân đánh chiếm được đồi và dùng mình đánh sập hang, làm hơn 20 chiến sỹ và thương binh phải vĩnh viễn nằm lại. Trận đánh đầu tiên trên đường 9 ấy, Lê Văn Điệp được tặng danh hiệu dũng sỹ điệt Mỹ-diệt xe cơ giới và Huân chương chiến công hạng Ba.

tri-thien2-1639451106.JPG
Hai ảnh trên là hình Đại tá Lê Văn Điệp và vợ

 

Chiến dịch đường 9 - Nam Lào kết thúc, Lê Văn Điệp được ra Bắc và đi học tại Trường sỹ quan pháo binh ở Sơn Tây. Chiến dịch Quảng Trị nổ ra, khoá học phải kết thúc sớm. Tháng 07/1972, Lê Văn Điệp được bổ sung về Trung đoàn 16 (Bộ Tư lệnh Pháo binh) và được phong quân hàm Chuẩn uý, Chủ nhiệm trinh sát tiểu đoàn, trực tiếp phụ trách một đài quan sát. Vào đến Quảng Trị, chiến dịch đã diễn ra được hơn một tháng. Đài quan sát của Lê Văn Điệp đặt trên đồi Đá Đứng ở Bắc sông Thạch Hãn, cách Thành cổ 02 km đường chim bay, có nhiệm vụ dẫn bắn cho đơn vị. Từ đây dùng ống nhòm quan sát được các thế trận của ta và địch, chỉ dẫn cho pháo binh bắn chi viện cho lực lượng bảo vệ thành cổ. Địch phá hiện được đài quan sát của ta đặt trên đồi Đá Đứng, đã dùng pháo binh, pháo hạm, bộ binh vượt sông đánh lấn sang bằng mọi giá. Bữa cơm ở đài quan sát ăn đến mấy lần chưa xong vì pháo bầy, pháo chụp của địch dội như giã gạo. Ngớt tiếng pháo, khói chưa kịp tan người lên đài quan sát, người còn lại ăn tiếp bữa. Đất đá trên đồi Đá Đứng bị cày xới cháy thành vệt đen vệt đỏ, đá vụn như vôi bột, nhưng đài quan sát vẫn kiên cường chỉ dẫn cho đồng đội đánh địch. Có lần lính thuỷ quân lục chiến của địch liều lĩnh vượt sông Thạch Hãn đánh đài quan sát, nhưng bị đơn vị bộ binh bảo vệ dũng cảm đánh bật trở lại. Chiến dịch bước vào giai đoạn cao điểm, đài quan sát của Lê Văn Điệp dẫn bắn chi viện. Có ngày mỗi khẩu đội bắn chi viện bộ binh lên đến 200 viên pháo 155 ly, đống cắt tút to như đống rạ. Bầu trời thành cổ mù mịt khói đạn, bom.

Khi quân ta rút khỏi Thành Cổ an toàn, chiến dịch Quảng Trị kết thúc, tháng 10/1972 Chuẩn uý Lê Văn Điệp vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Sau hiệp định Pari, anh cùng đồng đội đón những chiến sỹ bị địch bắt được trao trả tại bờ sông Thạch hãn, nơi đài quan sát cắm chốt. Sau đó đơn vị phối thuộc với Sư đoàn 324, chiến đấu ở phía tây Quảng Trị, anh phụ trách 03 đài quan sát của tiểu đoàn. Anh tham gia các trận đánh ở Đồn Bồ, Phổ Lại, Đồng Lâm. Đặc biệt là Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26/03/1975, anh chỉ huy chặn địch ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền, không cho địch chạy thoát ra ngoài. Thừa Thiên-Huế được giải phóng, đơn vị ở lại bảo vệ không tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, anh trở lại Trường sỹ quan pháo binh học khoa trinh sát, ra trường về làm đại đội trưởng huấn luyện của Trường hạ sỹ quan quân khu IV. Năm 1978 Trung uý Lê Văn Điệp được đề bạt là Tiểu đoàn phó và đi đào tạo cán bộ Trung, Lữ đoàn đến năm 1981 thì ra trường và được điều về công tác tại đặc khu Quảng Ninh. Năm 1985, anh được phong quân hàm thiếu tá là Trung đoàn trưởng E459-F328, rồi chuyển về công tác ở Bộ Tư lệnh quân khu III. Năm 1989, Lê Văn Điệp được bổ nhiệm là Chủ nhiệm kho 52 của Quân khu III. 20 năm là Chủ nhiệm kho, đã anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 8 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp quân khu và 1 lần cấp toàn quân. Năm 2009, ông Lê Văn Điệp nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Với 39 năm tại ngũ, Đại tá Lê Văn Điệp được tặng thưởng 01 danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ-diệt cơ giới, 03 huân chương chiến công, 03 huân chương bảo vệ tổ quốc và Kỷ niệm chương B5 đường 9.  

Trở về với đời thường, ông tham gia cấp ủy chi bộ, sau đó là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư. Ông đã tích cực cùng cấp ủy, lãnh nhân dân dân phát triển kinh tế, phát triển hạ hạ tầng và trở thành thôn đạt danh hiệu "Làng Văn hóa". Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Bản thân ông và các con, cùng đồng đội ủng hộ thôn xây dựng nhà văn hóa hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, vốn đam mê nghề thuốc nam từ khi còn trong quân ngũ, ông tìm tòi trồng nhiều cây thuốc nam, sưu tầm nhiều loại sách y học về đọc và nhận thấy muốn trị bệnh cứu người dứt khoát phải học. Được vợ động viên, ông theo học lớp đông y tại Bắc Ninh hơn một năm. Ở đây ông đi hơn 30 km lại đến lớp nghe các giáo sư, bác sỹ, các lương y danh tiếng giảng về lý luận đông y, về châm cứu, bấm huyệt, về hệ kinh lạc, huyệt đạo trên cơ thể, các loại cây dược liệu, các bài thuốc nam sử dụng chữa các bệnh thông thường. Vừa học, vừa ứng dụng, ông đã chữa khỏi một số bệnh thường gặp cho người thân, bạn bè và nhân dân trong khu vực. Được mọi người yêu mến.

Với 69 tuổi đời, 49 năm tuổi Đảng, đại tá Lê Văn Điệp vẫn mạnh khoẻ săn chắc, vừa học thuốc vừa làm thơ ghi lại những kỷ niệm hào hùng mà mình đã trải qua trong đời quân ngũ. Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và trưởng thành từ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sau này, tuy còn có những băn khoăn trong hiện tại, nhưng đại tá Lê Văn Điệp luôn tin tưởng rằng đất nước, quê hương mãi mãi ghi nhớ những chiến công của thế hệ ông đã làm lên từ trong khói lửa.