Từ café đến cà phê hay là tác động của ngoại ngữ đến tiếng Việt

PGS. TS Vương Toàn

18/02/2023 21:50

Theo dõi trên

Xin đừng từ bỏ tiếng mẹ đẻ hay để ngoại ngữ lấn át tiếng mẹ đẻ, phòng khi đào tạo ra một thế hệ tương lai biết sử dụng tiếng nước ngoài thông thạo hơn tiếng mẹ đẻ ngay tại đất nước này. 

 

vuong-toan-1676731655.jpg

PGS. TS Vương Toàn (ngoài cùng bên phải)

 

 

 

Tóm tắt

Cùng với những cải cách mở cửa để phát triển trong thời đại toàn cầu hóa, việc nắm được nhiều ngoại ngữ được coi là một trong những tố chất cần thiết của mỗi công dân trong xã hội ngày nay. Hiện tượng chuyển mã và trộn mã với các ngôn ngữ khác nhau đã và tiếp tục diễn ra mỗi khi chúng ta giao tiếp (nói và viết).

Việc khảo sát một trường hợp cụ thể: tiếng Việt đã có cà phê được chuyển mã từ café, nay nhiều nơi lại dùng coffee (tương tự như  sốc ga) cho thấy trong giao lưu và tiếp xúc, các ngoại ngữ sẽ tác động đến đời sống ngôn ngữ. Vì thế, chúng ta cần làm chủ trước những tác động đó, và cùng nhau tìm mọi cách bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, đã được Hiến pháp 2013 xác định là ngôn ngữ quốc gia. 

 

  1. Xu hướng trở thành người đa ngữ trong xã hội Việt Nam

Nhu cầu biết ngôn ngữ của những người mình thường xuyên giao tiếp là điều bình thường và cần thiết.  Thực vậy, cùng với cải cách mở cửa để phát triển trong thời đại toàn cầu hóa, việc nắm được nhiều ngoại ngữ đã được coi là một trong những tố chất cần thiết của mỗi công dân trong xã hội ngày nay. Hiện tượng “người người học ngoại ngữ” đã trở nên quen thuộc trong xã hội thời hội nhập. Ngay cả những người giúp việc nay cũng quyết tâm học bằng được cách giao tiếp bằng tiếng Anh là ví dụ ([1]).

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người/dân tộc. Việc biết ngôn ngữ của các tộc người cùng chung sống cũng như các ngoại ngữ có vị thế trong đời sống quốc tế khiến cho một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam có thể sử dụng nhiều thứ tiếng. Do nhu cầu đích thực của giao tiếp, người ta luôn biết chọn ngôn ngữ của số đông và hữu ích, nhất là cho cuộc mưu sinh của mình. Không khó trả lời cho câu hỏi vì sao ở phố núi Sa Pa (Lào Cai), cả bản người Mông nói tiếng Anh như gió. Dù đó là những người trình độ văn hoá có khi mới “phổ cập” hết lớp 5, nhưng giao tiếp bằng tiếng Anh thì chuẩn đến không ngờ và nói trôi chảy đến mức nhiều sinh viên vừa ra trường còn thua xa... trong khi các em ở đây vẫn biết tiếng dân tộc của mình ([2]), và tiếng phổ thông, tuy có  nhận xét rằng « Các cô gái ở đây nói tiếng Anh khá tốt nhưng tiếng Kinh thì lơ lớ khó nghe” ([3]).

  Lại có trường hợp “kỳ lạ là cả đứa trẻ 10 tuổi cũng nói được nhiều thứ tiếng, không chỉ tiếng của dân tộc khác, mà họ còn nói được tiếng Lào, Miên và những đứa trẻ được đi học thì tiếng Anh cũng không phải là ngoại lệ”. Hiện tượng này được chính người dân giải thích là  “do dân số ít, để tồn tại giữa vùng rừng núi này để trao đổi hàng hóa, người Rơ Mâm phải quan hệ với các dân tộc khác, nên người Rơ Mâm phải biết rất nhiều “ngoại ngữ ” ([4]).

Trong đời sống ngôn ngữ của người Việt Nam, ngoại ngữ có thời là ngôn ngữ áp đặt thì nay là ngôn ngữ lựa chọn ([5]). Là một chuyên gia về « Từ ngoại lai trong tiếng Việt », GS. TS Nguyễn Văn Khang nhận xét rằng  « cùng với chuyển mã (code switching), trộn mã (code mixing) là một trong hai hình thức chủ yếu của sự lựa chọn ngôn ngữ (language choice) khi người đa ngữ giao tiếp trong cộng đồng đa ngữ (tr. 5). Chuyển mã dùng cách phỏng âm hoặc phiên âm ra tiếng Việt, gần gũi với người bình dân ; trộn mã giữ nguyên cách viết trong tiếng nước ngoài nên với người không biết ngoại ngữ sẽ là sự thách đố, và hình thành một văn bản như xôi đỗ! Chúng ta hãy khảo sát một trường hợp cụ thể: tiếng Việt đã có cà phê được chuyển mã từ café, nay nhiều nơi thấy dùng coffee.

 

  1. Từ café đến cà phê rồi coffee trong tiếng Việt

Khi đọc một câu trong văn kiện chính trị; ''Chúng ta còn nhiều đất công nghiệp dài ngày, nhất là những cây có giá trị như cà phê, chè, cao su, dừa,hồ tiêu...'' (Văn kiện Đảng, H., 1987, tr. 161). Mấy ai nghĩ rằng cà phê, cao su là những từ gốc Pháp.

Thứ đồ uống này mới đến với dân ta hơn một thế kỷ, vậy mà đã có không ít người nghiền cà phê, dù đối với nhiều người trên thế giới, uống cà phê là một cách hưởng thụ trong cuộc sống, mỗi người lại có một cái “gu” cà phê khác nhau, nên thường nói là thưởng thức cà phê. 

Để pha cà phê, tiếng Việt đã xuất hiện các nhóm từ: nước cà phê, bã cà phê, cốc cà phê, tách cà phê, hương vị cà phê... và cho chúng ta cà phê chính là; cây cà phê, rừng cà phê, cụm cà phê...  

Có nhiều loại cà phê khác nhau, cà phê Arabica hay Robusta, cà phê Bắc Mỹ hay cà phê Việt Nam. . .

Công thức chế biến từ nhà máy hoặc pha chế ở mỗi quán hoặc mỗi người cũng khác nhau : cà phê hạt, cà phê bột,...; cà phê phin, cà phê vợt, cà phê espresso, cappucino…,.  cà phê bơ hay cà phê sữa (nâu), cà phê đen (không sữa)...

.Đến cách uống cũng khác nhau, cà phê nguyên chất hay có thêm đường, sữa; cà phê tan liền hay cà phê lọc, cà phê khô. Ví dụ :

-A! May quá vẫn còn ít cà phê khô đây rồi (Nguyễn Thanh Mai, Hà nội mới ([6]) Xuân Giáp Thân, tr. 51).

Để bán cà phê, tiếng Việt đã xuất hiện các nhóm từ: hàng cà phê, quán cà phê, hiệu cà phê, tiệm cà phê... Ví dụ:

- Thỉnh thoảng anh tạt vào ngồi ở một quán cà phê vắng, một mình và im lặng. http://www2.dantri.com.vn/

Gắn với lối sống hiện đại hơn, ta găp những cách nói có phần mới mẻ (bớt  từ “uống”), như: 

- Cô ít khi cà phê, gặp gỡ bạn bè vì muốn dành thời gian cho con…ít khi đi cà phê với bạn bè  gáihttp://dantri.com.vn/van-hoa/btv-hoai-anh-roi-truong-quay-toi-chi-muon-ve-nha-om-con-939959.htm

Cùng với các dịch vụ đi kèm:

- Dịch vụ cà phê ở ngoại thành (HNM 20-10-2003, tr, 7).

- Cà phê cờ, cà phê báo (HNM 27-1-2004, tr. 5)

-… tại Pháp không chỉ có cà phê treo (café suspendu) mà còn có bánh mì đợi chờ (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước. vietinfo.eu

Nét đặc thù của nơi bán cũng có thể được ghép với thứ đồ uống này để nhấn mạnh. Ví dụ:

- Đường Tô Ngọc Vân và đường bao ven hồ Tây giao cắt nhau tại một điểm, đấy chính là nơi có quán cà phê độc đáo bậc nhất Hà thành: cà phê lô cốt. Lô cốt này được gọi là lô cốt “mẹ”, chếch về bên trái còn có một chiếc lô cốt “con”. http://dantri.com.vn/

Và tiếc thay, một số tệ nạn xã hội cũng được gắn với thứ đồ uống này:

- “Muốn tìm cà phê vui vẻ phải không?”. Chúng tôi ậm ừ. Bác tài xe ôm nói thẳng: “Một ám hiệu chung để khách nhận diện cà phê kích dục một cách dễ dàng là quán tối tối và có 2 chậu dừa kiểng chưng 2 bên cửa, vòm hiên thấp hơn một chút. Cứ thế mà vô!”. Chúng tôi vờ hỏi sao bên ngoài để là cà phê nhạc nhưng bên trong là mát-xa? Cô gái bĩu môi: “Thì đây là quán tổng hợp: cà phê, mát-xa và giải quyết sinh lý, vậy mà cũng hỏi” Trên con đường này, các quán cà phê ôm, kích dục nhiều lắm http://vn.news.yahoo.com/

Trong tiếng Việt, cà phê được dùng để cấu tạo từ ghép: thìa cà phê được sao phỏng từ cuillère à café để chỉ một dung lượng nhất định:

- ...pha một thìa cà phê muối trong một lít nước (Nguyễn Hưng, HNM 5-12-2003, tr. 4). 

Tập truyện ngắn của Võ Hồng Thu có tên là Trà cà phê hay là em (H., Công ty Sách bách Việt, 2010, 180 tr,).

Để chỉ màu sắc đặc trưng của  nước cà phê, ta có màu cà phê:

-  N. V. L. mặc Âu phục màu cà phê, phần nào có phong độ như một học giả http://bongbvt.blogspot.com/

Từ đó, có cách nói: Xám như màu cà phê, hoặc: 

- Đặc biệt đối với nhiều “ông chủ”, ngồi quán buổi sáng là chuyện không thể không làm! Họ ngồi để đón những bình minh mang màu... cà phê…. Không biết ở chốn thị thành này có bao nhiêu người có cái thú ngắm bình minh màu cà phê

Thời gian gần đây, nhiều người dân... phải chịu dùng thứ nước sinh hoạt đen như cà phê. (Dân trí, 31/03/2006)/

Không chỉ trở thành một thành phần địa danh, ví như: Xóm Đồi Cà Phê (phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh), tên đồ uống này còn được đặt thành biệt danh cho người bán hàng. Ví dụ:

- Tên đầy đủ của “Liên cà phê” là Nguyễn Thị Ngọc Liên nhưng chị nói, lâu lắm rồi, chẳng ai gọi tên đầy đủ mà cha mẹ đã đặt cho chị từ thuở lọt lòng. … “Nghề chính” của chị Liên là bán cà phê cho khách xem kịch trong khuôn viên sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. http://vn.news.yahoo.com/

Đáng chú ý hơn nữa là vì được dùng như từ thuần Việt, ta có dạng láy: cà phê cà pháo. Ví dụ:

-Thứ bảy chủ nhật mọi người cứ alô đi cà phê cà pháo, gặp người này người nọ cứ hỏi mấy câu đại loại “có gì mới không?” Chuồn là thượng sách! http://vn.news.yahoo.com/

Cùng với xu hướng “trộn mã”, ta nhận thấy sự khôi phục dạng gốc tiếng Pháp, không chỉ trên nhiều biển hiệu. Ví dụ:

  • Chủ nhân của các quán café này đều là những người rất yêu động vật và mong muốn chia sẻ sự yêu thương đó tới nhiều người. ... Không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ thích cái lạ và ưa mạo hiểm, quán café động vật này còn thu hút các bậc phụ huynh đưa con em mình đến thăm vườn thú mini – nơi có những con vật tưởng như chỉ có thể thấy qua tivi. http://dantri.com.vn/

- Chiều ngày 23/11, hung thủ giết chủ quán café rồi bỏ vào thùng xốp đựng đá tại quận Bình Tân đã ra đầu thú  http://www.laodong.com.vn/

Về cách viết, ta có thể gặp sự tùy tiện:

Anh ta cùng tôi ghé vào một cửa hàng càfê Internet để gửi và nhận E-mail (HNM 6/5/2003, tr. 6). 

Khi Việt Nam thực sự muốn làm bạn với tất cả các nước thì vị thế của tiếng Anh càng được khẳng định: để có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về ngôn ngữ trong giai đoạn mở rộng giao lưu mọi mặt với những cộng đồng mới, đặc biệt là các nước ASEAN,…, chúng ta chứng kiến sự thâm nhập của các ngoại ngữ, đặc biệt là của tiếng Anh.

Đáng lưu ý là tuy mượn dạng thức tiếng Anh, nhưng vì không có một quy định thống nhất tầm quốc gia, vốn ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) lại khác nhau. Chẳng hạn, có người vẫn phát âm các dạng tắt theo cách đọc chữ cái mượn từ tiếng Pháp trước đây: a bê xê ... (được coi là của tiếng Việt (?), trong khi người biết tiếng Anh dễ dàng đọc các dạng tắt này  là ây bi xi… Vậy mà nếu theo dõi cách đọc các dạng tắt, như: ASEAN, GDP,... thì ngay trên VOV và VTV là các đài phát sóng quốc gia cũng không phải lúc nào cũng thống nhất! Trong khi đó, có trường hợp như Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội có tên là Espace thì đôi khi lại được các phát thanh viên đọc theo tiếng Anh (gây phản cảm)!

Về từ ngữ, cần lưu ý phân biệt những từ ngày nay ta mới mượn trực tiếp từ tiếng Anh với các từ cũng gốc tiếng Anh nhưng trước đây ta mượn chúng qua tiếng Pháp. Chẳng hạn: "goòng" tiếng Việt được mượn từ wagonnet tiếng Pháp, phái sinh từ wagon, là từ Pháp vốn được mượn tiếng Anh. Cũng vậy, tiếng Việt đã mượn qua tiếng Pháp các từ: container, short, gangster, dollar. Khảo sát kỹ thì nhận thấy công te(n) nơ, găng xtơ, đô la không phát âm hoàn toàn như từ gốc trong tiếng Anh mà tương tự như trong cách phát âm tiếng Pháp. Ví dụ:

-  Xung quanh hiện tượng hàng công-te-nơ bị ứ đọng tại cảng Hải Phòng (HNM 23-4-2003, tr. 6).

- Ông ta gọi họ là "những tên găngxtơ Nhà Trắng" (TLTKĐB 6-2-2003, tr. 16).

Riêng từ đô la thường dùng trong giao dịch ở dạng tắt là đô, chẳng hạn:

- Quỹ doanh nghiệp Mê Công đã đầu tư 900 nghìn đô-la vào Công ty cổ phần này  (Thanh Hải,  HNM, 4-4-2003, tr. 8).

- “Cũng tới hơn 3 ngàn đô đấy". (Đan Thi, HNM, 1-4-2003, tr. 5).

 Do phạm vi giao tiếp rộng lớn của nó, tiếng Anh đương nhiên đã chiếm vị trí số một trong các ngoại ngữ phổ biến ở nước ta lúc này. Song trình độ tiếng Anh chưa thể đồng đều, và cũng như tình hình diễn ra với mọi ngoại ngữ khác, hiện tượng tiếng bồi không thể tránh. Ví dụ:

- Thủ trưởng cứ nâu pho gâu  (Hữu Đạt, Những kẻ giấu mặt, 2004, tr. 154). Tác giả chú là "thứ tiếng Anh bồi có nghĩa là: cứ vô tư đi”.

Trong Quyết định chính thức thành lập các cơ quan, tổ chức, nhất là các công ty..., từ nhiều năm gần đây, ta thường thấy có tên tiếng Anh đi kèm, được xác định là để tiện giao dịch. Dù có quy định yêu cầu là trên các biển hiệu song ngữ, tên tiếng Việt phải được viết với cỡ chữ lớn hơn tiếng nước ngoài, ấy vậy mà trong thực tế, không phải hiếm khi ta mới thấy tình hình ngược lại.

Trong giao dịch hàng ngày, một số từ do khó chuyển dịch mà lại ngắn gọn nên thường được mượn luôn nguyên dạng tiếng Anh, như sale... Song do lợi thế của ngoại ngữ được viện cớ là để dễ giao dịch hơn với người nước ngoài, không hiếm trường hợp nguyên dạng tiếng Anh cũng được dùng thay cho từ Việt tương ứng đã có sẵn, như : shop (= cửa hàng),…:

- Các shop cho thuê váy cưới kiêm luôn dịch vụ hoa cưới cho cô dâu (Hải Hà, HNM 30-7-2004, tr. 3).

Nếu từ lâu, ta đã từng mượn các từ chỉ món ăn phương Tây mới du nhập như bít tết (<=Pháp: bifteck, Anh: steak),… Ví dụ: 

- Bạn phải thức khuya dậy sớm: Hãy ăn nhiều chất đạm như một miếng bít tết, một trứng ôplêt hay một con cá nướng (Nguyệt Minh, KH&PT 30/9-6/10/2003, tr. 11).

Nay thì cách ăn nhanh đã được du nhập cùng với đời sống công nghiệp và đô thị, ví như fast food. Từ này còn được người Việt sử dụng theo cách riêng của mình:

Dù nhanh hay lâu, các mối tình fast food cũng để lại "di chứng" đôi khi không thể xoá mờ. http://www5.dantri.com.vn/

Do sự phổ biến mạnh của tiếng Anh những năm gần đây, có một hiện tượng đáng chú ý là trong một số trường hợp, người ta đang – cố ý hoặc vô tình - thay việc mượn từ gốc Pháp trước đây bằng từ nguyên dạng Anh hoặc từ gốc Anh. Hoặc cả hai dạng vay mượn cùng tồn tại.

Thật vậy, bên cạnh cách mượn tiếng Pháp  scandale  =>  xcăngđan hay xì căng đan (= vụ bê bối), vẫn như trước đây:

- Hai tháng qua, dư luận theo dõi xít xao một “xì căng đan” trong “văn lâm”. (HNM 7-6-2003, tr. 8).

Người ta mượn nguyên dạng tiếng Anh

- Vụ scandal trèo vào các khu tập huấn và quấy rối tại một số khu vực (HNM 16-6-2004, tr. 7).

 Thay cho mượn tiếng Pháp au revoir! => ô-rơ-voa, ô-voa,  người ta mượn các dạng thể hiện “chào tạm biệt” khác nhau trong tiếng Anh, đó là  (good) bye  =>(gút)  bai, được phiên âm và mang thanh điệu tiếng Việt:

- Tây mà họ biết bị lừa  - Lần sau tiền thừa cũng gút bai bai (Đương Huyền, (HNM 16-7-2003, tr. 4).

- Có những người...đến trường truy lĩnh nốt những khoản tích tụ được trong thời gian họ ở nước ngoài rồi lên tàu bay và bái bai Tổ quốc thân yêu (NXD,  HNM 20-6-2004, tr. 8).

Với các dạng tắt cũng có hiện tượng tương tự. Chẳng hạn, nếu trước đây, người ta mượn tiếng Pháp: oui =>  uẩy xừ, thì nay mượn OK từ tiếng Anh (và chính người Pháp hiện nay cũng hay sử dụng OK trong giao tiếp). OK có thể được phỏng âm tiếng Việt, đôi khi còn được để trong ngoặc kép. Ví dụ:

- Giọng ông ta hân hoan vang lên: - ô kê! (Hữu Đạt, Những kẻ giấu mặt, 2004, tr. 367).

Từ này vào tiếng Việt lại có thể được chuyển loại thành động từ « đồng ý »:

- Tao vừa OK với cái cậu người Xin-ga-po (Đan Thi, HNM ,1-4-2003, tr. 5).

Và có thể mở rộng nghĩa thành « ngầm thoả thuận » :

- Mỗi đơn thuốc có chỉ định chỗ mua..., nhà thuốc đã "ô kê" với bác sỹ rồi còn gì? (Nguyễn Văn Hùng, HNM 13-11-2003, tr. 4).

Đôi khi việc thay từ gốc Pháp bằng mượn tiếng Anh chỉ vì lý do tế nhị,  chẳng hạn như vẫn để chỉ "hội chứng suy giảm miễn dịch",   trước đây ta mượn dạng tắt tiếng Pháp là SIDA = Syndrome d'immunidéficience acquise, nay (do tên viết tắt của một tổ chức tương trợ của nước ngoài trùng với dạng tắt này) ta mượn dạng tắt tiếng Anh là AIDS = Acquized immune deficiency syndrome. Cách viết dạng tắt tiếng Anh được dùng phổ biến trên chữ viết, song không dễ với người Việt bình thường không biết tiếng Anh. Vì thế, đôi khi dạng tắt này cũng được phiên âm theo cách đọc tiếng Anh:

- Nghệ An: Ổ "ết” bên bến xe Vinh (Dân trí, thứ tư, 15/02/2006 - 2:31 PM).

Và cũng không phải không có người vẫn “luyến tiếc” dạng tắt tiếng Pháp, do thuận tai và dễ đọc theo tiếng Việt. Vì vậy, trên sách báo ta vẫn gặp dạng tắt này, chẳng hạn:

- Dự án … nhằm  cải thiện  việc phát hiện chăm sóc tổng thể  cũng như đặc trị cho các bệnh nhân  bị nhiễm HIV hay bệnh nhân Sida (Thy An, HNM 26-6-2003, tr. 8).

 Thậm chí, không biết có phải do sự lúng túng không, nhưng đôi khi ta có thể gặp cả hai dạng tắt (tiếng Pháp và tiếng Anh) ngay trong cùng một tin:

  • "Hầu hết gái mại dâm đều mắc bệnh phụ nữ, có đứa còn bị bệnh HIV/AIDS, vướng vào là tiêu đời trai, phải gọi bọn ấy là "con ma Sida" đúng hơn...". "Ma sida" […] Đối với gái mại dâm, đã có người mang trong mình mầm bệnh, nhất là căn bệnh khủng khiếp của thế kỷ HIV/AIDS. Việc lây bệnh cho khách làng chơi là khó tránh khỏi. (NetNam - 25.10.2005)

Từ bảng Thống kê so sánh số lượng từ ngữ Âu-Mỹ được sử dụng (nguyên dạng hay phiên chuyển) trên (720 trang) báo Hà Nội mới trong thời kỳ Đổi mới của TS Nguyễn Thị Kim Loan, ta lập được bảng sau để thấy rõ chiều hướng tăng nhanh về số lượng từ ngữ gốc tiếng Anh được sử dụng trong tiếng Việt:

Thời gian và số trường hợp sử dụng

Anh

Pháp

Nga

1987-1992 (95)

59%

33,7%

7%

1992-1997 (154)

68%

29%

2,6%

1997-2002 (264)

81,4%

17%

1,5%

2002-2007 (309)

83,5%

15,8%

0,6

Hiện tượng trộn mã tiếng Anh hiên nay khiến ta nhớ về hiện tượng trộn mã tiếng Pháp phổ biến ở « người có học » vào nửa đầu thế kỷ XX,: Qua bài Một thời đã qua, những dòng chữ còn lại (Văn nghệ, 4-5-1991), chúng ta biết rằng trong bức thư riêng của Chế Lan Viên gửi Nguyễn Văn Bổng từ Nam Ninh (Trung Quốc) vào năm 1957, nhà văn đã sử dụng cách trộn mã như sau:

- Savoir quyết định voir, đó là điều Hoan thấy rất đúng. (savoir hiểu biết, voir: thấy).

Trở lại trường hợp của chúng ta, dù hiện nay nhiều tên hiệu sản xuất và tên quán cà phê đã dùng coffee thay cho café, song có thể khẳng định rằng từ cà phê vẫn xuất hiện trong tiếng Việt hiện đại, và ta vẫn thấy café xuất hiện trên một số bao bì hay bảng hiệu. Tương tự, liệu có nên thay cách chuyển mã: sốc ga... vốn mượn  từ choc, gaz tiếng Pháp bằng cách trộn mã: shock, gas tiếng Anh. Hãy so sánh:

- Có nhiều lẽ để chúng ta bị sốc trước thông tin cực “sốc” này. http://www.tuoitre.com.vn/

-Ngay như bạn trai tôi, anh ấy cứ đọc truyện của tôi lại shock nặng và ghen tuông vài ngày. http://www.tienphongonline.com.vn/

Xin lưu ý rằng không dừng ở phạm vị thuật ngữ y học,, sốc đã có đời sống khá tinh tế trong tiếng Việt, ví dụ:

- Người ta có xu hướng chạy trốn cả những cú sốc ngọt ngào mà trái tim chai sạn ít khi được nếm trải (Chu Lai, 1991).

Cuốn sách của Alvin Toffler được Nguyễn Văn Trung & Hoàng Mạc Thuỷ dịch ra tiếng Việt có tên là "Cú sốc tương lai" (Nxb Thông tin lý luận, 1992, 187 tr.). “Sốc” văn hóa tên sách của Nguyễn Thị Ngọc Hải (H., Nxb Phụ nữ, 2010, 256 tr.).

Về từ ga, đôi khi ta gặp sự không nhất quán ngay trong một câu, như:

  • Đám cháy  lan từ khu để bếp ga trong phòng ăn … anh Chiến là nhân viên vận chuyển gas của cửa hàng gas Đại Dương … có đến thay gas tại nhà bà Trinh (Trần Văn, HNM 17-9-2003, tr. 6).

Nên lưu ý rằng trong tiếng Việt, từ ga không còn chỉ được dùn chỉ chất đốt:

  • Nhiều cô gái trẻ xơi đồ ăn thả ga vào mùa đông nhưng lại hùng hục tập thể dục lúc đầu hè http://hn.24h.com.vn/

- Em cứ sống cuộc đời em cho lút ga thả xăng, bao giờ ngán thì a lê... (Phan Tứ, 1985).

 Thực tình mà nói, tiếng Việt khó có thể chấp nhận cách trộn mã trong những trường hợp này.

 

  1. Cần làm chủ tác động của ngoại ngữ đến tiếng Việt

Để làm bạn với tất cả các nước và để hội nhập với thế giới và khu vực, chúng ta cần biết và sử dụng càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Số lượng người song/đa ngữ ở nước ta tăng lên là điều đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trong giao lưu và tiếp xúc, các ngoại ngữ sẽ tác động đến đời sống ngôn ngữ và chúng ta cần làm chủ trước những tác động đó:

Khi cần bổ sung từ ngữ để diễn đạt chính xác và ngắn gon thì vay mượn tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác là cần thiết, song hãy đừng làm vẩn đục ngôn ngữ của mình: Tiếng Việt đã được Hiến pháp 2013 xác định là ngôn ngữ quốc gia. Chúng ta cần tìm mọi cách và cùng nhau bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Việc dạy một số môn học bằng ngoại ngữ cũng là cần thiết và nên xác định là để nâng cao khả  năng diễn đạt song/đa ngữ của người Việt Nam. Xin đừng từ bỏ tiếng mẹ đẻ hay để ngoại ngữ lấn át tiếng mẹ đẻ, phòng khi đào tạo ra một thế hệ tương lai biết sử dụng tiếng nước ngoài thông thạo hơn tiếng mẹ đẻ ngay tại đất nước này. 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Khang (2014)._ Biến động của tiếng Việt hiện nay  qua giao tiếp trộn mã tiếng Anh và việc xử lí chúng với tư cách là  nhưng đơn vị trong Từ điển tiếng Việt. Tc. Từ điển học & Bách khoa thứ, số 4, tr. 4-15.
  2. Nguyễn Thị Kim Loan (2012).- Sự biến động của ngôn ngữ Hà Nội thời kỳ đổi mới Ảnh hưởng  của các ngôn ngữ Âu-Mỹ trên phương diện từ vựngTc. Thông tin KHXH, số 11, tr. 36
  3. Vương Toàn (1992).- Từ gốc Pháp trong tiếng Việt. Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 152 tr.
  4. Vương Toàn (2009).- Tiếng Anh và chính sách ngoại ngữ ở Việt Nam thời hội nhập. Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc tổ chức tại Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 26 - 27/11/2009. Tóm tắt báo cáo, tr.137-138; Tc. Ngôn ngữ, 2010, s. 5, tr. . 27-36.
  5. Vương Toàn (2011).- Tiếng Việt trong tiếp xúc ngôn ngữ từ giữa thế kỷ XX - Le vietnamien en contact linguistique depuis la deuxième moitié du XXe siècle. H., Nxb Dân trí, 260 tr.
  6. Vương Toàn (2013).- La position du français au Vietnam et ses raisons socio-linguistiques, Trong Những kỷ niệm về tình hữu nghị Việt –Pháp và Pháp ngữ // Mémoires de l’amitié Vietnam-France et de la francophonie. H., Nxb Thông tin và Truyền thông, pp. 207-222.
  7. Vương Toàn (2014), Từ café đến cà phê rồi coffee hay là tác động của ngoại ngữ đến tiếng Việt. Tạp chí Khoa học, Viện Đại học Mở Hà Nội, số 7 (10/2014), tr. 17-24. 

[2]  http://dantri.com.vn/c20/s20-350266/Ca-ban-nguoi-Mong-noi-tieng-Anh-nhu-gio.htm

[5]  Chúng tôi liên tưởng đến ông François Gauthier, khi là Tham tán Văn hoá và Hợp tác Khoa học Kỹ thuật ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, đã có cách diễn đạt phù hợp với tình hình thực tế của ngoại ngữ này ở Việt Nam: tiếng Pháp không còn là ngôn ngữ “bị” sử dụng (langue subie) mà đã trở thành ngôn ngữ “chọn” (langue choisie) sử dụng

[6]  Do báo này được trích dẫn nhiều, dưới đây chúng tôi viết tắt là HNM. MHững chỗ in nghiêng trong trích dẫn là để nhấn mạnh,

Bạn đang đọc bài viết " Từ café đến cà phê hay là tác động của ngoại ngữ đến tiếng Việt" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn