Từ không chiến đến hòa giải: Truyền thuyết về Đại tá TOON (COL. TOMB) (Bài 2)

Truyền thông Mỹ tuyên truyền về một phi công rất nổi tiếng của Việt Nam, Đại tá Toon (Col. Tomb), phi công vừa bay MiG17, vừa bay MiG21 và đã bắn rơi 13 máy bay của Mỹ.

Trong các cuộc không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam, các phi công Mỹ báo cáo thường xuyên nhìn thấy MiG17 số 3020 có sơn 7 ngôi sao và MiG21 số 4326 có sơn 13 ngôi sao (mỗi ngôi sao sơn trên máy bay tương ứng với số máy bay Mỹ bị máy bay này bắn hạ). Các phi công Mỹ cho rằng những chiếc máy bay này do một phi công lão luyện của Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN) điều khiển, thực tế những chiếc máy bay này do nhiều phi công KQNDVN điểu khiển và lập công.

dh1b1q1-1670832232.jpg
Bà Diên Hồng, phu nhân Đại tá Đinh Tôn tặng tranh gạo cho ông R. Cunningham. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Căn cứ để truyền thông Mỹ đưa ra “Đại tá Toon” là dựa vào các thông tin mà Mỹ thu thập được qua liên lạc đối không giữa Sở chi huy KQNDVN với MiG và các cuộc điện đàm khác. Trong những lần bắt được tín hiệu, họ thường xuyên nghe thấy từ "Toon" hoặc "Tomb" được lặp đi lặp lại nhiều lần. Họ cho rằng đấy là tên của người phi công siêu đẳng có tên là Toon. Đại tá Toon là nỗi ám ảnh và ảnh hưởng đến tâm lý của các phi công Mỹ cho đến khi Mỹ tuyên bố Đại tá Toon với chiếc MiG17 số hiệu 3020 bị bắn rơi trong trận không chiến ngày 10/5/1972 bởi chiếc F4 do phi công Randy Cunningham (Duke) và William P. Driscoll điều khiển.

Với các máy móc hiện đại, Mỹ có thể thu thập được các thông tin của ta, nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Biết là phía Mỹ sẽ tìm mọi cách thu thập thông tin nên chúng ta có nhiều cách đối phó. Ngay trong trận mở màn cho mặt trận trên không (03/4/1965) KQNDVN đã tổ chức Biên đội 2 MiG17 bay nghi binh để Biên đội 4 MiG17 khác bí mật tiếp cận và tấn công địch. Nhiều chuyến bay làm nhiệm vụ, trên đường bay các phi công ta không dùng đối không liên lạc. Có những lần ta mở Radar và “dẫn chay” đánh trận giả khi không có MiG nào xuất kích…

dh2b2q2-1670832296.jpg
 Niềm vui của R.Cunningham khi nghe Đại tá Nguyễn Văn Thọ (Thứ 4 từ phải sang) kể lại lúc anh hết đạn. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhiều giả thiết ai là Đại tá Toon được Mỹ đưa ra: Anh hùng Lê Thanh Đạo, Anh hùng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Phạm Tuân, Anh hùng Đinh Tôn, Anh hùng Đặng Ngọc Ngự… nhưng đều không có căn cứ. Đã có lúc phía Mỹ nghĩ rằng đấy là Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, nhưng anh Cốc sau năm 1969 được yêu cầu không tham gia chiến đấu nữa mà chuyển sang huấn luyện cho các phi công mới.

Người mà phía Mỹ cũng nhắc đến nhiều là phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng MiG17, chưa bay MiG21. Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay. Phần lớn các phi công của ta tham gia chiến đấu đều quân hàm cấp úy, có khi chỉ quân hàm chiến sĩ, như trường hợp xuất kích chiến đấu những trận đầu tiên của phi công Phạm Phú Thái, cấp bậc lúc đấy là Binh nhất.

Một giả thiết nữa của Mỹ: Đại tá Toon là người Nga. Những lần gặp gỡ giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ, chúng ta đều khẳng định không có ai là Đại tá Toon và các phi công Liên Xô sang Việt Nam chỉ tham gia bay huấn luyện hồi phục cho phi công Việt Nam, không tham gia không chiến.

Trường hợp duy nhất có phi công Liên Xô bay có thể gọi là không chiến, cuộc không chiến không cân sức giữa một máy bay huấn luyện UMiG21 không mang vũ khí và một tốp F4.L

Trong tập 2 cuốn hồi ký LÍNH BAY, Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái viết:

“Vậy thì cứ gọi đây là một trận không chiến và đây là trận không chiến duy nhất trong chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam có mặt người Liên Xô trên buồng lái. Nhưng không phải với tư cách chiến đấu viên mà chỉ là huấn luyện viên kỹ thuật bay. Chiếc UMiG hoàn toàn bị động và thụ động đối phó với biên đội F4. Nhưng các phi công Mỹ đã không thể làm gì được chiếc UMiG khi gặp một tay lái sừng sỏ như Đinh Tôn điều khiển. Chỉ đến khi hết dầu, hai phi công của chiếc UMiG chủ động rời bỏ máy bay thì biên đội F4 mới bắn rơi chiếc máy bay lúc đó đã là máy bay không người lái”.

Trở lại trận không chiến ngày 10/5/1972, sau khi R.Cunningham bắn trúng máy bay của phi công Trà Văn Kiếm, truyền thông Mỹ thông báo ông ta đã hạ được Đại tá Toon. Một số hình ảnh được vẽ tả lại trận không chiến kéo dài 3 phút này mà Mỹ đưa ra, chiếc MiG17 có số hiệu 3020.L

Trong cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 – 1975) nhìn từ hai phía”, viết rất rõ:

“Bộ Tư lệnh Không quân giao cho Trung đoàn 923 sử dụng MiG17 cất cánh từ sân bay Kép, hiệp đồng theo độ cao với MiG21 của Trung đoàn 927 để đánh chặn tốp cường kích của Hải quân Mỹ bay vào từ hướng Đông. Chủ trì kíp trực tại Sở chỉ huy Trung đoàn 923 là Phó Trung đoàn trưởng Lâm Văn Lích, trực ban dẫn đường Phạm Từ Tịnh và Đặng Văn Hảo (A).

Trong kế hoạch hiệp đồng với MiG21 của Trung đoàn 927, biên đội 4 chiếc MiG17 bao gồm Nguyễn Văn Thọ - máy bay 2036, Tạ Đông Trung - máy bay 2056, Đỗ Hạng - máy bay 2069, Trà Văn Kiếm - máy bay 2012 được lệnh cất cánh lúc 12 giờ 56 phút từ sân bay Kép”.

Như vậy trận không chiến chiều 10/5/1972 không có máy bay MiG17 nào mang số hiệu 3020 như truyền thông của Mỹ công bố.

Trong buổi gặp gỡ và giao lưu giữa các cựu phi công Việt Nam – Mỹ, ông R.Cunningham đã được gặp Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Biên đội trưởng MiG17 và trận không chiến ngày 10/5/1972 đã được Đại tá Thọ kể lại chi tiết diễn biến. Sau khi được biết phi công Nguyễn Văn Thọ đã đưa máy bay của ông ta vào vòng ngắm và bóp cò nhưng hết đạn, R. Cunningham rất vui vì thoát chết.

Nhân vật Đại tá Toon là nhân vật hư cấu do truyền thông Mỹ dựng lên nhằm xây dựng một điển hình của phi công Mỹ: Đã bắn rơi được Đại tá Toon, phi công Việt Nam đã hạ 13 máy bay Mỹ.

Các cựu phi công Việt Nam quyết định chọn nhà Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Đinh Tôn là điểm đến cuối của hành trình đi tìm sự thật về Đại tá Toon. Chị Diên Hồng, phu nhân Đại tá Đinh Tôn niềm nở đón tiếp. Ông R. Cunningham rất xúc động khi xem lại các kỷ vật của anh Tôn và nghe một số kỷ niệm của anh chị, nhất là chuyện khi chị đi làm giấy đăng ký kết hôn phải nhờ người cùng cơ quan đến ký thay vì anh Tôn vẫn phải trực ở đơn vị. Rất may, khi nghe nói anh Tôn là phi công đang trực chiến, cán bộ Ủy ban thông cảm và đồng ý để anh Tôn đến ký sau.

Ông R.Cunningham thật sự cảm động khi nhận được món quà rất ý nghĩa từ chị Hồng, đấy là hai bức tranh bằng gạo vẽ về cảnh làng quê Việt Nam, một dành cho ông và một dành cho bạn gái ông.

Sự niềm nở, chân tình, chu đáo của người Phụ nữ Việt Nam làm cho ông rất khâm phục và xúc động. Có lẽ ông sẽ còn xúc động và cảm phục hơn nữa nếu biết người phụ nữ CCB mảnh mai tuổi U80 này vẫn hàng ngày lặng lẽ đan những chiếc áo len để tặng trẻ em nghèo vùng núi.

(Còn nữa)

Trái tim người lính