Tuổi thơ dữ dội

Bây giờ mỗi khi về quê , đi qua cây cầu mới xây vượt biển dài nhất Việt Nam, cây cầu dây văng nhiều nhịp nhất thế giới, tôi lại nhớ đến cái lần tôi và Yến Nga( đứa bạn thân nhất) suýt chết đuối ở chính con sông này: Sông Ruột Lợn và cây cầu mới này (Cầu Bạch Đằng) đâu biết rằng, chính tại nơi này, gần 60 năm về trước đã có một câu chuyện cổ tích đẹp như mơ xảy ra.
tuoi-tho-du-doi-1660207040.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Năm ấy chắc 64 hay 65 của thế kỷ trước, lúc đó chúng tôi tầm hơn chục tuổi, tôi và Yến Nga rủ nhau đi xắn don.Con don nó sống ở bãi phù sa, muốn bắt nó phải có một cái. 
 mai nhỏ, lưỡi bằng sắt,cán gỗ ngắn xắn từng lớp cát phù sa lên rồi nhanh tay nhặt vào giành vào giỏ. 
Con don sống ở bãi bồi nên thịt nó béo và nước luộc nó ngọt vô cùng.Lấy nước luộc nó nấu canh mồng tơi, rau đay hoặc rau muống đều rất ngon hoặc nấu canh chua đều được. Nhà tôi thường luộc nó để lấy nước nấu canh còn ruột nó rim nước mắm, thêm vài cọng hành hoa vào làm thức ăn mặn, đưa cơm, ngon tuyệt!
   Hôm ấy, bãi bồi bên đầm Nhà Mạc chỉ có hai đứa tôi.Mọi người đi chặt củi sú họ đi bãi khác. Đứa đào, đứa nhặt, vừa làm vừa nói chuyện quên cả thời gian. Đến lúc đói bụng ngừng tay cũng là lúc phát hiện nước thủy triều đã lên săm sắp bãi.Vội thu dọn đồ nghề và lội nhanh ra chỗ lúc sáng chúng tôi được quá giang. Không thấy đâu là bờ cả, đâu cũng ngập nước.Khoảng sông lúc sáng,lội bùn bám đầy chân nay còn đâu? Nước mênh mông, chỗ nào cũng ngập nước. Những cây sú cây vẹt ven bờ lúc sáng còn trơ gốc nay đã ngập gần đến ngọn. Mới lúc nãy, chúng tôi ra đến đây nước mới ngang ống chân nay đã trên đầu gối. Giữa dòng sông nhỏ nhoi,hiền hòa ban sáng, giờ sóng vỗ ầm ầm, nước cuồn cuộn chảy kéo theo cả những cây sú, cây vẹt mà mọi người chưa kịp vớt lên thuyền.
 Cứ đà này, chả mấy lúc nữa mà thủy triều sẽ cuốn phăng chúng tôi vào lòng rồi lại đẩy đi như những cây sú, cây vẹt kia. Chúng tôi tái mặt nhìn nhau rồi cùng... òa khóc. Vừa khóc chúng tôi vừa gọi to lên xem có ai ở gần đây thì đến cứu chúng tôi.Nhưng,tịnh không một bóng người. Lúc này, chúng tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất: Sẽ chết! Sẽ không được về nhà nữa, không được gặp bố mẹ và anh chị em, không được đi học nữa.Nghĩa là ...vân vân và mây mây.
  Gió mỗi lúc một to, nước càng lên nhanh. Những con
   sóng bạc đầu dồn dập tới.Chúng tôi khóc càng to hơn, hy vọng sống ngày càng mong manh và cạn kiệt. 
  Thế rồi, như từ câu chuyện cổ tích, một bóng thuyền nan đầy củi của bác "tiều phu" hiện ra.Chúng tôi ra sức hú, hét, gọi,vẫy và khóc. Chắc âm thanh chúng tôi tạo ra to lắm, át cả tiếng sóng nên bác đã nghe và nhìn về phía chúng tôi.Trên thuyền là bác trai tầm 50 tuổi. Bác vội chèo thuyền vào và kéo chúng tôi lên . Lúc này, chúng tôi nước mắt vẫn nhểu nhảo nhưng đã tin là mình sống rồi, không chết được nữa. Bác hỏi chúng tôi: 
- Nhà các cháu ở đâu? Đi với ai? Sao về muộn thế?
   Chúng tôi thưa:
- Chúng cháu ở Yên Hải, chỉ có hai đứa. Chúng cháu không biết giờ thủy triều lên.Nếu hôm nay không gặp được bác chắc chúng cháu bị nước cuốn rồi.Chúng cháu cám ơn bác ạ!
-  Lần sau đi phải chú ý giờ thủy triều lên nhé.
 Chúng tôi đồng thanh:  
- Vâng ạ!
Thuyền bác đã áp mạn chân đê.Chúng tôi chào bác rồi nhanh chóng bước lên con đê quen thuộc để về nhà mà quên cả đói. Còn bác lại mải miết chèo thuyền về mạn dưới.Nghe tiếng bác nói chúng tôi đoán chắc bác người Phong Cốc.
  Sau đận ấy, chúng tôi không dám nghĩ đến việc đi xắn don nữa . Sợ lắm! Và cũng tuyệt đối giữ bí mật chuyện chết hụt của hai đứa.
 Tưởng sẽ không bao giờ sang bãi đầm đó nữa. Nhưng không, vài năm sau, đến tuổi thanh niên, chúng tôi lại tham gia vào việc đắp đê ngăn mặn ở chính cái đầm ấy,con sông ấy.Nhưng lúc đó, có đoàn thể, có mọi người, không sợ chết đuối nữa.
  Nếu ngày đó, chúng tôi không gặp may, không gặp được người tốt thì chắc chắn giờ này tôi không còn ngồi đây để kể  chuyện mình cho mọi người nghe rồi.Thời nào cũng vậy, người tốt còn rất nhiều. Nay chúng tôi đã U70 rồi, nhưng vẫn chơi với nhau như ngày còn bé.Vẫn " mày tao chi tớ", vẫn ôn lại quãng " tuổi thơ dữ dội" đã qua và cười với nhau như "công nông được mùa".
Thật vui khi nhớ lại tuổi thơ.

Chuyện làng quê