Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trong Khu ATK (an toàn khu), thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng nhiều cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Đây là những "địa chỉ đỏ" về giáo dục truyền thống cách mạng không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang.
Đón Tết độc lập gắn với Lễ hội Tân Trào năm nay diễn ra trong hai ngày 15 và 16/8 với nhiều hoạt động như: Liên hoan văn hóa các dân tộc huyện Sơn Dương, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đua mảng tại hồ Nà Nưa, thi kéo co, thi đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền hơi, thi trang trí trại đẹp…
Đây cũng là dịp để huyện Sơn Dương giới thiệu, quảng bá giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, hình ảnh về trung tâm “Thủ đô khu giải phóng”, Thủ đô kháng chiến; trưng bày không gian văn hóa các dân tộc, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách nhằm góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Sơn Dương.
Đến nay, huyện Sơn Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế có bước phát triển, đời sống nhân dân các dân tộc không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Riêng xã Tân Trào, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 1,11%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát... Kinh tế của xã có bước phát triển, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp được duy trì ổn định, tiếp tục chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hữu cơ. Các công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông được đẩy nhanh tiến độ; cơ sở vật chất của các thôn được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục được nâng lên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn được duy trì, tạo việc làm mới cho người lao động; công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện.
Chị Ma Thị Phương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, trước đây, thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống khá bấp bênh. Đến tháng 10/2022, gia đình chị quyết định đầu tư kinh phí chỉnh trang lại khuôn viên, nhà ở để kinh doanh dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch. Hiện nay, homestay Tiến Phương của gia đình có thể phục vụ từ 60 - 70 khách lưu trú qua đêm và phục vụ ăn uống cho khoảng 400 - 500 khách. Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ du lịch cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.
Diện mạo mới của vùng quê cách mạng Tân Trào hôm nay cho thấy truyền thống cách mạng chính là động lực khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của chính quyền và của mỗi người dân quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Huyện Sơn Dương phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.