Vài cảm nhận khi đọc “Ngày mai trời lại sáng”

Ngày mai trời lại sáng là tuyển tập tác phẩm văn học nghệ thuật của Hội văn học nghệ thuật Phú Yên, do NXB Hội nhà văn cấp phép ấn hành, đã chính thức ra mắt bạn đọc vào nửa cuối tháng 10/2021
ngay-mai-troi-lai-sang-1636202003.jpg

    Đây là món quà rất kịp thời và có nhiều ý nghĩa quý giá. Tuyển tập vừa tái hiện một giai đoạn khó khăn mà kiên cường của nhân dân Phú Yên trong cuộc chiến chống đại dịch; vừa là lời động viên, tri ân những người thầm lặng quên mình vì sự an toàn của cộng đồng; vừa thắp lên niềm tin yêu, hi vọng đầy lạc quan rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi và cuộc sống sẽ an vui, rộn ràng trở lại.

      Cầm trên tay cuốn sách dày 266 trang chưa kể bìa, được trình bày trang nhã với gam màu xanh hi vọng, tôi rất xúc động và có nhiều ấn tượng tốt. Tuyển tập gồm 81 tác giả với 105 tác phẩm gồm cả Thơ, Văn xuôi, Sân khấu, Ca khúc, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Có nhiều cây bút ngoài tỉnh nhiệt tình hưởng ứng nhưng chủ yếu là đội ngũ văn nghệ sĩ Phú Yên, với các tác phẩm mới nhất về đề tài dịch Covid-19, đã tạo nên một cuốn sách đầy đặn, phong phú, đa sắc màu và giàu giá trị.

     Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Thấm nhuần lời dạy của Người, văn nghệ sỹ Phú Yên không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19! Trong lời giới thiệu của nhà văn Trần Quốc Cưỡng, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Phú Yên đã viết: “Là những người có tâm hồn nhạy cảm, yêu quý cái đẹp, căm ghét cái ác, cái xấu, biết đau xót khi đồng bào, quê hương mình trong cơn dịch bệnh nguy nan, anh chị em văn nghệ sỹ Phú Yên đã tích cực đóng góp vật chất, tinh thần vào cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thể hiện tình cảm trách nhiệm với cộng đồng bằng tác phẩm văn học nghệ thuật”. Đúng như vậy! Trong lúc cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng đang căng mình chống dịch, văn nghệ sỹ Phú Yên đã mượn tác phẩm nghệ thuật để gửi gắm nỗi niềm, để thể hiện trách nhiệm của người cầm bút đối với nhân dân, với quê hương đất nước. Đọc cuốn sách “Ngày mai trời lại sáng”, tôi nhận thấy có mấy vấn đề nổi bật như sau:

1/ Tuyển tập là sự đồng cảm, xót xa, ngậm ngùi khi nhìn thấy đồng bào chịu nhiều đau thương vì dịch bệnh. Nhà nhà cửa đóng then cài, xóm làng phong tỏa cách li, phố vắng buồn tênh, người cách xa người, xót xa chia biệt, nụ cười còn che sau lớp khẩu trang! Nhìn cảnh vợ xa chồng, những em bé thơ ngây chưa hiểu chuyện gì đã vội lên xe về khu thu dung điều trị, nhà thơ Lưu Phúc xót xa: “Thương em phía sau rào giãn cách/ Ngóng chồng còn biền biệt sơn khê…Thương bé không may lây mầm bệnh/ Mắt nhòe, môi mím bước lên xe”. Cùng chung nỗi niềm thương cảm, xót xa, tác giả Thạch Bi Sơn đã tái hiện bức tranh trần trụi mà rất thực khi dịch bệnh bủa vây: “Thương những khu cách li phong tỏa/ Vắng bé thơ tụ tập chơi đùa/ Chó cũng buồn hiu không muốn sủa/ Như hiểu người gặp vận chát chua”.

2/ Tuyển tập đã phản ánh rất chân thực và sinh động về hoàn cảnh và tâm trạng của bà con trước cơn đại dịch, đặc biệt là những người dân trong vùng bị phong tỏa. Bạn đọc cảm nhận rõ những khó khăn, lo lắng thậm chí có lúc như bấn loạn qua bút ký: “Viết từ khu phong tỏa” của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Tuy nhiên, lo lắng nhưng không hoang mang, càng khó khăn càng rực sáng tình người sẻ chia, đùm bọc. Thật ấm áp và đáng quý! Vẫn là môtip chung: bất ngờ- âu lo- tuân thủ- tình người- thích ứng- vượt qua, nhưng nhờ vào giọng văn mộc mạc mà chân thành, hóm hỉnh mà sắc sảo đã tạo nên nét duyên riêng của Huy Tùng trong những trang ghi chép rất văn chương: “Tản mạn trong khu phong tỏa”.

3/ Tuyển tập đề cao tình cảm tương thân tương ái, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Đây là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc. Nay giữa lúc bộn bề xa xót, tình cảm ấy được thắp lên lung linh, tỏa sáng trong trang viết của nhà văn Trần Quốc Cưỡng. Đọc “Tình người trong cơn đại dịch”, bạn đọc bắt gặp những hình ảnh xúc động về sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau và còn nghe như văng vẳng đâu đây tiếng kèn Saxophone của Trần Mạnh Tuấn đang vỗ về, an ủi, động viên để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đồng bào trước cơn dịch dữ. Từng “Bó rau mùa dịch” của Nguyễn Huyên giúp tôi thêm vững tin “Bão dịch đi qua, tình người ở lại” của Lê Pha Lê.

4/ Tuyển tập ngợi ca, tôn vinh và tri ân lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu. Đây là nội dung, là tình cảm đặc biệt nhất mà giới văn nghệ sỹ tập trung khai thác và thể hiện. Họ là những y bác sỹ, bộ đội, công an, dân phòng, đoàn viên, thanh niên tình nguyện…đang ngày đêm bám trụ, không quản hiểm nguy, sẵn sàng quên mình vì lương tâm và trách nhiệm với nhân dân. Đọc bút ký Vào “tâm bão” của nhà văn Phương Trà hoặc phóng sự “Cuộc chiến COVID-19 còn dài, Phú Yên phải chiến thắng” của Thụy Yên, chúng ta mới hình dung hết được những vất vả, nhọc nhằn của đội ngũ nhân viên y tế trong việc truy vết, xét nghiệm và chữa trị cho bà con. Sự chân thực, hồi hộp và xúc động khiến bạn đọc liên tưởng đến bộ phim tài liệu Ranh giới vừa công chiếu và gây tiếng vang lớn từ đêm 8/9/2021. Nhân dân gọi họ là những người thầy thuốc. Văn nghệ sỹ gọi họ là những “thiên thần áo trắng”. Họ rất xứng đáng và đã được nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã ngợi ca: “Căng mình chống dịch/ Gạt nước mắt cách li con trong vùng phong tỏa/ Gục xuống thềm bệnh viện vì kiệt sức sau đêm/ Sát cánh với người bệnh trong cơn sinh tử/ Mũi thuốc lương tâm tiêm vào lũ virus ác nhân/ Giành giật cuộc sống từng giờ…”.

5/ Tuyển tập đem đến sự phong phú, đa dạng, độc đáo rất thú vị ở các loại hình nghệ thuật cùng tham gia chống dịch. Mỗi loại hình, mỗi thể loại đều có thế mạnh riêng của nó trong việc phản ánh hiện thực và biểu hiện tư tưởng. Vì thế sân khấu, ca khúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Phú Yên. Chẳng ai có thể bàng quan, đứng ngoài cuộc. Bằng tài năng, lương tâm và trách nhiệm, văn nghệ sỹ đã miệt mài lao động sáng tạo. Chúng ta trân trọng tấm lòng của các nghệ sỹ Nguyễn Phụng Kỳ, Bình Thảng, Trúc Linh…qua các tác phẩm nghệ thuật bài chòi đặc sắc, một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Phú Yên và các tỉnh Nam trung bộ. Xem tranh của Huỳnh Cao Trung, Huỳnh Ngọc Minh, Lê Lượng, Trần Thị Ngọc Hà… hoặc ảnh của các tay máy Trịnh Văn Đạt, Lê Trọng Cường, Trần Văn Hồng…tôi rất ấn tượng bởi tính thời sự và tính truyền cảm trong các tác phẩm ấy. Trong lúc cuộc sống như “đóng băng” vì giãn cách, ca khúc có ưu thế về đối tượng và phạm vi tiếp cận. Nhận thức được lợi thế này, các nhạc sỹ Phú Yên rất tích cực sáng tác. Vốn đã quen thuộc với khán thính giả ở Phú Yên như Cao Hữu Nhạc, Ngọc Quang, Tấn Phát, Huỳnh Trọng Thống… tôi còn để ý đến Xuân Thành, Mỹ Hạnh, Thiều Thu Sa. Mỗi nhạc phẩm là một thông điệp, vừa an ủi vỗ về, vừa thiết tha ca ngợi, vừa vận động tuyên truyền, vừa khích lệ động viên để nhân dân đồng lòng, quyết tâm chống dịch!

6/ Tuyển tập viết về đại dịch nhưng “Ngày mai trời lại sáng” không hề bi quan, tuyệt vọng. Dĩ nhiên vẫn có nỗi buồn thương cảm, xót xa, nhưng không hề bi lụy. Đọc cả tập sách, chúng ta đều nhận thấy chung một niềm tin tưởng, hi vọng, lạc quan chiến thắng. Rồi bóng tối sẽ qua đi, ánh bình minh tỏa rạng, cuộc sống sẽ rộn ràng trở lại như xưa. Nhà thơ Nguyễn Tường Văn đã tin tưởng: “Ngày mai tan biến bóng ma/ Năm châu trỗi khúc hoan ca vọng về”. Tôi nghẹn ngào khi đọc “Vào Nam đi con” của Bùi Văn Thành không chỉ bởi nhiều mất mát của chiến tranh xưa mà còn ngay hôm nay vì dịch giặc. Nhưng trên hết, trước hết, đó là lời động viên, vừa là mệnh lệnh cao quý, vừa là niềm tin tuyệt đối vào “tình yêu tha thiết” để tiếp sức cho con: “Biến thể Delta là loại giặc vô hình/ Nó tấn công mình mà không hề hay biết/ Nhưng cha tin với tình yêu tha thiết/ Con biết làm gì với Tổ quốc- Nhân dân…”

7/ Cuối cùng, điều tôi muốn bày tỏ ở đây là khi cầm tập sách “Ngày mai trời lại sáng” trên tay, lật giở từng trang còn thơm mùi mực mới, tôi rất trân trọng tinh thần làm việc nghiêm cẩn và tâm huyết của Ban biên tập, của Hội văn học nghệ thuật Phú Yên. Hoan nghênh sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh nhà đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Tập sách vẫn kịp đến tay bạn đọc như một món quà quý để tri ân tất cả. Và cũng thật ấm lòng khi bên cạnh những cây bút lớn đã thành danh ở Phú Yên như Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Y Nguyên, Phương Trà…còn xuất hiện thêm những cây bút mới nhiều đam mê như Huy Tùng, La Xuân Yên, Lê Trương Thúy Diễm…

Bản thân tôi dẫu vụng về nông cạn, còn hạn hẹp ở kiến văn, hơn nữa một tập sách dày không thể nói hết trong một bài viết nhỏ. Mặc dù vậy, khi cầm tập sách, nó thôi thúc tôi phải viết vài ý kiến để tỏ bày. Tôi và bạn đọc yêu văn chương đều mong muốn và vững tin vào “Ngày mai trời lại sáng”!