Vài cảm nhận "trái chiều" về bài thơ "Chợ tết" của Đoàn Văn Cừ (1939)

Dzung Nguyễn

18/01/2022 17:53

Theo dõi trên

Bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ là một bài thơ về tết khá hay. Tuy nhiên, thật khó có thể biết tác giả viết về một vùng quê nào trên cõi Việt Nam này. Chợ Tết, hay có lẽ nhờ sự mông lung, bất định của nó chăng?!

"Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết" là một câu ngày đầu bài thơ chợ ta thấy đây là một vùng quê phía Nam Việt Nam vì từ "ẤP" là một từ rặt Nam bộ. Cho đến 1975 từ này hầu như chưa xuất hiện để chỉ các thôn, xóm của Bắc bộ một cách chính thống! Huống hồ bài thơ này được làm từ năm... 1939!!!

Chỉ ngay sau câu trên tác giả lại viết "Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ." thì ai cũng phải nghĩ ngay đó là một vùng quê đồng bằng Bắc bộ. "Yếm thắm" là một đặc sản không trộn vào đâu được của cái vùng quê phía Bắc nghèo khổ khi đó. Nét quê đồng bằng Bắc bộ còn đậm đà trong rất nhiều câu thơ khác như

"Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ."

Hay

"Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,

Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra"

...

Nhưng cảnh miền núi lại đột ngột hiện ra ngay sau đó quá câu thơ:

"Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh"

Có lẽ cả vùng đồng bằng Bắc bộ cũng chỉ có một số địa phương thuộc Hà Nam, Ninh Bình là có tý đồi, núi. Các địa phương được coi là đồng bằng, nơi hiện diện các cô gái "YẾM THẮM" chắc chỉ mỗi huyện Thanh Liêm thôi?! Nhưng đây là một vùng quê rất khó có cảnh "Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi" và "Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.".

Thêm nữa chợ tết thường bán những món đồ tươi, thứ ngon,... dành để bày lên bàn thờ cúng tết nhằm mình ước một năm mới sắp tới hành thông mọi nhẽ nên chợ tết không thể có cảnh "Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem". "Gà trống mào thâm như cục tiết" là con gà bị bệnh dịch, có cho chắc nhiều người không lấy vậy mà sao vẫn bày ra bán tại cái chợ tết này? Nhớ hồi xưa đi chợ tết vùng Việt Yên (Bắc Giằng) cả lũ chúng tôi phải nhờ một anh trai bản địa vạch hậu môn các chú gà trống để xem kỹ càng trước khi mua vì rủi mua phải gà bệnh, gà dịch thì tết đó chẳng những hỏng bét vì mấy chị sư tử ở nhà mà năm tới chắc cũng chả lấy gì làm hanh thông cho được!!!

Cuối cùng, nhưng chưa hết chuyện là chợ nông thôn đồng bằng Bắc bộ, nhất là những vùng quê nghèo thường vãn khá nhanh vì đâu có nhiều tiền để người nhà quê mua nọ, sắm kia. Vả lại có muốn sắm thì chợ quê cũng đâu có nhiều hàng hoá?! Nhất là trong bối cảnh những năm 1939 này. Cho dù chợ tết thì cũng khó kéo qua giờ mùi, giờ thân. Vậy nhưng tác giả vẫn tưởng tượng ra chợ "Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm"?! Có lẽ tác giả nhầm với phiên chợ vùng cao nào đó, nơi mọi người thường đi CHƠI CHỢ hơn là đi chợ SẮM TẾT?! Ồ, không phải vùng cao vì vùng cao sao lại có "Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh," như các vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ???

CHỢ TẾT, hay có lẽ nhờ sự mông lung, bất định của nó chăng?!

Ghi chú: Sau khi bài được đưa lên, nhiều bạn cho rằng từ "ấp" cũng được dùng ở vùng Bắc bộ từ lâu rồi, không hẳn là từ "rặt Nam bộ" như đã viết. Về việc này tác giả có ý kiến như sau: Từ "ấp" cũng có thể được dùng ở vùng Bắc bộ từ lâu nhưng nó thường được gắn với các địa danh cụ thể như "Ấp Thái Hà", "Ấp Cầu Đen", "bọn trên ấp" (có ý khinh miệt). Nó không được dùng như một danh từ chung như cụ Đồ Chiểu đã từng viết "Chẳng qua là dân ẤP, dân lân. Mến nghĩa làm quân chiêu mộ" Trong trường hợp này người Bắc thường nói "dân thôn", "dân xóm" chứ không phải là "dân ấp"! Trong khi bài Chợ tết này, từ "ẤP" lại dùng với nghĩa như cụ Đồ Chiểu đã dùng?!

Dù sao, như đã nói từ đầu, đây chỉ là những ý kiến "TRÁI CHIỀU", là cảm nhận riêng của cá nhân, cũng chỉ là "mua vui cũng được một vài trống canh" khi dịch dã lung tung mà lại tết đến, xuân về. Hoàn toàn không có ý hạ thấp bài thơ gần trăm tuổi này!

CHỢ TẾT

(Đoàn Văn Cừ, 1939)

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,

Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.

Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,

Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.

Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,

Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,

Con gà trống mào thâm như cục tiết,

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,

Trên con đường đi các làng hẻo lánh,

Những người quê lũ lượt trở ra về.

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Vài cảm nhận "trái chiều" về bài thơ "Chợ tết" của Đoàn Văn Cừ (1939)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn