Những ai có dịp về hành hương tại Lễ hội Quán Thế Âm (chùa Quán Thế Âm, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thú vị khi mục kích ngôi chùa bề thế được kiến trúc rất hoành tráng, mỹ thuật với hàng ngàn tảng đá, khối đá lớn nhỏ trông như một kỳ quan nơi miền đất Phật. Ngoài ra, mọi người cũng có dịp tham quan, trải nghiệm hàng trăm “trái đá” trong những lần trưng bày tại Lễ hội của nghệ nhân Lê Trí Tuệ (65 tuổi, trú tại thôn 3, Duy Trinh (Duy Xuyên – Quảng Nam).
Năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi rất ngỡ ngàng và thú vị khi chiêm ngưỡng hàng trăm tác phẩm “thạch quả”, còn gọi là “quả đá” hay “trái đá” đang khoe màu, khoe dáng trông rất độc đáo, dễ thương… như là “trái thật” đã góp phần làm phong phú thêm cho không gian trưng bày SVC đặc sắc tại chùa Quán Thế Âm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tuệ, chủ nhân của kho tàng trái đá nói trên cho hay, hơn 20 năm trước, tình cờ ngắm những viên đá đẹp và nghe những huyền thoại về loài đá nghệ thuật một cách say mê, hai vợ chồng tôi không quản ngại khó khăn, vất vả, khăn gói băng rừng lội suối đi tìm, mua bán, trao đổi đá nghệ thuật, nhất là các loại “trái đá”.
Anh Tuệ nhớ lại, để có được những tác phẩm này, trước đây, cứ mỗi tháng, hai vợ chồng anh chị đi sưu tầm đá cảnh trên núi 2 đợt (mỗi đợt 7 ngày) ở các vùng Trà Mi, Hiệp Đức, Đông Trường Sơn, Phước Sơn… Đến nay, anh Tuệ đã có trong tay trên 300 tác phẩm, với đủ chủ đề về quê hương, đất nước, con người, trong đó có khoảng 100 tác phẩm về trái đá các loại với nhiều màu sắc khác nhau.
Trong không gian ấm cúng và trang nghiêm của Chùa, chúng tôi ngẩn ngơ ngắm “rừng trái đá” độc lạ của anh Tuệ trong cái cảm giác như lạc vào rừng thạch quả chốn bồng lai tiên cảnh. Theo anh Tuệ, để có được một tác phẩm đẹp, phải tốn nhiều công sức và tiền của. Theo đó, người tìm đá phải có một số kiến thức nhất định về ngôn ngữ học, thiên văn, địa lý, mỹ thuật… và về các loại hình đá nghệ thuật, nhất là loại hình đá cảnh Suiseki. Ngoài ra, người tìm đá còn cần có cái may mắn, cái duyên để “ngộ” được những viên đá hay những ‘thạch quả” khá đẹp.
Theo anh Tuệ, đá là nơi ghi dấu rõ nét nhất những thay đổi của không gian, thời gian… Mọi cảnh trí, con người, nhân vật… đều được thiên nhiên khắc trên đá. Thậm chí, qua những phiến đá vô tri, mình có thể gửi gắm niềm mơ ước, giúp đá như có “linh hồn”, khi “hiểu” nó và đặt cho nó một cái tên. Nói về “thạch quả”, trong thiên nhiên hiện diện rất nhiều, số thì nằm trong lòng sông, suối; số ở dưới mặt đất, số thì các anh em tìm về. Có những “quả” rất lạ với những màu sắc hài hòa trông khá đẹp mà trong thiên nhiên chưa hề có.
Tôi mong rằng trong tương lai, nên chăng, ngành SVC Việt Nam và những người yêu “thạch quả” cần tổ chức một lễ hội “thạch quả Việt Nam” hoành tráng với hàng ngàn loại “quả đá” từ mọi miền đất nước tham gia. Tuy không thưởng thức thạch quả bằng vị giác, khứu giác nhưng tôi nghĩ rằng những “rừng” thạch quả đó đã để lại nhiều thú vị, bất ngờ, ấn tượng cho người xem đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng sinh vật cảnh Việt Nam.
Trên 20 năm qua, hai vợ chồng đa cất công sưu tầm trên 100 quả đá gồm bầu, bí ngô, bí đao, bầu, mướp, dưa gang, dứa, khổ qua, xoài, bơ... Chỉ cần gắn vào đầu mỗi quả một cái cuốn là trông giống như quả thật. Những năm qua, bộ sưu tập “thạch quả” này cùng với một số đá nghệ thuật khác của 2 vợ chồng chị Kim, anh Tuệ được trưng bày, triển lãm nhiều nơi, được nhiều người xem rất quan tâm, thích thú.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Duy Xuyên là một trong những địa phương hội đủ núi đồi, sông suối, đồng bằng và biển cả đã được thời gian và thiên nhiên tạo nên những viên đá có màu sắc, hình thù kỳ lạ, đẹp đẽ, tất cả đã tạo nên những vật phẩm có giá trị về nhiều mặt. Và trong những nghệ nhân sưu tầm đá cảnh, hai vợ chồng anh Tuệ đã sở hữu số lượng đá cảnh phong phú, trong đó nhiều nhất là “thạch quả”.
Câu ngạn ngữ "Thạch nhập sự thông" thể hiện niềm tin của người Trung Hoa vào sức mạnh tích cực của đá cảnh trong việc mang lại sự hanh thông và may mắn cho gia đình. Đây là một trong những quan niệm truyền thống được chú trọng đặc biệt trong nền văn hóa và tâm linh Trung Quốc, đặc biệt là trong dịp đầu năm mới.
Sự chăm sóc và trưng bày "ngũ quả" bằng đá trên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong dịp Tết không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng mà còn là cách để thể hiện lòng biết ơn và hy vọng cho một năm mới tràn đầy hanh thông và thành công. Việc này cũng thể hiện niềm đam mê của hai vợ chồng anh Tuệ đối với nghệ thuật và vẻ đẹp tự nhiên của đá cảnh.
“Bàn thờ chưng mâm "ngũ quả" từ đá trong ngày Tết không chỉ là nét trang trí tâm linh mà còn là biểu tượng cho mong ước về sự thịnh vượng, phát tài, và phát lộc trong năm mới. Điều này thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống tâm linh và niềm đam mê cá nhân, tạo nên một không khí Tết trang nghiêm, độc đáo và ý nghĩa…”- Anh Tuệ cho hay./.