Về lại Vĩnh Linh (Bút ký) .

Hẹn hò , đợi chờ mãi rồi đến ngày tôi cũng được trở về thăm mảnh đất Vĩnh linh yêu dấu , sau trận dịch kéo dài hơn hai năm trời đằng đẵng .

 

chphehong-1654741334.jpg
Liệt sỹ Trần Mai Cứ cùng trang nhật ký anh viết năm 1968 trước ngày vào trận đánh . Ảnh do tác giả cung cấp

Cùng anh bạn già CCB "hành quân" trên chiếc xe hôn - đa đã cũ , lịch trình được vạch sẵn : Chuyến này hướng về miền đông Vĩnh Linh ! Từ Gio Linh vượt qua cầu Cửa Tùng , chúng tôi đi theo con đường nhựa chạy dọc sát bờ biển qua Vĩnh Quang , Vĩnh Thạch ,Vĩnh Kim , tạt qua một góc rừng Rú lịnh Vĩnh Trung ( xin dùng tên gọi cũ các địa danh )... rồi thẳng tiến ra Vĩnh Thái ... Một cảnh biển mênh mông nối liền trời xanh gió lộng , đi giữa một không gian bát ngát màu xanh trải dài bạt ngàn của những rừng tràm , rừng cao su và vườn cây hoa trái . Những ai đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất này trong những năm tháng đánh giặc Mỹ xâm lược , giờ mới thấy hết sự đổi mới quá mức tưởng tượng , một sức sống vươn lên mãnh liệt của con người và vạn vật nơi đây ! Từ một mảnh đất được mệnh danh là "Đất thép Vĩnh linh ", trải qua hành vạn tấn mưa bom bão đạn mà kẻ thù trút xuống nhằm hủy diệt nơi này . Tất cả cán bộ , nhân dân và bộ đội Vĩnh linh phải chịu đựng suốt từ năm 1964 đến hết năm 1972 , hàng ngàn chiến sỹ cùng nhân dân đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất tuyến đầu của Tổ quốc ! Cuối cùng đã dành chiến thắng vẻ vang đem non sông đất nước về một giải Thống nhất!

Chúng tôi không ghé địa đạo Vịnh Mốc , vì đã mấy lần thăm và có nhiều bạn đã viết về địa danh nổi tiếng này rồi . Chuyến này đến nhà anh bạn đồng đội năm xưa , để có dịp thăm và tìm hiểu thêm địa đạo xã Vĩnh Kim , một di tích bi hùng mà ít người biết đến ! Nơi đây năm 1968 , tại địa đạo này , một quả bom tấn do máy bay Mỹ ném xuống đã rơi nổ trúng cửa hầm , làm sập rồi lấp kín cửa lên xuống và bom giặc đã giã man chôn sống 21 người dân cùng 11 bộ đội ta đang tránh bom dưới đó ! Nay địa phương đã lập bia tưởng niệm và đắp 32 ngôi mộ để tưởng nhớ những người đã nằm lại vĩnh viễn nơi đây . Thắp nén hương tri ân để chia tay , chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình .

Địa phận xã Vĩnh Thái kéo dài gần 20km, giáp ranh từ Ngư Thủy Quảng Bình , chạy dọc sát bờ biển đến tận xã Vĩnh Thạch , tuy là cùng chung vùng đất nói trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa , nhưng dân Vĩnh Thái nghèo và khổ hơn các làng làm nông khác , bởi nơi đây 100% là dân làm nghề đi biển đánh cá , bom đạn liên miên , ra khơi cũng khó nên mãi cứ chịu cảnh đói nghèo . Nhưng nói về sự hy sinh vì Cách mạng của nhân dân các xã ven biển : Vĩnh Thái , Vĩnh Quang , Vĩnh Thạch , Vĩnh Giang... để vận chuyển tiếp tế lương thực thực phẩm, nước uống cùng vũ khí đạn dược cho các chiến sỹ đang chiến đấu ngoài đảo Cồn cỏ , thì không giấy mực nào có thể kể hết những gian nan vất vả , với nhiều tấm gương hy sinh anh dũng để cùng lập nên những chiến công lừng lẫy ! Nay nhìn thấy khung cảnh sầm uất của xóm làng với những ngôi nhà khang trang , đường sá được rải nhựa láng bóng , trường học , trạm xá thuộc loại đẹp nhất nhì tỉnh... còn gì vui hơn thế nữa ! Ngồi ngắm cảnh biển về chiều đẹp đến mê hồn , bãi biển đầy cát trắng trải dài tít tắp còn rất hoang sơ , sóng dịu êm vỗ bờ dào dạt trông thật vui mắt , nhìn xa xa biển một màu xanh rờn , nhô lên cao hơn mặt đất mình đang ngồi , trông là lạ rồi kéo theo sự ngỡ ngàng ! Được thưởng thức món đặc sản nơi đây những con mực từ thuyền câu mới đưa về , dòn và vị ngọt ngập chân răng , sướng đến không tưởng , lòng đầy mãn nguyện .

Về thôn Tây xã Vĩnh Tú thăm nhà đồng đội , cảnh làng quê đầy bóng mát , bần gũi và thân thiết vô cùng . Tôi bước vào gian thờ của gia đình bạn , thắp nén hương thơm cùng chung trên bàn thờ và đứng nghiêng mình trước di ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hồng , với hai người con : liệt sỹ Trần Thị Hý và liệt sỹ Trần Mai Cứ . Thật cảm động và lòng bồi hồi khi được bác Trần Mai Trang em trai của hai liệt sỹ , đang là người chăm lo hương khói bàn thờ . Kể về các trường hợp hy sinh của chị gái và anh trai mình , bác Trang giọng từ từ trầm mặc : Chị Hý lúc đó đã có chồng và 4 con rồi , nhưng chị xung phong vào trung đội dân quân trực chiến pháo 12 ly 7 , để chồng đem con đi sơ tán ra ngoài Bắc . Tháng 2 năm 1968 , trong lúc đang đánh trả máy bay Mỹ lao xuống ném bom vào trận địa , một quả bom sát thương rơi sát khẩu đội của chị , tất cả đã hy sinh ! Trường hợp liệt sỹ Trần Mai Cứ , tôi được bác Trang cho xem quyển nhật ký mà anh Cứ đã ghi lại từ khi vào lực lượng trực tiếp chiến đấu do Khu vực Vĩnh linh tổ chức , khi đó anh Cứ là cán bộ Đoàn xã , nên được bố trí làm Trung đội phó , lúc còn ở nhà anh đã yêu một cô gái cùng làng , gia đình đã đem trầu cau , rượu chè đến nhà gái làm lễ ăn hỏi lần một rồi , nhưng do cái tính rụt rè ít nói , còn có khi cục cằn nữa nên anh Cứ bị một đám trai làng chê , trêu chọc thường xuyên , anh không biết nói gì để người yêu nghe theo mình , thế là hai người từ từ xa nhau ( nay bà ấy đã hơn 80 tuổi) . Một lần đi đào hầm địa đạo , anh cũng có để ý một cô người cùng xã đang đào chung một đoạn hầm , anh đảm nhiệm phía trong , khi bước ra thay chỗ vô tình hai người tránh nhau giữa đường hầm chật , thế là mặt giáp mặt , bụng giáp bụng ... ai ngờ đúng lúc đó có anh cán bộ đến để kiểm tra kích thước kỹ thuật đoạn hầm đã đào , nhìn thấy rõ ràng hai người y như đang ôm nhau vậy ! Thế là đêm đó hai anh chị bị kiểm điểm tội " quan hệ không đứng đắn trong lúc làm nhiệm vụ ..." , vừa xấu hổ vừa không đủ lý luận chứng minh cho mình là trong sạch ... anh Cứ bị phê bình nặng hơn và kéo dài thời gian thử thách để kết nạp Đảng ! Vào một đêm tháng 6 năm 1968 , Đại đội dân quân cơ động của Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ vượt sông Bến Hải vào Nam chiến đấu , kết hợp với du kích địa phương đánh một trận quyết thắng , mục tiêu là tiêu diệt một đại đội ngụy quân đóng tại đồi cát xã Gio Mỹ , Do Linh . Đơn vị vượt sông an toàn và được du kích dẫn đường bí mật luồn sâu , bám sát mục tiêu đúng giờ qui định , trận đánh diễn ra bất ngờ và chủ động nên trong chớp nhoáng ta đã tiêu diệt gần hết quân địch , làm chủ trận địa sau 30 phút nổ súng . Khi bọn địch từ các cứ điểm gần đó kéo quân đến cứu trợ , đơn vị của Cứ được lệnh rút quân khẩn cấp để vượt sông trước lúc trời sáng ! Rất rủi cho Bê phó Trần Mai Cứ bị một viên đạn bắn thẳng của địch găm vào ngực , anh ngã gục ngay tại bờ rào cứ điểm , đồng đội quay lại phải bò đến buộc dây để kéo anh ra ngoài , du kích địa phương chịu trách nhiệm chôn cất anh trước khi rút hết quân ra điểm tập kết ! Cuối năm 1973 , đơn vị cùng gia đình mới vào Do Mỹ đưa hài cốt anh ra quê hương Vĩnh Tú . Đúng 2 tháng sau ngày anh Cứ hy sinh , vào một đêm tháng 8 /1968 giặc Mỹ lại ồ ạt ném bom xuống làng quê Vĩnh Linh , giết hại luôn bà mẹ của hai liệt sỹ cùng nhiều bà con trong làng ! Nỗi đau tột cùng của gia đình ông Trần Trách phải gánh chịu , chỉ trong vòng 6 tháng đã mất 3 người ruột thịt . Vẫn biết rằng những trường hợp đau thương như vậy ở đất Vĩnh Linh này , có nhiều gia đình cũng mang nặng nỗi đau mất mát như thế !

Chuyến hành trình trong hai ngày ngắn ngủi , được tiếp xúc với một số bà con nơi làng quê Vĩnh Tú , Vĩnh Thái , mới từng ấy thôi mà trong lòng tôi vô cùng sảng khoái , quên hết bao nỗi buồn phiền , bởi được chuyện trò với những người dân nơi đây họ vẫn mang bản chất thật thà chất phác như xưa , vui vẻ và rất nhiệt tình cởi mở , bên bát nước chè xanh cụ ông cùng cụ bà đã ngưỡng cửa tuổi 90 còn đọc thơ tình , kể chuyện tình yêu thời trai trẻ cho tôi nghe nữa chứ ! Lòng nhủ lòng : Ước mong dân ta mãi mãi là dân Cụ Hồ . Không để cho kẻ nào đòi lật sử , dạy con cháu quên công lao của cha ông , hay cố tình chà đạp lên lịch sử vẻ vang hàng bốn ngàn năm của đất nước Rồng Tiên này !

Với cán bộ quân và dân khu vực Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước , sự kiên cường bám trụ , anh dũng chiến đấu , sẵn sàng bảo vệ vững chắc tuyến đầu Tổ quốc được cả nước tôn vinh và nhân dân tiến bộ trên toàn Thế giới ca ngợi !

Tôi sẽ làm một chuyến hành trình lên miền tây Vĩnh Linh để ghi lại những đổi thay của mảnh đất anh hùng này , nơi đây đã một thời vùng Bã Hà được coi là : " Thủ đô của mặt trận B5" ! Mà anh em chúng tôi tự đặt cho oai để gọi , bởi mỗi khi được về " Thủ đô" để nhận lương thực hay quân nhu , vũ khí... thì sướng như được về quê !

Vĩnh Linh- Đông Hà , ngày 6 tháng 6/2022.

P.H

Trái tim người lính