Về miền Tây thưởng thức món ngon dân dã, hấp dẫn

Mai Lý

05/02/2023 06:18

Theo dõi trên

Xuân về, Tết đến, nơi thị thành đông đúc, ồn ào, bạn đã quá “ngán, dội” với những với những món ăn đã được “lập trình” sẵn “đến hẹn lại lên” như: thịt kho rệu, giò thủ, pa - tê, thịt hầm, cà-ri, la-ru gà vịt, lạp xưởng, chả giò, chả lụa…

. Đến miền Tây, sau chuyến dã ngoại bằng tàu du lịch, hoặc ghe chèo, hoặc đi xe đạp  ngắm cảnh xinh tươi của  những xóm làng, vườn tược, bờ bãi ven sông rạch,  khách có thể về  các trung tâm thành phố vui thú ẩm thực với đầy đủ các món đặc trưng của sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các nhà hàng, quán ăn khang trang, sạch đẹp có khắp nơi với giá cả phải chăng, bình dân.

CÁ LÓC HẤP BẦU

Đây là một món ngon, “đặc sệt” mùi hương đồng cỏ nội.

Cá lóc là loài cá rất phổ biến, tiêu biểu cho chủng loại cá nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc có ở khắp nơi trong sông rạch, ruộng đồng, ao, đìa, hồ, búng…Bầu là loại rau quả vô cùng thân thuộc với người nhà quê, gắn liền với xứ sở, làng thôn. Ở dưới quê, trước sân, bên, sau hè, thường có giàn bầu được bón, ủ bằng phân cỏ xanh tốt, mượt mà.

b1a1200cn-1200x676-1675526193.jpg

Món các lóc hấp bầu ở miền Tây là món dân dã cực ngon…Nguồn: Internet.

 

Món ngon này khá dễ làm:  Lựa bầu vừa với kích cỡ cá lóc. Bầu rửa sạch vạt một miếng mỏng theo chiều dọc và khoét bỏ hết ruột (lưu ý không gọt vỏ).

Cà rốt gọt vỏ, bổ miếng, hành lá rửa sạch thái nhuyễn làm mỡ hành, hành tây lột vỏ thái miếng nhỏ.  Đậu phộng cho chút muối vào rang chín, tẩy vỏ và giã dập.

Cá lóc tươi sống chừng 800g làm sạch,  lấy mang, đánh vảy và làm sạch nhớt. Cho cá lóc đã ướp chút gia vị rồi cho vào trái bầu đã bỏ ruột. Sau đó xếp các nguyên liệu gồm cà rốt, hành tây bên cạnh cá lóc và nêm thêm chút gia vị.

Đưa cá, bầu vào nồi hấp khoảng 20 phút là được. Khi cá chín bày ra đĩa và rắc đậu phộng, mỡ hành lên trên. Cũng có thể để trên dĩa nhôm đun riu riu trên bếp, ăn lần lần cho nóng.

Ngoài ra, bạn còn có thể ăn kẹp với bánh tráng, bún, rau sống gồm xà lách, rau thơm các loại, dưa leo, xoài xanh.

Cá lóc hấp bầu tạo cảm giác lạ miệng bởi vị ngọt, dai tự nhiên của thịt cá kết hợp cùng sự mát lành của bầu. Đây là một món ăn đậm đà hấp dẫn, đậm mùi quê hương dân dã thưởng thức một lần sẽ cho bạn nhiều ấn tượng, nhớ mãi khó quên.

ỐC BƯƠU LUỘC SẢ

Là món “ăn”tiêu biểu và dễ tìm kiếm nhất nơi thôn dã. Bạn và một vài chú bé nhà quê, chịu khó ra mương vườn, ao, vũng, mé ruộng nước, mò hoặc vớt chừng hơn tiếng đồng hồ, sẽ kiếm được vài kí ốc tươi khá dễ dàng. Ốc Bươu bắt được, ta ngâm nước vo cơm chừng tiếng đồng hồ cho nó nhả nhớt; muốn nhanh hơn người ta có thể ngâm nó với nước ấm pha chút dấm chua. Lá sả, lá ổi hoặc lá bưởi khoảng nạm tay. Cơm mẻ độ nửa chén, dầm ớt hiểm, nêm muối, đường, bột ngọt…tán nhuyễn dùng để làm chất chấm.

Bạn bắc nồi nước lên, nấu vừa sôi, bớt lửa rồi cho ốc đã rửa sạch vô nồi (nước xem sép, vừa khuất mình ốc).Cuối cùng bạn sắp lá sả, lá ổi… đậy nắp chặt và sốc nhẹ vài cái cho đều. Khoảng mười phút sau giở ra thăm, nếu thấy ốc đã hé mày là sử dụng được.Bạn bắc nồi ốc xuống, vớt ra thao. Mùi thơm của lá sả, lá ổi, lá bưởi xông lên ngào ngạt, sẽ cho bạn cảm giác thèm ăn... Thế là chúng ta đã có một món ăn, hoặc nhậu tùy thích mang đậm đà hương vị miền quê. Ốc bươu lể ra chấm cơm mẻ, mềm mềm, giòn giòn, cay cay, beo béo, ngòn ngọt… Nếu nhâm nhi thêm vài cốc rượu thì thật tuyệt!

Ngày nay, món Ốc bươu với nhiều biến tấu như hấp hèm, nướng tiêu, hấp gừng, luộc sả, gỏi ốc trộn bắp chuối, rau răm… đã xâm nhập vào các nhà hàng đặc sản, các quán bình dân. Người thành thị bắt đầu cảm thấy đây là một món ngon, rẻ và nhiều dinh dưỡng, lại không ô nhiễm. Ốc Bươu, ngày nay đã “lên đời” không còn là món ăn dân dã, quê mùa nữa!

CÁ RÔ RANG MUỐI

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn cá đồng rất phong phú. Trong đó, cá rô là loài có khá nhiều trong các kinh rạch, đầm lung, ruộng cỏ ngập nước. Cá rô có con bằng ba ngón tay người lớn khép lại, mập ú và thịt  dẻ giặt, thơm ngon.

Cá rô to độ hai, ba ngón tay, người ta gọi cá “rô mề”, nhỏ bé hơn gọi là cá rô “mén”. Cá “rô biển” mình  bầu, dẹt có màu  đen sáng. Cá rô  thịt  dẻ giặt, thơm ngon. Cá rô mề là loại ngon nhất và rất có giá trị thương phẩm.

Chỉ với vài tay lưới, người ta giăng ở những đường nước nhỏ trong rừng hoặc ở những bờ kinh, mé ruộng, mương vườn, ao, đìa. Vài giờ sau khi giăng, có thể thu hoạch một vài ký cá là chuyện thường.

Là một món ẩm thực dân dã nhưng rất độc đáo. Cá rô bắt hay mua ngoài chợ, lựa rô mề, để nguyên con, rửa sạch với ít nước  muối pha lỏang,  để vào rổ tre cho ráo. Dùng ơ đất để rang là hay nhất.

Rang muối rất dễ làm.Lót một ít muối hột vào ơ. Sắp cá rô lên, rải tiếp một ít muối hột lên bề mặt cá. Đậy hé nắp ơ và đun lửa vừa phải. Khi ơ nóng, muối sẽ nổ lụp bụp, lắp bắp.Lúc ấy ta có thể rải đều thêm một ít sả bằm. Khoảng chừng mười phút, muối sẽ hết nổ, mùi sả bốc lên thơm lừng, ngào ngạt, khi ấy cá rô đã chín, lấy ra dĩa. Ăn cá rô rang  muối kèm với các loại rau thơm như: diếp cá, tía tô, húng chanh, húng nhủi, khế chua, chuối chát. Khóm, dưa leo… xắt mỏng. Chấm cá với muối ớt đỏ và kèm thêm vài trái ớt hiểm xanh mới đúng điệu. Nếu thêm một cốc rượu nếp ngon hay một lon bia thì “quá đã”!

Gợt lớp vỏ cá bỏ, gấp giẻ thịt… Cắn một miếng thịt cá rô mềm, trắng phau, giẻ giặc, ngon ngót, thơm phức đậm đà, bạn sẽ thấy thấm đẫm hương vị tuyệt vời đến chân răng, đầu lưới.  Đây là món đặc sản dân dã dễ làm, mang đặc trưng của vùng đất  ngập nước. Có đến ĐBSCL, các bạn hãy tìm, thưởng thức một lần cho biết…Hầu hết các nhà hàng, các quán ăn  ở miền Tây đều có món này!

CÁ CHẠCH NƯỚNG VỈ

Miệt Hậu Giang, vùng Cần Thơ dưới sông rạch có nhiều cá chạch. 

Cá chạch bằng ngón chân cái, mình dẹp.đầu nhỏ hơi nhọn, dài khoảng gang tay, sống dưới lớp đất phù sa dầy hai, ba tấc. Cá chạch ăn các sinh vật phù du có trong đất. Xưa kia có loại cá “chạch lấu” rất to, nặng trên dưới nửa kí lô một con, bây giờ ít thấy.

Bắt cá chạch cũng rất công phu. Người ta thường dùng bồ cào có răng nhọn, đi dọc theo các bãi phù sa bồi, nhìn những dấu mà mắt thường không chuyên nghiệp rất khó phát hiện, bổ bồ cào xuống và móc lên. Thế là bắt được những chú cá chạch mập ú và tươi rói! Người ta còn bắt cá chạch bằng nhiều cách khác nữa, nhưng đây là cách phổ biến, tự nhiên nhất. Đi một buổi nếu trúng kiếm được và ba ký cá là thường!

Cá chạch bắt lên rửa nước phèn chua cho sạch , sắp lên dĩa. Cơm mẻ tán nhuyễn ra, dằn chút muối, đường, bột ngọt cho dịu; ớt băm nhỏ trộn vào thử vừa ăn là được. Rau sống ở vườn gồm: chuối chát, khế chua, đọt cóc, ngò gai, mù ôm rửa sạch cũng  được đươm ra dĩa. Sau đó là bếp than hồng đỏ rực được đem ra.

Cá chạch sắp lên vỉ nướng, khi nghe mùi thơm bắt mũi,  da cá nhăn rúm lại, bong ra là chấm cơm mẻ dùng được.

Ăn cá chạch nướng, kẹp với rau sống chấm cơm mẻ. Thịt cá beo béo, mùi cá nướng thơm lựng, cơm mẻ chua chua, mằn mặn, ngon ngót, cay cay, nhâm nhi  vài cốc rượu đế ngon với vài người bạn thì thật là tuyệt vời .

* Cơm mẻ: cơm nguội, gút sạch, để ráo cho vào keo, lọ có con “cơm mẻ” (một loại vi sinh vật gây sự lên men chua). Ở nông thôn Nam bộ người ta thường dùng cơm mẻ thay cho me, giấm trong một số trường hợp nấu ăn.

Bạn đang đọc bài viết "Về miền Tây thưởng thức món ngon dân dã, hấp dẫn" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn