Về nguồn         

Tản văn của Nguyễn Thế Tường

15/11/2021 12:59

Theo dõi trên

Trải chiến tranh bom đạn, chiến tranh quan niệm, thằng lính tôi về làng không mang theo được bằng cấp gì “vinh quy bái tổ”. Chỉ được cái lòng còn thanh sạch, trí còn sáng suốt, chí còn hiên ngang, bèn  nhớ thời chăn trâu cắt cỏ mà chèo đò ngược nước tìm xem “cái cây có cội, con nước có nguồn, con chim có tổ” ra sao?!

 nguyen-the-tuong-1636955954.jpg

 

 

“Than ôi! Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông…”

Tôi thuộc lớp người mới, theo tân học, thuộc nằm lòng câu cảm thán trên đây là nhờ hai lần về quê có công chuyện. Lần thứ nhất cách đây đã hai mươi năm. Từ Huế, tôi nhận tin nhắn về làng dự khai trương bản Tộc phả mới được dịch từ Hán văn qua Quốc ngữ. Thú thực, tuổi ba mươi tráng niên tôi đã có ý nghĩ lầm lỗi: “Vẽ! Dịch xong thì đánh máy cất giữ, lại còn bắt con cháu về hầu…”. Nhưng, khi tận mắt, tận tai nhìn, nghe các cụ cất giọng xướng Tộc phả mới thấy lòng chùng xuống. Té ra, con người mới chỉ được phép xếp hàng thứ tư sau cái cây, ngọn nước và chim muông. Con người mà không nhớ tổ tông há chẳng bằng loại thảo mộc, cầm thú?! Gần đây, sau bao vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt, các cụ trong dòng họ tôi mới hoàn thành được nhà thờ bổn tộc. Thành phố gần, chúng tôi lũ lượt kéo nhau về, áo quần tím vàng xanh đỏ, xe động cơ gầm rú vang trời, tác phong đầy tự tin. Trong lễ, vẫn thấy các cụ lụm khụm hương đèn trà rượu dâng lên các bậc tiền nhân, lại rưng rưng cái câu: “Than ôi! Cây có cội…”.

Làng tôi nghèo nhưng hiếu học. Dòng họ tôi càng nghèo và càng hiếu học hơn. Mấy anh chị đỗ tiến sĩ từ Hà Nội về làm tiệc khao, được các cụ nhắc đội mâm lên thắp hương trình các bậc tiền bối thượng hưởng. Trải chiến tranh bom đạn, chiến tranh quan niệm, thằng lính tôi về làng không mang theo được bằng cấp gì “vinh quy bái tổ”. Chỉ được cái lòng còn thanh sạch, trí còn sáng suốt, chí còn hiên ngang, bèn  nhớ thời chăn trâu cắt cỏ mà chèo đò ngược nước tìm xem “cái cây có cội, con nước có nguồn, con chim có tổ” ra sao?!

  Thì ra, nguồn cội là ngọn gió. Ngọn gió mồ côi sau trận lụt thổi qua mênh mang đồng nước châu thổ gần nửa thế kỷ nay vẫn thế: Se se lạnh, thoang thoảng mùi phù sa chưa lắng hết. Ngọn gió thong thả của ngày nông nhàn giỡn đùa với mặt nước, tôi nhìn thấy quen thuộc lạ lùng. Té ra, nguồn cội là bóng dáng con trâu đứng thong thả nhai lại trên các cồn bãi thênh thênh giữa đồng nước, là cây Mưng mà văn tự gọi là cây Lộc vừng đứng trầm  mặc hàng trăm năm bên những ao làng, bên những triền đê như chứng vật, hồn vía của quê hương. Lại nữa, là những đám chim Bồng. Sau lụt, nông phu quê tôi gieo mạ, lại gặp trận mưa to nước ngập, chim Bồng kéo đàn về thả bập bềnh trên đám mạ mới gieo mà ăn hạt giống. Rét lắm mà các chú các bác vẫn phải ra ngủ ngoài lều trại trên đồng, mang theo con cúi giữ lửa và thân cây “Bốm” đốt lên để tạo tiếng động râm ran hòng đuổi chim. Bốn mươi năm đọc sách, tìm mãi mà không gặp văn tự gọi chim  “Bồng” quê tôi là chim gì, cây “ Bốm” là cây gì? Chỉ biết nó có cội rễ, có tổ, là mảnh hồn tuổi thơ tôi.

Người chèo đò chở chúng tôi ra đồng cũng  là một cựu binh thuộc lớp trai làng tòng quân đánh Mỹ, may còn sống sót trở về, gửi lại một chân đâu trên đất Tha Mé, biên giới Việt – Lào. Anh đọc cho  nghe mấy câu thơ rất ngộ (mà thực ra là  rất hay):

“Ai lên Tha Mé

Cho gửi nén hương

Thắp lên ngôi mộ

Một chân bên đường”.

Trên những nẻo đường đời có bao nhiêu chuyện lạ. Có cuộc đời của quan chức bậc cao lại kết thúc bằng cánh cửa nhà tù. Có cuộc đời của kẻ tận cùng lại lóe sáng lúc hậu vận, có lăng tẩm bậc vĩ nhân lại có nắm đất vùi một cẳng chân xấu số. Tôi nhìn mỗi thứ rong rêu cỏ rác lướt qua dưới mạn thuyền mà nhớ thương về những người bạn thuở thiếu thời cùng lớn lên trên mặt nước, từng làm bạn với đám chim Le Le, chím Trích, chim Bồng, cùng trèo cây Mưng, cây Bún rình bắt chim Sáo Sậu… bây giờ nằm rải rác nơi đâu trên những nẻo đường Trường Sơn.

Nhớ một câu thơ trong “ Thề Non nước” của cố thi sĩ Tản Đà:

“  Non cao đã biết hay chưa

Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn”.

 Cầu mong sao cho chúng tôi chưa kịp trôi ra biển đã được hóa thân thành làn hơi bay lên, nương theo ngọn gió nồm trở lại những cánh rừng Trường Sơn đại ngàn bỗng ớn lạnh mà ngưng đọng thành giọt nước, rơi xuống, tụ lại thành suối, thành lạch, hợp thủy thành sông chảy về  đồng.

Một ngày giáp tết, tôi bước chầm chậm dọc đường quê, gặp một đám trai thị thành về làng, áo quần muôn hồng ngàn tía, mặt mũi nhìn lên, phóng xe phân khối lớn, lòng tự nghĩ phải tìm cái dịp chi đây để ngâm lên cái câu cảm thán: “ Than ôi! Cây có cội, nước  có nguồn…” như bao năm đã vang lên trong trái tim tôi.

 

N.T.T  - Rút trong tập " Và, gió heo may ..."

Bạn đang đọc bài viết "Về nguồn         " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn