Một lần khi đi viện trợ về đơn vị mà không ai phát hiện và một lần lúc mới nhập ngũ đã có quân hàm binh nhì. Đến nay có người hỏi tôi cấp hàm của anh là gì khi ở trong quân đội nhân dân?. Tôi trả lời vui:
- Tôi đeo quân hàm Lục Sĩ (chuẩn úy)
Tôi không hiểu tại sao quân đội ta lại dùng từ Hán nhiều vậy trong phân cấp cho từng quân nhân. Sao không gọi bộ đội 1, bộ đội 2 mà phải gọi nhất, nhì, hạ, trung thượng.
Lại có đại tá, trưởng phòng biên tập một tờ báo lớn hỏi tôi khi anh chuẩn bị viết bài “Tôi học tập và làm theo Bác Hồ” rằng: Tại sao anh là đại đội phó của đại đội được nhà nước phong tặng tập thể anh hùng các lực lượng vũ trang mà chỉ có quân hàm chuẩn úy. Điều này tôi lúng túng trả lời dài hơi… Nào là do biến động của đơn vị chiến đấu bổ sung không kịp. Ở đơn vị B24 trước đây tại chiến trường ác liệt có đồng chí Thượng sĩ đã phải chỉ huy Đại đội… Đến những năm 1967, 1968 ở tiểu đoàn 15 pháo cao xạ của tôi có anh Đỗ Hải chỉ là trung úy đã phụ trách tiểu đoàn trưởng 3 năm….
Tôi hiểu cấp hàm lúc đọc qua sách báo. Ngày ấy Bác Hồ thay Đảng Nhà nước phong hàm Đại tướng cho anh cả cựu chiến binh Việt Nam ngày nay là Võ Nguyên Giáp vì đã chỉ huy đánh thắng đại tướng của quân đội nhà nghề. Nhưng với tinh thần giữ nước của mỗi người quân nhân ở nước ta đã có truyền thống từ các Vua Hùng. Mỗi khi có xâm lược đến mọi người đều tham gia đánh giặc, giữ nhà, giữ nước. Mỗi chiến sĩ yêu nước xông lên phía trước chả có nhất nhì gì cả. Vẫn quyết tâm đánh thắng. Khi có Đảng, có tổ chức phân công chỉ huy từ tổ trưởng, A trưởng, C, D, E, F trưởng là sự tin cậy tài năng, tổ chức chỉ huy tập trung thống nhất. Người được phân công chăm lo hoàn thành nhiệm vụ. Những người chiến sĩ tin cậy, giúp đỡ cán bộ công tác chỉ huy vững vàng hơn.
Thưa bạn đọc!
Chín lần tôi được phong quân hàm, nhưng tôi chưa bao được phát cặp ve áo cầu vai. Sau khi bị thương ở chiến trường tôi được cấp cứu, điều trị rồi về an dưỡng ở đoàn 253 quân khu 3. Lúc ấy họ thấy tôi viết chữ cho mọi người dễ đọc, chỉ huy đoàn đã cử tôi cùng một đồng chí sĩ quan sơ cấp nữa đến trạm 66 bộ quốc phòng có nhiệm vụ vào Tổng cục Chính trị nhận tài liệu hồ sơ rồi ghi chuyển Đảng cho số cán bộ bị thương, bị bệnh từ chiến trường miền Nam ra. Mỗi ngày ghi chép được hàng trăm bộ hồ sơ như vậy. Mỗi lần ra vào cổng trạm 66 tôi thấy mọi người đều đeo quân hàm ve áo đỏ tươi từ binh nhất đến các cấp trên . Tôi ngắm họ thấy đẹp quá, tự hào cho quân đội nhân dân quá. Nhưng hai anh em chúng tôi không có. Một hôm tôi mượn cặp ve áo binh nhì màu đỏ tươi của một chiến sĩ phục vụ đeo vào mình cho đẹp như mọi người. Ngày thứ nhất, thứ hai tôi vui vẻ ra vào cổng. Vào ngày thứ ba khi ra khỏi trạm, một chiến sĩ cảnh vệ mang quân hàm trung sĩ có băng đỏ bên cánh tay gọi tôi lại mời tôi vào phòng trực ban giao cho một đồng chí Trung úy chỉ huy. Trung úy đã hỏi tôi về giấy tờ. Có lẽ họ thấy tôi không hợp tuổi với đôi quân hàm binh nhì ấy. Tôi phải trả lời thật rằng tôi chưa được phát ve áo và cầu vai. Chỉ thấy mọi người đeo đẹp, tự hào rồi mượn đeo, trong lúc chúng tôi vẫn được đeo phù hiệu chứ!
Giá hôm đó tôi đeo quân hàm vượt cấp chuẩn ý của tôi chắc còn bị kỷ luật nhắc nhở nặng hơn.
Tiện thể tôi xin kể chuyện này. Giữa năm 1968, đơn vị tôi bắn rơi một chiếc máy bay F4H của Mỹ trên bầu trời Cự Nẫm - tỉnh Quảng Bình. Tên phi công kịp nhảy dù nhưng rơi gần mặt đất dù mới bung ra nên nó bị thương ở chân. Chúng tôi nhìn chiếc dù rộng màu xanh đỏ, tôi nghĩ là cấp tá. Quân và dân vùng đó đã bắt sống dễ dàng. Tiểu đoàn cử một tổ bảo vệ phi công, nó được nhốt vào một cái cũi sắt chắc chắn trông như một con gấu ở vườn thú . Nhân dân vùng đó bị bom đạn Mỹ cày xới thì tức giận mang gậy gộc, giáo mác đến muốn xé xác tên giặc lái kia. Hắn lấm lét, sợ hãi tái mặt. Các pháo thủ chúng tôi được thay nhau đến xem mặt tên giặc lái xâm lược. Tất cả chúng tôi đến mặc quân phục chứ không có quân hàm, cấp hiệu. Đồng chí Trung tá trung đoàn trưởng Thành cũng trang phục như lính đến nói chuyện với nó bằng tiếng Anh. Nó cũng bâng quơ không trả lời.
Sau đó trung đoàn cử hai chiến sĩ đeo cấp hàm trung sĩ pháo binh, quân phục mùa hè gọn gàng đến. Nó đã thấy vội đứng dậy ngay ngắn, nghiêm túc (dù chân đang bị thương) giơ tay chào theo kiểu nhà binh rồi nói bằng tiếng Việt rõ ràng: “Chào hai trung úy pháo binh”. Có thể nó đã nhầm giữa trung sỹ và trung úy của ta vì đều có hai sao.
Hai chiến sĩ có quân hàm, quân hiệu nói với nó bằng tiếng Anh nhưng nó lại trả lời tiếng Việt rất thông thạo. Đấy quân đội nhà nghề hiểu biết, tôn trọng nghiêm túc quy định của quân nhân như thế đấy. Tôi biết ngày nay Quân đội ta lớn mạnh rất nhiều. Lứa tuổi con trai tôi cũng đã là cấp tá, hơn cha ông nhiều sao, gạch. Hàng ngày tôi chỉ mong muốn mọi quân nhân phát huy truyền thống yêu nước của cha ông để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và luôn xứng đáng với cấp hàm của mình. Luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Không thể có những vị tướng bị kỷ luật như thời gian gần đây.
Theo Trái Tim Người Lính