Vị mặn mòi của biển

Truyện ngắn: Nguyễn Duy Hiếu

21/03/2022 17:54

Theo dõi trên

Nước mắt cô hòa vào nước biển trong buổi chiều hoàng hôn rực đỏ trên bãi cát, một màu đỏ như chưa bao giờ có cuộc chia ly. Mùi biển mặn mòi khiến Cúc tỉnh táo hơn. Cúc trải lòng mình và chợt nhận ra rằng: Nơi ấy ngày đêm vẫn có tiếng rì rầm của sóng biển.

 

vi-man-moi-cua-bien-1647860002.jpg

Lần ấy, sau khi hội diễn nghệ thuật quần chúng do Quân khu 4 tổ chức thành công. Đội Văn nghệ Trung đoàn của Hoàng Kim Cúc được Chính ủy thưởng cho nghỉ phép 3 ngày. Cúc không không tin vào mắt mình khi cầm tờ Quyết định nghỉ phép trên tay. Cô rất vui khi được đi cùng với bạn diễn đến một miền quê ven biển, nhưng đặc biệt hơn đó chính là quê của Hà Tuấn Anh.

Cố nén niềm vui trong lòng, Cúc viết thư về báo tin vui cho mẹ. Cô hiểu mẹ rất buồn vì không muốn cô đi xa nguy hiểm. Nhưng đó là niềm đam mê của tuổi trẻ. Quê của Cúc ở vùng rừng núi quanh năm sương mù bao phủ, nay được xuống biển thì còn gì thích hơn nữa. Ngồi trên xe, Cúc không giấu nỗi niềm vui và sự háo hức của mình vì được đi bên Tuấn Anh, một cây đơn ca có tiếng ở đơn vị. Mỗi khi nghe anh hát dân ca xứ Nghệ làm cô cứ nao lòng…

Biển chiều hôm có tiếng sóng rì rầm kéo theo những làn gió mặn mòi như quyến rũ… Hoàng hôn như quả cầu lửa dịu dàng buông xuống hòa mình với mặt biển xanh mênh mông tạo nên một bức tranh lung linh, huyền ảo. Từ phía xa xa, từng lũ trẻ con đùa nhau với sóng gợi lên những kỷ niệm của tuổi thơ. Cúc cùng Tuấn Anh đi dọc bờ cát trải dài trắng mịn, cô thầm ước bãi cát cứ kéo dài ra vô tận…Tuấn Anh dẫn  Cúc đến ngồi lên một mõm đá.Ánh mắt Cúc đăm đắm ngước nhìn muôn vì sao lấp lánh trên nền trời xanh thẳm. Khuôn mặt Tuấn Anh sáng lên khi nhận ra trong đôi mắt của Cúc niềm vui bất tận. Bất chợt Tuấn Anh ghé vào tai của Cúc hỏi nhỏ:

- Này Cúc ! Em có yêu biển không?

Trong hoàng hôn lặng lẽ đó, Tuấn Anh cảm nhận đôi mắt của Cúc dường như đang nhìn anh say đắm và thỉnh thoảng cô lại ngước nhìn ra biển cả mênh mông.

- Sao anh lại hỏi như vậy, em yêu biển mà và cũng yêu luôn người của biển… Nỗi xúc động trào dâng trong anh vì nghe câu trả lời đầy hàm ý của Cúc và anh khẽ nói:

-Em nói thật không?

-Sao anh không cảm nhận được điều ấy trong ánh mắt của em à…

Biển từ lau đã đến trong những giấc mơ của Cúc ngay từ thuở nhỏ,cũng không biết từ bao giờ biển đã trở thành niềm khát vọng của cô. Có lẽ, biển không chỉ là ước mơ của Cúc đâu mà sẽ còn biết bao người khác nữa.Giọng của Cúc trở nên ấm áp lạ thường, đến nỗi Tuấn Anh tưởng như đó là tiếng rì rầm của sóng biển. Cái buổi chiều ấy mới đây thôi, vậy mà đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên. Cúc đã phần nào hiểu được cơn bão trong lòng Tuấn Anh, cơn dông bão đó vẫn không dừng lại.

        Mấy ngày ở nhà Tuấn Anh, cô cảm thấy rất đỗi thân thương như là trong nhà của mình vậy. Mọi cảnh vật, sinh hoạt rất gần gũi không có gì xa lạ đối với cô.Ông Bình và bà Xuân là bố mẹ của Anh suốt cả đêm đánh cá ngoài khơi, khi mặt trời ló lên mặt biển cũng là lúc thuyền về được mấy chục ki-lô-gam cá. Mẹ của anh ngồi nhặt ra từng loại đem ra chợ bán, đong gạo ăn. Mẹ anh tâm sự với Cúc:

- Cuộc sống của gia đình quanh năm chỉ nhìn vào chiếc thuyền bé nhỏ và mấy tấm lưới mà số tiền ngày ông về phục viên dành dụm để mua sắm. Những hôm sóng lớn, gió to, biển động không đi biển được, lúc ấy rất khó khăn.

Sau khi giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, ông Bình được cấp trên ưu tiên cho chuyển ngành sang Ty Lâm nghiệp, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vợ thường xuyên bị ốm đau nên ông quyết tâm về quê làm kinh tế, giúp đỡ gia đình. Cúc rất thương bố mẹ anh, hàng ngày sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, hướng dẫn các cháu nhỏ học hành. Không khí trong gia đình thật ấm cúng. Thấy vậy, bố mẹ anh rất quý Cúc, luôn xem cô như đứa con trong gia đình.

Thời gian trôi nhanh như giấc ngủ trưa, mấy ngày nghỉ phép đã hết. Cúc ước mơ thời gian kéo dài hơn nữa. Tạm biệt gia đình bố mẹ, người thân Tuấn Anh và Cúc trở về đơn vị. Đúng vào dịp kỷ niệm ngày Truyền thống Trung đoàn, Đội văn nghệ của Tuấn Anh được cấp trên gợi ý đem những tiết mục đã đạt giải tại Hội diễn quân khu mang về biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Trong đêm biểu diễn, cứ sau tiết mục song ca của Cúc và Tuấn Anh là những tràng pháo tay cỗ vũ kéo dài không ngớt. Những lần như thế, Tuấn Anh rất sung sướng, anh như đọc được niềm vui trong đôi mắt sâu thẳm của Cúc và thầm cám ơn cô đã có tiếng hát ngọt ngào làm lay động bao nhiêu con tim của đồng đội. Từ sân khấu bước xuống, Cúc ôm chầm lấy anh, Cúc thầm nhớ lại những ngày ra biển, được đi bên cạnh anh. Tiếng sóng biển vẫn rì rầm cất lên những bản tình ca tuyệt đẹp.

- Liệu Cúc còn có thể nói biển của anh và em được không?

Tuấn Anh tự trách mình quá đa sầu, đa cảm, nhưng không thể gạt bỏ các cảm giác của mình. Lần đầu tiên trong đời, anh đưa Cúc ngửi thấy mùi của biển, cay cay và nồng nồng quyện vào nhau trong từng cơn gió.

Cuối năm 1977, chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt. Nhân dân ta vừa mới kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm thì nay tiếng súng quân xâm lược Pol Pot lại nổ ra ở một số tỉnh biên giới Tây Nam. Chúng ta mong muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, nhưng kẻ thù “buộc ta ôm cây súng”. Lớp lớp thanh niên nô nức lên đường tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Lúc này, đơn vị của Tuấn Anh được điều động chi viện vào chiến trường Tây Nam. Trước lúc lên đường,Tuấn Anh giấu Cúc về thăm gia đình mấy hôm. Đầu óc anh cứ quay cuồng, chao đảo không muốn cho Cúc biết vì sợ Cúc buồn, giảm sút sức khỏe, ảnh hưởng đến công tác. Độ ấy, đang mùaThu, thỉnh thoảng từng cơn gió mang hơi lạnhtừ biển thổi vào gợi bao nỗi buồn man mác.Đơn vị của Tuấn Anh được lệnh hành quân vào Tây Ninh, sau đó tiếp tục tiến quân sang Campuchia theo yêu cầu của bạn, giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pốt- Ieng xa ri, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả “giúp bạn cũng là giúp mình”. Thời gian đầu mới bước chân sang nước bạn, Tuấn Anh có gửi cho Cúc vài lá thư, nhưng do chiến sự ác liệt nên dần dần mọi thông tin không thể thực hiện được.

Cũng mùa Thu năm ấy, Cúc được đơn vị cho đi học khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương . Buồn vì xa Tuấn Anh, nhưng vui vì thỏa niềm đam mê ca hát. Đây là ước mơ cháy bỏng của Cúc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường,nó lại được nuôi dưỡng trong thời gian quân đội. Cúc rất muốn viết thư báo tin cho Tuấn Anh, nhưng đơn vị bí mật không cho hòm thư. Cúc ôm ấp một mối tình sâu nặng mong ước thời gian trôi nhanh để hai đứa về trong một nhà.

Trong thời gian học tập ở trường, thấy Cúc học giỏi, chăm ngoan, hiền lành lại là con gái miền Trung nói năng nhỏ nhẹ, Đức Huy, quê ở Thành Nam luôn theo đuổi cô như hình với bóng. Đức Huy hơn cô 5 tuổi, là lớp trưởng. Những hôm liên hoan văn nghệ ở trường hay đi giao lưu với các đơn vị trên địa bàn quận Thanh Xuân, Đức Huy đều làm “tình nguyện viên” chở Cúc đi biểu diễn. Tiếng lành đồn xa, bạn bè trong lớp nói cho Đức Huy biết là Cúc đã có người yêu, hiện đang công tác ở chiến trường C. Biết vậy, nhưng Đức Huy vẫn đem lòng yêu Cúc một cách chân thành.

Sau 3 năm học tập tại trường, Cúc luôn chăm chỉ trau dồi kiến thức và có chất giọng vốn “trời phú” cho mình. Quả thật, kết thúc khóa học, Cúc đạt kết quả loại Giỏi nên được chọn vị trí công tác. Suốt nhiều đêm suy nghĩ: “Con gái có thì mà Tuấn Anh đang ở chiến trường chẳng biết sống chết ra sao?”. Bố mẹ thương Cúc cho phép cô lựa chọn con đường đi của mình. Vì tình yêu quê hương, tình yêu với biển, Cúc quyết định trở về quê công tác. Cúc giảng dạy môn thanh nhạc ở một miền quê vùng biển mà đó lại là quê hương của Tuấn Anh…

Ngày chia tay, Đức Huy tình nguyện đưa Cúc về thăm ngôi trường nơi Cúc công tác. Ngôi trường lợp ngói nằm sâu trong làng chài. Buổi sáng đầu tiên Cúc đến, những em học sinh da đen nhẻm, tóc cháy sém, sực mùi tôm cá, ngước đôi mắt nhìn cô giáo. Đức Huy thảng thốt nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm của Cúc. Lần đầu tiên anh cảm thấy mình không thể đọc được nỗi buồn trong đôi mắt ấy. Sau giây phút sững sờ, Đức Huy run run nói:

- Ta đến thăm bố mẹ Tuấn Anh đi em?

Cố gắng trấn tĩnh lại, Cúc nói mà không dám nhìn thẳng vào mắt Huy:

- Tuấn Anh đã hy sinh rồi, hôm qua chị gái anh ấy gặp em ở trên Ủy ban xã lúc em nộp Quyết định công tác.

          Như hiểu được tâm nguyện của Đức Huy, hai người đến nhà và thắp nén nhang lên bàn thờ Tuấn Anh. Trong làn khói hương buồn thương ấy, Cúc khóc nức nở rồi gục xuống trong lòng mẹ anh. Nước mắt họ chảy dài trên đôi vai gầy bé bỏng. Cúc báo tin cho mẹ là con chọn về quê nhà để dạy học cho các em nhỏ làng ta mẹ ạ. Mẹ Tuấn Anh mừng lắm:

- Có thật không con! Thế là từ nay mẹ con ta có nhau, mẹ không phải lo cái ăn, cái mặc nữa. Có con bên cạnh mẹ ưng trong cái bụng rồi.

- Bố Bình của con cách đây ba tháng, đi biển đánh cá, thuyền của ông gặp phải cơn bão. Trên thuyền có hai người đã bị sóng nhấn chìm. Người dân làng chài ở đây đã kịp thời vớt được ông đưa về tổ chức tang sự.

Cúc nén mọi xúc động,cổ họng ứ nghẹn, cô không thể nói hết câu, nước mắt cứ thế rơi lã chã trên đôi gò má:

- À, mẹ ơi! Đây là anh Huy, lớp trưởng, học 3 năm cùng con.Hôm nay, anh ấy cũng về thăm gia đình ta đấy mẹ ạ.

  Sáng hôm sau, Đức Huy và Cúc đến dự họp buổi giao ban đầu tiên. Thầy hiệu trưởng giới thiệu Cúc với giáo viên trong trường. Bất chợt có tiếng thì thầm: “Sao cô ấy không ở thành phố mà lại về nhà quê dạy nhỉ? Có dở người không đây”.Cúc không còn tâm trạng để nghe những lời đàm tiếu đó, cô gượng gạo mỉm cười với mọi người và cố gắng để không quay lại phía Đức Huy. Thầy Hiệu trưởng phân công Cúc phụ trách khối lớp 9 đảm nhiệm dạy môn thanh nhạc làm hạt nhân cho phong trào văn nghệ của nhà trường. Ở đây các thầy, cô đều chỉ tốt nghiệp cao đẳng, khối lớp 9 năm nay sẽ vào cấp 3 nên để Cúc và một thầy nữa phụ trách các em sẽ tốt hơn. Cô Cúc có gì chưa quen thì cứ mạnh dạn trao đổi với tôi. Lại nói về Đức Huy, rất nhiều lần biểu lộ tình cảm và mong được Cúc yêu mình, nhưng do điều kiện và hoàn cảnh lúc bấy giờ nên hai người không đến được với nhau. Đức Huy chia tay Cúc trở về thành phố trong nỗi nhớ thầm để lại sau lưng sự trống trải mênh mông.

Đầu óc Cúc cứ lâng lâng quay cuồng, mọi thứ xung quanh giống như ảo ảnh. Khó khăn lắm Cúc mới dằn lòng tự an ủi mình, mọi thứ mới bắt đầu thôi, tất cả còn ở phía trước, nơi này chẳng phải đã từng là ước mơ, khát vọng của mình.Niềm vui lớn nhất của đời Cúc là được thay Tuấn Anh chăm sóc bố mẹ già hai bên những lúc trái gió, trở trời, đáp ứng với tâm nguyện của anh trước lúc lên đường vào Nam. Mùa xuân 1979, Thủ đô Phnom Pênh được giải phóng, nhưng anh không được tận mắt nhìn thấy ngày chiến thắng – đó là khúc khải hoàn ca của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia – Xa ma khi (Đoàn kết).

Chiều nào cũng vậy, sắp xếp mọi công việc xong xuôi, Cúc lại tha thẩn dọc theo bờ biển hay đến những ghềnh đá ngồi nhớ lại người yêu. Sau một đêm dông bão, biển lại yên ả lạ thường như chưa từng có cơn bão đi qua. Sóng biển vẫn thì thầm kể chuyện tình. Cúc cứ dõi mắt nhìn vào biển chiều vô định. Cô chờ Tuấn Anh từ phía bên kia biên giới về với lòng mình, về với biển. Vì cô tin biển dịu êm như những giấc mơ. Nước mắt cô hòa vào nước biển trong buổi chiều hoàng hôn rực đỏ trên bãi cát, một màu đỏ như chưa bao giờ có cuộc chia ly. Mùi biển mặn mòi khiến Cúc tỉnh táo hơn. Cúc trải lòng mình và chợt nhận ra rằng: Nơi ấy ngày đêm vẫn có tiếng rì rầm của sóng biển./.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vị mặn mòi của biển" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn