Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023, đánh giá về triển vọng nền kinh tế năm 2024

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp, hiệp hội.

Sáng ngày 11 tháng 4/2024 tại Hội trường tầng 3, nhà B, số 1 Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Khoa học thường niên nhằm phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đánh giá về triển vọng nền kinh tế năm 2024, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị chính sách đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 và những năm tiếp theo. 

Trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng và tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. 

Những "cơn gió ngược" từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, v.v... đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.

quang-canh-hoi-thao-1712834798.jpeg
 
Quang cảnh Hội thảo

Trước bối cảnh có nhiều thách thức lớn này, công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-S (4,2%). Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Những kết quả này tạo niềm tin nền kinh tế trong nước đã vượt qua được những thách thức của năm 2023, củng cố nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế hàng đầu bao gồm: PGS. TS. Trần Đình Thiên và TS. Lê Xuân Nghĩa (Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia); TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh); PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) PGS.TS. Lê Xuân Bá (Hội Kinh tế Việt Nam); TS. Nguyễn Đình Cung (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương); TS. Phạm Xuân Hòe (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng). Chủ trì Hội thảo là TS. Phạm Anh Tuần và TS. Lê Xuân Sang là hai lãnh đạo của Viện Kinh tế Việt Nam. 

Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp, hiệp hội. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các phóng viên từ các cơ quan thông tấn, báo chí. 

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để có báo cáo kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô gửi đến Chính phủ và bộ ngành trung ương, các cơ quan liên quan.