Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 23

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 23

 Cả Hoằng Tín hầu và Lê Tư Tề im lặng. Một lát Lê Tư Tề nói:

-Ta muốn làm một cuộc chính biến chống lại Lê Thái Tông nhưng ngại dân tình lại khổ vì nạn binh đao. Bách tính đã khổ nhiều năm rồi, ta thật không nỡ.

Hoằng Tín hầu cả sợ, vội nói:

-Xin đại  nhân lấy xã tắc và đất nước làm trọng. Vả lại như vậy đại nhân sẽ mang tội phản nghịch, tội muôn đời không thể rửa sạch được.

-Ta đã bị dồn đến mức này thì còn xá gì. Ta chỉ thương vợ con, thân mẫu và bách tính mà thôi.

Hoằng Tín hầu nói:

-Ngài nghĩ như vậy là phải. Vả lại triều đình ngày nay bọn gian thần hiểm ác rất nhiều. Đại nhân không thể đấu lại được với chúng đâu. Tôi có một nơi này đại nhân có thể đến.

Lê Tư Tề vội hỏi:

-Nơi nào?

-Phủ Lưu Tế (Mỹ Đức) gần kinh đô nhưng là nơi núi non rừng rậm. Đại nhân có thể đem cả nhà đến đó sinh sống. Nơi đó có thể chăn nuôi trồng trọt.

Lê Tư Tề nói:

-Đa tạ đại nhân.

Liền gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Làm cơm rượu lên đây ta cùng cạn ly với Hoằng Tín hầu.

-Dạ.

Cả nhà và gia nhân cùng cơm nước xong, Lê Tư Tề gọi:

-Gọi quản gia và gọi hết gia nhân lên đây.

-Dạ.

Một lát sau cả nhà và 10 gia nhân đến đông đủ. Lê Tư Tề nói:

-Ta nay bị phế làm thường dân, phải rời khỏi kinh thành, các ngươi nhận mỗi người 20 lạng bạc về quê mà sinh sống. Ta cảm tạ các ngươi đã trung thành phục vụ ta suốt nhiều năm qua.

Bọn gia nhân nghe xong khóc như mưa gió:

-Chủ nhân đừng đuổi chúng tôi, xin chủ nhân cho chúng tôi đi theo, chúng tôi sẽ phục vụ chủ nhân.

Lê Tư Tề đáp:

-Ta đa tạ các ngươi, ta nay không có bổng lộc gì để nuôi các ngươi, các ngươi theo ta chỉ nghèo khó và liên lụy mà thôi. Các ngươi nhận bạc, thu xếp về quê sinh sống. Sớm mai ta cũng đem cả nhà đi về miền nông thôn rừng núi rồi.

Bọn gia nhân vừa khóc vừa vái lạy:

-Đa tạ chủ nhân, vậy chủ nhân bảo trọng, chúng tôi xin cáo biệt.

-Các người bảo trọng.

-Đa tạ chủ nhân, chúng tôi kiếp nô tì nhưng được chủ nhân cưu mang, coi chúng tôi như con người. Chúng tôi không bao giờ quên ơn.

Bọn gia nhân khóc mà xách hành lý đi. Phủ Quận vương không còn một gia nhân nào. Sớm hôm sau, Lê Tư Tề dẫn thân mẫu, Xuân Hoa phu nhân và 4 đứa con trai, một đứa con gái lên một chiếc xe ngựa. Lê Tư Tề và Hoằng Tín Hầu mỗi người cưỡi một con ngựa hộ tống đi hai bên ra khỏi kinh thành đi về phía tây, đó là một ngày tháng 5 năm 1438. Hoằng Tín hầu dẫn cả gia đình Lê Tư Tề về phủ Lưu Tế (Mỹ Đức-Thăng Long) và cư trú ở đó. Được một năm thì gia đình ổn định về kinh tế, trồng hoa quả, trồng lúa, chăn nuôi gà lợn. Lê Tư Tề nhờ Hoằng Tín hầu dẫn tới chùa Tùng Lâm ở Bắc Lâm. Hoằng Tín hầu giới thiệu Lê Tư Tề với sư trụ trì, Nhà sư vái chào và nói:

-Xin chào Quốc vương, nghe đại danh của ngài 15 năm nay nay mới có duyên được gặp.                                                                                                                                                                         

 Lê Tư Tề cúi mình đáp:

-Đa tạ thiền sư, tôi nay không phải là Quốc vương hay Quận vương nữa, kẻ sĩ nay đã là thường dân, muốn đến nhờ thiền sư thu nạp để được đọc kinh gõ mõ sớm tối.

-Đa tạ Quốc vương đã hạ cố đến chùa chúng tôi để hành đạo, hân hạnh, hân hạnh.

-Đa tạ thiền sư đã không chê mà dung nạp.

Rồi Lê Tư Tề xuống tóc và đi tu ở đó, đổi tên là Nguyễn Hữu, ngày ngày đọc kinh niệm phật, quên đi những sự bất nhân bất nghĩa ngang trái của triều đình, của thế gian. Lê Tư Tề viêm tịch năm 1460. Khi chết triều đình Lê Thánh Tông phong ông là Quận Ai vương.

  Người con gái út của Lê Tư Tề là Mai Hoa công chúa, lớn lên thường mặc trang phục đàn ông, lưng mang gươm như một kiếm khách, thầy dạy võ là một cuốn sách võ xưa công chúa giắt trong người và thường luyện tập vào buổi sáng. Công chúa xin phép bà nội và mẹ đi đây đi đó. Khi ở Nông Cống, khi về quê nội Lam Sơn, khi về Côn Sơn, khi về Hương Sơn, khi về Phủ Lưu Tế thăm bà, thăm mẹ và các em. Công chúa say mê cảnh đẹp của Hương Sơn, say dòng suối Yến với suối Giải Oan uốn quanh rừng núi. Cuối cùng công chúa lấy đạo hiệu là Tuyết Quỳnh, vào tu ở Hương Sơn, vui ngày tháng với các tiểu đồng giữa nơi non xanh nước biếc, quên đi ân oán giữa cuộc đời trần thế. Bà sống ở đây 38 năm, viêm tịch năm 56 tuổi.

 Thân mẫu của Lê Tư Tề là bà Trịnh Thị Ngọc Lữ. Suốt từ khi Lê Lợi khởi binh ở Thanh Hóa rồi vào Nghệ An, rồi tiến quân ra Bắc, bà luôn bên cạnh chăm sóc cho Lê Thái Tổ, lại còn chăm sóc Lê Tư Tề, khi Lê Tư Tề trưởng thành, thành tướng của nghĩa quân, bà lại chăm sóc cho Lê Nguyên Long (Lê Thái Tông) vì mẹ đẻ của Lê Nguyên Long là bà Phạm Thị Ngọc Trần sớm qua đời ở Nghệ An năm 1425 khi Lê Nguyên Long mới 3 tuổi. Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua năm 1428, cử Lê Tư Tề làm Quốc vương thì bà là Quốc Vương thái mẫu, khi Lê Tư Tề là Quận vương thì bà là Quận vương mẫu, năm 1438 khi Lê Từ Tề bị giáng làm thảo dân thì bà là thảo dân. Thực ra bà vẫn là phi của Lê Thái Tổ nên danh nghĩa vẫn là Thần phi nhưng trên thực tế chỉ còn là thảo dân khi bị đuổi khỏi kinh thành, sống với con và các cháu ở Phủ Lưu Tế ở Mỹ Đức (Thăng Long), tự lao động mà kiếm sống cùng con cháu.

(Còn nữa)

CVL