Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 20

PGS TS Cao Văn Liên

24/08/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 20

Lê Thái Tổ có ba bà vợ, bà vợ thứ nhất là Phạm Thị Nghiêu, được truy phong Huệ phi,  bị quân Minh bắt cùng với một công chúa vào năm 1419 khi chúng càn quét vào Lam Sơn và bà mất tại quê nhà. Bà thứ hai là Trịnh Thị Ngọc Lữ quê ở làng Bái Để, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân) Thanh Hóa, kết duyên với Lê Lợi khi mới 20 tuổi, sinh ra Hoàng tử Quốc Vương Lê Tư Tề. Lê Tư Tề được phong Quốc Vương. Từng theo Lê Thái Tổ tham gia cuộc kháng chiến chống Minh, lập được nhiều chiến công. Khi Lê Lợi lập Trần Cao làm vua theo yêu cầu của nhà Minh, Lê Tư Tề được phong là Thị trung, tháng 6 năm 1427 được thăng chức Tư đồ, tháng 11 năm 1427 khi trao đổi con tin với Vương Thông, phía quân Minh cho Mã Kỳ, Trần Thọ sang quân Lam Sơn, Lê Tư  Tề và Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan với nhà Minh, tháng 12 năm 1427 khi quân Minh rút về thì Lê Tư Tề trở về. Năm 1428 được phong Hữu tướng quốc, tước Quận vương. Sau Lê Lợi sai Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương sự Phạm Vấn, Nhập nội Đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội Thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Lê Tư Tề làm Quốc vương. Quần thần xưng hô với Tề phải xưng là Quốc vương điện hạ, dùng chữ "Khải" thay cho chữ “Tấu”, các giấy tờ ban xuống thì dùng “Quốc vương chỉ huy” thay cho chữ "sắc”. Lê Tư Tề  từng chinh phạt Tây Bắc đánh Đèo Cát Hãn khi Hãn phản loạn lần thứ 2 và chỉ huy cánh quân bộ cùng Lê Thái Tổ chinh phạt Tây Bắc khi Hãn làm phản lần thứ 3. Lê Tư Tề cũng được Lê Thái Tổ cho phép thiết triều giải quyết những công việc của triều chính mỗi khi Lê Thái Tổ ốm đau hoặc đi chinh chiến. Trong kháng chiến khi hai bà mất sớm, chính bà Trịnh Thị Ngọc Lữ, thân sinh ra Lê Tư Tề đã chăm sóc Lê lợi cho đến ngày nay. Tước hiệu của bà là Quốc Thái mẫu (Sau này là Quận Vương mẫu, rồi khi Lê Tư Tề bị Lê Thái Tông giáng làm thứ dân là Thần phi mẫu). Lê Tư Tề sinh năm 1401, nay đã 32 tuổi, đã trưởng thành trong chiến đấu và trong trị nước. Hai đại thần phò tá Lê Tư Tề là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, cả hai đã bị vu cáo mà tự sát chết. Phu nhân của Lê Tư Tề là quận chúa Xuân Hoa Hương. Bà vợ thứ ba của Lê Thái Tổ là Phạm Thị Ngọc Trần (Cung từ hoàng Thái hậu), sinh năm 1381, quê quán Hương Tuần Lai, Huyện Lôi Dương (Thọ Xuân, Thanh Hóa), mất ngày 24-3 năm 1425 khi nghĩa quân đang tác chiến ở Nghệ An. Bố của bà Phạm Thị Ngọc Trần là Phạm Hoành, tước hầu của triều đại Lê Thái Tổ, anh ruột là tướng Phạm Vấn, khai quốc công thần, đại thần nhà Hậu Lê. Bà sinh ra Hoàng tử Lê Nguyên Long, bà được truy phong Hoàng hậu, Bà Trần mất tại Hưng Nguyên, Nghệ An táng tại núi Na, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân Hà Tĩnh. Bà sinh ra Hoàng Tử Lê Nguyên Long năm 1423, khi nghĩa quân và Lê Lợi còn ở miền thượng du Thanh Hóa. Như vậy năm nay 1433, Lê Nguyên Long mới 10 tuổi.

  Lê Thái Tổ ba vợ nhưng không lập ai làm chính thất. Khi Mã Kỳ càn quét đã bắt đi Huệ Phi Phạm Thị Nghiêu và đứa con gái. Ngày 1 tháng 11 năm 1428, nhà vua cử Đỗ Như Hùng sang nhà Minh đòi và xin lại con gái 9 tuổi bị chúng bắt, nghe nói Mã Kỳ đã đem về nuôi, về sau đưa về Yên Kinh làm cung từ. Đó là công chúa Lê Thị Đào Nữ (chết bên Trung Quốc). Con gái thứ hai của Lê Lợi là công chúa Ngọc Châu đã lấy con trai của đại công thần Bùi Bị là Bùi Ban. Bùi Ban hy sinh trong cuộc chiến đánh Chiêm Thành. Ngọc Châu tái giá lấy Khôi Quận công Trần Hùng rồi sau vào chùa đi tu. Từ đầu năm 1433, Lê Thái Tổ không thiết triều được nữa, chính Lê Tư Tề đang thay vua giải quyết những công việc của đất nước, của triều chính.

  Lê Nguyên Long là hoàng tử thứ hai, năm nay mới 10 tuổi, được phong là Lương Quận Công. Những đại thần phò tá Lê Nguyên Long là Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khôi, Phạm Vấn (Anh ruột Phạm Thị Ngọc Trần). Trong khi Lê Thái Tổ nằm liệt giường thì cuộc đấu tranh giữa hai phe giành ngôi kế vị cho hoàng tử mình tôn thờ ngày càng quyết liệt, trong đó Lê Tư Tề yếu thế vì hai đại thần tôn phò Quốc vương là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo đã bị vu oan mà chết. Trong khi đó có lẽ do phe của Lê Nguyên Long tung ra nên hàng ngày trong cung, trên giường bệnh, Lê Thái Tổ thường nghe bọn hoạn quan truyền đến nhưng điều không tốt đẹp về Lê Tư Tề rằng Quốc vương có máu điên khùng, cậy quyền cao, giết tì thiếp bừa bãi, rằng không coi các đại thần ra gì. Điều đó đã làm cho Lê Lợi phân vân không biết chọn ai xứng đáng làm người kế vị. Lê Tư Tề đã trưởng thành nhưng nếu đúng như đồn đại thì không xứng là bậc quân vương, còn Lê Nguyên Long thì còn quá nhỏ, chưa từng trải. Lê Lợi phân vân và chìm vào giấc ngủ thì canh khuya mơ màng thấy bóng dáng của Hiền Phi Phạm Thị Ngọc Trần về đứng cạnh Lê Thái Tổ khóc mà nói: “Tướng công đã quên mất lời nói năm xưa với thiếp, nay định ruồng bỏ con thơ của thiếp, không cho nó làm Thái tử kế vị ngai vàng như đã hứa. Thiếp cùng thần linh dưới suối vàng đã phù hộ cho tướng công chiến thắng mà nay tướng công phụ thiếp và con thiếp, hu!hu! hu!...” Lê Thái Tổ bàng hoàng thức giấc, nhớ lại trong lúc lâm chung ở Nghệ An, Hiền phi Phạm Thị Ngọc Trần nắm tay Lê Thái Tổ mà nói: “Tướng công hứa với thiếp một điều thì thiếp mới nhắm mắt ra đi và dưới suối vàng thiếp sẽ phù hộ cho tướng công chiến thắng, hoàn thành đại nghiệp.”

Lê Lợi hỏi:

-Nàng muốn ta hứa điều gì.

 Phạm Thị Ngọc Trần đáp:

-Tướng công hãy hứa sau này lập Lê Nguyên Long là con của chúng ta làm Thái tử, kế vị ngai vàng.

Nhìn cảnh đứa con mới 3 tuổi đang khóc đòi mẹ, nhìn sự khẩn khoản trong đôi mắt của một hiền thê thân yêu sắp đi xa, Lê Lợi không nén được cảm thương xúc động liền nói:

-Ta hứa với nàng sau này sẽ lập Lê Nguyên Long làm Thái tử, kế vị ngai vàng.

Phạm Thị Ngọc Trần ứa nước mắt nói:

-Đa tạ tướng công, thiếp sẽ phù hộ cho chàng chiến thắng. Vĩnh biệt, vĩnh biệt...

Tiếng của Hiền phi nhỏ dần và nàng ra đi giữa tuổi thanh xuân, để lại cho Lê Lợi một đứa con thơ dại.

Sau đêm mơ đó trên giường bệnh, sáng hôm sau, Lê Lợi bảo quan nội thị:

-Đi mời đại thần Thiếu úy Lê Khôi vào đây gặp trẫm.

-Dạ thần tuân chỉ.

Quan nội giám đi ra, một lát sau, Lê Khôi vào. Lê Khôi là con của người anh thứ hai của Lê Lợi là Lê Trừ, gọi Lê Thái Tổ là chú, đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, là dũng tướng xuất sắc, còn là nhà cai trị tài ba, năm 1430 được cử đi trấn thủ Châu Hóa. Thời gian này Lê Thái Tổ đang ốm nặng nên nhà vua cho triệu Lê Khôi về kinh đề phòng có việc. Lê Khôi chắp tay quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

 Lê Lợi nói:

-Người nhà, miễn lễ, cho ngồi.

-Đa tạ hoàng thượng.

-Cháu này.

-Dạ.

-Nay ta ốm nặng khó qua khỏi, có việc công việc hệ trọng ta muốn nói với cháu vì cháu là người trong nhà, trong hoàng tộc.

Lê Thái Tổ đưa mắt nhìn quanh, Lê Khôi hiểu ý nói:

-Tất cả ra ngoài đi.

Quan nội thị, hai thị nữ, hai cấm quân ở cửa đáp:

-Dạ.

Khi chỉ còn lại hai người, Lê Thái Tổ mới nói:

-Việc hệ trọng ta bàn với cháu là chọn người kế vị ngai vàng, ta có hai con trai, trưởng nam là Lê Tư Tề, thứ hai là Lê Nguyên Long. Lê Tư Tề thì đã trưởng thành, từng trải qua chiến đấu, cũng từng thay ta nhiều lần thiết triều. Nhưng gần đây có tiếng đồn đại không tốt về Quốc vương, còn Lê Nguyên Long thì còn nhỏ...Theo khanh thì ta chọn ai là đúng?

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 20" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn