Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 29

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 29

Toàn quân xuất phát theo sự phân công, 1.000 quân đi trước có xe ngựa kéo che vải vàng, trên cao là lọng vàng và cờ vàng có chữ soái màu đỏ, đại quân vẫn theo trật từ tiên phong, trung quân và hậu quân, cờ vàng bay phấp phới, bụi cuốn mù trời. Đi hai dặm nữa thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, đã đi qua địa thế hiểm yếu rồi mà không có mai phục.

-Tiếp tục hành quân.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

Đi được hai dặm nữa lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, cách nửa dặm nữa thì tới doanh trại giặc.

Lê Thái Tông suy nghĩ và gọi các tướng ra lệnh:

 -Giặc không mai phục và không dàn trận vì quân ít, không tinh nhuệ. Vậy chúng sẽ chờ ta trong đêm nay cướp doanh trại của chúng, còn chúng thì mai phục bên ngoài để bao vây tiêu diệt quân ta. Tướng Lê Liễu nghe lệnh:

-Dạ có thần.

-Tướng quân đem 2.000 quân đêm nay canh ba xông vào trại giặc, nếu trại trống không thì nằm xuống tránh tên đạn, chờ chúng tiến vào thì vùng dậy chiến đấu. Ta sẽ đem quân bên ngoài bao vây, trong đánh ra ngoài đánh vào, giặc Nghiễm phải chết.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

  Canh ba núi rừng chìm trong bóng tối mênh mông, Lê Liễu cho 2.000 quân phá cổng xông vào trại giặc. Doanh trại trống không. Một phát tên có lửa bắn lên trời. Lê Liễu hô to:

-Nằm xuống.

Tất cả quân vừa nằm xuống thì những trận mưa tên từ chung quanh bắn vào xối xả. Lê Liễu bắn tên lửa sáng lên cao. Bên ngoài Lê Thái Tông ra lệnh:

-Theo đội hình bao vây xông vào giết giặc.

  Ba vạn quân phá rào xông vào từ bốn phía. Trước đó quân giặc Thượng Nghiễm đã lao xuống định tiêu diệt quân Lê Liễu đã lọt vào trại nhưng đã nằm xuống tránh tên, khi giặc lại gần Lê Liễu hô to:

-Đứng dậy giết giặc.

 2.000 quân vùng dậy. Vừa khi đó 3 vạn quân do Lê Thái Tông chỉ huy cũng vừa phá cổng tràn vào. Quân giặc bị bao vây, trong đánh ra ngoài đánh vào vỡ trận rối loạn và bị giết gần hết. Trong trại chất chồng đầu rơi máu chảy thây người, 1 vạn phản quân bị giết sau một canh giờ hỗn chiến. Thượng Nghiễm vội vàng mở đường máu trốn thoát. Quân triều đình bắt được tướng Ai Lao là Đạo Mông, bắt được hai con của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Sáng hôm sau vua Lê Thái Tông đang ngồi trong hành dinh thì có thãm mã vào báo:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, có tên Thượng Nghiễm cầm đầu phản loạn muốn xin vào đầu hàng và quy thuận triều đình.

-  Cho vào.

-  Dạ.

 Thượng Nghiễm mặt mày hốc hác, tiều tụy tự trói mình đi vào, khi thấy Lê Thái Tông thì quỳ và lê gối lại gần gục đầu vái lạy:

  -Tâu Hoàng thượng, thần biết tội, xin Hoàng thượng tha mạng cho thần và hai con của thần.

   Lê Thái Tông nói gay gắt:

-Ta đã tha cho người lần thứ nhất làm phản năm ngoái rồi, nay còn gì mà nói.

Thượng Nghiễm lại rập đầu:

-Xin Hoàng thượng tha mạng, lần này thần thề một lòng trung thành với Hoàng thượng, với triêu đình, nếu còn hai lòng thì xin trời tru đất diệt.

 Lê Thái Tông gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cỡi trói cho ngài tù trưởng đứng dậy đi.

Sau khi được cỡi trói, Thượng Nghiễm cúi đầu vái tạ:

-Tạ ơn Hoàng thượng không giết, tạ ơn Hoàng thượng tái sinh.

Lê Thái Tông nói:

-Ta tha cho ngươi lần này là lần cuối cùng, không có lần thứ ba. Ngươi đừng cậy đường xa núi hiểm không coi triều đình ra gì. Phải nhớ ơn ta tha mạng mà trung thành. Rõ chưa?

-Thần đa tạ Hoàng thượng, thần đã rõ.

 -Ngươi hãy lấy nhân nghĩa mà trông coi bách tính. Hãy coi bách tính ở Mường Muỗi như con em, được dân tình yêu mến kính trọng là hạnh phúc, chứ không phải là hám danh lợi quyền lực rồi mưu phản thì chỉ có con đường chết. Rõ chưa?

-Thần đã rõ, đa tạ Hoàng thượng.

Lê Thái Tông gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Thả hết số tù binh vợ và hai con của Thượng Nghiễm, tên người Lào Đạo Mông và vợ con của hắn.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Một canh giờ sau, 100 lính của Thượng Nghiêm cùng vợ con của hắn, có  cả Đạo Mông được tha. Đám người quỳ rạp cảm tạ:

-Đa tạ Hoàng thượng không giết, đa tạ Hoàng thượng tha mạng.

Lê Thái Tông nói:

-Các ngươi trở về nhà đi. Ta đã bảo Thượng Nghiễm chia ruộng đất cho dân bản, cho các ngươi cày cấy sản xuất mà sinh sống, đừng bao giờ theo kẻ ác mà làm phản triều đình.

-Tạ ơn Hoàng Thượng, chúng thảo dân xin cáo biệt. Hoàng thượng bảo trọng.

Lê Thái Tông lên xe ngựa và kéo quân trở về. 100 người bị bắt được tha và dân bản vài nghìn người đi theo sau khóc lóc đưa tiễn;

-Cáo biệt Hoàng thượng, Hu!Hu!Hu!...

 Đoàn quân đi đã xa, trong làn gió bụi phía sau nhà vua vẫn trông thấy họ quỳ theo vái vọng. Lê Thái Tông và quân sĩ nghĩ chân tại Động La, Thẩm Bảo Ké, một hang động tự nhiên ở châu Mường La. Vua và các tướng sĩ cùng đi thăm và đọc lại bài thơ vua đề tựa năm 1440 khi đi đánh dẹp Thượng Nghiễm phản loạn lần thứ nhất tại Mường Muỗi-Thuận Châu Sơn La. Sương gió một năm làm cho bài thơ càng rõ nét trên vách đá. Tựa bài thơ có 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán gọi là “Quế lâm ngự chế” khắc trên một vách đá ở ngay cửa hang động: Dịch nghĩa: Tướng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển 6 quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng, bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ rằng:

Nghĩ tới người xa đêm khổ tâm

Thổ tù sao lại dám quen thân.

Thế gian đã có anh hùng chúa

Thiên hạ ai tha kẻ ngịch thần

Đường sá khó khăn đừng cậy hiểm

Hang cùng đã ấm áp hơi xuân

Yên được dân lành, nhơ nhớp hết

Dân xa được ngỏ tấm lòng nhân.

Canh Thân 1440 ngày lành giữa tháng 3.

(Còn nữa)

CVL