Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 3

PGS TS Cao Văn Liên

07/08/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 3

III.

Đang là tháng 2 năm 1429, miền Lập Thạch, phủ Vĩnh Phúc gió còn se lạnh, tuy nhiên những tia nắng của đầu mùa xuân như tơ rải xuống khắp đồi núi và những cánh đồng.

Toàn bộ mang một sắc xanh của trăm cây đang đâm chồi nẩy lộc sau một mùa đông rét mướt tàn úa. Trên trời mây trắng đi lang lang. Vài đàn chim trên trời cao tung cánh bay từ phương Nam trách rét nay trở về phương Bắc. Xa xa dẫy Tam Đảo vươn lên phủ một làn sương mỏng trắng xóa mong manh. Sông Hồng, sông Lô, sông Đà tuôn nước hòa vào nhau như con về với mẹ và tuôn về  Lục Đầu Giang ra biển. Vài con thuyền chài lưới, vài con thuyền vận tải như trôi về vô định. Con đường cái quan chỉ vừa lối cho hai xe ngựa tránh nhau chạy thẳng tắp từ Thái Nguyên qua Lập Thạch. Hai hàng cây theo hai bên đường chạy về Thăng Long khoảng 140 dặm. Cách bờ sông Lô khoảng 2 dặm về phía nam có một trang viên tường xây gạch hình vuông, mỗi chiều rộng một dặm, xung quanh tường xanh rì dây leo chằng chịt. Diện tích phía trong rộng lớn là nhà cửa sang trọng, mái lợp ngói, những đầu đao hình đầu rồng của những biệt phủ nhô lên không gian trông như những con rồng đang vươn lên bay vào không trung. Trong khuôn viên đó những mái nhà ngói, cột bằng gỗ lim to hai người ôm, tường xây gạch quét vôi trắng xóa. Trên những mái nhà, những cây bồ đề, cây cau, cây sấu vươn lên xanh tươi, tỏa bóng mát xuống một không gian mát mẻ. Những lớp lá khô bay xuống mái nhà dày đặc. Trong khuôn viên có những con đường thẳng tắp vuông bàn cờ nối các dinh thự với nhau. Giữa các nhà đó, một ngôi nhà to lớn sang trọng. Bên trong gian giữa sát tường đặt những chiếc bàn thờ, bàn trong cao hơn ba bàn ngoài, trên đặt những bài vị sơn son thếp vàng, trước bài vị đặt nhiều bát hương sứ màu trắng, vẽ rồng cuộn mây bay màu xanh, còn đặt hàng chục lư hương đồng vàng chóe. Hai bàn thấp hơn cũng đặt lư hương đồng, còn có trống chuông phục vụ cho việc tế tự.

  Liền dưới bàn thờ đặt chiếc bàn lớn hình chữ nhật màu gụ nâu bóng, hai bên bàn đặt hai chiếc ghế tràng kỷ cũng màu gụ có khảm ngọc trai sáng bóng và hoa văn cầu kỳ hoa chim lá. Trên bàn đặt một bộ ấm trà màu nâu và sáu chén dùng để uống trà. Đây là trang viên của Khai quốc công thần nhà Hậu Lê Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Ngồi cạnh bộ bàn ghế sang trọng và rộng rãi chỉ một người đàn ông mặt vuông vức, trạc 40 tuổi đang ngồi im lặng uống từng ngụm trà nóng. Đầu người đó búi tóc và quấn nhiều vòng chiếc khăn thếp màu đen, mình mặc áo dài đen, quần lụa trắng, nhưng không che dấu được dáng con nhà võ,  trong 10 năm xông pha khắp các chiến trường Trung Nam Bắc theo Lê Thái Tổ giết giặc Minh. Trần Nguyên Hãn thong thả uống từng ngụm trà rồi lại đăm chiêu suy nghĩ về quá khứ hào hùng, oanh liệt.

  Mười năm gian truân trôi thật nhanh như chim bay. Mới đó mà Trần Nguyên Hãn đã rời triều đình nhà Hậu Lê, rời Đông Kinh được một năm. Một năm xa rời chốn cung đình hiểm ác, đầy ganh đua quyền lực, đầy ghen ghét hiềm nguy, Trần Nguyên Hãn về sống cuộc đời phiêu diêu tự tại nơi quê nhà. Những phút nhàn rỗi ông lại nhớ về quá khứ, nhất là 10 năm kháng chiến chống giặc Minh đầy gian khó song cũng rất hào hùng và oanh liệt.

  Trần Nguyên Hãn là cháu nội của quan Túc Thượng hầu Trần Nguyên Đán. Trần Nguyên Đán lại là cháu nhiều đời của Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải nhà Trần. Thời Trần Nguyên Đán, vương triều Trần đang trên con đường suy vong dưới thời Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, vua Trần Phế Đế. Trần Nguyên Đán là một trong số ít quý tộc nhà Trần học rộng biết nhiều nhưng lại không cố tìm cách chấn hưng nhà Trần mà lại xa lánh triều đình về ở ẩn ở Côn Sơn, vui thú với cảnh thiên nhiên, mây gió, cỏ hoa và chim chóc, đem hai con trai là Trần Thúc Giao và Trần Thúc Quỳnh gửi nhờ quyền thần Hồ Quý Ly. Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ năm 1407, Đại Việt (Đại Ngu) mất vào tay nhà Minh. Trần Thúc Giao và Trần Thúc Quỳnh đầu hàng quân giặc và được nhà Minh cho làm quan cai quản Nghệ An và Diễn Châu. Khi nhà Hậu Trần là Trùng Quang Đế (Trần Quý Khoáng) đánh Nghệ An và Diễn Châu, bắt được Trần Thúc Giao và Trần Thúc Quỳnh đem giết. Trần Nguyên Hãn không rõ là con của người nào trong hai người đó nhưng lại sống sót trong cơn binh lửa khốc liệt đó.

  Đất nước và bách tính chìm trong máu và đói khổ dưới sự thống trị tàn bạo của nhà Minh. Lớn lên Trần Nguyên Hãn có lòng yêu nước thương dân, đã ra sức học tập võ nghệ và binh thư mong có ngày có ai dựng ngọn cờ cứu nước thì theo về. Có một đêm ông đến lễ thần ở Bạch Hạc, đêm ngủ lại đền thì thần núi Tản Viên đến báo mộng rằng trời đã sai Lê Lợi ở Lam Sơn, huyện Lỗi Dương (Thọ Xuân), Thanh Hóa làm vua nước Nam, ngài đang dựng cờ chiêu tập anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa cứu nước, giành lại độc lập, dựng lại nghiệp đế vương. Sáng hôm sau Trần Nguyên Hãn tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Lê lợi biết tài của Trần Nguyên Hãn đãi ngộ rất hậu, cho dự bàn việc quân cơ. Ông cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh Lam Sơn trải qua những ngày chiến đấu gian khổ đầy hy sinh ở miền thượng du Thanh Hóa, những ngày bị 10 đến 20 vạn quân Minh càn quét truy đuổi, bao vây nguy khốn ở Chí Linh, hết lương thực phải ăn măng, ăn cỏ rừng mà sống. Trần Nguyễn Hãn nhớ lại những ngày gian khổ nhưng oanh liệt mai phục tập kích tiêu diệt quân Minh ở bến Bổng, Mường Thôi, Bò Mộng, Bồ Thi Lang. Để mở rộng thế và lực của cuộc kháng chiến, năm 1424, nghe theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi đem nghĩa quân tiến vào Nghệ An, mở ra một cục diện mới cho cuộc khởi nghĩa. Từ cuộc khởi nghĩa địa phương ở miền núi Thanh Hóa, khi vào Nghệ An, thế và lực khởi nghĩa đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng toàn quốc. Năm 1425, Trần Nguyên Hãn được lệnh cùng Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Ba Bồ đem 1 vạn quân và 1 thớt voi tiến vào giải phóng xứ Tân Bình-Thuận Hóa (Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế). Trần Nguyên Hãn nhớ lại quân Lam Sơn đến Bố Chính, phía bắc sông Linh Giang (sông Gianh), đưa quân đến chỗ hiểm yếu mai phục ở Hà Khương. Tướng Minh là Nhâm Năng đem hết quân ra đánh. Quân Lam Sơn giao chiến giả thua chạy. Nhâm Năng đem quân đuổi theo, lọt vào trận địa, bị quân Lam Sơn đánh kẹp hai bên, quân Minh tan vỡ và bị tiêu diệt.

  Tuy thắng lợi nhưng quân Lam Sơn quân số ít, giặc Minh còn đông, Trần Nguyên Hãn sai người về Nghệ An cầu viện. Lê Lợi sai Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiến thuyền vượt biển đánh thẳng vào Tân Bình-Thuận Hóa. Quân dân hai xứ này đều qui thuận nghĩa quân. Quân Minh rút vào thành Tân Bình cố thủ. Hai xứ này được giải phóng, thuộc nghĩa quân Lam Sơn. Chiến thắng Tân Bình-Thuận Hóa không chỉ mở rộng vùng giải phóng từ Nghệ An vào đến phía Nam mà còn có ý nghĩa về quân sự: Giặc Minh không thể tạo ra gọng kìm từ phía Nam để đánh tập hậu nghĩa quân khi nghĩa quân tiến ra giải phóng miền Bắc.

  Sau khi nghĩa quân giải phóng Thanh Hóa, quân Minh phải lui vào cố thủ ở thành Tây Đô. Mùa thu năm Bính Ngọ 1426, Lê Lợi phái ba đạo quân tiến ra giải phóng miền Bắc, mỗi đạo 1 vạn quân. Tháng 9 năm đó, Lê Lợi nhận được tin báo của Đinh Lễ, quân ta thắng một trận lớn ở Tốt Động-Chúc Động. Trận này quân ta tiêu diệt 6 vạn quân Minh, giết chết một số võ quan cao cấp của giặc, buộc Vương Thông, tên Tổng Binh mới vừa thay chức Trần Trí cũng bị thương nặng, đem 4 vạn quân còn lại chạy vào Đông Quan cố thủ. Chiến thắng này đẩy quân Minh hoàn toàn vào thế bị động, cố thủ hoàn toàn. Ngày  23 tháng 10 năm 1426, Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị đem 100 chiến thuyền, ngược dòng sông Đại Lũng ra cửa sông Hát rồi thuận dòng tiến đến bến Đông Bộ Đầu (sông Hồng). Lê Lợi cũng sai Đinh Lễ đem 1 vạn quân bí mật tiến đến mặt Tây Đông Quan (cầu Tương Dương-Cầu Giấy). Lê Lợi đích thân dẫn binh đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành. Đêm canh ba quân ta ba mặt đánh ập vào phóng hỏa đốt doanh trại giặc ở ngoài thành, khói lửa ngút trời. Quân Minh ở các quân doanh ngoài thành bỏ chạy vào thành. Quân Lam Sơn thu được hơn trăm chiến thuyền, cùng nhiều khí giới nghi trượng. Quân Minh rút hết vào thành Đông Quan cố thủ chờ viện binh.

  Tháng 9 năm Đinh Mùi 1427, do Vương Thông cầu viện, vua Minh Tuyên Tông cử 15 vạn quân chia làm hai cánh tiến vào Đại Việt cứu viện. Đạo chủ lực gồm 10 vạn quân do An Viễn hầu Liễu Thăng, tiến vào Quỷ Môn Quan (ải Chi Lăng) theo đường Lạng Sơn tiến xuống Đông Quan. Đạo thứ 2 gồm 5 vạn quân do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh từ Vân Nam theo đường Lào Cai tiến xuống. Nghe theo kế sách của Nguyễn Trãi, Lê Lợi tập trung cho tiêu diệt 10 vạn quân của Liễu Thăng thì quân ở các thành bị vây ở Tân Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Chí Linh, Đông Quan Phải mở cửa ra hàng, đạo 5 vạn tên của Mộc Thạnh không đánh cũng tan ra tháo chạy. Tuy nhiên các thành Tam Giang (Phú Thọ), Xương Giang (Bắc Giang) nằm trên đường viện binh giặc tiến vào nên phải tiêu diệt trước khi quân viện binh tới, mất chỗ dựa của quân viện binh khi tiến vào, sẽ bị quân ta tập kích, truy kích tiêu diệt. Do tầm quan trọng như vậy cho nên dù là tướng văn, mưu sĩ, Nguyễn Trãi cũng xin Lê Lợi ra chỉ huy quyết tâm hạ thành Xương Giang trước khi viện binh tới vì quân ta đã đánh 6 tháng ròng mà không hạ được. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Trãi cùng các tướng trong đó có Thái úy Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Lý Triện, Nguyễn Lý tập trung tất cả các lực lượng, phương tiện, kể cả kéo thần công đến và đã hạ được thành Xương Giang trước khi quân Minh chạy xuống chỉ 10 ngày. Tướng giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận tự sát chết. Sau trận đánh thành Xương Giang, Trần Nguyên Hãn được tham gia đánh quân Minh tại mặt trận Chi Lăng-Xương Giang. Tại đây ông làm nhiệm vụ chặn đường vận chuyển lương thực của quân Minh, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng-Xương Giang. 10 vạn quân Minh bị tiêu diệt hết, chỉ còn một tên sống sót chạy về nước.

  Nghe tin đạo quân của Liễu Thăng bị tiêu diệt, 5 vạn quân của Mộc Thạnh không bị đánh, tan rã chạy về nước, bị quân ta tuy kích, tiêu diệt 2 vạn. Đông Quan và các thành như Tân Bình, Tây Đô, Chí Linh, Cổ Lộng, Đông Quan còn lại 10 vạn quân mở cổng thành đầu hàng, xin rút quân về nước. Vương Thông thề không bao giờ dám xâm lược Đại Việt nữa. Sau hội thề, 10 vạn quân Minh được Lê Lợi cấp lương thực, xe ngựa rút về nước. Tháng 12 năm 1427, đất nước được sạch bóng quân thù.

  Do những công lao như vậy cho nên từ năm 1424-1425, Trần Nguyên Hãn được phong là Tư Đồ, Năm 1427 được phong là Thái úy và năm 1428 được phong là Tả tướng quốc của triều đình mới. Không chỉ Trần Nguyên Hãn mà hơn 100 khai quốc công thần cũng được phong tước vị cao, từ tước công đến tước hầu đến tước bá, được chia mỗi một người 100 mẫu ruộng theo chế độ quân điền của Lê Thái Tổ để gia đình quan lại sinh sống. Trong hoàn cảnh hòa bình, những đại thần, những khai quốc công thần lại được đem tài năng sức lực xây dựng đất nước, xây dựng một triều đại mới, một nền quân chủ mới, nền kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự mới.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 3" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn