Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 47

PGS TS Cao Văn Liên

20/09/2023 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023

Kỳ 47

CHƯƠNG IV.

TRIỀU THIÊN HƯNG ĐẾ (10-1459-6-1460)

I.

Sớm ngày 7 tháng 10 năm (Kỷ Mão) 1459, trong điện Kính Thiên, Lê Nghi Dân thiết triều, Lê Nghi Dân mặc áo long bào, đội vương miện, các chuỗi ngọc rủ xuống tỏa sáng lung linh. Lê Nghi Dân nói:

 -Ta là con trưởng của phụ hoàng Lê Thái Tông, nay ta lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiên Hưng (Thiên Hưng Đế), năm nay là năm Thiên Hưng thứ nhất. Ta tuyên chỉ đại xá Thiên hạ. Tuyên chỉ ta ban ân rộng rãi cho các quan văn võ trong ngoài, mỗi người được thăng 1 tư.

   Bá quan văn võ vội quỳ hành lễ:

   -Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

   Thiên Hưng Đế nói tiếp:

    -Quan nội thị tuyên chiếu.

    Quan nội thị đọc:

     -“Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng đế, trước đây đã được phong là Hoàng thái tử, giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền Đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm đế, bắt trẫm làm phiên vương xứ Lạng Sơn. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt khẩu. Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xẩy ra, tai dị luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh tự biết mình không phải con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mùng 3 tháng 10 năm nay đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ người trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm lên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ phải lên ngôi vào ngày mùng 7 tháng 10 năm nay, đổi niên hiệu là Thiên Hưng.

  Cả triều đình hô to:

-Hoàng thượng anh minh.

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Thiên Hưng đế nói tiếp:
-Nay ta tuyên chỉ quan văn võ mỗi người thăng một tư.

      -Đa tạ  Hoàng thượng, Hoàng thượng anh minh.

   -Đại thần Nguyễn Như Đỗ.

-Bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Đại thần Lê Cảnh Hưng.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Đại thần Trần Phong.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Đại thần Lương Nhữ Học.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

- Các ái khanh đi sứ sang nhà Minh triều cống, xin vua Minh Anh Tông bỏ lệ mò ngọc trai đòi tiến cống. Thứ hai nay ta đã là quân chủ Đại Việt, phải xuống chiếu công nhận.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Ái khanh ai còn tấu trình?

Im lặng

-Không con tấu, bãi triều.

Trong buổi thiết triều tháng giêng năm canh Thìn 1460, Thiên Hưng đế nói:

-Nay ta tuyên chỉ phong Bình Vương Nguyên Vương Lê Tư Thành làm Gia Vương, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương làm Cung Vương, cho phép xây phủ đệ bên hữu nội điện cho Gia Vương Lê Tư Thành. Gia Vương và thân mẫu Ngô Thị Ngọc Giao vì trốn tránh sự truy lùng làm hại của Thái hậu Nguyễn Thị Anh ở miền An Bang, nay cho người đón về.

- Còn nữa, trong công việc hành chính, các ái khanh hãy bàn lại việc đặt chức quan phủ, huyện, châu. Nay ta tuyên chỉ đặt 6 bộ: Bộ công, Bộ hộ, Bộ hình, Bộ lễ, Bộ binh, Bộ lại. Mỗi Bộ do Thượng thư đứng đầu, giúp việc có Thị lang tả hữu, dưới nữa có lang trung tả hữu giúp việc, lại đặt thêm 6 khoa tương đương 6 bộ để giám sát các bộ: Khoa công, Khoa hộ, Khoa hình, Khoa lễ, Khoa binh, Khoa lại.

-Để tiện việc mua bán của thiên hạ, nay ta tuyên chỉ đúc thêm đồng tiền Thiên Hưng Thông bảo.

-Ai còn tấu?

Các quan đồng thanh:

-Hoàng thượng anh minh.

-Bãi triều.

Tháng 5 năm 1460, Thiên Hưng đế đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng, hai người lính đứng quạt hai bên, hai thị nữ đứng hai bên chờ sai bảo, ngoài cửa hai thị vệ đứng canh uy nghiêm. Chợt quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã về báo.

-Cho vào.

Thám mã vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ có việc gì đứng dạy nói nhanh.

-Dạ bẩm hoàng thượng, theo tin mật báo đêm qua tại nhà riêng của Đỗ Bí đã tụ họp các đại thần Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê bàn việc lật đổ Hoàng thượng.

Lê Nghi Dân sửng sốt:

-Tin từ đâu ra?

-Dạ, một người hầu trong phủ Đỗ Bí vô tình nghe được khi họ bí mật họp bàn.

Thiên Hưng đế nói:

-Làm tốt lắm, có tin gì mới báo ngay, đi sang cơ quan thám mã nhận tiền thưởng cho ngươi và cả cho người hầu nhà Đỗ Bí đã báo tin.
-Dạ, đa tạ Hoàng thượng.

Thiên Hưng đế gọi:

-Người đâu?

Quan nội giám vào:

-Dạ bẩm hoàng thượng.

-Khanh cho gọi Phan Ban, Phạm Đôn, Trần Lăng, Ngô Trang và Lê Đắc Ninh tới đây.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Một canh giờ sau, năm người phụ trách quân cấm vệ đến:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ đứng dậy đi.

-Tạ hoàng thượng.

-Hiện nay có một âm mưu phản loạn cầm đầu gồm các đại thần Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê. Ta phải ra tay trước. Đô chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh, Phó đô chỉ huy sứ Hoàng Phúc.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Hai khanh đem 100 quân cấm vệ đến bắt Đỗ Bí tại tư dinh và giết đi.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

-Đô tướng Phạm Đôn, Hữu Đô tướng Phan Ban.

-Dạ bẩm hoàng thượng, có thần.

-Đêm nay hai khanh đem 100 quân cấm vệ đến bắt và giết Lê Ngang tại tư dinh

-Dạ, thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 47" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn