Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 45

PGS TS Cao Văn Liên

18/09/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

 

 

  Kỳ 45

II.

Tháng 11 năm 1453, gió lạnh mùa đông thổi thốc tháo khắp Đông Kinh, khắp hoàng thành. Gió len lỏi qua từng hành lang tường thành cung điện. Lá vàng rơi lả tả xuống các mái cung điện. Hàng trăm đà đao màu xám nhô lên trời xám. Trong Điện kính Thiên hôm nay đang có phiên thiết triều. Bá quan văn võ trang phục triều phục bên trong nhưng bên ngoài phải mặc áo bông. Ngồi trên ngai vàng là hoàng đế Lê Nhân Tông đã 12 tuổi nhưng Thái hậu Nguyễn Thị Anh vẫn buông rèm nhiếp chính ngồi sau. Bá quan văn võ quỳ hành lễ:                                                              

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.                 

  -Thái hậu thiên thiên tuế.                                               

Thái hậu nói

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.                                                                              

-Đa tạ Hoàng thượng, đa tạ hoàng Thái hậu.

  Hoàng Thái hậu nói:

-Hoàng thượng lên ngôi từ năm hơn một tuổi vì Tiên đế sớm băng hà, từ đó đến nay đã 11 năm. 11 năm nay ta buông rèm nhiếp chính, nhờ các ái khanh giúp đỡ, thiên hạ thái bình vì tuân theo phép nước từ thời cao Tổ Hoàng đế. Nay Hoàng Thượng đã đến tuổi trưởng thành, ta trả lại quyền cho Hoàng thượng để ta trở về hậu cung, không màng chính sự. Mong các ái khanh tiếp tục giúp rập Hoàng thượng để xã tắc vững bền, thiên hạ thái bình mãi mãi.

  Các đại thần quỳ xuông hô to:

-Thái hậu anh minh, Thái hậu thiên thiên tuế.

-  Đa tạ các khanh, miễn lễ.

 Rồi Thái hậu đứng dậy, hai thị nữ dìu ra khỏi điện. Sau khi Thái hậu đi rồi, Hoàng đế Lê Nhân Tông nói:

-Các ái khanh đứng dậy đi.

-Đa tạ Hoàng thượng.

  Lê Nhân Tông nói tiếp:

-Nay tự mình chấp chính, ta đổi niên hiệu Thái Hòa thành Diên Ninh. Năm 1454 là năm Diên Ninh thứ nhất. Lệnh đại xá thiên hạ.

Bá quan văn võ nói:

-Hoàng thượng anh minh.

Lê Nhân Tông nói tiếp:

-Trẫm cũng tuyên chỉ nay tăng chức một bậc cho các công thần đã hy sinh thời khởi nghĩa Lam Sơn như Đinh Lễ, Lý Triện đã đánh thắng 10 vạn quân Minh ở Tốt Đông-Chúc Động, tiêu diệt 6 vạn quân trong số 10 vạn, lập nên chiến công lừng lẫy nhưng đã hy sinh ở Đông Quan năm 1427.

-Hoàng thượng anh minh.

-Về thi cử để lựa  chọn nhân tài, trước đây kỳ thi năm 1448 dự thi khoảng 750 sĩ tử, lấy đỗ 27 người, tiếp đó là thi đình lấy được 3 đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ như Nguyễn Nghiêu Tư, Trịnh Thiết Tùng, Chu Thiên Uy, 12 đệ nhị Tiến sĩ xuất thân và 12 đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Triều Đình sẽ tổ chức thi Hội tiếp để lựa chọn nhân tài cho triều đình, cho đất nước vào năm 1452. Bộ lễ phải chuẩn bị và thông báo cho thiên hạ biết để các sĩ tử về thi.

 Thượng thư Bộ lễ bước ra:

-Thần tuân chỉ.

-Tiến sĩ Phan Phu Tiên.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Khanh chuẩn bị để viết tiếp bộ Đại Việt sử ký mà Lê Văn Hưu đã viết đời Trần, bộ Quốc sử này cũng mang tên là bộ Đại Việt sử ký, viết bắt đầu từ đời Trần Thái Tông cho đến khi Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế đánh bại quân Minh xâm lược.

-Hạ thần tuân chỉ.

Lê Nhân Tông nói Tiếp:

-Nay ta tuyên chỉ khuyến khích sản xuất, miễn giảm thuế khóa cho bách tính. Các quan các trấn, lộ, phủ, huyện phải chăm sóc, coi bách tính như con, khuyên bảo họ chăm lo làm ruộng, các quan xử án phải công bằng, có trộm cướp phải hết sức lùng bắt trừng trị để giữ cuộc sống thanh bình cho bách tính.

-Hoàng thượng anh minh.

-Trẫm cũng tuyên chỉ cứu giúp những kẻ không vợ, không chồng, mồ côi cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí.

-Hoàng thượng anh minh.

Lê Nhân Tông gọi:

-Nhập nội Tư đồ bình chương Lê Hiêu.

-Bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Bình chương sự Lê Lựu.                                                         

Lê Lựu bước ra:

-Bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Các khanh phải trông coi giữ vững thành trì, ngày đêm tuần phòng nghiêm ngặt cho đúng phép để bảo vệ bình yên cho Hoàng thành.

  Lê Hiêu và Lê Lựu cúi đầu đáp:

-Chúng thần tuân chỉ.

 -Ta tuyên chỉ cho quan coi lăng tẩm ở Lam Kinh phải làm việc cho thành kính để tỏ lòng nhớ công ơn các bậc Tiên đế tổ tiên.

  Bá quan văn võ đáp:

Hoàng thượng anh minh, chúng thần tuân chỉ.

Bãi triều.

Tạ hoàng thượng.

 Tháng 10 năm Kỷ Mão 1459 khắp nơi chìm trong bóng tối. Gió mùa đông rét buốt khua xào xạc. Gió rét nên các cung điện của Hoàng thành đóng cửa sớm. Trong cung của Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân đã đóng cửa, chỉ còn những ngọn đèn leo lét tỏa ánh sáng. Sau bữa ăn tối, Lê Nghi Dân ngồi xuống chiếc bàn con, gia nhân bê lên một ấm trà nóng vừa pha, đặt xuống bàn và lặng đứng bên cạnh chờ sai bảo. Lê Nghi Dân vừa uống trà vừa suy nghĩ lại chặng đường hai mươi năm qua của mình…

  Lê Nghi Dân sinh tháng 10 năm 1439 tại Đông Kinh, là con trưởng của Lê Thái Tông, mẹ là Vương phi Dương Thị Bí người Thanh Hóa. Bấy giờ trong số các phi tần, Dương Thị Bí rất được Lê Thái Tông sủng ái, cho nên ngày 21 tháng 3 Canh Thân, niên hiệu Đại Bảo năm thứ nhất, Lê Thái Tông lập Lê Nghi Dân làm Hoàng thái tử. Nhưng từ khi một phi tần khác là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, trấn Thanh Hóa được đón vào cung, Lê Thái Tông quay ra sủng ái Nguyễn Thị Anh, Dương Thị Bí mẹ của Lê Nghi Dân bị giáng xuống làm chiêu nghi, sau đó lại giáng xuống làm thứ dân, còn Lê Nghi Dân cũng bị mất ngôi Thái tử, bị giáng xuống là Lạng Sơn Vương. Mùng 9 tháng 5 năm Tân Dậu 1441, Thần phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Hoàng tử Bang cơ. Tháng 11 năm đó, Lê Thái Tông lập Bang Cơ làm thái tử. Lê Nghi Dân còn một người em nữa là con của Bùi Quý nhân, tên hoàng tử đó là Lê Khắc Xương được phong là Tân Bình Vương.

  Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất, Lê Thái Tông đột ngột qua đời ở hành cung Lệ chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh) khi mới 20 tuổi không rõ lý do. Khi đó Lạng Sơn Vương mới 3 tuổi. Các đại thần cố mệnh Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi tôn thái tử Lê Bang Cơ khi đó mới hơn một tuổi lên ngôi hoàng đế. Thần phi Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng thái hậu ngồi sau rèm nhiếp chính, giúp vua nhỏ trị nước.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 45" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn