Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 70 (Kỳ cuối)

PGS TS Caqo Văn Liên

13/10/2023 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 70

 Nay Mạc Đăng Dung đã đánh dẹp được giặc Trần Cảo và tất cả các lực lượng đối lập với triều đình. Uy tín và thế lực Mạc Đăng Dung hiện rất lớn. Các đại thần khuyên Lê Cung Hoàng đến Cổ Trai phong cho Dung tước vương, tước cực phẩm của quyền lực để Mạc Đăng Dung đội ơn mà trung thành. Đại thần Nguyễn Kim, Lại Thế Vinh, Lại Thế Khanh trong một đêm bí mật gặp vua, khuyên Lê Cung Hoàng bỏ về Thanh Hóa. Lê Cung Hoàng nói:                                                                                             

-Ba khanh và một số đại thần còn trung thành với nhà Lê nên cáo bệnh và về Thanh Hóa trước đi, đề phòng tình thế xấu nhất thì các khanh cố gắng dấy binh, khôi phục lại giang sơn nhà Lê mà đức Thái Tổ khó nhọc trong 10 năm đánh giặc Minh mới giành lại được, các đức Thái Tông, Thánh Tông, Minh Tông khó nhọc hàng trăm năm xây dựng, không thể để mất một cách dễ dàng. Các khanh có nhận di mệnh này của trẫm không?

Ba đại thần vội quỳ xuống và nói:

-Chúng thần nguyện ghi nhớ thực hiện di mệnh của Hoàng thượng cho dù phải tan xương nát thịt.

Lê Cung Hoàng đỡ ba người dậy và nói:

-Đa tạ các khanh còn nghĩ tới triều Hậu Lê. Còn trẫm không thể bỏ đi được, thứ nhất, Mạc Đăng Dung chưa hành động mà trẫm đi thì lỗi làm mất giang sơn nhà Lê là do trẫm, thứ hai, trẫm không thể đi mà bỏ mẫu hậu lại một mình. Đó là thuộc đạo trung hiếu. Thứ ba, trẫm cũng phải minh chứng rằng trẫm không sợ chết. Trẫm không thể bảo vệ được giang sơn nhà Lê nhưng trẫm sẽ lấy cái chết để nói rằng trẫm kiên quyết bảo vệ. Giang sơn nhà Lê dù có mất nhưng trẫm tin rằng các khanh sẽ trung hưng lại được vì các khanh hành động theo lòng dân và đạo trời.

Vua tôi im lặng ngậm ngùi. Ba đại thần đều hiểu đã đến lúc chia tay với vua. Không biết đến bao giờ gặp lại và biết có còn gặp lại vua hay không. Bầu trời bỗng nhiên tối sầm lại như cơ đồ nhà Lê đang đến hồi sắp tắt. Ba đại thần quỳ hành lễ vua lần cuối:

-Hoàng thượng bảo trọng.

-Các ái khanh bảo trọng và nhớ thực hiện di mệnh của trẫm.

-Chúng thần tuân chỉ.

Lê Cung Hoàng sai đại thần đến Cổ Trai phong tước vương cho Mạc Đăng Dung.      

-Bình chương quân Quốc trọng sự Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung tiếp chỉ.

Mạc Đăng Dung, các tùy tướng, các gia nhân vội quỳ. Trung Dương Hầu Vũ Hựu đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay phong cho Nhân Quốc Công Thái Phó Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, ban cho cờ tiết, lọng tía, quạt vẽ rồng, đai dát ngọc để làm nghi lễ đi lại và khi thiết triều. Niên hiệu Thiên Nguyên năm thứ 5. Khâm thử”.

Mạc Đăng Dung được phong Vương nói to:

-Thần nhận chỉ. Tạ ơn Hoàng thượng.

Ít lâu sau, nhận được tin vua và Hoàng Thái hậu ốm nặng, Mạc Đăng Dung đi gấp về Đông Kinh. Sớm hôm sau Mạc Đăng Dung đang định vào thăm Lê Cung Hoàng thì quan nội thị vào báo tin: Dạ bẩm An Hưng Vương, cả Hoàng thượng và Thái hậu đã băng hà rồi. Trong buổi thiết triều hôm sau, quan nội thị đọc di chúc của Hoàng thượng: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nghĩ Thái Tổ ta, thừa trời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận gặp nhiều tai họa, Trần Cảo đầu têu, gây mầm loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có được. Xét Thái úy An Hưng Vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài thao lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng, bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó. Khâm thử. Niên hiệu  Thống Nguyên năm thứ 5, 1527”.

Mạc Đăng Dung nhận chỉ  nói: Nay ta bố cáo lập ra một triều đại mới: Triều Mạc. Ta lấy đế hiệu Mạc Thái Tổ, niên hiệu Minh Đức…

Mặc Đăng Dung mặc áo long bào, đội vương miện bước lên ngai vàng, cả triều đình chỉ có Lại bộ Thượng thư Vũ Duệ (Vũ Chi Nghĩa) và Công bộ Thượng thư Ngô Hoán cho là chiếu chỉ giả, phản đối, quát mắng Mạc Đăng Dung và bỏ ra về. Nhà Lê Sơ mất năm 1527. Thiên hạ về tay nhà Mạc.

 Như vậy, Mạc Đăng Dung chỉ là một nông dân  làm nghề đánh cá, được nhà Lê lấy cho đỗ trạng nguyên võ, được lấy vào quân túc vệ và cất nhắc đến tước vương cực phẩm, tước An Hưng Vương và cuối cùng lấy ngôi nhà Lê, sử gọi là Mạc Thái Tổ. Các Đại thần nhà Lê Sơ là Nguyễn Kim, Lại Thế Vinh, Lại Thế Khanh chạy vào miền tây Thanh Hóa  đưa con của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên ngôi là vua Lê Trang Tông, lập ra triều Lê Trung Hưng năm 1533, khởi binh đánh nhà Mạc. Việc nhà Lê Sơ mất mở ra một cục diện nội chiến gần 100 năm, sử gọi là nội chiến  Nam - Bắc triều, gây không biết bao nhiêu thảm họa cho bách tính, cho đất nước. Nội chiến Nam - Bắc triều kéo dài từ 1533 đến năm 1592 thì nhà Mạc bị Trịnh Tùng lật đổ, tàn dư chạy lên Cao Bằng cố thủ đến năm 1677 thì thế lực ở đây cũng hoàn toàn chấm dứt do bị Trịnh Tạc, con Trịnh Tùng tiêu diệt. Nhà Hậu Lê tiếp tục với giai đoạn triều Lê Trung Hưng tồn tại bên cạnh Chúa Trịnh. Lịch sử sang trang với cục diện vua Lê - Chúa Trịnh và cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài 200 năm tương tàn đẫm máu, tới năm 1789 mới kết thúc.

HẾT
CVL

 Hà Nội 15-5-2023                                               

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 70 (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn