Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)

PGS TS Cao Văn Liên

02/09/2021 17:02

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

     

hai-bad-trung1-1630551441.jpg

Tranh minh họa: Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Nguồn: Internet

   

Kỳ 18

 +Phong Trần Thị Phương Châu làm Hải Nam công chúa, đánh địch ở  Khúc Giang (Quảng Đông).          -Đạo quân hồ Động Đình: Phong Lê Ngọc Trinh ở Lũng Ngòi, huyện Tây Vu chức Chinh thảo Đại tướng quân đánh giặc ở Quế Lâm.                                                                                                       

+Phong Lê Thị Lan ở Đường Lâm, Huyện Mê Linh chức Trấn Tây tướng quân, đánh giặc ở Hán Trung. +Phong Phật Nguyệt ở Thanh Ba, Huyện Tây Vu  chức Thao Giang Thượng tả trưởng thủy quân, Chinh Bắc Đại tướng quân, đánh giặc ở hồ Động Đình, Trường Sa (Hồ Nam).               

+Phong Sa Giang, quê ở Trường Sa, người Hán, làm tướng quân, đánh giặc ở Hợp Phố.                     

 + Phong Đô Thiên người Hán  làm Động Đình công, Chức Trung Nghĩa Đại tướng quân, đánh giặc ở Trường Sa, Hợp Phố.

-Tất cả những tướng lĩnh phụ trách các đạo quân binh ngay đêm nay đem quân bản bộ về các địa phương được phân công, kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, truyền hịch của ta, đánh phá thành trì, tiêu diệt quân Đông Hán. Nơi nào gần Luy Lâu, sau khi đã chiến thắng có điều kiện thì ra chi viện cùng đánh chiếm Luy Lâu, Các tướng lĩnh phải hoàn thành chức trách của mình, ai vi phạm kỷ cương, trách nhiệm sẽ bị xử theo quân luật.

Trưng Trắc dứt lời, cả đại sảnh rộng lớn vang lên tiếng đáp đồng thanh như sấm vọng lan xa trong đêm khuya:

-Chúng tướng xin tuân lệnh chủ tướng, nhất định chiến thắng, nhất định hoàn thành nhiệm vụ, làm trọn lời thề với trời đất, tổ tiên Hùng Lạc.                                                                                               

 Trưng Trắc nói:

-Ta ra lệnh đồng khởi diệt thù, chúc các chư tướng thành công!

-Dạ, chúc chủ soái thành công!

Các nữ tướng đứng dậy ra về bản doanh của mình. Tiếng trống đồng nơi đại sảnh vang lên và đêm đó khắp Mê Linh, tiếng trống đồng vang lên không ngớt ban bố mệnh lệnh tổng nổi dậy của toàn dân. Các đạo quân trong đêm tối từ Mê Linh tiến về khắp các ngã đường Đông Tây Nam Bắc của đất nước. Trên đầu họ những lá cờ màu vàng, mang chữ  Hùng-Lạc đỏ chói trong đêm như ngọn đuốc soi đường. Trên cao hơn, bầu trời đêm xuân năm 40 lấp lánh những vì sao như mắt những thần linh sáng chói dõi nhìn những người con hùng dũng đi cứu giống  nòi đang bị chìm đắm suốt 200 năm nay.

                                                     IV

   Mùa xuân năm 40, khắp các vùng cai trị của nhà Đông Hán thuộc các tộc người Việt từ Nam Trường Giang, hồ Động Đình, Lĩnh Nam, Hợp phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam chấn động rung chuyển bởi các cuộc nổi dậy của bách tính dưới sự lãnh đạo của hai Bà Trưng và các tướng lĩnh. Bọn thống trị Đông Hán tưởng lấy sự tàn bạo và nhiều thủ đoan thâm độc để mong duy trì chính quyền đô hộ vĩnh viễn. Nhưng chúng đã nhầm. Tàn ác đã đẩy nhân dân đến bước đường cùng và họ đã nổi dậy như đại dương nổi sóng thần. Các thành trì lớn bé bị phá tan hoang, đầu của quan cai trị và quân lính Hán rơi như sung rụng, máu chảy chan hòa để rửa vết nhơ trong lịch sử.

  Tại trung tâm Mê Linh, vào sớm hôm mà mệnh lệnh khởi nghĩa được ban bố,  Trưng Trắc mặc áo chiến bào đỏ, áo giáp màu đồng vàng, lưng đeo gươm, đầu đội mũ đồng gắn lông chim hạc, đi guốc vàng, cưỡi trên lưng con voi to lớn đi trung quân. Phía trước gần cổ con voi có người quản tượng mặc quân phục nâu. Đi trước trung quân của chủ tướng là đạo tiền quân của nữ tướng Phùng Thị Chính, Hàn Hãn. Hai bên có tả hữu trung quân của các nữ tướng Ả Lả, Rồng Nhị. Sau lưng có đạo hậu quân của nữ tướng Nàng Quỳnh, Nàng Quế. Các nữ tướng cưỡi ngựa, mặc giáp đồng, trang phục nâu, lưng đeo cung tên và bên sườn mang gươm lớn, đầu đội mũ chóp bằng đồng có gắn lông chim, chân đi guốc đen. Toàn bộ quân Việt đông khoảng 2 vạn, quân phục màu nâu, vũ khí giáo mác, cung tên, gươm, dao ngắn tiến như thác lũ đánh thành Đô úy trị ở Mê Linh.

  Thành Đô úy trị Mê Linh là thành địa phương không lớn lắm nhưng thành kiên cố xây bằng đá ong, chung quanh có hào nước rộng, muốn vào thành phải qua cầu bắc qua hào và rút lên sau khi vào thành. Khi quân Bà Trưng còn cách thành hai dặm thì thám mã về báo:

  -Bẩm chủ tướng, Đô Úy người Hán đã đem quân ra ngoài thành dàn trận nghênh chiến.

Trưng Trắc ra lệnh:

-Hai đạo tả hữu vòng thành vòng cung hai bên và bao vây sau lưng địch, không cho chúng tháo chạy vào thành. Trung quân chuẩn bị chiến đấu.

Quân Việt tiến thêm hơn một dặm nữa thì gặp địch và dừng lại. Đối diện với quân Việt có khoảng một vạn quân Hán dàn hàng ngang, cách thành và hào nước khoảng nửa dặm. Quân Hán mặc quân phục đen, đội mũ đen, cầm cung tên giáo mác gươm dao tua tủa. Năm võ tướng mặc áo đen, áo giáp sắt, đội mũ đâu mâu, lưng mang cung tên, tay mỗi người cầm vũ khí khác nhau, người thì long đao, kẻ thì thiên phương họa kích, kẻ lại búa lớn, kẻ thì dao to, nom rất khí thế và hung hãn. Quân Hán gõ trống chiêng inh ỏi, quân Việt cũng khua trống đồng, tù và vang dội. Trời mùa đông gió lạnh thổi thốc tháo nhưng chiến trường Mê Linh nóng bỏng bởi một trận huyết chiến sắp nổ ra. Đô úy Mã Khắc Thiêm nhìn những tướng lĩnh của quân Việt thấy toàn mặt hoa da phấn, oai phong tuyệt trần thì có vẻ xem thường, liền quát:

-Có ai ra bắt bọn nữ tặc cho ta?

- Dạ có mạt tướng.

Dứt lời, một tướng cao lớn thét lên một tiếng man rợ rồi múa long đao xông ra. Nữ tướng tiền quân của quân Việt Phùng Thị Chính múa gươm xông ra quát:

-Thằng giặc kia hôm nay phải đền tội.

Hai ngựa hai người một nam một nữ lao vào nhau, gươm chạm vào long đao tóe lửa phát ra âm thanh sắt thép rợn người. Tiếng la hét của quân lính, tiếng trống da bò của quân Hán lẫn với tiếng trống đồng của quân Việt vang động một khoảng trời. Hai tướng vẫn đấu với nhau kịch liệt. Bỗng nhiên một cánh tay và thanh long đao của tướng Hán và sau đó cả cái đầu đẫm máu văng xuống đất. Máu nhuộm đỏ cả áo giáp và bờm ngựa của nữ tướng Phùng Thị Chính. Quân Hán chưa hết cơn sửng sốt bàng hoàng thì quân Việt đã thừa thắng xông lên chém giết. Quân Hán bỏ chạy vào thành thì cầu treo vào thành đã bị rút lên. Thành đã bị quân Việt lấy. Trên thành hàng trăm lá cờ vàng thêu chữ đỏ Hùng Lạc tung bay phấp phới. Năm tướng Hán cùng quan Đô úy và một vạn quân Hán bị giết, máu như thành sông, xác chồng như rạ. Bên Việt tổn thất 500 binh sĩ nhưng tướng lĩnh không mất người nào. Quân Việt ở Mê Linh, trung tâm khởi nghĩa của cả nước dưới sự lãnh đạo của Trưng Trắc đã thắng lợi oanh liệt trận đầu. Trưng Trắc cho quân ăn mừng thắng lợi, củng cố đội hình và tiến đánh thành Cổ Loa.

  Sau chiến thắng Mê Linh một ngày, đại quân của  Trưng Trắc tiến về Long Uyên hạ trại chuẩn bị tiến đánh thành Cổ Loa. Đêm đó, trong Tổng hành dinh của mình, Trưng Trắc cùng các tướng lĩnh nghiên cứu kế hoạch tấn công Cổ Loa. Hạ thành Cổ Loa khó hơn nhiều so với hạ thành Đô úy trị ở Mê Linh. Cổ Loa do Cao Lỗ thiết kế xây dựng từ thời An Dương Vương Thục Phán, đến năm 40 đã gần 300 năm nhưng cấu trúc và độ bền vững còn nguyên vẹn. Chín vòng thành quanh co bằng đết sét nện chắc, mặt các thành trong rộng khoảng 5 bước chân, thành vòng ngoài mặt rộng 10 bước, đáy rộng 10 bước theo kiểu hình thang thượng thu hạ thách. Trên mặt thành ngoài, ngày xưa Cao Lỗ cho xây những tháp canh và 100 bệ đặt nỏ liên châu (nỏ thần), ngày nay, quân Hán không có nỏ liên châu nhưng trên 100 ụ đó chúng cho đặt nỏ cứng to mạnh. Dưới 4 mặt thành ngoài là hào rộng hai chiến thuyền có thể đi song song. Nay trên dòng sông hình elíp đó, thuyền chiến quân Hán đậu san sát bảo vệ thành. Những thuyền chiến đó có thể đi lại với căn cứ thủy quân ở Đầm Vạc và từ dòng sông 4 mặt thành đó có thể tiến ra sông Hoàng Giang mà triển khai đến sông Hồng, sông Đuống ra tận Lục Đầu Giang. Ra thành vào thành Cổ Loa qua chiếc cầu to lớn bằng gỗ lim có thể nâng lên hạ xuống do lực bánh xe kéo bằng giây thừng to đặt ở bên trong cổng thành.

Trưng Trắc nói:

-Đánh thành Cổ Loa khó khăn hơn đánh thành Mê Linh rất nhiều. Thành này thành cao, hào sâu, nỏ mạnh tên cứng, trong thành khoảng 2 vạn quân, lại có thủy binh bảo vệ vòng ngoài. Cho nên ngày xưa Triệu Đà phải dùng gian kế, sau đó nội công ngoại kích  thì An Dương Vương bại trận và thành Cổ Loa thất thủ, nước  Âu Lạc mất. Nay ta đã có chuẩn bị và cũng phải dùng nội công ngoại kích thì mới thành công.

Các tướng hỏi:

-Nội công ngoại kích thì phải đánh như thế nào thưa chủ tướng?

Trưng Trắc đáp:

-Ta đã chuẩn bị và có chủ ý, các tướng cứ nghe theo lệnh của ta là được.

Ngày hôm sau quân Việt đông như kiến cỏ giữ nguyên đội hình như tiến đánh thành Mê Linh tiến về Cổ Loa. Khi còn cách Cổ Loa nửa dặm, quân Việt dàn trận vẫn theo đội hình tả, hữu, tiền, hậu và trung quân.

Đốc tướng giữ thành Chu Thiên Phú cùng tùy tùng lên mặt thành quan sát. Trước mặt cách hào nước thành Cổ Loa khoảng nửa dặm, quân Việt đông vô kể với quân phục màu nâu dàn trận hình cánh cung dày đặc, gươm giáo tua tủa lên trời lấp lánh, những lá cờ vàng thêu chữ Hùng Lạc màu đỏ bay phấp phới. Những nữ tướng chiến bào màu nâu, áo giáp đồng, mũ đồng chóp nhọn, lưng mang cung tên, tay cầm gươm đang ghì cương ngựa hùng dũng. Ở Trung quân có hai lá cờ lớn màu đỏ có chữ soái, dưới chữ soái là chữ Hùng-Lạc vàng rực, dưới hai lá cờ là hai thớt voi to lớn như hai hòn núi di động. Ngồi trên voi là hai nữ tướng bận võ phục đỏ, áo giáp đồng, mang gươm lớn đang chăm chú quan sát về thành. Chu Thiên Phú hỏi:

-Hai nữ tặc ngồi trên voi có phải là Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi tiếng đó chăng?

Tướng tùy đáp:

-Dạ phải, Trưng Trắc là chị, em là Trưng Nhị, võ nghệ cao cường nổi tiếng thiên hạ.

Chu Thiên Phú cười ha hả

-Ha! Ha!Ha! Nguyên soái là nữ, tùy tướng là nữ, quân sĩ là nông dân ô hợp. Thế này mà Thái thú khuyên ta cẩn thận, cứ cố thủ để chờ viện binh thì quân kia tan vỡ. Ha ! Ha! Thực là nực cười…

(Còn nữa)

CVL

                                

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn