Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.                             
huyenmelinhdulichtamlinh-1631325991.jpg

Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Internet

                 

Kỳ 27.

VII

Phần lớn các tướng lĩnh của Trưng Vương đã hy sinh tại Lãng Bạc và Cấm Khê. Sau khi Mê Linh và Cấm Khê thất thủ, số còn lại không nhiều nhưng vẫn bất khuất kháng chiến khắp nơi trên đất Hùng Lạc và hy sinh cho đến người cuối cùng. Đó là các tướng Ngọc Trinh công chúa (Ả Chàng), kháng chiến và hi sinh tại Gò May ( Vĩnh Hòa, Vĩnh Tường, Tây Vu, quận Giao Chỉ). Hoàng công chúa Trần Năng (Ả Nàng), chức Trưởng Lĩnh Trung Quân, chồng là Hùng Bảo Hộ Quốc Công, sau năm 43 tiếp tục chống Mã Viện và hi sinh tại Tuyền Liệt (Phượng Lâu, Tây Vu, quận Giao Chỉ). Đề Nương Công chúa Hồ Đề, chức phó Nguyên Soái,Trấn Viễn Đại tướng quân. Sau trận quân ta thua ở Lãng Bạc, Hồ Đề đã chặn đánh Mã Viện và Lưu Long ở sông Cầu để đại quân rút lui. Sau trận Cấm Khê, Hồ Đề dựa vào rừng núi phía Bắc Long Uyên (Thái Nguyên) chống cự 100 ngày nữa mới quyên sinh. Nga Sơn công chúa Lê Thị Hoa, chức Bình Nam Đại tướng quân, năm 43 hi sinh tại Nga Sơn, Cửu Chân. An Bình công chúa Nái Sơn, khi phá vây ở Cấm Khê đã tuẫn tiết tháng 2 năm quý Mão (43). Khâu Ni công chúa Nàng Ả là nhà sư theo Trưng Vương, lập công lớn ở Luy Lâu, bị bệnh qua đời trước 43 ở Tây Vu, quận Giao Chỉ. Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa Nàng Nội, năm 43 hi sinh tại Bạch Hạc, Tây Vu. Nàng Nước, chức Trung Dũng đại Tướng quân, tham gia trận Lãng Bạc, trận Cấm Khê, tuẫn tiết  ở Cấm Khê.  Nghi Hòa công chúa (nàng Quỳnh), chức Hổ Oai Đại tướng quân, Tiên Phong phó tướng, Quế Nương công chúa (nàng Quế), chức Phó Tiên Phong. Năm 43, hai nàng Quỳnh và Nàng Quế đánh giặc và hy sinh ở Vũ Ninh. Nguyệt Điện Tế thế công chúa Đàm Ngọc Nga (nàng Trăng), chức Tiền Đạo tả tướng quân, qua đời trước năm 43. Đông Cung công chúa (nàng Xuân), Nhập nội Trưởng quản quân Cơ Nội các, năm 43 chống Mã Viện và hi sinh  tại Tây Vu. Ông Cai ( đàn ông giả nữ để đánh giặc), được phong Đại tướng, tiếp tục chống Mã Viện và hi sinh năm 43. Thánh Thiên Công chúa (nàng Chủ), chức Bình Ngô Đại Tướng quân, sau năm 43 đánh Mã Viện ở Hợp Phố và hi sinh. Thiều Hoa, Đông Cung công chúa, chức Tiên Phong Hữu tướng, lập công trong trận Luy Lâu, tiếp tục kháng chiến ở Vũ Ninh và hi sinh năm 43. Đô Dương, tiếp tục  kháng chiến chống Mã Viện ở Cửu Chân và hi sinh năm 43. Hoàng Cống, Hùng Tướng công, được phong thực ấp ở Thùy Trung Châu (Bạch Trữ),  lui về Bạch Trữ ( huyện Mê Linh), tiếp tục kháng chiến và hy sinh ngày 11 tháng chạp năm 43. Gia Hưng công chúa, Trung Dũng đại tướng quân, Đô đốc trưởng thủy quân trấn Bắc Nam Hải. Bà có trận thủy chiến lừng lẫy ở quận Uất Lâm (Quảng Tây) đánh quân Hán Mã Viện. Sa Giang, Động Đình Công, chức Trung Nghĩa Đại tướng quân, Tổng Trấn Trường Sa, Tiếp tục kháng chiến và hi sinh ở Phong Đô, Tứ Xuyên?. Nhu Mẫu công chúa Lê Thị Lan, chức Trấn Tây tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo binh Hán Trung?, hy sinh cuối năm 43. Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát đã tham gia chiến đấu ở Lãng Bạc. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt ở phòng tuyến Cấm Khê, ba nữ tướng đều hi sinh anh dũng vào ngày 2 tháng Chạp năm 42. Sau khi quân ta thua nặng ở hồ Lãng Bạc, bốn tướng Hồng Nương phá vây chạy về quê hương, đóng ở núi Tam Phong, Tuân La, Cao Lậu (Ninh Bình) rồi mất trên núi. Sau khi Cấm Khê thất thủ, vợ chồng Đông Cung công chúa Xuân Nương, chức Nhập nội Trưởng quân cơ nội các cùng chồng là Thi Bằng (em Thi Sách) lui về phòng tuyến Hương Nha, (Tam Nông), Tây Vu, quận Giao Chỉ. Thi Bằng hy sinh tại mặt trận, còn Xuân Nương sau đó cũng tuẫn tiết, gieo mình xuống sông Thao. Đại tướng Hùng Bàn cùng 5000 quân đánh giặc ở Lãng Bạc (Vũ Ninh), chém hơn 109 đầu giặc. Hùng Bàn hy sinh  ngày 12-2 năm 43. Sau trận Cấm Khê, Mã Viện sai phó tướng Lưu Long đến đánh Đàm Luân, căn cứ của Ngọc Phượng công chúa Lê Ngọc Trinh, chức Chinh Thảo đại tướng quân. Lê Ngọc Trinh chỉ huy quân đánh kịch liệt. Ngọn cờ thêu chim phượng mang dòng chữ “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần” bay tới đâu giặc chết tới đó. Lưu Long phải rút quân chạy qua sông Đáy. Ba tháng sau, giặc do Mã Viện chỉ huy bất ngờ tấn công. Nàng tả xung hữu đột, giết nhiều tướng giặc. Nhưng quân ta hy sinh hết. Ngọc Nương bị thương nhảy xuống hồ sen tuẫn tiết. Năm 43, Nguỵêt Nga công chúa thoát vòng vây Cấm Khê, thu thập tàn quân về đóng ở khu Lương Đống, gần trang Dưỡng Mông. Đầu tháng 9 quân giặc bốn mặt tấn công. Khu căn cứ Lương Đống thất thủ. Nguyệt Nga công chúa hy sinh ngày 9-9 Quý Mão (43) tại Đường Hào, An Định, quận Giao Chỉ. Trong chiến tranh năm 43, Phật Nguyệt công chúa, chức Thao Giang thượng Tả tướng Thủy quân, chỉ huy tác chiến trên sông Đuống. Sau khi quân ta thất trận ở Lãng Bạc, phải rút về Cấm Khê, thủy quân giặc từ Lục Đầu Giang theo sông Thiên Đức (sông Đuống) ra sông Hồng đuổi theo thủy quân ta. Tả tướng thủy quân Phật Nguyệt đã chặn đánh giết nhiều giặc, tung hoành trên thượng nguồn sông Thao khiến địch kinh hoàng. 10-2 Quý Mão (43), Phật Nguyệt đem quân bộ đánh quân Hán, song đó chỉ là cánh quân nghi binh, đại quân giặc do Lưu Long chỉ huy đã bao vây đại đồn của Phật Nguyệt. Đại Đồn bị tiêu diệt. Phật Nguyệt hai tay hai kiếm mở vòng vây và lao thẳng người ngựa xuống sông Thao.Trong cuộc chiến năm 42, Xà Nương được lệnh bảo vệ sông Hồng, giữ cửa sông Đuống. Sau khi quân ta thất bại ở Lãng Bạc, Mã Viện chỉ huy quân bộ, phó tướng Lưu Long chỉ huy quân thủy đuổi theo hai Trưng Nữ Vương. Thủy quân địch bị quân Xà Nương công chúa chặn đánh dữ dội, ghìm chân địch tạo điều kiện cho quân hai Bà Trưng rút về Cấm Khê. Xà Nương công chúa cùng 20 nữ binh đã hy sinh trong trận đánh khốc liệt ở cửa sông Đuống. Tướng giặc Hồ Điền đã bị Phùng Thị Chính, Trưởng nội thị tướng quân đánh lui năm 40, nay dò được tung tích đem quân vây bắt bà. Bà giao tàn binh cho thân tín rồi một ngựa chạy về quê hương là quận Giao Chỉ. Giặc đuổi ráo riết, Phùng Thị Chính nhảy xuống sông tuẫn tiết. Mã Viện đem quân sang, Trưng Vương sai Ngọ Công cầm quân đánh chiến thắng mấy trận liền. Nhưng rồi Ngọ Công  mất. Trưng Vương phong cho Nguyệt Nang công chúa, vợ Ngọ Công làm Thống lĩnh tiền quân kiêm Tri thủy bộ, cầm quân đánh giặc. Sau khi Cấm Khê mất, Nguyệt Nang công chúa chạy về sông Thạch Trụ, Đông Ngàn, xuống thuyền nhẹ chạy đến sông nhánh và tuẫn tiết. Tả tướng Thủy quân Thao Giang, Phật Nguyệt phòng thủ ở sông Thao và  hy sinh ở Tây Vu. Nữ tướng Hàn Hãn hi sinh ở Cấm Khê ngày 10-8 năm 42. Nữ Tướng Lê Minh Nương  hi sinh ngày 8-3 năm 43. Sau khi Cấm Khê thất thủ, Hàn Già và Lê Đậu Nương rút về Văn Bút nhưng bị quân Mã Viện bao vây, hai vị tuẫn tiết. Trinh Thục công chúa, Bát Nàn kiêm Uy viễn Đại tướng quân Vũ Thị Thục tham gia nhiều trận đánh ở Lục Hải. Sau khi Cấm Khê thất thủ, Trinh Thục công chúa đưa  quân về Tiên La, lập phòng tuyến, đánh thắng nhiều trận. Tổ Hoài Đức đưa quân tới, Thục Nương giao chiến với Tổ Hoài Đức. Yếu thế, bà chạy đến gốc đa gò Kim Quy  thuộc Tiên La, Trang Phượng Lâu, huyện Tây Vu, quân Giao Chỉ rồi  tự sát. Chiến tranh năm 43, Đăng Châu công chúa, chức Trấn Nam Đại tướng quân Phương Dung, cùng chồng là Đào Kỳ tác chiến ở bắc sông Đuống, hỗ trợ cho bộ binh hai bà lui về Cấm Khê. Sau Cấm Khê, Mã Viện, Lưu Long đem quân đánh Đào Kỳ. Chúng khiêu chiến rồi rút chạy, Đào Kỳ, Phương Dung đuổi theo và lọt vào vòng vây của chúng. Đào Kỳ, Phương Dung  hi sinh gần Cổ Loa, hôm đó là 16-8 năm Quý Mùi (43).

  Sau trận Lãng Bạc, Đông Triều công chúa Lê Chân, Trấn Đông Đại tướng quân lui về hoạt động ở An Biên, rồi rút về căn cứ Lạt Sơn, Huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ, chặn đánh thủy quân Hán. Lưu Long, Mã Viện tập trung đánh phá căn cứ Lạt Sơn. Trong trận huyết chiến ngày 25-4-43, Lê Chân hy sinh.

 Năm 43, ba chị em bà Dưỡng chiến đấu ở Lãng Bạc, quân ta thua, rút về Cấm Khê. Trong một trận ác chiến, ông Bạc tử trận. Bà Dưỡng và ông Bỉnh rút về Hương Canh, Huyện Mê Linh, mai táng cho ông Bạc và huyết chiến với giặc tại Hương Canh. Bà Dưỡng trọng thương. Hai người chạy đến Xuôi Ngành thì hai chị em đều tuẫn tiết. Sau trận Cấm Khê, Vĩnh Gia công chúa đem quân lập phòng tuyến ở Giang Tân, Huyện Tây Vu. Nhưng phòng tuyến Giang Tân tan vỡ, Vĩnh Gia rút về Nại Tử Châu. Vĩnh Gia đến trang Mạnh Trâu giáp Nại Tử Châu và mất ngày 10-11 Quý Mão. Tại mặt trận Cấm Khê, Thánh Thiên Công chúa, chức Bình Ngô Đại tướng quân, một ngày chém 100 quân giặc. Nhưng quân ta chỉ còn hơn 200 người. Thánh Thiên rút về thành Ngọc Lâm. Quân Hán bao vây, Thánh Thiên cùng binh sĩ giao chiến với quân Hán, chém 10 tướng, nhưng sức kiệt, Thánh Thiên chạy đến sông Nhật Đức và nhảy xuống sông tuẫn tiết. Sau thất bại ở Lãng Bạc, Bà Trưng rút về Cấm Khê. Trần Nang và Thiên Bảo chặn địch ở sông Thiên Đức cho đại quân rút lui. Sau Cấm Khê, Trần Nang, Thiên Bảo hi sinh tại quê nhà Thái Lai, huyện Mê Linh. Sau chiến thắng năm 40, Thiện Nhân, Thiện Khánh được Trưng Vương phái về trấn giữ Hải Đông. Hai nàng tới làng Huề Trì ( Yên Phụ, Kinh Môn) xây dựng căn cứ. Mùa xuân năm 43  Thiện Nhân, Thiện Khánh chặn đánh địch ở sông Bạch Đằng. Sau đó hai Nữ tướng lui quân về cùng chiến đấu ở Lãng Bạc. Quân ta thua lui về Cấm Khê. Sau Cấm Khê, Thiện Nhân, Thiện Khánh rút quân về Huề Trì tiếp tục chiến đấu được vài tháng. Giặc Hán tấn công vào Huề Trì, hai nữ tướng hi sinh ở cánh đồng Mực, Huề Trì. Sau trận Cấm Khê, Thục Côn công chúa mở đường máu lui về Vị Hoàng. Quân Hán theo dòng sông Hồng đuổi theo. Quân ta chiến đấu anh dũng nhưng nghĩa quân hy sinh hết. Thục Côn nhảy xuống sông tự vẫn. Nàng Tía, năm 43 tấn công giặc Hán ở cửa Thần Phù Cửu Chân và hy sinh.

  Tổng cộng khoảng 96 tướng lĩnh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Trưng Nữ Vương, trong đó chỉ vài tướng lĩnh đàn ông, còn lại là nữ tướng. Các tướng lĩnh này đã khởi nghĩa và chiến đấu trước năm 40. Năm 40 về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của hai Trưng Nữ Vương và chiến đấu trên khắp các chiến trường, tham gia tất cả những trận đánh lớn nhỏ từ năm 40 đến năm 43. Sau khi Cấm Khê thất thủ, hàng chục vị tướng lĩnh còn tiếp tục cùng nghĩa quân chiến đấu ở các địa phương cho đến cuối năm 43.

    Sự thất bại của triều đình Mê Linh năm 43 đã khép lại trang lịch sử huy hoàng, mở ra những trang lịch sử đen tối tiếp theo của người Lạc Việt và Âu Việt, nước Hùng Lạc lại bị nhà Đông Hán đô hộ. Sau khi nhà Đông Hán sụp đổ, Trung Quốc lâm vào cục diện Tam quốc (220-280) thì Hùng Lạc lại bị nhà Đông Ngô thống trị. Trong thời kỳ Tam quốc, dưới thời Đông Ngô, kế tục truyền thống bất khuất của hai Trưng Nữ Vương, phụ nữ Lạc Hùng lại viết tiếp một trang lịch sử oanh liệt chống ngoại xâm. Đó là cuộc nổi dậy của bà Triệu Thị Trinh, tức Nhụy Kiều Tướng quân lừng lẫy anh hùng.

(Còn nữa)

CVL