Kỳ 29.
Vùng Núi Nưa, quận Cửu Chân trong một ngày mùa đông nắng đẹp năm 247. Từ trong Hang Tiên (dân gian gọi là Am Tiên) Triệu Trinh Nương (Triệu Thị Trinh) bước ra. Am Tiên là một trong những địa danh thuộc Tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa do hào trưởng Triệu Quốc Đạt và em gái là Triệu Trinh Nương lãnh đạo. Triệu Trinh Nương sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (225) tại Quân Yên, huyện Đô Lung, quận Cửu Chân. Cha mẹ mất sớm nên Triệu Trinh Nương ở với anh. Đó là người con gái mới 23 tuổi, da trắng như trứng gà bóc, mái tóc đen dầy phủ kín vai, ôm lấy khuôn mặt trái xoan, mắt phượng mày ngài, mũi dọc dừa, môi như hoa nở, ngực nở lưng thon, dáng người mềm mại nhưng mạnh mẽ. Triệu Trinh Nương mặc bộ võ phục màu nâu dài được thắt bởi chiếc dây màu vàng làm lưng ong thắt đáy uyển chuyển cao sang, quyền quý. Triệu Trinh Nương có vẻ đẹp kiều diễm nên dân gian ở Cửu Chân gọi nàng là Tiên nữ trên Núi Nưa và nơi Triệu Trinh Nương ở được gọi là Am Tiên.
Sớm nay, vâng lệnh anh là chủ tướng Triệu Quốc Đạt, Triệu Trinh Nương đi nắm lại tình hình quân lương để chuẩn bị tấn công vào thành Tư Phố, đầu não của chính quyền Đông Ngô ở quận Cửu Chân. Triệu Trinh Nương đi đôi hài bện cỏ êm ấm, lưng mang hai thanh gươm. Hai vệ nữ cũng mang võ phục màu nâu, gươm bên hông lủng liểng đi hầu cận. Người quản tượng dắt đến cho Triệu Trinh Nương một con voi trắng một ngà, trông rất dữ tợn do nàng thuần phục được ở núi Quân Yên và bây giờ nó thành bạn đồng hành thân thiết với nữ phó chủ tướng trên con đường giết giặc cứu nước. Triệu Trinh Nương không cần ghế làm bậc cao lên lưng voi, cũng không cần ai giúp, bằng một thế võ, nàng tự nâng mình ngồi lên lưng voi và tự điều khiển nó đi theo ý muốn. Hai vệ nữ cưỡi ngựa đi hai bên để hầu cận. Triệu Trinh Nương gõ nhẹ một búa vào đầu voi. Voi trắng bước đi có vẻ hiền lành, nó như vui mừng hớn hở khi được đưa chủ nhân đi. Voi bước đi nhưng hai con ngựa của hai vệ nữ phải phi chạy nhong nhong mới kịp. Trên mình voi, một lần nữa Triệu Trinh Nương lại được quan sát phong cảnh Núi Nưa. Quan sát cảnh đẹp của Núi Nưa là một việc mà Triệu Trinh Nương không bao giờ biết chán. Đây không phải là lần đầu tiên Triệu Trinh Nương nhìn ngắm Núi Nưa, cũng không phải lần đầu tiên xuống các quân doanh. Nhưng sáng hôm nay nắng vàng rải xuống những cánh rừng xanh ngát trên những dãy núi cao, xuống những cánh đồng vàng mơ của các thung lũng khi đang mùa lúa chín. Gió se lạnh mang lại cái rét ngọt của mùa đông ở một vùng rừng núi. Mây trắng nhởn nhơ trên những khoảng trời lộ ra trên những tán cây. Ánh nắng chan hòa rải khắp rừng núi như những ánh hào quang tạo nên những hoa nắng li ti mờ ảo. Trên lưng voi, trước mắt Triệu Trinh Nương là phong cảnh Núi Nưa hùng vĩ, tươi đẹp nhưng hiểm trở, là căn cứ lý tưởng cho huynh Triệu Quốc Đạt và Triệu Trinh Nương bỏ quê nhà ( Quân Yên, cách Núi Nưa 60 dặm) lên đây khởi nghĩa.
Núi Nưa, tên thật là Núi Nứa vì trên rừng núi ngoài những cây có lá còn bạt ngàn là rừng nứa tươi tốt. Núi Nưa kéo dài từ quận Nhật Nam (năm 270 nhà Đông Ngô tách quận Nhật Nam thành hai quận là Nhật Nam và Cửu Đức) đến quận Cửu Chân, tức là kéo dài từ Tây Hiếu Nghệ An qua miền núi Như Xuân, Cửu Chân, là bức thành phía đông Nam. Dưới bức thành này là một thung lũng rộng lớn kéo dài đến mấy làng của huyện Cư Phong. Phía Đông Bắc của thung lũng là những dãy đồi đất đỏ, thấp và tròn, dân gian gọi là núi Cửu Noãn (núi chín quả trứng). Từ núi Cửu Noãn, một dòng sông nhỏ bắt nguồn từ hương Thọ Tiến, len lỏi giữa những đồi “Quả Trứng” và chảy về Đông Nam, dòng sông hẹp nhưng sâu thẳm, bờ sông dốc đứng, nước lững lờ chậm chạp nên dân gian gọi là Lãn Giang (sông Lười). Thung lũng Núi Nưa nằm giữa các vành núi, tạo nên đồng bằng màu mỡ phía Bắc, phía Đông nên nhiều cư dân đến sinh sống quy tụ đông đúc. Ngược về Tây Nam, Núi Nưa là một vùng rừng núi rộng lớn, càng vào sâu càng hiểm trở. Và nơi đây Triệu Quốc Đạt đã chọn làm căn cứ khởi nghĩa chống giặc Ngô.
Vệ nữ cưỡi ngựa đi bên trái voi ngước khuôn mặt xinh đẹp lên hỏi:
-Thưa phó chủ tướng, chúng ta đến thăm nơi nào đầu tiên ạ?
Triệu Trinh Nương đáp:
-Đến thăm Bãi Bò đầu tiên.
Voi trắng đi nhanh, hai con ngựa nâu của hai vệ nữ phải chạy nhong nhong bên cạnh, phút chốc đã tới Bãi Bò. Bãi Bò là nơi Triệu Quốc Đạt cho nuôi bò, nuôi trâu để cung cấp thực phẩm cho nghĩa quân. Trong một góc thung lũng Núi Nưa, hàng nghìn con bò, con trâu màu vàng, màu nâu, màu đen, bò cái, bò đực, bò to, bò nhỏ chuyển động kiếm ăn gặm cỏ trong thung lũng. Có những con còn đang bú mẹ, những con bò vàng đi lang thang thong thả hiền lành nom thật đẹp. Khoảng hơn 100 nghĩa quân quân phục màu nâu, mang gươm bên hông, tay cầm roi song mây, cưỡi ngựa để quản những chú bò. Thấy Triệu Trinh Nương, mọi người xuống ngựa vái chào:
-Dạ, xin chào phó chủ tướng.
Một người lính khác cũng chắp tay và nói:
-Xin chào Nhụy Kiều Tướng quân.
Khi đó Triệu Trinh Nương đã xuống voi, hai nữ vệ cũng xuống ngựa tiến lại gần người lính. Triệu Trinh Nương cười và hỏi:
Các huynh phong ta là Nhụy Kiều Tướng quân từ lúc nào vậy?
Dạ, tôi cũng không rõ từ khi nào nhưng hiện nay trong đại quân đều lan truyền câu dặn nhau: Hễ gặp phó chủ tướng thì phải chào là Nhụy Kiều tướng quân.
Triệu Trinh Nương cười đáp:
-Đa tạ các huynh, không biết ta có xứng đáng với danh hiệu đó không. Nhưng ta biết các huynh làm công việc chăn nuôi lấy thực phẩm cho nghĩa quân rất tốt.
Người lính chỉ huy nhóm chăn nuôi khoe:
-Dạ bẩm Nhụy Kiều tướng quân, chúng tôi còn chăn nuôi cả lợn nữa để lấy thịt nuôi quân.
Triệu Trinh Nương đáp:
-Cảm ơn các huynh, các huynh vất vã vì nợ nước thù nhà. Ngày rửa hận không còn xa nữa. Ngày đó nghĩa quân khỏe mạnh giết được nhiều giặc Ngô là công lao thuộc về các huynh chăm sóc tốt.
Những người lính chắp tay:
Dạ, không dám. Cảm tạ phó chủ tướng.
Triệu Trinh Nương lên voi, hai vệ nữ lên ngựa đi tiếp. Một vệ nữ hỏi:
-Dạ thưa phó chủ tướng, chúng ta đi đâu tiếp ạ?
-Chúng ta đến Đồng Bể xem lúa năm nay có được mùa không!
Voi trắng một ngà lại đưa Triệu Trinh Nương đến nơi mà dân gian gọi là Đồng Bể, nơi nghĩa quân tự cày cấy trồng lúa để lấy lương thực nuôi quân.
Triệu Trinh Nương và hai vệ nữ lại đến Đồng Bể. Thung lũng đã trở thành một màu vàng óng của lúa đang chín rộ như một tấm thảm vàng dưới ánh nắng rực rỡ. Những làn sương mù của mùa đông trắng xóa bay vật vờ trên cánh đồng như những làn tơ. Những nghĩa quân đang thu hoạch vụ mùa. Những chiếc mũ nan, những bộ quân phục màu nâu di động đủ màu sắc. Có những tốp người gặt lúa, có những tốp người cầm những bó lúa đập vào lòng những con thuyền cho rơi hạt xuống, bộ phận khác chuyển lúa lên chỗ cao phơi cho khô. Hàng nghìn người làm việc trong thung lũng. Những đàn cò bay lơ lững trên những cánh đồng bát ngát bạt ngàn.
Voi của Triệu Trinh Nương dừng lại bên bên sườn bằng phẳng của một quả đồi. Người chỉ huy vội đi lại chắp tay vái chào:
-Xin chào phó chủ tướng.
Khi đó Triệu Trinh Nương và hai vệ nữ cũng đã xuống voi, xuống ngựa. Triệu Trinh Nương hỏi người chỉ huy:
-Năm nay có vẻ như được mùa phải không huynh?
Người chỉ huy đáp:
-Dạ, bẩm Nhụy Kiều tướng quân, năm nay đúng là được mùa, đủ lương thực cho 1 vạn quân ta ăn trong vài tháng, giảm nhẹ sự đóng góp của cư dân bách tính, thật là mừng.
Triệu Trinh Nương nói:
-Quân no bụng khỏe mạnh mới đánh thắng được giặc Ngô là nhờ công lao của các huynh. Cảm ơn các huynh. Chúng tôi còn phải đến Eo Én xem các huynh ở đó luyện tập ra sao. Tạm biệt các huynh.
Người chỉ huy chắp tay vái chào Triệu Trinh Nương.
Voi trắng lại đưa Triệu Trinh Nương đến Eo Én. Gọi là Eo Én là vì nghĩa quân nuôi chim én cho nó bay lên trời để tập bắn cung. Nhưng thực ra đó không chỉ là nơi luyện bắn cung mà là một thao trường để nghĩa quân luyện đủ môn võ nghệ như dao, kiếm, long đao, trường thương, ném đá. Triệu Trinh Nương trên mình voi đứng không xa lắm quan sát thao trường. Những con chim én được thả ra bay vút lên trời cao nhưng bị những mũi tên bắn trúng lại rơi nhào xuống đất. Những viên chỉ huy phi ngựa nhanh như gió và phóng tên ra, những con én bé nhỏ đang bay trên trời cao trúng tên và rơi như những cánh lá. Triệu Trinh Nương và hai vệ nữ đi vào trường bắn. Các cấp chỉ huy và quân sĩ đều vái chào:
-Kính chào phó tướng.
-Chào Nhụy Kiều tướng quân.
Triệu Trinh Nương xuống voi tươi cười:
-Chào các huynh, các huynh bắn cung giỏi lắm, cho ta bắn thử cái coi!
-Dạ.
Sau tiếng dạ, người chỉ huy cung kính trao cung tên và ngựa cho Triệu Trinh Nương. Triệu Trinh Nương lên ngựa cho phi nước đại, đặt hai mũi tên cùng một lúc vào, dương cung và nói to:
-Các huynh ném ra hai con chim đi!
Hai con chim sẻ bay vút lên không trung. Triệu Trinh Nương dương cung và cùng một lúc hai mũi tên bay ra chia làm hai hướng và hai con chim sẻ trúng tên lộn nhào xuống trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người. Quân sĩ và các cấp chỉ huy trên thao trường lắc đầu bái phục phó chủ tướng của họ:
-Bắn tài quá, đúng là thần cung tên.
Triệu Trinh Nương động viên:
-Tôi cũng đã quan sát, các huynh bắn cung cũng rất tài, thiện xạ, thiện xạ. Chào các huynh, tôi còn đi thăm nơi luyện võ. Tạm biệt các huynh.
(Còn nữa)
CVL