Kỳ 5.
Vài ngày sau thất bại thảm hại, tại kinh đô Phiên Ngung Triệu Vũ Vương họp triều đình bàn kế chiếm Âu Lạc. Thừa Tướng Lữ Gia tâu:
-Muôn tâu, xưa Văn Lang thuộc dòng họ Hùng cai trị, có lịch sử văn hóa quân sự gần 1000 năm, nhiều lần đánh bại sự xâm lấn của nhà Ân Thương, nhà Tần. Sau do Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán, thủ lĩnh của người Âu Việt, Lạc Việt sáp nhập với Âu Việt nên Thục Phán đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Hai tộc người này sáp nhập với nhau tạo nên một sức mạnh phi thường, trình độ Âu Lạc đã phát triển hơn thời Văn Lang một bậc về văn hóa, kinh tế, quân sự, đặc biệt là về quân sự. Thục Phán là một thủ lĩnh xuất sắc về quân sự hiện nay. Thục Vương trước khi được nhường ngôi đã lãnh đạo quân dân Lạc Việt và Âu Việt đánh bại 50 vạn quân Tần xâm lược do tướng Đồ Thư chỉ huy. Chính những chiến công này mà Thục Phán đã được Hùng Duệ Vương truyền ngôi. Dưới trướng Thục Phán lại có những người tài giỏi giúp đỡ, phò tá như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán… Riêng Cao Lỗ nổi tiếng là người tài giỏi, người thiết kế xây dựng Loa Thành, nỏ thần đầy sức mạnh mà cho đến nay ta vẫn chưa biết hết sự huyền bí của nó. Ngoài ra, Âu lạc còn biết bao nhiêu Lạc tướng tài năng ở các địa phương. Nhân dân Âu lạc lại đoàn kết kiên quyết bảo vệ độc lập. Âu Lạc lại là đất nước hiểm trở, rất khó cho nước ngoài xa lạ tác chiến…
Không để cho Lữ Gia nói hết lời, Triệu Vũ Vương ngắt lời, sốt ruột:
-Thừa tướng nói vậy thì chả nhẽ chúng ta bất lực không chiếm được Âu Lạc để mở rộng bờ cõi, trả mối nhục thất bại vừa qua sao? Ta không thể nuốt trôi nổi nhục thất bại này.
Lữ Gia điềm tĩnh:
-Trận đánh vừa qua chứng minh ta không thể chỉ dùng quân sự mà chiếm được Âu Lạc. Trước tiên phải dùng mưu kế. Mục đích của mưu kế là nắm được tình hình, quy luật hoạt động bố phòng của Âu Lạc, thứ hai là nắm được bí quyết bí mật của nõ thần mà phá nó, trên thực tế ta phải đoạt được bí mật sức mạnh của nó để phục vụ cho ta, thứ ba là ly gián giữa An Dương Vương với các tướng của Thục Vương để tự giết hết người tài của Âu Lạc, khi An Dương bị cô độc chỉ có một mình thì ta lấy Âu Lạc dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật, thứ tư là phải bỏ vàng ra mua chuộc bọn người Âu Lạc tham tiền, tham chức vụ để khi ta tấn công Cổ Loa chúng sẽ mở cổng thành làm nội ứng. Chỉ khi làm được bốn việc đó ta mới dùng sức mạnh cuối cùng là quân sự để đánh chiếm Cổ Loa, việc lớn mới thành công được.
Triệu Vũ Vương nghe Lữ Gia nói như bừng tĩnh, vỗ tay xuống bàn khoái trá:
-Thật là tuyệt vời. Nhưng ai và làm thế nào để đột nhập vào Cổ Loa thực hiện được bốn điều trên?
Lữ Gia nói:
-Thần đã có trù tính rồi nhưng điều đó chí có nói trong phòng cơ mật.
Bãi triều, Triệu Vũ Vương mời Lữ Gia vào phòng cơ mật. Vua tôi ăn cơm uống rượu với nhau. Lữ Gia vừa ăn vừa trình bày mưu kế với Triệu Vũ Vương. Triệu Vũ Vương nghe ra vô cùng phấn khởi, tinh thần thư thái, quên hết những nặng nề do cuộc bại trận vừa qua.
V. Tin chiến thắng từ biên giới, từ bộ Vũ Ninh bay về kinh thành Cổ Loa, lan tràn trên đất nước Âu lạc, từ bộ Văn lang, Châu Diên, Phúc Lộc,Tần Hưng, Vũ Định, Vũ Ninh, Lục Hải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, tới bộ miền Trung xa xôi như Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường, Bình Văn. Khắp nơi trên đất nước Âu Lạc treo cờ vàng nhảy múa ca hát ăn mừng chiến thắng. Triều đình Cổ Loa chìm trong yến tiệc thâu đêm suốt sáng. Các quần thần của triều đình kể cả bọn gian thần xu nịnh sâu dân mọt nước đến cả các trung thần đều lần lượt kéo đến chúc mừng Thục Vương. An Dương Vương vui mừng khôn xiết. Ánh hào quang của chiến thắng, sự chúc mừng quá mức độ của quần thần đã làm cho An Dương Vương cảm thấy quyền lực lên đến tột đỉnh, kèm theo đó là sự ngạo mạn, tự đắc xuất hiện trong ông và ngày càng dâng lên mạnh mẽ mà trước hết là thái độ coi thường văn võ bá quan, coi thường những người trực tiếp xông pha chiến trường hi sinh để đem lại chiến thắng. Điều nguy hiểm hơn là Thục Vương xuất hiện tâm lý coi thường Nam Việt. Thục Vương bắt đầu thích nghe xu nịnh, coi thường và ghét nghe những lời nói thẳng của các trung thần như Cao Lỗ. Thục Vương bắt đầu coi mình là chúa tể, quan lại thần dân chỉ là bọn đầy tớ cỏ rác mà thôi.
Khoảng một tháng sau chiến thắng, trong một buổi thiết triều của triều đình Âu Lạc, một viên cận thần bước vào:
-Dạ, Bẩm Thục Vương sứ giả của Nam Việt xin được cầu kiến.
Cả triều đình sửng sốt trước sự xuất hiện của sứ giả Nam Việt. Kể cả An Dương Vương cũng hơi ngạc nhiên. Thục Vương nói:
-Cho đoàn sứ giả vào!
Đoàn sứ giả Nam Việt gồm 5 người mặc quan phục màu xanh, mũ xanh quai tía. Hai người khênh một chiếc hộp màu vàng. Cả bọn 5 người rất bình tĩnh nhưng khúm núm đi vào giữa hai hàng bá quan của Âu Lạc. Khi tới tầm gần thì dừng lại chắp tay vái chào Thục Vương. Tên Chánh sứ người cao nhưng mặt choắt rất ranh ma, nói tiếng Lạc Việt rất giỏi:
Muôn tâu Thục Vương, tôi là chánh sứ thần, vâng mệnh của Triệu Vũ Vương đến xin đặt vấn đề bang giao hữu hảo với Âu Lạc.
Hắn ngừng lại liếc lên nhìn trông chờ thái độ của An Dương Vương. An Dương Vương nói:
-Ha!Ha!... Triệu Đà coi trời bằng vung, dám đem quân xâm phạm Âu Lạc ta, bị đánh tơi bời, nay còn gì để nói?
Chánh sứ Nam Việt lựa lời:
-Dạ, muôn tâu Thục Vương, vừa qua vua nước chúng tôi là Triệu Vũ Vương không lượng sức mình đã chuốc lấy thất bại, chúa công chúng tôi vô cùng hối hận, nay sai tôi đi sứ cầu mong Thục Vương tha thứ. Từ nay về sau, Chúa công tôi sẽ ngoảnh mặt về Nam chắp tay vái lạy để xưng thần. Chúa công tôi có gửi cho Thục Vương món quà nhỏ mọn tỏ lòng hối cải. Xin Thục Vương cho phép hai phó sứ của tôi dâng lên.
An Dương Vương nghe những lời xu nịnh nhún nhường của tên Chánh sứ liền cười:
Ha! Ha! Triệu Đà thật là một kẻ biết điều, biết ăn năn hối cải, lại còn xưng thần nữa thì nay ta cũng xá tội cho. Cho hai Phó sứ dâng quà lên đây!
Hai Phó sứ Nam Việt trao chiếc hòm màu vàng cho hai lính cận vệ của Thục Vương. Hai người lính ì ạch bê lên chỗ Thục Vương. Cả triều đình im lặng chờ xem không biết thứ gì mà nặng vậy. Khi chiếc hòm được đặt xuống, Thục Vương nói:
-Mở ra!
Hai người lính loay hoay mở nắp chiếc hòm. Một luồng ánh sáng màu trắng màu hồng từ chiếc hòm chiếu lên. Thì ra gần đầy hòm toàn là hồng ngọc và kim cương lấp lánh. An Dương Vương ngắm nhìn thích thú. Còn bọn triều thần hám vàng bạc của Âu Lạc cũng sững sốt ồ lên. Song, đa số triều thần trong đó có Đại tướng Cao Lỗ nghiêm nét mặt không nói gì.
Bọn sứ giả thấy An Dương Vương và một số triều thần thích thú thì mĩm cười một cách ranh mãnh. Tên Chánh sứ khoanh tay:
-Dạ, bẩm Thục Vương, còn một việc quan trọng nữa mà chúa công tôi ủy thác.
Cho phép thần được bẩm lên chúa thượng.
An Dương Vương tỏ ra tự đắc:
-Còn việc gì quan trọng cho phép nói
-Dạ bẩm, chúa công tôi có nhiều Hoàng tử, trong đó có một Hoàng tử năm nay 20 tuổi tên là Trọng Thủy, rất đẹp người đẹp nết, học hành giỏi giang, kiến thức rất sâu sắc dù là còn trẻ và được lập làm Thái tử. Chúa công tôi biết Thục Vương có ba công chúa. Công chúa Phượng Minh đã gã cho Cao Tứ, em Đại tướng Cao Lỗ, công chúa Quỳnh Anh đã gả cho Võ Trung Thái sư, còn một công chúa út là Mỵ Châu rất sắc nước hương trời. Chúa công tôi muốn Thục Vương cho phép đôi trai tài gái sắc này nên nghĩa phu thê. Chúa công tôi sẽ là thông gia một nhà với Thục Vương để hai nước Nam Việt và Âu Lạc làm chỗ dựa cho nhau thì thật là phúc lớn cho hai nước và cho muôn dân. Mong chúa thượng suy xét.
Lời tâu trình của tên Chánh sứ làm triều đình Âu Lạc và cả An Dương Vương cũng bất ngờ. Nhưng công việc đặt ra đánh đúng vào một trong những suy nghĩ lo lắng đêm ngày của An Dương Vương. An Dương có ba công chúa, hai người chị đã yên bề gia thất, chỉ còn công chúa út là Mỵ Châu. Đây là cô công chúa xinh đẹp, nết na được An Dương Vương yêu quý cưng chiều nhất. Thục Vương ngày đêm lo nghĩ tìm sao cho Mỵ Châu có một người chồng tốt, tài năng và môn đăng hộ đối. Nếu chấp nhận lời cầu hôn của Triệu Đà thì sẽ tìm được người môn đăng hộ đối cho Mỵ Châu, Trọng Thủy là Thái tử thì tương lai Mỵ Châu sẽ là hoàng hậu Nam Việt, đồng thời mở ra một liên minh chặt chẽ lâu dài cho hai nước. Đây thực là mối lương duyên của trời đất, một việc đáng vui mừng trăm năm. Nghĩ như vậy An Dương Vương nói:
-Ta chuẩn tấu, về bảo chúa công nhà ngươi chọn ngày lành tháng tốt sang đây đặt sính lễ dạm hỏi, sau đó mới bàn chuyện cưới xin theo đúng phong tục Âu Lạc ta.
An Dương Vương vừa dứt lời thì Đại tướng Cao Lỗ đứng dậy thưa:
-Bẩm Thục Vương việc này không nên.
An Dương Vương nhìn Cao Lỗ tỏ vẻ không hài lòng:
-Sao lại không được?
-Tâu Thục Vương. Nếu hai nước hòa hiếu lâu đời thì việc Triệu Đà cầu hôn có thể hiểu được. Còn Triệu Vũ Vương có dã tâm xâm lược nước ta nhưng bị đánh tơi bời, bị tổn thất tới ba vạn quân và nhiều đại tướng, tổn thất thật là to lớn và nhục nhã. Kẻ kia không thể không tính tới mưu kế báo thù. Cho nên việc cầu hôn chỉ là giả dối và là mưu kế thôn tính Âu Lạc lâu dài. Mong Thục Vương vì kế vẹn toàn của nước nhà mà suy xét.
(Còn nữa)
CVL