Kỳ 3
Sau ba hồi trống đồng và tiếng tù và hoành tráng vang lên, Vua Hùng Duệ Vương và các Lạc hầu, Lạc tướng trong quần áo thiết triều trang nghiêm cúi đầu thành kính dâng hương lên 17 vua Hùng đã quá cố. Sau đó tất cả những người có mặt đều quì xuống nghe khẩu dụ của Hùng Duệ Vương trong hương lửa nghi ngút bập bùng uy nghi và thiêng liêng. Giọng Hùng Duệ Vương trầm hẳn xuống:
-Đức Thế Tổ Kinh Dương Vương trong dòng họ Hùng Lạc của ta, tiếp đến đức Thái Tổ Lạc Long Quân, đức mẹ Âu Cơ đã trải bao gian nan khó nhọc mở mang giữ dìn bờ cõi, dựng nên Quốc gia đất nước, tạo nên cái nôi để tồn tại và phát triển của giống nòi Lạc Việt. Dòng họ Hùng Lạc của ta không chỉ có công dựng nước mà còn dạy cho cư dân biết cày cấy, trồng trọt, đánh cá, săn bắn, chăn nuôi, khai phá ruộng nương, làm nhà làm cửa, sản xuất vật dụng và vũ khí, trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Dạy cho dân biết thuần phong mỹ tục, tôn kính trời đất, tổ tiên, hiếu thảo với gia đình, thương yêu nhau trên cùng một đất nước. Vì thế cơ nghiệp của dòng họ Hùng Lạc ta vững bền đến nay đã gần 1000 năm với 17 đời Tiên đế.
-Ta Hùng Duệ Vương, Hùng Vương thứ 18, nối ngôi các bậc Tiên đế đã 30 năm, nay đã 90 tuổi, tuổi già sức yếu không thể cáng đáng được việc nước trọng đại, muốn nhường ngôi cho người khác để ta an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên người được ta truyền ngôi phải là người tài năng đức độ. Đó là truyền thống truyền ngôi suốt 1000 năm qua của triều Hùng ta. Đặc biệt người kế vị phải có tài năng về quân sự để ngăn chặn sự bành trướng của giặc phương Bắc đang tràn xuống tham lam nhằm chiếm hết đất của Bách Việt. Sau khi bàn bạc thống nhất với triều đình, ta đã đồng ý nhường ngôi cho Thục Phán, thủ lĩnh của tộc người Âu Việt. Người Âu Việt cũng là anh em với người Lạc Việt. Sáp nhập Lạc Việt với Âu Việt tạo nên một Quốc gia mới, một sức mạnh mới cho chúng ta xây dựng và bảo vệ đất nước. Thục Phán đã từng lãnh đạo người Lạc Việt và Âu Việt kháng chiến 10 năm và đánh bại 50 vạn quân Tần khi chúng sang xâm lược.
Có tiếng ồn ào trong cư dân Lạc Việt. Song mọi người lại im lặng khi Hùng Duệ Vương nói tiếp:
-Mời tướng quân Thục Phán lên nhận ngai vàng!
Một người ngồi ở hàng ghế bên phải hàng đầu đứng dậy bước lên lễ đài, bộ quân phục gọn gàng màu nâu, đầu đội chiếc mũ có cắm đầy lông chim, Thục Phán người cao lớn lực lưỡng, dáng con nhà võ. Ông càng thêm oai phong lẫm liệt khi bên hông mang thanh gươm báu gia truyền của dòng họ Thục nổi tiếng.
Lên lễ đài khi gần Hùng Duệ vương, Thục Phán cúi mình chào và quỳ lạy trước linh vị các vua Hùng. Hùng Duệ Vương cũng vái lạy tiên tổ Hùng Lạc rồi lấy quốc ấn trao cho Thục Phán. Trên bàn thờ 17 Vua Hùng đèn đuốc sáng trưng, hương khói nghi ngút. Trong không khi trang nghiêm, Thục Phán đọc lời thề:
-Trước linh vị của các vị vua Thế Tổ và Thái Tổ Hùng Lạc anh linh thần thánh, trước trời đất sông núi nước Văn Lang linh thiêng, trước vua Hùng Duệ Vương đáng kính, trước mặt trăm quan và ba quân, trước mặt toàn thể cư dân Lạc Việt và Âu Việt, trước mọi thần linh Bách Việt, tôi Thục Phán được truyền ngôi kế vị các vua Hùng. Tôi xin thề: Đời đời coi tổ tiên Hùng Lạc là tổ tiên của Thục Phán, hương khói quanh năm, thề tỏ đạo hiếu nghĩa muôn đời. Thứ hai chăm lo cho đất nước phồn vinh, dân cư đời đời no ấm. Thứ nữa, Thục Phán thề sẽ đem hết sức mình bảo vệ giang sơn gấm vóc của Lạc Việt và Âu Việt tồn tại muôn đời. Nếu Thục Phán sai lời thề xin trời chu đất diệt.
Sau lời thề, Thục Phán đốt hương và cắm vào tất cả các bát hương thờ các vua Hùng. Hương khói nghi ngút, đuốc sáng cháy rừng rực khắp vùng núi rừng Nghĩa Lĩnh. Trống đồng và tù và vang lên từng hồi không ngừng vang vọng không gian như điệp khúc. Bỗng nhiên trời đất nổi dông gió mù mịt, sấm chớp sáng lòe xé không trung và rền vang chuyển động, một lát sau thì mưa như trút nước. Trong ngày trọng đại này những điềm như vậy của trời đất không rõ là điềm lành hay là xấu. Các cụ già, các thầy cúng đều lắc đầu thở dài cho rằng điềm trời báo rất xấu cho vận nước.
Thục Phán sai khắc lời thề vào hòn đá lớn và đem dựng ở Trung tâm đền Hùng núi Nghĩa Lĩnh để tỏ quyết tâm sắt đá của mình. Một quân Vương không thể nói chơi, người cai trị không thể nói lời nuốt lời.
III. Kinh đô Bạch Hạc bắt đầu một ngày mới. Cây cối một màu xanh dưới nắng gió. Sông Thao, sông Đà, sông Lô vẫn mênh mông bình thản đưa nước về xuôi. Người dân lại bắt đầu một cuộc sống sản xuất mưu sinh bình thường, cái khác là trong cung điện của triều đình Hùng Lạc bây giờ đã thay chủ mới.
Sáng nay, trong cung điện có buổi thiết triều. Lạc hầu, Lạc tướng ngồi hai hàng ghế thành hai ban. Ngoài những quan chức cũ của triều Hùng Duệ Vương còn thêm rất nhiều tướng soái của Thục Phán mà người nổi tiếng là Cao Lỗ. Còn có Thái sư Võ Quốc, Đại tướng quân Chiêu Công, Hoàng Minh Đại Vương, Đinh Công Tuấn tướng công, Đại tướng quân Phan Giác, Nồi Hầu đại thần, Thừa tướng Lạc Hầu Thục Ngạn…Thục Phán thiết triều buổi đầu tiên để bắt đầu công cuộc cai trị đất nước. Thục Phán nói:
-Ta nay được tiền bối Hùng Duệ Vương truyền ngai vàng, ta đổi Quốc hiệu từ Văn Lang thành Âu Lạc tức là hòa hợp giữa tộc người Lạc Việt của Hùng Vương với tộc người Âu Việt của ta. Các chư vị thấy thế nào?
-Các Lạc hầu, Lạc tướng hô to:
-Chúng thần đồng ý.
Thục Phán nói tiếp:
-Ta muốn lấy đế hiệu là An Dương Vương. Các chư vị thấy thế nào?
Triều đình lại đồng thanh:
-Chúng thần đồng ý.
Các chư vị ai có ý kiến gì không?
Cao Lỗ, một đại tướng có tài năng ở bộ Vũ Ninh đã từng theo Thục Phán lâu năm, lập được nhiều công lao đứng dậy tâu:
-Muôn tâu, thời các vua Hùng nhà nước không có quân đội mà chỉ có dân binh, các Lạc tướng ở các Bộ cũng chỉ có dân binh. Nay tình hình đã khác, nước nhà muốn vững mạnh phải xây dựng quân đội để trong thì tỏ rõ uy quyền với muôn dân, ngoài thì có thể chống được giặc Tàu từ Bắc phương tràn tới. Đây là việc hệ trọng, xin An Dương Vương minh xét.
An Dương Vương tỏ vẻ vui mừng nói:
-Lời tướng quân Cao Lỗ rất hợp ý ta. Phong cho Cao Lỗ làm Tổng tư lệnh, đứng ra chiêu tập trai tráng thành lập quân đội.
Sau buổi thiết triều đó, Cao Lỗ trở thành người đứng đầu các đại thần bao gồm Cao Hầu, Nội Hầu, Đinh Toán…Cao Lỗ ra sức kén chọn trai tráng, xây dựng quân đội cho nhà nước Âu Lạc. Ngoài xây dựng bộ binh, Cao Lỗ còn xây dựng thủy binh. Trong nước gấp rút xây dựng những xưởng đóng thuyền, những công binh xưởng chế tạo vũ khí. Cao Lỗ còn tự thiết kế, tự chỉ đạo một công xưởng đặc biêt, chế tạo một loại vũ khí bắn một phát ra hàng trăm mũi tên, gọi là nỏ liên châu “Linh quang thần nỏ” mang tính sát thương mạnh mẽ và hàng loạt. Nỏ liên châu càng thêm uy lực khi đầu những mũi tên này, Cao Lỗ cho gắn với mũi đồng ba cạnh làm cho mũi tên xoáy rất sâu vào mục tiêu, kẻ bị trúng tên không chết thì cũng rất khó rút mũi tên ra. Vũ khí này uy lực nên được gọi là “Nỏ thần”, một loại vũ khí mà giặc Bắc phương chưa có.
Ngoài quân đội triều đình, Cao Lỗ còn nói với An Dương Vương đốc thúc các Lạc tướng ở các địa phương ra sức xây dựng quân đội ở các bộ để phối hợp tác chiến với quân đội triều đình, giữ vững an ninh ở địa phương.
Trong một lần thiết triều, An Dương Vương nói với triều thần:
-Trong gần 1000 năm nay 18 đời vua Hùng lấy Bạch Hạc Làm kinh đô. Nay đất nước đã lớn mạnh, chúng ta phải dời đô về đồng bằng để có thể vươn quyền lực ra tất cả mọi miền của đất nước, đặc biệt là miền Bắc và miềnTrung. Ta xem thế đất của bộ Giao Chỉ, nơi đồng bằng sông Hồng và là nơi giao nhau của các con sông Hoàng Giang, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Cầu là nơi thế đất thiêng có thể làm trung tâm của đất nước. Cho nên ta có ý định thiên đô về vùng đất đó.
Cả triều đình im lặng. An Dương Vương nói tiếp:
-Tướng quân Cao Lỗ hay thay ta về bộ Giao Chỉ, vùng đồng bằng sông Hồng chọn đất đóng đô. Công việc càng nhanh càng tốt.
Cao Lỗ đứng dậy cúi mình đáp;
-Thần xin tuân lệnh.
Một thời gian sau, trong căn phòng mà An Dương Vương dùng để tiếp các đại thần, tướng quân Cao Lỗ ngồi trên ghế tràng kỷ gỗ lim chạm khắc hoa văn rất đẹp, trước mặt là chiếc bàn rộng, đối diện bên kia là Thục Phán An Dương Vương. Trên bàn đặt một mô hình tòa thành bằng đất sét phơi khô. Thị nữ bê hai chén màu nâu đựng nước chè thơm phức, một khay trầu cau cũng được đặt lên. Người Lạc Việt và người Âu Việt quen uống nước chè và ăn trầu trong khi tiếp khách. Đó là một phong tục lâu đời. Hai chén nước chè màu xanh bốc khói thơm nghi ngút. An Dương Vương mời:
-Tướng quân uống nước, ăn giầu đi.
Cao Lỗ bê chén nước:
-Kính mời Thục Vương.
Vua tôi uống nước xong, An Dương Vương nói:
-Tướng quân trình bày đi.
Cao Lỗ chỉ tay vào chiếc sa bàn và nói:
-Xét về địa thế thì kinh đô mới của nước Âu Lạc ta chỉ có thể ở bộ Giao Chỉ, ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc giáp bộ Văn Lang, Bắc giáp bộ Vũ Ninh, phía Tây giáp bộ Phúc Lộc, phía Đông giáp bộ Dương Tuyền, phía Nam giáp bộ Cửu Chân. Trong địa thế rộng lớn đó của bộ Giao Chỉ, vùng đồng bằng giao nhau giữa sông Hồng, sông Đuống, phía Bắc là sông Cầu có thể khống chế được cả nước, có thể phát triển kinh tế văn hóa, đặc biệt là về quân sự. Thành trì ở đây sẽ được sông Hồng, sông Đuống, sông Hoàng Giang che chở. Có thể phòng thủ, có thể tấn công. Thành trì vừa là kinh đô, vừa là căn cứ bộ binh và căn cứ thủy quân. Khi tấn công bộ binh có thể tiến tới bộ Lục Hải, thủy binh theo dòng sông đào quanh thành tiến ra sông Hoàng Giang và triển khai trên sông Hồng, tiến tới Lục Đầu Giang của bộ Dương Tuyền để ngăn chặn quân địch từ xa.
Cao Lỗ dừng lại nhìn nhà vua. An Dương Vương đăm chiêu suy nghĩ và gật gù. Sau đó, Thục Vương hỏi :
-Thế tướng quân định xây dựng thành hình thù như thế nào?
Cao Lỗ chỉ tay vào nơi trung tâm của Sa bàn và nói tiếp:
-Bẩm Thục Vương, đây là thành mà thần thiết kế để xây dựng. Thành này được gọi là Loa Thành hay thành Ốc vì nó có chín vòng thành theo hình xoáy trôn ốc. Vòng trong cùng là nơi ở của Hoàng gia, nơi làm việc của Thục Vương, là nơi các cung điện làm việc của các cơ quan Nhà nước. Vòng thành thứ hai là nơi ở của các quan lại cao cấp của triều đình và gia đình, vòng thành thứ ba là nơi ở của quan lại thấp hơn, nơi tiếp khách khứa và quan lại trong nước và nước ngoài vào kinh đô. Các vòng thành tiếp theo là nơi ở của cư dân. Vòng ngoài cùng là nơi đóng của quân đội bảo vệ hoàng thành. Quanh vòng thành có sông đào có thể hai chiến thuyền đi hàng ngang được để bảo vệ hoàng thành nhưng khi có chiến tranh thủy binh ở Đầm Vạc có thể theo sông đào này triển khai ra sông Hồng và từ đó tỏa ra tác chiến trên các dòng sông trên cả nước, đặc biệt lưu ý triển khai trên sông Bạch Đằng, nơi cửa ngõ từ biển vào sâu Âu Lạc.
(Còn nữa)
CVL