Kỳ 10.
Tại Ái Châu, Nam Tấn Vương vẫn theo dõi tình hình của triều đình Cổ Loa. Nhưng Nam Tấn Vương toàn nhận được những tin buồn. Một ngày thám mã về báo:
- Dạ, bẩm Nam Tấn Vương, Nam Sách Vương đã tăng thuế, do đó bị triều đình và bách tính phản đối.
Ngày khác thám mã từ Cổ Loa về báo:
- Dạ, bẩm Nam Tấn Vương.
- Có gì mới không?
- Dạ, Nam Sách Vương suốt ngày tháng chỉ vùi đầu vào yến tiệc, bỏ bê công việc triều chính.
Và những ngày tiếp theo:
- Dạ, bẩm Nam Tấn Vương.
- Có gì không?
- Dạ, Nam Sách Vương cho tuyển rất nhiều người đẹp vào cung, suốt ngày rượu chè và xem mỹ nữ múa hát.
- Dương Thái hậu không can ngăn sao?
- Dạ, bẩm, Dương Thái hậu có khuyên can nhưng không được.
- Phạm hoàng hậu không can ngăn sao?
- Dạ, Phạm hoàng hậu khuyên can những cũng không được.
- Quốc cửu Phạm Bạch Hổ không chỉ giáo sao?
- Dạ, Phạm Quốc Cửu có can gián nhưng Nam Sách Vương không nghe. Phạm Quốc Cửu đã rời Cổ Loa về Đằng Châu rồi ạ.
Cho đến một ngày năm 954 thám mã về báo:
- Dạ, cấp báo, cấp báo, Nam Sách Vương đêm qua đã đột ngột băng hà rồi ạ.
Ngô Xương Văn bàng hoàng:
- Thật sao? Hoàng huynh từ trần vì bệnh gì?
- Dạ mạt tướng không rõ.
Đang khi đó lại có gia nhân vào báo:
- Dạ bẩm, có nội quan từ Cổ Loa tới ạ.
- Cho vào.
Nam Tấn Vương nhìn ra, người đang đi vào là Thứ sử Phong Châu Kiều Công Hãn. Kiều Công Hãn quỳ xuống thi lễ:
- Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.
Nam Tấn Vương nói:
- Khanh đứng lên đi. Đây là tư dinh của ta, có phải triều đình đâu mà hành lễ.
- Đa tạ Hoàng thượng.
- Thám mã vừa báo, Nam Sách Vương đã băng hà rồi, tin có đúng không?
Kiều Công Hãn đáp:
- Da bẩm Hoàng thượng, Nam Sách Vương đã băng hà. Các đại thần ủy thác cho thần mời Hoàng thượng về triều gấp, nếu chậm trễ e có biến loạn.
Sau khi cùng Kiều Công Hãn cơm rượu xong, ngay hôm đó Nam Tấn Vương đem 2 vạn quân bản bộ cùng Kiều Công Hãn đi gấp ra Cổ Loa. Nam Tấn Vương trở lại ngai vàng, tổ chức quốc tang cho Nam Sách Vương, thi hài được đưa về mai táng ở đất tổ Đường Lâm, huyện Mê Linh, Phong Châu, bên cạnh mộ Tiên Ngô Vương. Nam Tấn Vương trở lại nắm quyền đã xóa bỏ những chính sách tăng sưu thuế nặng nề của Nam Sách Vương, giảm nhẹ gánh nặng cho bách tính. Cho nên trong 10 năm trị vì của Nam Tấn Vương, cư dân no ấm, đời sống tương đối thanh bình. Tuy nhiên có một số thế lực vẫn rục rịch chống đối nhà Ngô. Năm 960 hào trưởng ở Thao Giang - Phong Châu Chu Thái dấy quân chống lại triều đình. Một buổi sáng Nam Tấn Vương đang ngồi uống tra thì có nội quan vào báo:
- Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã từ Phong Châu về cấp báo.
- Cho vào.
- Dạ.
Tham mã vào quỳ thi lễ và nói:
- Dạ, bẩm Hoàng thượng vạn tuế. vạn vạn tuế.
Nam Tấn Vương khoát tay:
- Miễn lễ, đứng dậy nói đi. Ta cử ngươi đi do thám tình hình của phản nghịch Chu Thái. Chu Thái có bao nhiêu quân, bố phòng quân binh thế nào?
- Dạ, bẩm Hoàng thượng, theo thần dò la được thì Chu Thái có khoảng 1 vạn quân, thành quách không kiên cố, nhà ở của quân lính chỉ là lán trại nhưng chung quanh có lũy tre gai dày đặc bảo vệ. Nếu bị quân ta tấn công, quân Chu Thái có thể mai phục trên những con đường đầy cây cối rậm rạp để đánh trả, nếu không, chúng chỉ có thể từ chiến lũy tre gai bắn ra. Mong Hoàng thượng suy xét.
- Cho ngươi lui.
- Dạ.
Hôm sau, Nam Tấn Vương tự thân chinh đem 2 vạn quân và 1000 võ sĩ lên miền Thượng Thao Giang thảo phạt Chu Thái. Khi đến thành Gia Ninh, Thứ sử Phong Châu Kiều Công Hãn ra đón. Sau bữa cơm trưa, Nam Tấn Vương nói với Kiều Công Hãn:
- Thám mã của ta về báo, căn cứ của Chu Thái không có thành cao hào sâu, chỉ có lũy trẻ gai dày đặc bao vây chung quanh che chắn cho lán trại. Cái mà Chu Thái có thể làm được là cho quân mai phục ở ngoài khu căn cứ để tập kích quân ta.
Kiều Công Hãn nói:
- Vậy Hoàng thượng định phá giặc như thế nào?
- Đêm nay, ta cho 1000 võ sĩ đi tiên phong, gặp mai phục thì nằm xuống tránh tên đạn, chờ chúng xông ra thì vùng dậy giết giặc. Trong khi đó Thứ sử đem 1 vạn quân đánh bên tả, ta đem 2 vạn quân đánh ập vào bên hữu. 1000 võ sĩ từ bên trong đánh ra, chúng ta ngoài đánh vào. 1 vạn quân Chu Thái chắc phải chết.
Kiều Công Hãn nói:
- Diệu kế, diệu kế.
Đêm hôm đó, Nam Tấn Vương cho 1000 võ sĩ đi tiên phong, đây là những lính tinh nhuệ đặc biệt, một địch mười người. Cách 1 dặm là hai đạo quân tả hữu của Nam Tấn Vương và Kiều Công Hãn theo sau, ngựa tháo nhạc, không chiêng trống im lìm hành quân trong đêm đen mịt mù. Chỉ có dòng Thao Giang là không ngủ, nước trong đêm vẫn cuồn cuộn chảy về xuôi. Sao trên bầu trời li ti nhấp nhánh xa xăm, vài tiếng chó sủa xa xa khắc khoải. 1000 võ sĩ đi khỏi thành Gia Ninh khoảng 10 dặm thì tiến vào một bãi rộng cây cối rậm rạp, giữa là một con đường nhỏ hẹp. Thốt nhiên một mũi tên có lửa bay lên trời. 1000 võ sĩ vội nằm xuống, những trận tên như mưa bay dày đặc trên con đường các võ sĩ đang năm. Sau vài đợt tên, quân Chu Thái hai bên rừng cây xông ra reo hò chém giết. 1000 võ sĩ vùng dậy bằng những kỹ thuật điêu luyện, võ nghệ phi thường đã chém giết quân Chu Thái chết như rạ. Đang khi đó đội hình quân Chu Thái rối loạn. Thì ra bốn bên quân Chu Thái bị quân của Kiều Công Hãn và quân của Nam Tấn Vương vây bọc mà chém giết. Trong đánh ra, ngoài đánh vào, quân Chu Thái đại bại. Chu Thái phải nhờ các tùy tướng cố hết sức trong đêm đen mở đường máu mới chạy thoát về chiến lũy. 1vạn quân thì 8000 đã nằm lại trên chiến trường. Quân của Kiều Công Hãn và Nam Tấn Vương truy kích bao vây đồn lũy doanh trại của Chu Thái. Bốn bên lũy tre gai dày đặc. Trời đã sáng rõ, bình minh đỏ chói phía Đông. Nhìn ánh bình minh chói lọi, Nam Tấn Vương nói:
- Có rồi.
Kiều Công Hãn hỏi:
- Hoàng thượng bảo có cái gì?
- Thứ sử hãy nhìn, ánh bình minh như lửa cháy. Ta dùng hỏa công đốt lũy tre gai thì quân Chu Thái sẽ bị thiêu sống hết.
Kiều Công Hãn nói:
- Hoàn thượng anh minh.
Rồi sai binh lính vào trong dân thu rơm rạ chất như núi chung quanh lũy tre và châm lửa đốt. Rơm rạ và lũy tre biến thành vành đai lửa cao lưng trời, khói mù mịt che tối cả gầm trời Phong Châu, tiếng tre nổ vang như pháo lớn ầm ầm. Từ chiến lũy tàn lửa bay vào làm doanh trại của quân Chu Thái cũng bốc cháy. Quân Ngô phá cổng xông vào chém giết. 2000 quân còn lại cùng chủ tướng Chu Thái bỏ mạng.
Thu dọn chiến trường xong, Ngô Xương Văn cùng Kiều Công Hãn kéo quân về Gia Ninh. Cơm nước xong, vua đem quân về Cổ Loa trong khúc ca khải hoàn chiến thắng.
Trong buổi thiết triều sau đó của Nam Tấn Vương, triều thần quỳ xuống hành lễ và tung hô:
- Xin chúc mừng Hoàng thượng chiến thắng, vạn tuế, vạn vạn tuế.
- Miễn lễ, bình thân.
- Tạ Hoàng thượng.
Sự chúc mừng của triều thần làm cho Nam Tấn Vương cảm thấy có ánh hào quang bao bọc và xen lẫn niềm tự hào kiêu ngạo. Vốn là vị vua trẻ thích đánh dẹp và sau sự kiện Chu Thái càng ham mê chinh chiến, dấn thân vào sự nguy hiểm và tạo ra sự nguy hiểm cho bản thân, cho cả triều đình nhà Ngô và cho vận nước.
Một ngày năm 965 Nam Tấn Vương thiết triều. Nhà vua hỏi:
- Ai có bẩm tấu gì không?
Tham chính Đô đốc Phạm Man đứng dậy:
- Thần có tấu
- Ái khanh nói đi.
- Dạ, bẩm Hoàng thượng, tin tức từ thượng nguồn Thao Giang đưa về, có hào trưởng Nguyễn Khoan, còn gọi là Nguyễn Thái Bình hùng cứ vùng Tam Đái, tức là vùng Loan Giang, Phó Đáy Giang, Bạch Hạc Giang, quân số khoảng 2 vạn, tuyên bố không phục tùng triều đình Cổ Loa nữa. Mong Hoàng thượng suy xét.
Nam Tấn Vương nói:
- Nguyễn Khoan không trông tấm gương của Chu Thái, phản nghịch triều đình là bị tiêu diệt sao. Ta lại phải nhọc công một chuyến đi Tam Đái rồi.
Đại tướng Đỗ Cảnh Thạc tấu:
- Dạ, bẩm Hoàng thượng vừa chinh chiến dẹp giặc Chu Thái khó nhọc về, việc Nguyễn Khoan ở Tam Đái cử một đại tướng đi là được.
(Còn nữa)
CVL