Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

16/11/2021 08:04

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

 

dinh-blinhx1q-1637024561.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 22.

Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục tiến quân vào lãnh địa của Kiều Công Hãn. Lê Hoàn chỉ huy 2 vạn quân đánh thành Tam Giang, Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy 2 vạn quân đánh thành Phú Lập, mục đích là làm cho Tam Giang và Phú Lập không cứu ứng được nhau. Quân Hoa Lư ở đâu thắng trước thì chi viện cho bên kia. Đinh Bộ Lĩnh kéo quân đến thẳng thành Phú Lập. Làng quê miền trung du xanh mướt màu cây lá, đồi núi xen lẫn ruộng đồng, nước sông Lô vẫn tuôn dào dạt về Đông cuồn cuộn. Nắng rải xuống như tơ. Gió làm cờ vàng của quân Hoa Lư bay phấp phới. Đinh Bộ Lĩnh bao vây thành Phú Lập và cho quân loa lên mặt thành:

- Loa.. loa.. loa… nay đại quân của Vạn Thắng Vương đã đến, mục đích là muốn quân của sứ quân Kiều Tam Chế quy thuận để sớm thống nhất đất nước, chấm dứt nạn chết chóc cho lê dân. Tướng quân Hoàng Định và quân sĩ hãy quy thuận chính nghĩa, sẽ được bảo toàn tính mạng và được ghi công đầu. Nếu chống cự khi thành bị hạ sẽ bị xử tội chết.

Trong thành Phú Lập, tướng Hoàng Định hỏi các tùy tướng:

- Thành Tam Giang của chúa công thế nào?

Một tùy tướng nói:

- Bẩm tướng quân, thám mã về báo thành Tam Giang cũng đang bị chính tướng kiệt xuất của quân Hoa Lư là Lê Hoàn bao vây công phá.

Tướng Hoàng Định kinh hãi:

- Vậy người đang tấn công thành ta là do chính Đinh Bộ Lĩnh?

- Dạ bẩm tướng quân, chính Đinh Bộ Lĩnh.

Hoàng Định nói :

- Để ta lên mặt thành xem.

Hoàng Định lên mặt thành thấy hàng vạn quân Hoa Lư khí thế ngút trời đang bao vây thành Phú Lập, chuẩn bị phá thành. Hoàng Định gọi xuống:

- Cho ta gặp Đinh sứ quân.

Một người cưỡi con ngựa nâu cao to. Người đó còn trẻ, tay cầm đại đao, cường tráng, khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt đứng dưới lá cờ chữ Soái đáp:

- Ta là Đinh Bộ Lĩnh đây. Tướng quân là Hoàng Định?

- Chính là mạt tướng.

- Nay ta đến đây là để thu phục sứ quân Kiều Công Hãn về thành một mối, cùng ta thu phục các sứ quân khác vì sự nghiệp thống nhất đất nước, chấm dứt nổi khổ can qua cho dân tình Nước Việt. Tướng quân có muốn cùng ta làm đại nghĩa không?

Hoàng Định nói:

- Nếu Chúa công cho mạt tướng và quân sĩ an toàn tính mạng thì mạt tướng sẽ mở cửa thành.

Đinh Bộ Lĩnh bẻ gãy mũi tên mà nói:

- Ta mà nuốt lời sẽ như mũi tên này.

- Đa tạ chúa công.

Hoàng Định đi xuống, một lát sau trên thành xuất hiện cờ trắng, rồi cửa thành Phú Lập mở toang, Hoàng Định và 1 vạn quân sĩ đi ra tay không vũ khí, đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh. 1 vạn quân được biên chế ngay vào hàng ngũ quân Hoa Lư.

Trong khi đó, 2 vạn quân Lê Hoàn tiến đến thành Tam Giang, 2 vạn quân của Kiều Công Hãn dàn trận chờ sẵn. Lê Hoàn cho dàn trận và quan sát thấy một người khoảng 50 tuổi, quắc thước, oai phong, mặc chiến bào màu vàng, giáp sắt, đội mũ đâu mâu màu vàng, cưỡi ngựa màu đen, tay cầm gươm, đứng dưới lá cờ vàng thêu chữ “Kiều Tam Chế” đang bay phấp phới. Lê Hoàn biết đó là Kiều Công Hãn, con người nổi tiếng mấy triều vua từ Dương Tiết độ sứ đến Tiền Ngô Vương đến Hậu Ngô Vương, con người cũng nổi danh trong trận Bạch Đằng, nghe nói, từng đi tiền trạm, chuẩn bị hậu cứ rất chu đáo cho Ngô Vương ở cửa sông Bạch Đằng, tạo điều kiện cho thắng lợi của trận thủy chiến oanh liệt. Đáng tiếc, con người trung nghĩa này giữ lòng trung với triều Ngô một cách mù quáng mà không thấy được thời thế đang thay đổi, nhà Ngô đã hết thời. Con người trung nghĩa này không chịu về với Đinh Chúa công, bị chết trong chiến trận thật là đáng tiếc. Dù bây giờ tình thế bắt buộc đang ở chiến tuyến khác nhau nhưng Lê Hoàn rất kính nể Kiều Công Hãn và một nổi xót xa vô cớ đang xuất hiện trong lòng người tướng trẻ rất nhanh.

Kiều Công Hãn cũng quan sát Lê Hoàn, đó là một tướng còn rất trẻ, cường tráng, mặt vuông, tai dài. Mắt sáng, khôi ngô tuấn tú lạ thường. Kiều Công Hãn thấy bối rối vì từ con người đó toát ra một hào khí đế vương rực rỡ. Đó là một anh hùng trong thời loạn và minh quân trong thời trị. Lê Hoàn trên mình con ngựa nâu to lớn chắp tay vái Kiều Công Hãn và nói:

- Nghe đại danh của Kiều sứ quân lâu rồi, vinh hạnh được gặp mặt. Hôm nay mạt tướng Lê Hoàn tới đây là muốn mong sứ quân hợp tác, về với quân Hoa Lư để cùng nhau thu phục các sứ quân khác, thống nhất đất nước, chấm dứt cảnh can qua người Việt chém giết nhau, chấm dứt nổi đau khổ cho sinh linh, chẳng hay sứ quân có thuận không?

Kiều Công Hãn đáp:

- Đa tạ tướng quân, nhưng làm cho nhà Ngô sụp đổ, tạo điều kiện cho các cường hào dấy binh nội chiến tranh giành quyền lực là từ họ Đinh. Ai đã chống lại nhà Ngô từ Nam Sách Vương đến Nam Tấn Vương? Chính là Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư. Tướng quân là người tài năng, nay muốn nêu cao chính nghĩa thì về với lão phu để mưu sự khôi phục lại nhà Ngô. Còn Lão phu quyết không hợp tác với những người đã phản bội nhà Ngô.

Lê Hoàn đáp:

- Sứ quân thật là cố chấp nên không hiểu thời thế. Các triều đại hưng thịnh rồi lại suy vong, suy vong rồi lại hưng thịnh. Nhà Ngô có công với dân tộc nhưng đáng tiếc mệnh trời ngắn ngủi, ngày nay thời vận đã hết, mà sự suy sụp của Nhà Ngô bắt đầu từ Dương Tam Kha soán ngôi, chứ đâu phải tại Đinh Chúa công.

Kiều Công Hãn nói:

- Thằng trẻ ranh này lại dám bảo lão thần ba triều không biết thời thế. Bay đâu, bắt Lê Hoàn cho ta.

Một tướng phi ngựa xông ra, nhìn ra thì đó là Kiều Công Lĩnh. Bên Lê Hoàn, tướng Phạm Hán xông ra, người ngựa xáp nhau, đại đao chạm gươm tóe lửa, được 20 hiệp Phạm Hán đưa một đao, đầu Kiều Công Lĩnh văng xuống đất. Lê Hoàn trỏ đại đao hô to:

- Xông lên!

Quân Hoa Lư tưng bừng khí thế xông lên chém giết. Tiếng reo hò, tiếng gươm đao chạm nhau, tiếng ngựa hí, tiếng chiêng trống vang lừng dồn dập chuyển động cả trời Tam Giang. Ba dòng sông cũng như reo hò tung sóng cổ vũ cho trận chiến khốc liệt. Đang khi đó, thế trận của quân Kiều Công Hãn tan vỡ vì bị quân Hoa Lư đánh tập hậu. Thì ra Đinh Bộ Lĩnh từ thành Phú Lập đã nhanh chóng hành quân sang Tam Giang đúng vào lúc hai bên đang giao chiến. Đinh Bộ Lĩnh cho quân đánh tập hậu và bịt lối chạy vào thành của quân Tam Giang. Gần canh giờ sau thì Kiều Công Hãn đại bại, chỉ còn 2000 quân mở đường máu chạy về hướng Đông. Đinh Bộ Lĩnh biết Kiều Công Hãn chạy về hướng Đông là theo đường thiên Lý sẽ chạy về Bình Kiều, Ái Châu theo Ngô Xương Xí. Đinh Bộ Lĩnh một mặt truy kích, mặt khác cho thám mã phi rất nhanh báo cho các hào trưởng từ Câu Lậu, Hoa Lư, Vô Công bịt đường và chặn đánh Kiều Công Hãn. Kiều Công Hãn và 2000 quân mệt mỏi, đói khát, chạy đến vùng An La, Nam Trực, Giao Thủy, Câu Lậu thì bị hào trưởng Nguyễn Tấn đem quân và dân binh chặn đánh. 2000 quân bị tiêu diệt hết, Kiều Công Hãn cũng bị Nguyễn Tấn chém vào cổ. Người ngựa cố chạy đến đất Hiệp Luật thì ngựa gục xuống do kiệt sức, còn Kiều Tam Chế cũng nằm lại trên mảnh đất này. Hôm sau, dân làng Hiệp Luật ra chôn cất cho ông thì mối đã mai táng cho ông một ngôi mộ to lớn. Nhân dân địa phương đã vàng hương cúng vái tiễn đưa ông, một lão thần tận trung với nhà Ngô cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là ngày 10 tháng 12 năm Đinh Mùi (967).

Sau khi tiêu diệt được sứ quân Kiều Công Hãn, Đinh Bộ Lĩnh trù tính trận ra quân tiếp theo là đánh sứ quân Kiều Công Thuận ở miền Bắc Phong Châu để làm chủ hoàn toàn châu này. Đây là sứ quân miền núi và xa nhất tính từ Hoa Lư và Bố Hải Khẩu. Kiều Công Thuận là con trai thứ ba của Kiều Công Tiễn, là thúc thúc của Kiều Công Hãn, người đã đồng lõa với cha là Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ, đã giết gia tướng của cha là Lưu Định khi Lưu Định phản đối việc làm của hai cha con Kiều Công Tiễn. Khi Dương Tam Kha đánh thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, Kiều Công Thuận đã chạy trốn về Phong Châu. Sau năm 938, Tiền Ngô Vương vì nể tình Kiều Công Hãn đã có công với nhà Ngô mà bỏ qua không truy sát Kiều Công Thuận. Khi Nam Tấn Vương tử trận, nhà Ngô suy yếu, Kiều Công Thuận chiếm cứ một vùng rộng lớn của Phong Châu ở hữu ngạn sông Thao, xây dựng thành Hồi Hồ ở Cẩm Khê, trung tâm Phong Châu, cách thành Gia Ninh 80 dặm về phía Tây và cách thành Cổ Loa 160 dặm về hướng Tây Bắc. Kiều Công Thuận còn xây dựng thành Mè ở vùng Ma Khê (Trấn trị Phú Thọ) và cho tướng Ma Văn Trường đóng giữ.

(Còn nữa)

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn