Kỳ 23.
Đầu năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đem 6 vạn quân tiến đánh Kiều Công Thuận, khí thế quân Hoa Lư như phong ba bão táp, vũ khí như rừng, cờ vàng in bông lau rợp trời. Kiều Công Thuận đem 3 vạn quân ra ngoài thành nghênh chiến. Đinh Bộ Lĩnh thấy Kiều Công Thuận, lớn tiếng mắng:
- Thằng phản nghịch kia, hôm nay ta sẽ rửa mối hận cho Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và tướng Lưu Định bị cha con ngươi giết hại.
Kiều Công Thuận nói:
- Kẻ phản nghịch nhà Ngô, nay ta lấy mạng ngươi. Ai ra bắt thằng giặc đất lau cỏ cho ta!
- Có mạt tướng.
Mọi người nhìn ra đó là tùy tướng Ma Đán, cưỡi ngựa đen, múa đại đao xông ra. Bên quân Hoa Lư, tướng Đinh Đức Đạt múa giáo xông ra. Người ngựa xáp nhau. Đại đao chạm giáo tóe lửa. Chưa được 10 hiệp, Đinh Đức Đạt đưa một đường giáo cắt cổ Ma Đán khiến cái đầu đẫm máu văng xuống đất. Đinh Bộ Lĩnh trỏ gươm:
- Xông lên!
6 vạn quân Hoa Lư xông lên vây bọc lấy quân Kiều Công Thuận mà chém giết. Quân Đinh Bộ Lĩnh quá đông lại quá thiện chiến, đã bịt chặt cổng thành không cho quân Kiều Công Thuận chạy vào thành. Kiều Công Thuận phải mở đường máu chạy xuống sông, theo đường thủy, vượt sông Hồng, dẫn tàn quân về thành Mè ở Ma Khê với Ma Văn Trường. Quân Hoa Lư chiếm thành Hồi Hồ, làm chủ toàn bộ trung tâm và hữu ngạn sông Thao. Đinh Bộ Lĩnh nói với Lê Hoàn:
- Tướng quân dùng 3 vạn quân truy kích tấn công thành Mè ở Ma Khê ngay, nếu không, Kiều Công Thuận sẽ tập hợp lực lượng sẽ rất khó đánh. Còn nữa, không được để Kiều Công Thuận chạy thoát về rừng núi các châu Ki Mi ở vùng Vũ Định, dựa vào rừng núi mà kháng cự thì quân ta sẽ rất khó nhọc mới tiêu diệt được.
Lê Hoàn đáp:
- Xin tuân lệnh chúa công.
Lê Hoàn rất nhanh chóng dẫn ba vạn quân truy kích Kiều Công Thuận. Khi quân Hoa Lư đến nơi, Kiều Công Thuận rút kinh nghiệm thất bại ở Hồi Hồ không ra giao chiến mà đóng chặt cổng thành cố thủ. Tên đạn và đá trong thành bắn vào quân Hoa Lư như mưa. Lê Hoàn cho các võ sĩ lấy những tấm ván dày dàn hàng ngang đi trước che tên đạn, đá và cả chất cháy từ trên thành trút xuống. Đi sau “áo giáp” gỗ là những võ sĩ khênh nhưng cột gỗ to vòng một người ôm, đầu nhọn, dài 10 sải tay lao vào cổng thành. Khi đến nơi, quân cầm ván dẹp ra hai bên, các võ sĩ từ sau lao gỗ vào cổng thành. Chỉ 5 lần, cổng thành bật mở toang ra, 2 vạn quân Hoa Lư tràn vào thành chém giết, thành Mè thất thủ. Lê Hoàn bám rất sát nên đã chém chết Kiều Công Thuận ngay tại trận. Một vạn quân thành Mè bị giết hoặc đầu hàng. Tướng Ma Văn Trường mở cổng sau nhanh chóng chạy thoát lên miền núi thuộc vùng Tuyên Quang phía Bắc. Thế lực họ Kiều ở Phong Châu bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Hoa Lư làm chủ toàn bộ Phong Châu và 18 châu Ki Mi thuộc châu này. Trong tư dinh của Kiều Công Thuận, quân Hoa Lư tìm thấy một phong thư của phu nhân Kiều Công Thuận là Mai Trinh Nương viết trước khi tạ thế vài năm trước để lại cho chồng. Trong thư, bà Khuyên Kiều Công Thuận hãy về với Đinh Bộ Lĩnh để tránh nạn binh đao, tránh cái chết cho bản thân mình và cho quân sĩ. Than ôi! Tầm mắt của đàn bà nữ nhi đôi khi sáng suốt hơn các đấng mày râu ham mộng bá vương, quyền lực.
Sau khi làm chủ Phong Châu, Đinh Bộ Lĩnh đưa quân đi dẹp Nguyễn Thủ Tiệp ở Vũ Ninh. Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Lệnh Công, còn có tên là Ba An Quân, là anh của Nguyễn Khoan và là em của Nguyễn Siêu. Nguyễn Thủ Tiệp dựa vào thời thế loạn lạc đã chiếm miền Tiên Du, sau đó đánh bại Thứ sử Vũ Ninh Dương Huy, chiếm cứ một vùng rộng lớn, có nhiều tài sản ruộng đất và gia nhân, Quân đội của Dương Huy được sáp nhập vào với quân đội của Nguyễn Thủ Tiệp khoảng 3 vạn. Nguyễn Thủ Tiệp có trang viên rộng lớn gọi là trang Nguyễn Xá, xây dựng thành lũy lớn ở núi Bát Vạn, tạo nên căn cứ quân sự ở Tiên Du. Toàn bộ quân đội của Nguyễn Thủ Tiệp do Đại tướng Nguyễn Quốc Khánh thống lĩnh.
Cuối năm 967, tại thành Tam Giang, Đinh Bộ Lĩnh họp các tướng lĩnh bàn việc đánh Nguyễn Thủ Tiệp. Đinh Bộ Lĩnh nói:
- Sau khi anh và em của Nguyễn Thủ Tiệp là Nguyễn Siêu và Nguyễn Khoan bị tiêu diệt, Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du đã liên kết với Lý Khuê ở Siêu Loại, phía Nam của Vũ Ninh. Căn cứ vào địa hình, ta sẽ dùng ba đạo quân. Đạo binh thuyền gồm 1 vạn quân do Đinh Liễn chỉ huy đi từ sông Hồng sang sông Đuống rồi chốt quân đoạn sông Đuống mà phía Bắc là Tiên Du, đất của Nguyễn Thủ Tiệp, phía Nam sông là Siêu Loại, đất của Lý Khuê để quân Lý Khuê không thể tràn sang Tiên Du, đánh tập hậu sau lưng quân ta. Đinh Liễn nhớ giữ vững mặt trận này, nếu vỡ quân ta sẽ bị đánh tập hậu khi đang vây thành Bát Vạn. Nhớ chưa?
- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.
Đinh Bộ Lĩnh tiếp:
- Đạo thứ hai khoảng 2 vạn quân do ta chỉ huy sẽ tiến từ phía Nam, từ bờ Bắc sông Đuống đổ bộ bao vây đánh thành Bát Vạn.
- Đạo thứ ba do Nguyễn Bặc chỉ huy gồm 1 vạn quân từ Thanh Oai đánh vào Bát Vạn từ hướng phía Đông.
Nguyễn Bặc nói:
Mạt tướng tuân lệnh:
Trời mùa đông lạnh giá, gió bấc thổi như dao cắt vào da. Trên trời, những đàn cò và chim đang tung cánh về phương Nam tránh rét. Ba đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh âm thầm hành quân. Đạo binh thuyền của Đinh Liễn từ sông Hồng vào sông Đuống và đổ bộ lên hạ doanh trại san sát bờ Bắc đoạn sông Đuống Tiên Du và Siêu Loại. Đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc theo hai hướng khác nhau hành quân vào trung tâm Tiên Du bao vây mặt Nam và mặt Đông của thành Bát Vạn. Đại tướng Nguyễn Quốc Khánh bàn với Nguyễn Thủ Tiệp:
- Khi giặc đến ngoài thành, chúa công cho mạt tướng đem quân ra ngoài thành phá giặc.
Nguyễn Thủ Tiệp nói:
- Ta đã giao hẹn với sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại rồi. Khi giặc vây thành Bát Vạn, ta cố thủ, Lý Khuê sẽ nhanh chóng vượt sông Đuống ở bờ Nam tấn công vòng ngoài, ta mở cổng thành đánh ra tất phá được Đinh Bộ Lĩnh. Tướng quân lên mặt thành đốc chiến giữ thành đi.
- Mạt tướng tuân lệnh.
Vì chủ trương đó của Nguyễn Thủ Tiệp, quân Hoa Lư tiến vào bao vây thành mà không gặp sự kháng cự nào.
Lại nói, Lý Khuê được thám mã báo quân Đinh Bộ Lĩnh đã bao vây thành Bát Vạn, Nguyễn Thủ Tiệp hết sức nguy cấp, liền đem 2 vạn quân tiến lên phía Bắc, vượt sông Đuống tiến về thành Bát Vạn để phối hợp trong đánh ra ngoài đánh vào như đã định với Nguyễn Thủ Tiệp. Khi quân Lý Khuê đến bờ Nam sông Đuống, nhìn sang bên kia, thủy binh dưới sông và bộ binh của quân Hoa Lư trên bờ đã dàn thành phòng tuyến chặn đường tiến quân của quân Lý Khuê. Lý Khuê cả sợ nói:
- Đinh Bộ Lĩnh đúng là tính toán như thần. Ta không qua được sông, sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp và thành Bát Vạn nguy to rồi.
Rồi Lý Khuê hạ lệnh rút quân về cố thủ ở căn cứ Ấp Côi.
(Còn nữa)
CVL