Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

02/12/2021 08:40

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

le-dai-hanh-1638409161.jpg
Tranh minh họa: Lê Hoàn là một trong những vị vua kiệt xuất của nhân dân ta. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 38.

Lão tướng Phạm Bạch Hổ nói:

- Thần có vài lời tấu:

- Lão thần nói đi:

- Muôn tâu Hoàng thượng, thành Bình Lỗ chắn từ Hà Nam kéo dài qua Đằng Châu đến Châu Trường Yên là phòng tuyến quan trọng che chở cho kinh đô Hoa Lư xây từ thời Tiên Đế Đinh Tiên Hoàng, nay xin Hoàng thượng cho gia cố lại để phòng thủ bảo vệ Hoa Lư, ngăn chặn thủy quân Tống tiến công.

Lê Đại Hành nói:

- Lão tướng nói rất phải. Nay cho phò mã đô úy Trần Thăng làm tư lệnh gia cố lại thành Bình Lỗ, huy động quân và dân địa phương gấp rút hoàn thành. Gia cố thành xong, tướng quân là người chỉ huy việc phòng thủ bảo vệ thành Bình Lỗ.

Trần Thăng nói:

- Thần xin tuân lệnh.

Phạm Cự Lượng tâu:

- Bẩm Hoàng thượng, xưa Tiền Ngô Vương đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng đã phá quân Nam Hán năm 938. Nay thủy binh Tống lại vào sông này. Xin Hoàng thượng cho gia cố và đóng thêm cọc ở trận địa này để ngăn chặn thủy binh giặc.

Lê Đại Hành nói:

- Nay giao cho đại tướng Trịnh Tú chỉ huy sự gia cố lại bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng và Đại tướng chỉ huy thủy quân chặn thủy binh giặc.

Trịnh Tú nói;

- Thần tuân chỉ.

- Lã Lang đại tướng.

- Bẩm hoàng thuộng, có thần.

- Đại tướng đem hai vạn quân uy dũng lên giữ bờ Bắc Lục Đầu Giang, ngăn không cho thủy binh giặc tiến ra sông Cầu chở bộ binh qua sông.

- Thần tuân lệnh.

- Tướng Phạm Công Hoài đâu.

- Dạ có thần.

- Đại tướng đem 2 vạn quân chắn giữ vùng Tây Kết không cho giặc chọc thủng chiến lũy Bình Lỗ tràn xuống Hoa Lư.

- Dạ, thần tuân chỉ.

- Tướng Trần Công Tích đâu.

- Bẩm Hoàng thượng, có thần.

- Đại tướng đem 1 vạn quân trấn giữ Nghĩa Đô để bảo vệ Đại La.

- Mạt tướng tuân lệnh.

- Đại tướng Lê Long Kính đâu.

- Dạ bẩm Hoàng thượng, có mạt tướng.

- Đại tướng đem 2 vạn quân trấn giữ bờ Bắc sông Hải Triều (sông Luộc) bảo vệ chiến lũy Bình Lỗ, ngăn không giặc tiến về Hoa Lư.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Lão tướng Phạm Bạch Hổ nói:

- Bẩm Hoàng thượng, mọi đại tướng đều có việc, còn lão tướng?

- Lão tướng đã lập nhiều công lao, nay tuổi đã cao, lão tướng ngồi xem bọn trẻ đánh giặc được không?

- Bẩm Hoàng thượng, khi đất nước lâm nguy thì già trẻ đều phải đánh giặc, thần ngồi yên thì phát bệnh chắc chết. Xin Hoàng thượng cho thần ra mặt trận.

- Vậy thì vẫn còn thiếu một tướng chỉ huy mặt trận quan trọng, đó là tổ chức huy động lương thực cho quân đội. Xin lão tướng về Đằng Châu huy động và chuyển vận tốt lương thực là đã lập công lớn rồi.

- Thần tuân chỉ.

Sáng hôm sau, Lê Hoàn điểm 5 vạn quân tiến lên Lục Đầu Giang, lập Tổng hành dinh ở đó để chỉ huy toàn bộ mặt trận thủy bộ từ Bạch Đằng Giang đến Lạng Châu. Trong hổ trướng trung quân của Lê Đại Hành có các đại tướng Phùng Phường, Đào Trực, Hoàng Vĩnh Chu, Đào Công Mỹ, Phạm Quảng, Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Triệt, Vũ Uy, Đào Hồng, Đặng Xuân và 4 anh em Vương Minh, Vương Xuân, Vương Hồng và Dũng Mãnh. Những tướng này làm nhiệm vụ bảo vệ Lê Đại Hành và làm các việc trong Tổng hành dinh. Các tướng cũng theo các hướng và nhiệm vụ được phân công điểm quân đi. Quân đi, bụi cuốn, cờ bay, ngựa hí. Chiến tranh đã vạch vẽ trên bầu trời Đại Cồ Việt. Bách tính đứng dọc đường đi đông nghịt để vẫy tay, úy lạo đoàn quân của vua ra mặt trận. Dưới bầu trời đông u ám năm 980, gió lạnh thổi căm căm, cờ của quân Hoa Lư bay khắp các ngã đường bộ miền đông Bắc theo bước chân gió bụi rầm rập của các binh sĩ tiến ra mặt trận. Cờ vàng cũng bay trên các chiến thuyền rẽ sóng nước đến sông Bạch Đằng, đến sông Luộc, sông Lục Đầu Giang, sông Cầu.

Trong Tổng hành dinh của Lê Đại Hành ở phòng tuyến Lục Đầu Giang, ở cửa một trại cao lớn màu vàng, có 4 võ sĩ võ nghệ cao cường đứng canh, đó là Dũng Mãnh, Vương Minh, Vương Xuân và Vương Hồng. Tay mỗi võ sĩ cầm kiếm, mình mặc quân phục màu nâu, áo giáp sắt, đội mũ sắt nhọn. Trong trại, Lê Đại Hành mặc áo chiến bào màu đỏ, giáp vàng, đội mũ đâu mâu nhọn màu vàng đang ngồi duyệt lại kế họạch tác chiến ở các hướng. Chợt một tùy tướng vào tâu:

- Bẩm Hoàng thượng có thư của nhà Tống.

Lê Đại Hành bóc thư đọc, thì ra đó là một chiến thư, vẫn là lời lẽ đe dọa, ngạo mạn láo xược của Tống Thái Tông. Thư viết: “Hiện nay ta đã sửa sang binh xa và bộ tốt, hiệu lệnh chiêng trống rất nghiêm minh, nếu vâng theo giáo hóa thì được tha, nếu chống lại mệnh lệnh sẽ bị trị tội”.

Lê Đại Hành đọc thư xong cả giận đập bàn quát:

- Thằng oắt con Triệu Quang Nghĩa láo xược, tổ tiên hắn là Triệu Khuông Dẫn cướp ngôi nhà Hậu Chu, nay còn ra vẻ… Người đâu?

- Da, bẩm Hoàng thượng.

- Mài mực.

- Dạ.

Lê Hoàn viết thư, ngòi bút rung lên vì tức giận. Xong lại gọi:

- Trao thư này cho sứ nhà Tống.

Tống Thái Tông nhận thư, bóc ra đọc. Thư viết: “Ai làm hoàng đế là việc của Đại Cồ Việt, sao các ngài không hiểu mà cứ nhọc lòng lo cho nước khác vậy? lại còn áp binh ở biên giới. Vậy là có ý gì?”.

Mười ngày sau lại tùy tướng lại vào báo Lê Đại Hành:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, lại có thư của nhà Tống.

Lê Đại Hành bóc thư, Thư viết: “Ta đã chuẩn bị xe ngựa binh lính, cờ lệnh chiêng trống, nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy”.

Lê Đại Hành viết thư đáp lại. Tống Thái Tông đọc. Thư viết : “Thằng nhãi con Triệu Quang Nghĩa và Lư Đa Tốn đừng có nói những lời láo xược. Tổ tiên các ngươi Triệu Khuông Dẫn chẳng đã cướp ngôi nhà Hậu Chu là gì. Huống hồ nay ta đã được bách tính, quân đội, triều đình và cả Hoàng thái hậu nhà Đinh phò ta lên ngôi thay vua nhỏ để đập nát cuộc xâm lược của các ngươi. Nếu các ngươi cứ quyết xông vào Đại Cồ Việt thì sẽ bị đánh tơi tả như quân Nam Hán khi xưa. Nhớ lấy”.

Tống Thái Tông đọc xong, tức giận hai mắt trợn ngược, miệng ngọng lại thét không ra tiếng:

- Đánh, đánh Hoa Lư, bắt Lê Hoàn về đây nhanh lên. Hầu Nhân Bảo đâu?

Nội quan quỳ xuống:

- Dạ, Hoàng thượng bớt giận, thần truyền khẩu dụ hạ lệnh cho Hầu Nhân Bảo tấn công Đại Cồ Việt ngay ạ.

Mùa đông năm 980, quân Tống chia làm 3 đạo tiến vào Đại Cồ Việt. Đạo bộ binh do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng chỉ huy theo đường Ung Châu tiến vào Lạng Châu, mục tiêu của đạo quân này là đánh chiếm Đại La và từ đó tấn công vào Hoa Lư. Đạo thứ hai do Lưu Trừng chỉ huy là đạo thủy binh tiến vào sông Bạch Đằng, lên sông Cầu chở bộ binh vượt sông để tấn công Đại La và Hoa Lư. Đạo thứ ba là đạo thủy binh do Trần Khâm Tộ chỉ huy tấn công vào Tây Kết, phá vỡ phòng tuyến Bình Lỗ tại sông Luộc, mở đường tấn công đường thủy vào Hoa Lư từ phía Đông, phối hợp với đạo bộ binh, Như vậy ba đạo quân mục đích là đánh bại quân Đại Cồ Việt, chiếm kinh đô Hoa Lư, kết thúc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn