Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)

PGS TS Cao Văn Liên

28/12/2021 06:30

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chcvl2-1640617472.jpg
Tranh minh họa: Giai đoạn 1287 – 1288, quân Nguyên một lần nữa lại quyết tâm xâm lược nước ta lần 3. Khi này, nhà Trần lại tiếp túc chuẩn bị kháng chiến và làm nên 2 chiến thắng lớn là chiến thắng Vân Đồn và chiến thắng Bạch Đằng, bắt sống Ô Mã Nhi, cắt đứt đoàn thuyền lương tiếp viện của quân giặc và buộc Thoát Hoan một lần nữa phải tháo chạy về nước trong tình trạng đại bại. Nguồn: Internet

 

Kỳ 23.

Ô Mã Nhi lo sợ nói:

-Dạ, bẩm chủ soái, đạo thủy binh rất dễ bị tấn công, mạt tướng e rằng không thể đánh lại thủy quân Đại Việt thiện chiến.

  Thoát Hoan nói:

-Vậy thì cho Trịnh Bằng Phi, Đạt Truật dẫn kỵ binh hộ tống thủy binh ra đến cửa sông Bạch Đằng. An tâm chưa?

-Dạ, mạt tướng rõ.

  Đáp vậy nhưng Ô Mã Nhi nghĩ thầm: “Cái thằng hoàng tử oắt con này sao ngu vậy, kỵ binh lội nược được hay sao mà hộ tống thủy binh, định qua mặt ông nội mày sao?”.Chỉ một suýt nữa Ô Mã Nhi bật cười trước mặt Thoát Hoan.

  Tối hôm đó, sau khi thu xếp xong, 30 vạn quân Nguyên Mông ở Vạn Kiếp không đèn đóm rùng rùng chuyển động lên phương Bắc. Đã lâu lắm rồi chiều hôm đó, quân Nguyên Mông mới được bữa ăn no cơm với thịt ngựa. Ngựa là người bạn chiến đấu, là phương tiện chiến tranh nhưng khi hết lương thực và nguy cấp, nếu được lệnh của chủ soái có thể giết ngựa ăn  thịt. Được ăn no, lại được lệnh về nước nên quân Nguyên Mông như hồi sức phấn khởi nhổ trại đi vội vã trong đêm. 25 vạn người ngựa chen chúc lẫn nhau. Cuộc tháo chạy vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Đại Việt-Nguyên Mông bắt đầu.

         *        *               

               *

  Tháp Sơn là một vùng đồi núi ven biển của lộ Hồng Châu, phía Bắc nối với lộ Hải Đông, phía Nam là Khoái Châu và Long Hưng. Năm nay mùa hè như đến sớm, mới đầu tháng tư mà nắng đã rải chan hòa. Núi đồi miền Hồng Châu và lộ Hải Đông nhấp nhô dưới nắng. Biển Tháp Sơn sóng triều sáng lóa, hát khúc hát của sóng triều lên xuống quanh năm.

  Vào một buổi sáng giữa tháng 3 năm 1288, tại tổng hành dinh, Trần Hưng Đạo đang họp với các tướng lĩnh. Trên phông vải màu đỏ treo trên tường có hình một con hổ oai phong dữ tợn, trên con hổ là chữ “Soái” lớn màu vàng uy nghiêm. Hưng Đạo Vương mắt phượng mày ngài, oai phong lẫm liệt, áo chiến bào màu nâu, mũ đâu mâu màu vàng. Đứng hai bên tả hữu là các gia tướng như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Đỗ Hành, Cao Mang, Dã Tượng. Ngồi bàn dưới có các tướng lĩnh cũng là những con trai của Trần Hưng Đạo: Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiến, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Hiến Vương Trần Quốc Uy. Còn có Trần Quốc Hiện là con trai của Trần Quốc Nghiễn. Hưng Đạo Vương nói:

-Theo tin tức thám mã về báo, tình hình quân Nguyên Mông ở Vạn Kiếp, ở Thăng Long rất nguy cấp, hết lương thực, đói khát, bệnh tật, kiệt sức, bị các lực lượng dân binh của bách tính tiêu hao, ngoài Thanh Hóa, Diễn Châu, Hoan Châu là hậu phương vững chắc, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Trường Yên, Thiên Trường, Long Hưng, Khoái Châu, Hồng Châu, Hải Đông và đã bao vây Vạn Kiếp. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và hoàng thượng Trần Nhân Tông đã về Trúc Động để phối hợp chỉ huy tác chiến. Thoát Hoan chỉ còn một con đường duy nhất là rút lui về nước trong nay mai. Chúng ta cần phải phục kích, truy kích tiêu diệt tận cùng quân giặc để chúng khiếp sợ không còn dám sang xâm lược lần nữa. Nay ta ra lệnh:

-Tướng Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiến.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 10 vạn quân lên con đường từ Nội Bàng đến Lạng Châu, kết hợp với Nguyễn Thế Lộc và các tù trưởng dân binh vùng đó tập kích, truy kích, mai phục tiêu diệt khoảng 25 vạn quân và Thoát Hoan chạy theo đường này về Tư Minh, phải đuổi cùng diệt tận để chúng khiếp sợ không dám sang xâm phạm lần thứ tư nữa.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng Nguyễn Khoái.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân cùng tướng Yết Kiêu đem 5 vạn quân về Bạch Đằng gia cố lại trận địa, đóng thêm cọc vững chắc kiên cố để ta sử dụng kế của Tiền Ngô Vương, tiều diệt 5 vạn thủy binh và 500 chiến thuyền Nguyên Mông sẽ rút theo sông Bạch Đằng về Khâm Châu.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Quốc Tảng.

-Dạ, có mạt tướng.

-Trên đường rút từ sông Lục Đầu theo sông Kinh Thầy, thủy binh giặc có thể đi theo ba đường ra biển, một là sông Giá, hai là sông Bạch Đằng, ba là cửa Nam Triệu. Tướng quân đem 2 vạn quân đến cửa sông Giá, dong cờ mở trống thị uy buộc giặc phải rút theo cửa sông Bạch Đằng vào trận địa của ta,

-Da, mạt tướng tuân lệnh.

-Còn nữa, trên đường đến sông Giá, tướng quân phá tất cả cầu cống để ngăn kỵ binh địch đi hộ tống thủy binh.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Quốc Hiến.

-Dạ có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân đến cửa Nam Triệu trống dong cờ mở thị uy ngăn không cho thủy binh gặc rút ra cửa đó mà buộc thủy binh giặc phải đi vào sông Bạch Đằng vào trận địa của ta, rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Nhật Duật.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân lên con đường Thăng Long -Quy Hóa kết hợp với thủ lĩnh dân binh ở đó truy kích tiêu diệt đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh tháo chạy từ kinh thành đến Đại Lý.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Quốc Nghiễn:

-Dạ, có mạt tướng:

-Tướng quân cùng với tướng Trần Quốc Hiện đem 2 vạn quân đến tăng viện cho thái thượng hoàng và hoàng thượng, khi thấy thủy binh giặc lọt vào Bạch Đằng thì đem binh thuyền ra trợ chiến.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Cuối cùng Trần Hưng Đạo ra lệnh:

-Tất cả các tướng lĩnh còn lại cùng ta ra Bạch Đằng Giang đánh một trận đánh lớn tiêu diệt toàn bộ đạo thủy quân của giặc cho chúng mất mặt muôn đời.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

*    *

            *

  Sau một đêm hành quân, Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiến cùng các tùy tướng và 10 vạn quân đã đến Nội Bàng. Trời mùa hè mới sáng mà nắng đã chan hòa rừng núi. Những ngọn đồi núi, những rừng hoang vốn đã cheo leo vòng vèo suốt 300 dặm theo con đường hiểm trở Nội Bàng-Lạng Châu càng nhuộm màu huyền bí. Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiến biết rằng đây là một trận đánh 25 vạn quân Nguyên Mông tháo chạy, một khối quân rất lớn cho nên phải đánh nhiều trận, kết hợp nhiều chiến thuật như phục kích, truy kích, tập kích rồi lại lắp lại những chiến thuật đó trên một chặng đường dài 300 dặm. Kẻ địch tháo chạy có nhược điểm là hoảng loạn, kỷ luật chiến đấu không còn, không còn gắn kết thành một khối thống nhất, mạnh kẻ nào kẻ đó chạy, nhưng chúng lại rất quyết tâm chiến đấu để tìm ra con đường sống trong con đường chết. Cho nên người truy đuổi, tập kích là tiêu diệt chúng nhưng lại luôn mở ra con đường cho chúng tháo chạy và hy vọng, có vậy chúng mới không liều chết mà chống cự quyết liệt, gây tổn thất lớn cho quân ta. Suy nghĩ như vậy nên Trần Quốc Hiến gọi:

-Tướng quân Trần Gia, Nguyễn Chế Nghĩa đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem 2 vạn quân mai phục ở ải Nội Bàng, chờ cho tiền quân, trung quân của Thoát Hoan đi qua mới đánh tiêu diệt hậu quân, rõ chưa?

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Thế Lộc đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy các đội dân binh mai phục cách Nội Bàng 10 dặm về phía Bắc tiêu diệt bộ phận đi sau cùng của Thoát Hoan. Nhớ phải đặt bẫy, đào hố, căng dây cho ngựa ngã xuống mà đánh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng Trần Ngọc đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem hai vạn quân mai phục ở Chi Lăng, tiêu diệt giặc khi chúng tháo chạy.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Vũ Hải đâu.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân mai phục ở ải Nữ Nhi và ải Khâu Cấp thuộc Lộc Bình Lạng Châu để đánh giặc khi chúng tháo chạy.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Số tướng lĩnh và binh sĩ còn lại theo ta lên sát biên cương chi viện cho các điểm mai phục và tiêu diệt gặc khi chúng vượt qua biên giới.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

  Quân Đại Việt đã mai phục xong cuối tháng 3 mà mãi đến 6 tháng 4 năm 1288, đại quân Nguyên Mông mới rời khỏi Vạn Kiếp. Đương Cổ Đái, Diệc Hác Mê Thất đi tiên phong và đại quân Thoát Hoan đi theo sau gồm trung quân và hậu quân. Cánh quân thứ hai do Tích Đô Nhi chỉ huy đi theo hướng Tây qua ải Hãm Sa và Chi Lăng đến trại Vĩnh Bình. Sáng mùa hè ở miền Nam Bắc Giang nắng chan hòa lấp lánh rải xuống đồi núi lúc cao lúc thấp uốn lượn vòng vèo theo con đường thiên lý chạy ngoằn ngoèo hiểm trở. Hơn 25 vạn quân Nguyên Mông đi như chạy làm rung chuyển đất đai đồi núi. Tiếng hàng vạn vó ngựa chạy trên đường nghe như cuộc chạy đua. Gió cuốn bụi mù mịt không gian. Đạo quân tiên phong rồi đến đạo trung quân của Thoát Hoan đi qua Nội Bàng, tiếp đến đạo hậu quân của A Bát Xích, Ái Lỗ, Trương Ngọc…lọt vào trận địa mai phục của quân Việt. Tiếng chiêng, trống, thanh la, tiếng reo hò vang trời chuyển đất, rồi những trận mưa tên trút xuống đầu quân Nguyên Mông, 2 vạn quân Nguyên Mông phun máu đổ gục. Ngựa trúng tên đau đớn hí vang thảm thiết phi cuồng lên mất phương hướng. Tiền quân và trung quân biết hậu quân bị đánh nhưng không thể quay lại cứu ứng được mà càng ra sức chạy nhanh để thoát thân, bỏ mặc hậu quân kêu cứu. Hai vạn quân Việt xông ra chém giết, tiếng la hét vang trời, thây giặc đổ ngổn ngang, máu chảy thành suối trên đường. Chưa bao giờ mà Nội Bàng lại có một trận huyết chiến khủng khiếp đến vậy. Thấy đường phía Bắc không bị vây, tàn quân của hậu quân Nguyên Mông tháo chạy. Trần Gia, Nguyễn Chế Nghĩa thúc quân Việt truy kích.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn