Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 28.

Đinh Lễ dẫn 500 quân đi trước, Lê Lợi cùng các tướng và 1.500 đi sau trở về Lam Sơn. Về tới nơi, trước mắt Lê lợi và tướng sĩ, Lam Sơn đã hoang tàn đổ nát. Những mái nhà cháy đổ gục màu gio đen, cây cối xanh tươi nay vàng úa xơ xác. Hàng trăm người bị giết được làng xóm chôn cất ẩn mình yên nghỉ dưới những ngôi mộ mới, những lăng tẩm mộ phần xưa bị đào bới tan hoang. Những vành khăn trắng trên đầu những người còn sống với nước mắt đầm đìa, tiếng gào khóc khi thấy nghĩa quân trở về. Họ vây lấy Lê Lợi và các tướng lĩnh:

-Giặc tàn bạo quá, các con ơi, mau trả thù cho quê hương, cho những người đã bị quân giặc giết hại. Hu!hu!hu!!!

Mấy nô tì và gia nhân nhà Lê Lợi cũng khóc:

-Chúa công ơi, phu nhân và tiểu thư đã bị giặc bắt đi rồi, trang viên bị đốt và bị chúng cướp hết rồi, mồ mã bị chúng đào bới tan nát hết rồi. Hu!hu!!

chuylloi-1641051497.jpg

“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”  Tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Hoa Mai. Nguồn: Báo Thanh Hóa

 

Lê Lợi an ủi bà con trong hương Lam Sơn và ra lệnh:

-Tướng quân Lê Thạch.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 500 quân khôi phục lại mồ mã gia tiên.

-Dạ, cháu tuân lệnh.

-Tướng quân Lê Lai.

-Dạ, có mạt tướng

-Tướng quân đem 500 quân làm lại nhà cho bách tính trong hương Lam Sơn.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Nguyên Hãn.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân mở cửa kho lương thực bí mật của ta trong trang viên phát gạo thóc cho bà con và cho nghĩa quân ăn.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Bùi Quốc Hưng.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 500 quân về phía Đông, cách Lam Sơn 4 dặm, nếu có giặc từ Tây Đô tấn công lên thì báo về cho ta.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trịnh Khả.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 500 quân và huy động trai tráng của Lam Sơn dùng tre, gỗ rào dậu thành chiến lũy quanh Lam Sơn.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Thấm thoát một mùa xuân đã qua đi, những nét điêu tàn của hương thôn đã được bàn tay của nghĩa quân và bách tính Lam Sơn xóa đi, thay vào những căn nhà mới cột bằng luồng nứa và lợp lá cọ ấm cúng, những cây cối cháy được trồng lại, những cây cũ đang ra chồi nẩy lộc. Những cây đào, cây mận hoa tàn rụng đầy mặt đất li ty màu trắng rất mong manh, thay vào đó là những quả non trĩu cành. Sông Chu vẫn tràn nước chảy về Đông để hòa và sông Mã. Một sáng, Lê Lợi đang ngồi trong tổng hành dinh bàn bạc với các tướng thì tùy tướng của Bùi Quốc Hưng ở đồn tiền tiêu về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, 7 vạn quân Minh do Trần Trí cùng các tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ do tên Việt gian Đỗ Phú dẫn đường đang tiến nhanh về Lam Sơn.

-Chúng tiến quân thành mấy cánh?

-Dạ, 7 vạn quân chỉ đi thành một khối.

 Lê Lợi nói:

-Tướng quân Đinh Liệt.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 300 quân tăng cường cùng Bùi Quốc Hưng đi chặn hậu quân bảo vệ quân ta rút.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đinh Lan.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đi tiên phong mở đường để quân ta rút lên Linh Sơn. Dọc đường phải xem địch có phục binh không.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Rồi Lê Lợi ra lệnh:

-Tất cả các tướng, cho nghĩa quân rút lên Chí Linh.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh chúa công.

  Quân Lê Lợi rút khỏi Lam Sơn lần hai, lần này đem hết trai tráng đi, người già, phụ nữ, trẻ em cho đi sơ tán sang các làng khác sống tạm, tránh bị quân giặc giết hại. Của cải lương thực đem đi hoặc chôn cất. Quân Lam Sơn vừa kịp lên đường thì phía đông không xa hậu quân đã giao chiến với quân tiên phong của giặc. Nghĩa quân đã chạy nửa ngày, gần tới Chí Linh mà vẫn nghe phía sau tiếng chân người ngựa của 7 vạn quân Minh đang truy sát vang vọng núi rừng. Quân Lam Sơn vừa lọt vào trong núi Chí Linh thì quân Minh cũng vừa ập tới. 500 quân do tướng Bùi Quốc Hưng chỉ huy chặn địch hy sinh gần hết, chỉ chục người cùng tướng Bùi Quốc Hưng và Đinh Liệt chạy thoát về được núi Chí Linh. Cái cửa tử huyệt duy nhất vào Chí Linh bị quân Lam Sơn chốt chặt, nhiều cuộc huyết chiến tại đây đã diễn ra. Cái cửa quá hẹp, hai bên sừng sững hai ngọn núi cao, chỉ lọt được hai người đi ngang nên quân Minh không thể ào vào được, cứ hai tên một tốp vào là bị quân Lam Sơn giết chết. Qua 3 tháng, trên cửa ải này hàng nghìn quân giặc đã bỏ mạng. Trần Trí đánh phải chuyển sang bao vây để mong quân Lam Sơn chết đói.

  Trong Linh Sơn, quân Lam Sơn cũng đang trải qua những ngày nguy khốn. Linh Sơn vẫn là một nơi hoang vu không có lương thực. Măng tre, nứa, mật ong, rễ cỏ quân Lam Sơn ăn đã hết. Lê Lợi đành phải cho phép nghĩa quân giết ngựa ăn thịt. Nhưng voi ngựa ăn cũng gần hết rồi. Để cứu nghĩa quân thì phải hy sinh một tướng, dù đó là sự lựa chọn đau xót. Nếu tiếc một người thì sẽ hy sinh hết mà nước cũng không cứu được. Nghĩ như vậy, Lê Lợi họp các tướng lĩnh lại và nói:

-Các tướng quân ai cũng là tài sản quý giá, là nguồn sức mạnh để giải phóng đất nước, nhưng trong tình thế hiện nay nếu không hy sinh một tướng thì toàn bộ tướng lĩnh và nghĩa quân sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta mà hy sinh hết thì sự nghiệp cứu nước còn trông cậy vào ai được nữa?

  Ngừng một lát, Lê Lợi nói cái điều mà ông thấy khó nói nhất trong cuộc đời:

-Ta đều thương yêu các tướng quân, nhưng nay ta cần một người như Kỷ Tín xưa đóng giả ta, mặc áo ta, cưỡi voi của ta, đem vài trăm quân ra huyết chiến với giặc và hy sinh. Làm như vậy quân Minh tưởng đã giết được ta, sẽ lui quân thì may ra mới cứu được toàn quân trong tình thế này.

  Tướng Lê Lai đứng dậy nói:

-Bẩm chúa công, mạt tướng từ khi tham gia vào nghĩa quân thì đã tự nguyện hy sinh vì chúa công, hy sinh vì đất nước. Nay đã đến lúc rồi, mạt tướng xin tình nguyện đóng giả chúa công xung trận để giải cứu  chúa công và cứu toàn quân.

  Lê Lợi cảm kích:

-Tướng quân có gì yêu cầu ta không, ta nguyện sẽ thực hiện.

-Bẩm chúa công, mạt tướng có hai yêu cầu, thứ nhất là sau khi sự nghiệp giải phóng đất nước thành công, chúa công nhớ ghi tên mạt tướng vào hàng đệ nhất công thần, thứ hai là mong chúa công chăm sóc gia quyến của mạt tướng chu đáo.

  Lê Lợi bước xuống cầm tay Lê Lai mà nói:

-Ta thề với tổ tiên, thần thánh, đất trời Đại Việt sẽ thực hiện bằng được hai điều mà tướng quân mong muốn.

  Rồi Lê Lai đổi áo cho Lê Lợi, mặc áo của Lê Lợi vào và quỳ xuống vái Bình Định Vương:

-Cáo biệt chúa công, kính mong chúa công bảo trọng và chiến thắng.

  Lê Lai vái chào các tướng lĩnh Lam Sơn:

-Cáo biệt các tướng quân, cáo biệt các huynh, các đệ, các huynh, các đệ hãy ra sức vì dân vì nước và chiến thắng.

  Các tướng lĩnh cúi đầu chắp tay nghẹn ngào:

-Xin cáo biệt tướng quân đã ra đi vì nghĩa lớn. Huynh đệ luôn nhớ tướng quân.

  Lê Lợi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

Đem voi của ta ra đây

-Dạ.

  Lê Lai cầm gươm lên voi, trông không khác gì Lê lợi. Cửa bí mật từ Chí Linh ra ngoài được mở ra. Lê Lai đi ra ngoài, theo sau có 500 quân. Trần Trí, Sơn Thọ, Mã kỳ đang trong tổng hành dinh thì có thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm phó tướng, Lê Lợi đã ra khỏi Chí Linh, đang phá vòng vây ạ.

  Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ hốt hoảng chạy theo tùy tướng, ra đến nơi thì thấy 7 vạn quân Minh đang bao vây Lê Lai và 500 quân ở một thung lũng gần Chí Linh. Trần Trí cười ha hả:

-Phen này Bình Định Vương phải chết. Ha!ha!ha!...

 Và hắn ra lệnh:

-Khép chặt vòng vây, giết!

-Dạ.

 7 vạn quân Minh khép chặt vòng vây. Lê Lai trên mình voi rút cung ra bắn rồi dùng gươm chém giặc. 500 quân cảm tử cũng tả xung hữu đột giết giặc. Phút chốc quân Minh đông như kiến cỏ ào tới chém giết. 500 nghĩa quân ngập chìm trong 7 vạn quân hung bạo và tử trận. Lê Lai cũng bị bắn chết trên mình voi và bị quân Minh lôi xuống xé xác. Con voi đứng lặng nhìn chủ nhân bị giết, nó chảy ra hai dòng nước mắt và gầm lên, lao vào quân giặc, quật ngã vài chục tên Minh và bị quân Minh giết chết.

Trần Trí nói:

-Cuối cùng Lê Lợi cũng phải chết, đã trừ được mối họa lớn nhất của Đại Minh ở Giao Chỉ. Chúng ta có thể kê cao gối mà ngủ rồi.

  Rồi Trần Trí hạ lệnh:

-Ba tháng bao vậy Chí Linh quá gian khổ ở vùng rừng thiêng nước độc này, nay rút quân về Tây Đô ăn mừng chiến thắng.

  Quân Minh được rút lui vui mừng:

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

  Quân Minh rút về Tây Đô vì yên chí đã giết được Lê Lợi và tiêu diệt được khởi nghĩa Lam  Sơn. Lê Lợi cũng hạ lệnh cho nghĩa quân lui về Lam Sơn để gây dựng lại lực lượng. Các anh hùng hào kiệt khắp nước kéo về tụ nghĩa ngày càng đông, trai tráng khắp thiên hạ kéo về tòng quân lũ lượt, đưa quân số nghĩa quân lên vài vạn người. Thấm thoát lại bước sang giữa mùa hạ năm 1419. Lúa trên đồi nương, lúa ở các thung lũng đã chín vàng. Bách tính Lam Sơn vội vã gặt hái để lấy lương thực nuôi mình và nuôi nghĩa quân, cất giấu đề phòng giặc Minh lại tới cướp phá. Cây cối núi non vùng Lương Giang chìm trong nắng chan hòa. Dòng sông Chu vẫn ngày đêm tuôn nước về sông Mã phía Đông. Một buổi gần trưa, Lê Lợi đang ngồi bàn việc trong Tổng hành dinh thì tùy tướng của Vũ Uy ở đồn tiền tiêu về báo:

-Dạ bẩm chúa công, tướng Minh là Lý Bân, Phương Chính dẫn 10 vạn quân đang tiến đánh Lam Sơn ạ.

  Lê Lợi bàn với các tướng:

-Ta nay đã có 5 vạn quân, có thể mai phục và tiêu diệt được địch không?

  Nguyễn Trãi nói:

-Bẩm chúa công, lối đánh sở trường của quân Minh là dàn trận, chúng rất sợ lối đánh mai phục tập kịch của ta nên nay chúng không chia quân thành nhiều hướng bao vây Lam Sơn mà lại đi thành một khối để chiếm ưu thế binh lực. Nay ta dùng phục binh đánh đội tiên phong hoặc đánh đội hậu quân, nhưng cũng sẽ lâm vào thế bị bao vây. Tốt nhất là chúng ta tạm thời rút lui, chờ sơ hở của giặc mà tính tiếp.

(Còn nữa)
CVL