Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ  30.

Quân Minh hành quân qua một ngày vô cùng mệt mỏi, được dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống, kẻ nằm người ngồi, nghĩa là toàn quân không ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Màn đêm xuống dần. Bỗng một phát tên lửa bắn lên không trung. Quân Minh còn đang ngơ ngác thì từ bốn phía tên đạn như mưa bắn vào quân Minh. Trong đêm tối, tiếng kêu của quân Minh ầm ĩ:

-Có mai phục.

-Có mai phục.

chlloi-1641230275.jpg
Lễ hội Lam Kinh năm 2018, kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn. Ảnh: TTXVN

 

  Phương Chính ở Trung Quân chưa bị tấn công nhưng mai phục lại là lối đánh sở trường của quân Lam Sơn đã nhiều lần làm cho hắn khiếp đảm. Trong trường hợp đó, Phương Chính biết rằng chỉ có tháo chạy mới ít thiệt hại, nếu không sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Phương Chính nói:

-Hạ lệnh cho toàn quân rút lui.

  Lệnh được truyền ra, quân Minh bắt đầu tháo chạy hỗn loạn, người ngựa chen nhau lăn xuống sông Chu mà chết hàng nghìn. Tiền quân và trung quân bỏ chạy khiến cho đạo hậu quân bị cô lập và bị quân Lam Sơn xông ra chém giết. Bến Bổng Tân huyên náo vang động trong cơn hỗn loạn chém giết đẫm máu. Sau hai canh giờ, 2 vạn quân Minh bỏ xác. Quân Lam Sơn thu được 100 ngựa chiến. Mã Kỳ, Sơn Thọ bỏ mặc quân lính mà chạy nên thoát chết. Lý Bân tức giận nói:

-8 vạn quân mà không tiêu diệt nổi năm vạn quân giặc cỏ, còn xứng danh là quân đội của nhà Đại Minh không? Mã Kỳ đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 3 vạn quân đi tiên phong tiến đánh Mường Thôi.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Sơn Thọ đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân dẫn 3 vạn quân đi hậu quân, kiên quyết đốc thúc tiến về Mường Thôi. Ai tháo chạy chém.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Lý Bân nói với Phương Chính:

-Ta và tướng quân đi trung quân. Ai bỏ chạy chém.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  8 vạn quân Minh lại theo bờ sông Chu, hành quân lên miền thượng du thuộc huyện Lang Chánh tìm đánh quân Lam Sơn ở Mường Thôi. Chỉ nhìn thấy núi non cao ngất, hiểm trở, rừng cây bạt ngàn là quân Minh đã khiếp sợ. Đi được hai ngày đường. Mã Kỳ hỏi tên Việt gian Đỗ Phú:

-Đây là đâu?

-Dạ, bẩm tướng quân, đây là vùng Bồ Mộng.

-Hiểm trở quá, liệu có quân Lam Sơn mai phục không?

  Mã Kỳ vừa dứt lời thì thốt nhiên có tiếng trống nổi lên và tên bắn như mưa. Hàng trăm lính Minh gục xuống, máu phun như nước. Sau những trận mưa tên là bốn tướng Lam Sơn Phạm Vấn, Lê Trực, Lê Lý và Lê Hương cùng mấy nghìn quân đổ ra chém giết quân Minh như thái chuối. Chừng canh giờ sau, thấy đại quân Minh từ sau tiến lên tiếp viện, quân Lam Sơn rút vào rừng sau khi đã hạ gục gần 1 vạn lính Minh trong đội tiên phong. Lý Bân tức giận gọi                                                                                -Thám mã đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Ngươi dẫn 1000 quân kỵ đi trước do thám đường từ đây tới Mường Thôi, nếu có quân mai phục phải về báo ngay. Chậm trễ hoặc báo sai chém.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Lý Bân nói tiếp với các tướng:

-Cứ tiếp tục tiến đến Mường Thôi. Đã có quân do thám đi dò đường, nếu có mai phục sẽ được báo trước, đừng quá khiếp đảm.

  Lý Bân vừa đi vừa suy nghĩ cho chiến sự đang diễn ra, rõ ràng quân Lam Sơn đang buộc quân Minh đánh theo lối đánh của họ. Quân Minh không hành quân thì không tiêu diệt được họ mà hành quân thì rất dễ bị mai phục do địa thế hiểm trở của rừng núi. Quân Lam Sơn đang ở vào thế nhân hòa địa lợi mà quân Minh không có. Nhân hòa địa lợi đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện thiên thời. Đến lúc đó thì quân Minh cực kỳ nguy khốn và diệt vong. Lý Bân mơ ước giá như quân Lam Sơn đàng hoàng dàn trận giao chiến thì chỉ mười ngày sẽ bị quân Minh đè bẹp. Nhưng quân Lam Sơn không bào giờ chấp nhận lối đánh tự diệt mình như Hồ Quý Ly năm xưa đã phạm sai lầm như vậy.

  Lý Bân đang mải suy nghĩ thì vó ngựa đã đưa hắn và đại quân đến một nơi vô cùng hiểm trở, hai bên là núi và giữa là một thung lũng hẹp. Lý Bân nói:

-Địa thế hiểm trở nhưng quân tiên phong do thám không báo có mai phục, cứ tiếp tục hành quân.

  Nhưng Lý Bân đã nhầm, 5 vạn quân Lam Sơn do chính Lê Lợi chỉ huy đã mai phục suốt mấy dặm tại nơi có địa danh gọi là Bồ Thi Lang vô cùng hiểm trở. Khi thấy do thám của quân Minh, quân Lam Sơn không đánh cho nên Lý Bân cho rằng không có mai phục. Khi đoạn đầu và một phần trung quân quân Minh lọt vào trận địa thì một lá cờ vàng phất lên, từ hai sườn rừng núi, từng trận đá và tên trút xuống quân Minh như mưa, tiếng đá lăn như trời long núi lở, tiếng hàng vạn mũi tên xé không khí rợn người. Hàng nghìn quân Minh đổ gục, ngựa lồng lên hí vang thảm thiết. Canh giờ sau thì hàng vạn quân Lam Sơn xông ra chém giết. Tiếng reo hò dội vào vách núi vọng ra nghe như quân Lam Sơn có hàng trăm vạn. Lý Bân khua gươm thét khản cổ:

-Tả, tả…

  Nhưng thế trận quân Minh hoàn toàn tan vỡ, lính un ùn quay đầu tháo chạy không một kỷ luật nào giữ được chân họ. Cuối cùng, Lý Bân, Phương Chính và các tướng Minh cũng quay đầu chạy theo đại quân. Quân Lam Sơn thừa thắng truy kích, đánh giết quân Minh đến Ba Lẫm, Lỗi Giang, Vĩnh Lộc gần Tây Đô mới dừng lại. Lý Bân, Phương Chính chạy vào thành Tây Đô. Kết quả trận Bồ Thi Lang, 3 vạn quân Minh bỏ mạng.

  Trên đường truy kích, quân Lam Sơn gặp một trại giặc 3 vạn tên ở Quan Du, Quan Hóa do hai tướng giặc là Tạ Phượng và Hoàng Thanh chỉ huy. Lê Lợi nói:

-Tướng quân Lê Sát, Lê Hào đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem 2 vạn quân bí mật đánh phía sau, ta và các tướng đánh mặt trước chắc là phá được đồn Quan Du.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Đêm đó Tạ Phượng và Hoàng Thanh dù có đề phòng nhưng bị quân Lam Sơn đánh cả mặt trước và sau, bị những trận mưa tên khủng khiếp và sau đó quân Lam Sơn bốn bên xông vào chém giết. 3 vạn quân Minh bị giết, hai tướng Tạ Phượng và Hoàng Thanh tử trận. Quân Lam Sơn thu khí giới và lương thực nhiều không kể xiết. Trận Bồ Thi Lang và trận Quan Du làm chấn động quân Minh khắp Giao Chỉ. Quân Lam Sơn làm chủ miền thượng du Thanh Hóa. Quân Minh lui về cố thủ ở thành Tây Đô.

  Một sáng Trần Trí đang ngồi trong hổ trướng ở Đông Quan thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Phó tổng binh, quân ta do tướng Lý Bân, Phương Chính chỉ huy đã thua quân Lam Sơn nhiều trận ở Thanh Hóa.

  Trần Trí hoảng sợ:

-Thua những trận nào? Thiệt hại bao nhiêu quân?

-Dạ, thua ở trận Lạc Thủy, Bổng Tân, Bồ Mộng, đặc biệt trận Bồ Thi Lang và trận Quan Du. Hai trận này đã mất 7 vạn quân. Quân Lam Sơn đã hoàn toàn làm chủ miền núi Thanh Hóa, quân ta rút vào cố thủ ở Tây Đô.

  Trần Trí tức giận:

-Lý Bân, Phương Chính, Mã Kỳ, Sơn Thọ cũng chỉ là đồ ăn hại. Ta không vào cứu thì Thanh Hóa và Tây Đô nguy to rồi. Người đâu.

-Dạ.

-Gọi tướng quân Thái Phúc vào đây.

-Dạ

  Thái Phúc bước vào:

-Chào Phó tổng binh, có mạt tướng.

  Trần Trí ra lệnh:

-Tướng quân đem 10 vạn quân cùng ta vào Thánh Hóa cứu nguy cho Tây Đô.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Trần Trí, Thái Phúc dẫn 10 vạn bộ binh và kỵ binh hành quân suốt 300 dặm từ Đông Quan vào Thanh Hóa nhưng không vào Tây Đô mà tiến thẳng lên Kính Long, huyện Cẩm Thủy. Đến nơi thì trời đã tối, cậy có quân đông, Trần Trí cho đóng quân ở thung lũng Kính Long. Suốt một vùng rừng núi rộng lớn, doanh trại quân Minh bạt ngàn, đèn sáng như sao sa, như thiên hà giữa một vùng mênh mông hoang vu đầy huyền bí.

  Trong tổng hành dinh của Lê Lợi ở Mường Nanh, cách thung lũng Kính Long 50 dặm về phía Tây, thám mã về báo:

        -Dạ bẩm chúa công, Trần Trí dẫn 10 vạn quân Minh từ Đông Quan vào    đang hạ trại nghỉ ở ải Kính Long ạ.

  Khi đó Lê lợi đang cùng các tướng Lam Sơn gặp mặt tướng quân Nguyễn Chích. Nguyễn Chích quê ở Đông Ninh, Đông Sơn, Thanh Hóa, đã khởi nghĩa chống Minh trước cả khởi nghĩa Lam Sơn. Nghĩa quân Nguyễn Chích đã đánh cho quân Minh nhiều trận làm chúng thất điên bát đảo, đã xây dựng căn cứ Hoàng Thục là nơi bất khả xâm phạm, đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn. Lê Lợi đã nhiều lần mời Nguyễn Chích về hội quân. Lúc này là cuối năm 1424, Nguyễn Chích đem quân về dưới cờ của Lê Lợi ở Mường Nanh. Trong buổi gặp mặt, sau nghi thức làm quen giữa các tướng  Lam Sơn với Nguyễn Chích, Lê Lợi nói:

-Xin mời các tướng quân nâng chén mừng tướng quân Nguyễn Chích đem nghĩa quân về với Lam Sơn.

  Lê lợi, Nguyễn Chích và các tướng nâng chén. Nguyễn Chích nói:

-Xin đa tạ chúa công, đa tạ các tướng quân.

  Các tướng Lam Sơn đồng thanh:

-Xin chúc mừng tướng quân đã về với Lam Sơn cùng lo đại nghĩa.

  Sau khi các tướng đã cạn ly, Lê Lợi nói:

-Nay ta phong tướng quân Nguyễn Chích là Thiết đột hữu vệ đồng Tổng đốc chủ quân sư.

 Nguyễn Chích chắp tay cúi người đáp:

-Mạt tướng xin đa tạ chúa công. Bẩm chúa công, nay nghe thám mã báo Trần Trí đã đem 10 vạn quân hạ trại ở Long Kính, mạt tướng xin lĩnh 3 vạn quân tập kích trại giặc để tiêu hao và làm nhụt nhuệ khí của chúng.

  Lê Lợi nói:

-Quân giặc rất đông, tướng quân tiêu hao giặc rồi nhanh chóng rút lui, không được ham chiến để quân Minh bao vây tiêu diệt quân ta.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Lê Lợi gọi:

-Tướng quân Lê Sát đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đi hỗ trợ cho tướng quân Nguyễn Chích.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Nguyễn Chích và Lê Sát đem 3 vạn quân đi suốt đêm. Canh ba đêm đó bí mật lại gần doanh trại quân Minh rồi bất ngờ xông vào chém giết. Quân Minh bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, 1 vạn lính bị đâm chết trong khi còn say giấc vì quá mệt mỏi sau một ngày hành quân từ Đông Quan vào Thanh Hóa. Tiếng hò reo, tiếng la hét, tiếng gươm khua vang động trong đêm tối. Trần Trí ra lệnh các trại bủa vây quân Lam Sơn. Nhưng quân Minh chưa kịp hình thành thế trận thì quân Lam Sơn đã rút chạy về Mương Nanh. Trần Trí cho điểm xác chết thì 1 vạn quân đã bỏ mạng vì trận tập kích bất ngờ của Nguyễn Chích. Trần Trí uất hận ra lệnh cho 9 vạn quân đuổi theo. Quân đông, đường rừng núi lại chật hẹp hiểm trở, hoàn toàn không thích hợp với lối đánh chính quy, trận địa chiến của quân Minh, lối đánh cổ điển trên những bãi chiến trường rộng lớn, hai bên dàn quân hình chữ nhất. Hai tướng hai bên ra giao đấu, bên nào tướng bị hạ gục thì quân tháo chạy, bên thắng truy kích mà tiêu diệt, hoặc bên thua quân không chạy thì hai bên giáp lá cà mà đâm chém nhau. Đằng này quân Minh phải hành quân vào nơi rừng núi hiểm trở mà bị quân Lam Sơn mai phục hoặc bất ngờ tập kích, gây cho quân Minh nhiều tổn thất nặng nề về binh lực, mệt mỏi về thể xác tinh thần. Đây là lối đánh làm quân Minh rất khiếp sợ mỗi khi có lệnh hành quân lên miền núi.

(Còn nữa.)

CVL

Chu linh ngoại

Chu linh ngoại

09:20 04/01/2022

Đúng là lấy ít địch nhiều thường dùng mai phục.