Kỳ 38.
II
QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH (1789)
Mùa hạ năm 1788, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh chìm trong ánh nắng, nắng rơi trắng xóa phủ khắp đô thành, nắng rải trên những mái nhà của cung điện nguy nga tráng lệ: Đại Tiền Môn, Điện Thái Hòa, Điện Trung Hòa, Điện Bảo Hòa, Cố Cung, Thiên An Môn. Nắng cũng rải xuống Ngự Hoa Viên. Những cây cổ thụ hàng trăm năm đội những tán lá vương đầy ánh nắng. Hàng vạn nghìn cây hoa lá thấp hơn cũng mặc một màu xanh đầy nắng lung linh. Những chiếc cầu đá trắng uyển chuyển trên những dòng suối lấp lánh. Những con sư tử đá oai phong đứng canh trước thềm các cung điện càng thêm phần uy nghi quyền thế. Trong cung Bảo Hòa cực kỳ sang trọng, vàng son chói mắt với những con rồng múa may đủ kiểu trên tường, trên cửa. Bàn ghế gỗ quý khảm ngọc trai lấp lánh. Những dải lụa vàng buông phất phơ hòa với màu son của căn phòng càng tăng vẻ quý phái, vương giả. Cạnh chiếc bàn gỗ quý, hoàng đế Càn Long đang ngồi uống trà và đọc sách. Chiếc ghế có bọc da hổ mềm mại. Càn Long mặc áo màu vàng, đội mũ vải vàng, đi đôi hài màu vàng. Hai quan nội thị đứng hầu bên cạnh. Ngoài cửa, hai võ sĩ mặc quân phục đứng canh phòng. Khắp hoàng thành đâu đâu cũng có lính ngự lâm võ nghệ cao cường, khỏe mạnh cầm vũ khí đứng canh.
Càn Long đọc lại những trang sử cũ trong bộ sử lưu hành trong dòng họ Ái Tân Giác La, một trong dòng họ đế vương lớn của người Mãn Thanh. Người Mãn Thanh là tộc người thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc. Tại nơi gọi là Mãn Châu này, Hoàng Thái Cực đã lập nước và trị vì từ 1636 đến năm 1643. Vào năm 1644, vua Thuận Trị nối ngôi. Khi đó nước Trung Hoa bên trong Vạn Lý Trường Thành của người Hán đang bước vào thời kỳ loạn lạc. Triều đại nhà Minh của người Hán do Chu Nguyên Chương sáng lập sau khi đánh đổ nhà Nguyên Mông năm 1338. Nhà Minh đóng đô ở Nam Kinh, sau đó xây dựng Tử Cấm Thành và chuyển đô về Bắc Kinh. Năm 1643, nhà Minh bị cuộc khởi nghĩa nông dân Lý Tự Thành lật đổ, Trung Quốc rối ren. Lý Tự Thành vào Bắc Kinh đã giết chết cả nhà Ngô Tam Quế, một tướng giữ cửa Vạn Lý Trường Thành, còn gọi là Sơn Ải Quan. Ngô Tam Quế đã mở cửa cho quân Mãn Thanh của Thuận Trị vào Trung Hoa, tiêu diệt Lý Tự Thành, làm chủ Trung Nguyên và lập ra nhà Thanh năm 1644. Thuận Trị, vị vua đầu tiên của nhà Thanh thống trị toàn bộ Trung Hoa, đã tiếp quản Tử Cấm Thành nguy nga tráng lệ của nhà Minh. Lần thứ hai người Hoa, dân số vài trăm triệu đã bị người thiểu số vài chục triệu người thống trị. Lần thứ nhất là người Mông Cổ thống trị từ 1279 đến 1338, lần thứ hai là người Mãn Thanh từ 1644 đến nay là 1788. Từ Thuận Trị nhà Thanh đến nay đã trải qua các hoàng đế như Khang Hi (1662-1722), Ung Chính (1722-1735) và Càn Long, lên ngôi năm 1735, tại vị đã được 53 năm.
Sớm hôm sau, Càn Long như thường lệ thiết triều ở cung Càn Thanh, bỗng có quan nội thị vào báo:
-Dạ, bẩm hoàng thượng, có sứ giả của vua Lê Chiêu Thống nước Đại Việt xin vào cầu kiến.
-Cho vào.
-Dạ.
Sứ giả Đại Việt bước vào. Cả triều đình nhà Thanh nhìn thì người đó ngoài 50 tuổi, mang quần áo sang trọng kiểu đại thần nhà Hậu Lê. Người đó quỳ và nói:
-Dạ, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
-Bình thân.
-Dạ, tạ ơn hoàng thượng.
Càn Long hỏi:
-Ngươi là sứ giả của triều Hậu Lê Đại Việt. Ngươi sang đây có việc gì chăng?
-Dạ, bẩm hoàng thượng, thần là Lê Quýnh thuộc đại thần của nhà Hậu Lê, dưới triều Lê Chiêu Thống, phụng lệnh hoàng thượng của nước thần sang Đại Thanh gặp hoàng thượng xin cầu viện.
-Cầu viện đánh ai?
-Dạ, bẩm hoàng thượng, đánh Tây Sơn ạ.
Càn Long nói:
-Ta nghe nói nước ngươi dù còn nhà Hậu Lê nhưng mấy trăm năm nay rối ren loạn lạc. Ngươi kể qua ta nghe xem nào?
-Dạ, bẩm hoàng thượng, đúng là nước thần khoảng 200 năm nay loạn lạc. Sau khi đánh bại được nhà Minh năm 1427, năm 1428, Lê Thái Tổ xây dựng nên triều đại Hậu Lê, đất nước thanh bình được 100 năm. Năm 1527 quyền thần Mạc Đăng Dung cướp ngôi, giết vua Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc, gọi là Bắc triều. Năm 1533, đại thần nhà Lê là Nguyễn Kim, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa chạy về miền Tây trấn này đưa Lê Trang Tông lên ngôi, lập ra nhà Lê Trung Hưng, tức là Nam triều. Nguyễn Kim phò nhà Lê Trung Hưng tiến hành nội chiến với nhà Mạc, nhưng Nguyễn Kim bị gián điệp nhà Mạc đầu độc chết. Con rể là Trịnh Kiểm tiếp tục phò Lê chống Mạc. Nhưng hai con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng lớn lên đòi lại quyền hành. Trịnh Kiểm đã giết chết Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng cả sợ phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1545. Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng lên thay. Năm 1592, Trịnh Tùng tiêu diệt Mạc Mậu Hợp, đánh đổ nhà Mạc, nhưng không trao chính quyền cho vua Lê mà lập ra phủ chúa nắm toàn bộ quyền hành trong nước. Vậy là Bắc Hà trong tình trạng vua Lê chúa Trịnh. Ở miền Trung, Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn ra sức phát triển thế lực vào Nam. Quốc gia Chiêm Thành suy vong, đến lượt quốc gia Thủy Chân Lạp sụp đổ, đất đai hoang hóa. Các chúa Nguyễn đã đưa dân vô gia cư vào khai hoang mở đất. Đầu thế kỷ XVIII, lãnh thổ Đàng Trong đã kéo dài đến Cà Mau. Từ thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn đã không phục tùng vua Lê, chúa Trịnh, đã lấy sông Gianh làm giới tuyến. Phía Nam sông Gianh về phía Nam gọi là Đàng Trong, còn gọi là Nam Hà, phía Bắc sông Gianh trở ra gọi là Đàng Ngoài, còn gọi là Bắc Hà. Hai bên nội chiến với nhau hàng trăm năm, các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình liên tục là những bãi chiến trường khốc liệt. Bách tính vô cùng cực khổ, chết chóc vì nạn binh đao giữa hai tập đoàn Trịnh-Nguyễn.
Càn Long hỏi:
-Thế còn thế lực Tây Sơn ở đâu mà ra?
-Dạ, bẩm hoàng thượng, do đời sống nông dân quá khổ cực cho nên họ liên tục nổi dậy chống lại chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Năm 1771 cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo nổ ra ở ấp Tây Sơn, Bình Định. Trong đó Nguyễn Huệ nổi lên là một nhà quân sự thiên tài, liên tục đánh bại quân đội các chúa Nguyễn và năm 1784 ông đã lật đổ nền thống trị 200 năm của các chúa Nguyễn. Con của chúa Nguyễn cuối cùng là Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu triều đình Xiêm La can thiệp. Xiêm La cho 4 vạn quân, 300 chiến thuyền tiến vào miền Nam. Năm 1785 lực lượng này đã bị Nguyễn Huệ tiêu diệt trên sông Rạch Gầm- Xoài Muốt. Năm 1778 nhà Tây Sơn được thành lập, kinh đô Đồ Bàn, Bình Định với việc Nguyễn Nhạc xưng là Thái đức Hoàng Đế, em út được phong là Đông Định Vương Nguyễn Lữ trông coi đất miền Nam, Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình Vương, trông coi từ Quảng Nam đến Nam sông Gianh. Nhưng năm 1786 Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ nền thống trị 200 năm của các chúa Trịnh. Khi đó vua Lê Hiển Tông triều Hậu Lê băng hà, Nguyễn Huệ đã đưa hoàng tử Lê Duy Kỳ lên ngôi, đế hiệu là Lê Chiêu Thống. Sau đó, Tây Sơn kéo quân về Phú Xuân. Dòng dõi nhà chúa Trịnh là Trịnh Bồng quay về uy hiếp triều đình Hậu Lê. Nguyễn Huệ sai tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh ra diệt Trịnh Bồng. Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản nhà Tây Sơn. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê Chiêu Thống cùng Nguyễn Hữu Chỉnh định đòi lại đất Nghệ An, mâu thuẫn với nhà Tây Sơn nên cả triều đình cũng bỏ chạy lên Bắc Ninh. Vũ Văn Nhậm lại mưu phản nhà Tây Sơn nên năm 1787 Nguyễn Huệ tự ra Bắc giết chết Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Huệ hiện đã rút quân về Phú Xuân, chỉ để lại tướng văn thì có Ngô Thì Nhậm, tướng võ thì có Ngô Văn Sở, Ngô Văn Tuyết, Ngô Văn Dụng, Phan Văn Lân ở Thăng Long coi giữ Bắc Hà.
Càn Long hỏi:
-Tây Sơn có mời Lê Chiêu Thống về Thăng Long tiếp tục ngồi lên ngai vàng không?
-Dạ, bẩm hoàng thượng, họ có mời nhưng hoàng thượng Lê Chiêu Thống sợ không dám về.
-Vì sao Nguyễn Huệ không ở Thăng Long mà lại về Phú Xuân?
-Dạ bẩm hoàng thượng, trong ba anh em nhà Tây Sơn thì Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế, cai trị từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, tự thỏa mãn, suốt ngày chè rượu hưởng lạc, em thứ ba là Nguyễn Lữ hèn nhát, trông coi đất miền Nam nhưng nay đã để cho Nguyễn Phúc Ánh lấy mất, còn Nguyến Lữ thì chạy trốn về Quy Nhơn, Bình Định. Đất miền Nam là từ Đồng Nai đến Cà Mau, đất đai giàu có phì nhiêu, nhiều sản vật, lúa gạo, người đông. Có miền đất đó thì lực lượng Nguyễn Phúc Ánh nay đang hùng cường và đe dọa sự sống còn của nhà Tây Sơn. Vì thế, Nguyễn Huệ về Phú Xuân, thần cho rằng chuẩn bị đánh Nguyễn Ánh. Nay thần khẩn cầu hoàng thượng, nhân cơ hội Nguyễn Huệ còn ở Phú Xuân, đem quân giúp nhà Hậu Lê chúng thần trở lại ngai vàng. Chúng thần sẽ không bao giờ quên ơn ạ.
Càn Long nói:
-Chà, nước của các ngươi chỉ bằng một tỉnh của Đại Thanh ta mà cũng loạn lạc rối ren quá. Nhưng Nguyễn Huệ quả là tay anh hùng. Trong một thời gian không lâu mà lật đổ ba triều đại đã tồn tại 361 năm như Hậu Lê, 200 năm như Trịnh-Nguyễn, quả là tay bách chiến bách thắng. Ta muốn giúp các ngươi nhưng cũng rất khó khăn.
Lê Quýnh nài nỉ:
-Dạ, cúi mong hoàng thượng thương tình mà cất binh cứu giúp.
-Được rồi, ta thấy ngươi cũng là bậc tôi trung. Ta sẽ bàn với triều đình xem xét. Quan nội thị đâu.
-Dạ, có thần.
-Đưa thân vương Lê Quýnh ra dịch quán nghỉ ngơi, đối xử cho tử tế.
-Dạ, thần tuân chỉ.
-Đa tạ hoàng thượng.
Lê Quýnh và quan nội thị đi ra, Càn Long hỏi:
-Sứ giả của An Nam Quốc Vương Lê Chiêu Thống cầu viện ta đưa quân vào Đại Việt đánh Tây Sơn. Các khanh đã nghe hết rồi. Không biết ta có nên xuất quân không. Tấm gương của Lưu Cung nhà Nam Hán, của Tống Thái Tông, Tống Thần Tông, của Nguyên Thế Tổ và của Minh Tuyên Tông làm ta rất ái ngại khi xua quân vào nước đó. Các khanh có cao kiến gì không?
Đại thần Hòa Thân bước ra tâu:
-Bẩm hoàng thượng, nước có lúc thịnh lúc suy, triều đại cũng vậy. Muốn lấy được của người thì nhằm lúc họ suy mà lấy. Chỉ có điều là có dám chớp thời cơ hay không. Như tình thế Trung Hoa năm 1644, khi nhà Minh sụp đổ, Lý Tự Thành tác oai tác quái, đức Thái Tông Thuận Trị của ta mà không nắm bắt cơ hội, kiên quyết tiến vào Trung Nguyên thì làm sao ta có cơ đồ Đại Thanh ngày nay. Như An Nam mấy trăm năm nội chiến, dân tình cơ cực chết chóc, nội tình tàn sát lẫn nhau. Đó là lúc suy, nhà Hậu Lê đã bên bờ vực diệt vong. Đây là lúc trời cho ta chiếm Đại Việt và tiến xuống làm chủ Đông Nam Á. Mong hoàng thượng đừng bỏ lỡ thơi cơ.
CVL
Còn nữa