Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)

PGS TS Cao Văn Liên

09/01/2022 06:17

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 35.

 Khi đã đủ 10 vạn quân, Nguyễn Trãi ra lệnh:

-Tướng quân Bùi Bị:

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân đào hầm dưới đất xuyên qua thành Xương Giang và tấn công vào.

-Dạ, thưa quân sư, mạt tướng đã cho đào hào và tiến vào nhưng bị Lý Nhâm đào hào chặn ngang và đánh,quân ta thiệt hại lớn.  Nguyễn Trãi nói:

-Ngày đó tướng quân đào hào đánh vào nhưng phía trên quân ta không đủ lực lượng công thành, để chúng rảnh tay đối phó dưới đất. Nay tướng quân tiến quân dưới đất, trên mặt thành 8 vạn quân ta cùng đánh, quân Minh chỉ có chết.

chi-lang-xuong-giang-1-1641656647.jpg
Hình vẽ minh họa Trận Chi Lăng – Xương Giang. (Nguồn Internet)

 

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

 Nguyễn Trãi ra lệnh tiếp:

-Các tướng Lê Lựu, Lê Lý.

-Dạ, có mạt tướng.

-Khi Tướng quân Bùi Bị đào xong hào và tấn công, khi đại bác quân ta ngừng bắn  thì hai tướng quân đánh vào mặt Nam của thành.

-Dạ, mạt tướng tuân Lệnh.

-Tướng Lê Ninh, Lê Văn.

-Dạ, có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem quân, khi đại bác của quân ta ngừng bắn thì công phá mặt Bắc của thành.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Lê Liễu, Lê Văn Linh.

-Dạ, có mạt tướng.

-Khi đại bác quân ta ngừng bắn thì tướng quan tấn công mặt Tây của thành.

-Dạ mạt tướng tuân lệnh.

-Thái úy Trần Nguyên Hãn.

-Dạ, có mạt tướng.

-Khi đại bác quân ta ngừng bắn thì tướng quân đánh vào mặt Đông của thành.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Qua nửa ngày, thốt nhiên một phát tên lửa bắn lên không trung báo hiệu hào đã đào xong và chuẩn bị tấn công dưới lòng đất. Tám khẩu thần công của quân Lam Sơn ở 4 góc đua nhau khạc đạn vào thành như dáng sấm sét vào đầu quân Minh. Cùng với đạn đại bác thì những máy bắn đá cũng dội đá xuống thành. Đất trời rung chuyến trong lửa khói và tiếng nổ ầm ầm, xác quân Minh bay lên trời bị xé nát hoặc bị đá đập vỡ đầu gục xuống. Lại một phát tên lửa bắn lên trời báo hiệu quân đào hào bắt đầu tấn công. Đại bác và máy bắn đá của quân Lam Sơn ngừng bắn. Quân Việt tấn công vào thành từ 4 mặt thành, lại từ dưới đất chui lên, không gặp sức kháng cự nào đáng kể của quân Minh. Quân dưới hào chui lên  mở toang 4 cánh cổng thành. 8 vạn quân Việt từ 4 hướng tràn vào, tiếng reo hò, tiếng chém giết kinh thiên động địa. Thành Xương Giang thất thủ, 5 vạn quân Minh bỏ xác tại trận. Tất cả các tướng Minh trong thành đều tự sát. Đây là lần đầu tiên quân Lam Sơn công phá một thành trì vững chắc nhất. Mất thành Xương Giang và các thành khác, 10 vạn quân Minh sắp tiến vào mất chỗ dựa trong tác chiến, tạo điều kiện cho quân Lam Sơn đánh bại quân cứu viện. Thành Xương Giang thất thủ ngày 28-9-1427, trước khi đạo quân Liễu Thăng tràn vào một tháng.

Sau chiến thắng Xương Giang, Lê Lợi chuyển tổng hành dinh từ Tây Phù Liệt về Bồ Đề Gia Lâm để tiện chỉ đạo chiến đấu. Nguyễn Trãi nói với Lê Lợi:

-Bẩm chúa công, Đông Quan hiện nay là thành mạnh nhất, gần với mặt trận Lạng Sơn, Xương Giang nhất. Chúa công phải cho tăng cường bao vây Đông Quan để Vương Thông không thể phá vây đánh sau lưng quân ta phối hợp với quân cứu viện.

 Lê Lợi nói:

-Quân sư nói phải lắm. Mới tháng 3 và tháng tư năm nay, các tướng bao vây Đông Quan trễ nải, để cho Vương Thông mở cổng thành bất ngờ tấn công, gây thiệt hại cho quân ta hàng nghìn quân sĩ. Tướng Đinh Lễ bị bắt và bị giết, tướng Lý Triện tử trận. Đinh Lễ, Lý Triện là những tướng tài năng của quân ta. Đinh Lễ còn là cháu gọi ta bằng cậu. Ta đã phải chém Chánh đốc Nguyễn Liên, Lê Thận vì vi phạm quân kỷ và phạm pháp. Thật là đáng tiếc.

Lê Lợi liền cho áp dụng chiến thuật lấy lũy vây thành, đắp chiến lũy kiên cố chung quanh và cao ngang mặt thành Đông Quan. Bên ngoài chiến lũy, 4 phía đều có quân Lam Sơn bao vây. Tướng Trịnh Đồ chỉ huy quân bao vây mặt Đông, Tướng Lê Chửng bao vây cửa Tây, tướng Đinh Lan bao vây cửa Nam, Lê Bôi bao vây cửa Bắc. Trong tổng hành dinh ở Bồ Đề, Lê Lợi còn cho xây tháp Báo Thiên cao gần 20 trượng để có thể quan sát mọi hoạt động của quân Minh ở trong thành.

*     *

*

Tháng 10 năm 1427, miền Nam Trung Hoa và Bắc Đại Việt chìm trong giá rét, gió lạnh thổi cắt da, cắt thịt. Rừng núi âm u uốn quanh co cao thấp phủ màn sương trắng. Lại một mùa chiến tranh đẫm máu. 10 vạn quân Minh, 2 vạn kỵ binh, hàng trăm võ tướng do Liễu Thăng dẫn đầu bắt đầu tràn vào biên giới Lạng Sơn của Đại Việt. Quân đi như hùm sói. Vũ khí tua tủa lên trời cao lấp lánh, Cờ bay rợp trời, bụi cuốn mù mịt, bước chân rung chuyển mặt đất, rừng núi.

 Trái với thông lệ hành quân, chủ tướng phải cử tướng đi tiên phong, Liễu Thăng tự mình dẫn quân đi đầu. Tuổi trẻ chức vụ cao làm Liễu Thăng vô cùng ngạo mạn. Hắn mơ tưởng ngày dẹp tan cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà mấy đời tổng binh tài giỏi đã thất bại sẽ mang vinh quang tột bậc cho hắn. Chợt có thám mã về báo cắt đứt giấc mơ của hắn:

-Dạ, bẩm chủ soái, có thư xin giảng hòa của Lê Lợi.

 Liễu Thăng cười ha hả:

-Ta tiến quân vào Giao Chỉ đâu phải để giảng hòa. Chuyển thư đó về Yên Kinh.

-Dạ.

Liễu Thăng cho rằng Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã run sợ khi nghe uy danh và đại quân của hắn cho nên gửi thư cầu hòa, mục đích chính là đầu hàng. Quân Minh đi nhanh như giông tố ào áo qua cửa ải Pha Lũy, đối diện với Bằng Tường, đến Khâu Ôn thì thành đã trống không, không một bóng người. Liễu Thăng lại cười;

-Bọn chuột nhát gan Lam Sơn đã bỏ chạy hết rồi. Ha!ha!ha!...

 Ngọn kiếm của Liễu Thăng rung lên trong tay, ham muốn tuột độ lúc này của hắn là được chém giết, dẹp tan quân Lam Sơn, nhanh chóng tiến vào Đông Quan để lập công đầu, nếu không thì lão tướng Mộc Thạnh sẽ vào trước. Đến Ải Lưu, Bắc Chi Lăng, tướng Lam Sơn là Trần Lựu, Lý Huề đem quân chặn đường. Liễu Thăng quát:

-Bọn chuột nhắt chớ có chạy.

Liễu Thăng vung gươm xông lên. Trần Lựu, Lý Huề bỏ chạy rồi lại dừng lại. Liễu Thăng như bị chọc tức, bị thôi miên, với ham muốn phải chém chết tướng Lam Sơn trước mặt cho hả giận nên hắn cùng 100 quân kỵ vượt lên trước đuổi theo, 10 vạn quân cũng ào ào chạy theo chủ tướng nhưng không kịp, thành ra chỉ có 100 quân kỵ và 1 vạn quân chạy kịp theo con ngựa cực khỏe của chủ tướng. Cuối cùng thì trời đất đang sáng bỗng nhiên tối sầm lại khi mờ khi tỏ. Thì ra Liễu Thăng cùng 100 quân kỵ và 1 vạn quân đã lọt vào Quỷ Môn Quan và hoàn toàn đi vào ải Chi Lăng hiểm địa. Đó là một thung lũng hẹp, hai bên là vách núi cao vút, phía Nam ải là Ngõ Thề, phía Tây là các núi đá vôi che chắn cho một đoạn sông Thương đi qua, phía Đông là các núi Thái Hòa, Bảo Đài. Trong thung lũng lầy lội nhô lên 5 ngọn núi có tên Nà Sản, Mã Yên, Phượng Hoàng, Kỳ Lân và Hãm Quỷ.

Liễu Thăng cùng 100 quân kỵ và 1 vạn quân đang dò bước đi thì một tiếng trống vang lên, những trận mưa tên hai bên vách núi dội xuống, quân Minh kêu thét lên và gục xuống, 100 quân kỵ gạt tên cho chủ tướng cuối cùng chết hết. Liễu Thăng chạy đến gò Mã Yên thì bị một mũi lao như một tia chớp xuyên qua mặt, ngã từ mình ngựa xuống đất mà chết. Một vạn quân Minh chỉ thoát được vài chục tên chạy về báo hung tin cho các tướng Minh rằng chủ soái đã bị phục binh, bị lao phóng chết ở gò Mã Yên rất  thảm. Đại quân Minh vô cùng khiếp sợ, hoàn toàn tan rã tinh thần và ý chí chiến đấu. Đó là ngày 10 Tháng 10 năm 1427. Bá tước Lương Minh thay Liễu Thăng làm chủ tướng, cho quân vòng qua núi Mã Yên, tiếp tục tiến xuống Xương Giang. 9 vạn quân Minh xuống đến vùng gọi là Kép, lọt vào trận địa mai phục của hai tướng Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An, bị quân Lam Sơn hai bên đường bắn tên đạn như mưa, sau lưng bị các tướng Lê Sát, Đinh Liệt đuổi đánh. Cậy quân đông, Lương Minh cho quân Minh bọc vòng trong vòng ngoài chống cự. Trận chiến kéo dài hơn 10 dặm đường. Chủ tướng Lương Minh bị trúng tên vào mặt ngã ngựa chết. Thây quân Minh chất như núi, máu chảy thành sông, sau này xác vun thành đồi, dân gian gọi là đồi Mã Ngô.

Thượng thư bộ công Lý Khánh lên làm chủ tướng thay Lương Minh, cùng bọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ dẫn 7 vạn quân mở đướng máu chạy về Phố Cát, bỏ lại 2 vạn xác chết trên chiến trường. Lúc này quân Minh vô cùng hoảng loạn, cờ quạt xác xơ, ngựa rống lên thảm thiết. Đến Phố Cát lại bị quân Lam Sơn do Lưu Nhân Chú và Lê Ngân phục kích. Phía sau bị quân của các tướng Lê Sát, Đinh Liệt, Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An đuổi đánh ráo riết. Thượng thư Lý Khánh quá hoảng loạn thắt cổ chết. Thôi Tụ nói với Hoàng Phúc:

-Sao lại ngược đời, bị quân Việt đánh thì phải chạy về phương Bắc, sao lại cứ chạy sâu vào đất Việt?

Hoàng Phúc nói:

-Phía sau đã bị quân Việt đông như kiến cỏ chặn đánh sao thoát được, vả lại chúng ta vào cứu viện cho Vương Thông ở Đông Quan cơ mà. Thôi cố đến Xương Giang thành cao hào sâu may ra thì cố thủ được rồi tính sau.

Hy vọng chạy vào thành Xương Giang là đất sống làm quân Minh phấn chấn chạy rất nhanh về phía Nam, bất chấp có nguy cơ lại bị mai phục. Gần tối, 5 vạn quân cùng Hoàng Phúc, Thôi Tụ tới được thành Xương Giang nhưng trên thành đã cắm cờ quân Lam Sơn, trên thành bắn cả tên và thần công xuống như mưa, phía sau thì quân Lam Sơn đang đuổi tới. Thôi Tụ và Hoàng Phúc đành phải cho quân rút xuống hạ trại ở một cánh đồng không hào lũy che chắn. Hoàng Phúc cho bắn pháo hiệu lên trời cầu cứu quân các thành Đông Quan và Chí Linh gần Xương Giang ra cứu. Hoàng Phúc không biết rằng hai thành này đã bị quân Lam Sơn vây vòng trong vòng ngoài không thể ra được. Thôi Tụ và Hoàng Phúc chưa biết làm thế nào thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ có thư của Lê Lợi gửi cho chủ soái.

-Đưa đây.

-Dạ.

Hoàng Phúc bóc thư đọc. Thư viết: “Nếu hai tướng quân hạ khí giới đầu hàng thì toàn quân và hai tướng quân sẽ được toàn tính mạng về nước. Nếu không muốn hàng, hai tướng quân có thể rút quân về nước mà không bị phục kích, truy kích”.

Đọc xong thư Hoàng Phúc gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem bút mực và giấy ra đây.

-Dạ.

Hoàng Phúc viết xong thư thì bảo tùy tướng:

-Đem bắn thư này về phía quân Lam Sơn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 35)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Chu linh ngoại

Chu linh ngoại

10:34 09/01/2022

Chiến thắng vang dội, hào khí Lam Sơn ngút trời. Lúc này thế của ta như chẻ tre. Đọc thấy sướng.