Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.
chuy1e-1639100897.jpg

Tranh minh họa: Ngày 1.3.1076, thành Ung Châu bị hạ sau 42 ngày cố thủ. Quân và dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã chủ động tiến công trước triệt phá cơ sở hậu cần của quân Tống ở Ung Châu, làm giảm thiểu sức mạnh, ý chí và hành động xâm lược của nhà Tống, tạo tiền đề cho việc giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Tư tưởng nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh đặc sắc đó của Lý Thường Kiệt thể hiện trí sáng tạo tuyệt vời của dân tộc ta. Nguồn Internet.

 

Kỳ 5.

Nội quan lại bước vào:

-Dạ , bẩm hoàng thượng có thám mã từ Ung Châu về cấp báo.

-Cho vào.

Thám mã vào quỳ hành lễ và nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, 10 vạn quân Việt đang vây hãm và đánh phá thành Ung Châu. Tướng Trương Thủ Tiết đem 2 vạn quân từ Quế Lâm đi cứu Ung Châu, bị quân Việt mai phục ở Côn Lôn, 2 vạn quân và 5 tướng lĩnh đã hy sinh. Ung Châu đang vô cùng nguy ngập. Dạ, bẩm hoàng thượng.

Tống Thần Tông tức giận đập bàn:

-Đã 30 ngày kể từ lúc quân Việt tràn qua biên giới mà bây giờ tin tức mới tới triều đình. Làm thế nào để cứu được Ung Châu đây hả?

Vương An Thạch nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, nên cử Triệu Tiết, Quách Quỳ đem 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, Lý Thường Kiệt phải đem quân về phòng thủ tất giải vây được Ung Châu.

Tống Thần Tông nói:

-Miền Bắc xa hàng vạn dặm, khi vào được Đại Việt thì thánh Ung Châu đã mất. Nhưng thôi, cũng không có cách nào khác. Truyền chỉ cho Triệu Tiết, Quách Quỳ đem 30 vạn quan tấn công Đại Việt để nhập vào bản đồ nhà Tống ta, thứ nữa may ra cứu được Ung Châu.

Các đại thần đều quỳ xuống:

-Hoàng thượng anh minh. Chúng thần tuân chỉ.

-Bãi triều.

Trong khi đó chiến trường Ung Châu nóng lên hầm hập giữa mùa đông. Tuy nhiên quân Việt chỉ vây mà ngừng bắn tên và đá vào thành, phần để tiết kiệm, phần là chờ Lý Thường Kiệt tìm ra cách mới để công thành có hiệu quả. Một buổi sáng Lý Thường Kiệt đang ngồi trong bản doanh tìm cách mới phá thành thì thám mã từ phương Bắc về báo:

-Dạ, bẩm Phụ quốc Thái úy, vua Tống đang điều động 30 vạn quân do Triệu Tiết, Quách Quỳ chỉ huy sẽ tấn công vào Đại Việt để chiếm nước ta và giải vây cho Ung Châu.

Lý Thường Kiệt nói:

-Tin tức quan trọng. Ngươi làm tốt lắm, cho đi nghỉ ngơi và ăn cơm.

-Dạ, đa tạ Thái úy.

-Người đâu.

-Da, bẩm Phụ quốc Thái úy.

-Đi mời Thân Cảnh Phúc, Tông Đản và tất cả các tướng đến Tổng hành dinh ngay.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Khi Tông Đản và các tướng đã đông đủ, Lý Thường Kiệt nói:

-Thám mã vừa về báo, hiện Tống Thần Tông đang điều động 30 vạn quân do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy sẽ tiến vào Đại Việt để chiếm nước ta và giải vây cho Ung Châu. Tình hình trên buộc ta phải tấn công hạ Ung Châu càng nhanh càng tốt để rút quân về phòng thủ bảo vệ đất nước. Các tướng nghe lệnh đây:

-Thang mây trèo thành dễ bị đốt cháy, thương vong nhiều, đào hào ngầm cũng bị hỏa công thương vong nhiều. Bây giờ dùng hàng vạn bao đã hết lương thực đổ cát vào buộc lại và xếp thành bậc thang cao bằng mặt thành để quân ta treo lên tấn công. Phò mã Thân Cảnh Phúc đắp bậc ở phía Đông thành, Tướng quân Hoàng Kim Mãn đốc thúc quân đắp bậc ở phía Nam thành, tướng quân Tông Đản đem máy bắn đá và các cung thủ yểm trợ cho quân lính đắp bậc thang và yểm trợ khi họ tấn công lên mặt thành, kiên quyết tiêu diệt những tên lính trên mặt thành, không cho chúng đổ chất cháy hoặc bắn tên xuống.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh chủ soái.

Suốt năm ngày, quân Việt xúc cát đổ vào bao gai vốn là vỏ đựng gạo, nay đựng cát và đắp thành bậc cao ở hai mặt tường thành. Quân Tống trên mặt thành cứ xuất hiện để đổ chất cháy hoặc bắn tên xuống là bị quân Việt bắn chết. Thực ra, trong thành Ung Châu , mọi thứ kể cả cung tên và chất cháy cũng đã cạn kiệt. Quân Tống chết gần hết vì tên độc, vì đá, vì bị cháy và bây giờ chết khát. Trong thành cạn kiệt nguồn nước uống, nước thổi cơm, nấu ăn, không còn đủ sức ngăn chặn quân Việt đắp thang cát. 5 ngày sau, hai thang cát đã cao lên mặt thành. Lý Thường Kiệt ra lệnh:

-Phò mã Thân Cảnh Phúc cho quân đánh mặt thành phía Đông, tướng quân Hoàng Kim Mãn cho quân đánh mặt thành phía Nam. Nhớ chiếm được mặt thành phải xuống mở cổng thành cho đại quân xông vào, thứ hai khi trèo lên cho tù binh Tống đi đầu để lính Tống không dám bắn.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Vi Thủ An chuẩn bị để khi cổng thành mở ra phải dẫn đại quân xông vào thành.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Tông Đản, khi quân ta đang leo lên thành thì ở dưới phải dùng máy bắn đá và cung tên yểm trợ. Khi cổng thành mở thì dẫn đại quân xông vào.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Thế rồi ở hai mặt tường thành, những tù binh Tống bị ép đi trước leo lên thang cát, quân Việt đông như kiến cỏ leo theo sau. Khi đã đến mặt thành, quân Việt như thác đổ. Trên mặt thành quân Tống chống cự yếu ớt do bị tên thường, tên lửa và máy bắn đá khống chế. Khi quân Việt tràn lên mặt thành thì quân Tống không dám bắn vì vướng tù binh người Hoa, còn đang lúng túng thì quân Việt đã tràn vào thành chém giết. Gươm giáo chạm nhau tóe lửa, tiếng reo hò kinh thiên động địa, tiếng kêu thất thanh của quân Tống bị đâm chém. Trận chiến thật là kinh hoàng, thịt rơi máu đổ, lửa khói ngút trời. Quân Việt đã chạy xuống, giết lính gác, mở toang cổng thành ba phía, 10 vạn quân Việt lao vào như từ trên trời sa xuống, như từ dưới đất chui lên. 5 vạn quân lính và dân binh Tống trong thành gục đổ. Thành Ung Châu hoàn toàn thất thủ sau 30 ngày cố thủ ngoan cường.

Tô Giám biết đại sự đã tan hoang, vội chạy về nhà mình, liền tự tay giết cả nhà 36 mạng người rồi nhảy vào lửa mà chết. Quả là một dũng tướng kiên cường và trung thành với nhà Tống đến hơi thở cuối cùng. Lý Thường Kiệt triệt phá toàn bộ thành Ung Châu. Ung Châu chỉ còn là bãi đất đầy khói lửa hoang tàn. Lưỡi dao sắc nhất, to nhất để đâm vào Đại Việt đã bị bẻ gãy. Lửa thành Ung Châu cháy bảy ngày bảy đêm mới tắt. Sau đó quân Việt theo đường bộ rút về nước. Mùa đông, quân đi, gió thổi, cờ bay, bụi cuốn. Bách tính Tống đứng đầy hai bên đường úy lạo, lấy tay gạt nước mắt tiễn đưa. Đạo quân Việt đã trừng phạt tội ác của nhà Tống chồng chất đối với người dân, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam Tây Lộ  kể từ khi lãnh thổ Lĩnh Nam của họ bị Tần Thủy Hoàng xâm chiếm.

                                                                II

Ngày 8 tháng 1 năm 1077, cửa biển Khâm Châu thuộc Quảng Nam Tây Lộ chìm dưới bầu trời mùa đông u ám giá lạnh, rét cắt da cắt thịt. Sóng lừng từ biển mênh mông đen kịt vỗ vào mạn hàng trăm chiến thuyền tung bọt trắng xóa. Trời như liền với biển một màu xam xám. 

Trái với sự u ám của mùa đông, hải cảng Khâm Châu tấp nập bởi 400 chiến thuyền và 5 vạn quân Tống chuẩn bị xuất phát theo đường biển tiến đánh Đại Việt. Từng chiếc thuyền to lừng lững, cờ vàng trên cột buồm viết chữ “Đại Tống” tung bay theo gió. Quân lính đứng chật cả thuyền, vũ khí tua tủa sáng loáng. Viên tướng đứng trên lâu thuyền ra lệnh xuất phát. Đi tiên phong là tướng Hòa Mân, đi trung quân là chủ soái đạo thủy binh Dương Tùng Tiên. Lâu thuyền cao lắc lư theo sóng, trên là lá cờ vàng đề chữ “Soái” bay phấp phới. Đi hậu quân là đoàn thuyền lương chở 10 vạn hộc lương thực do tướng Tô Tử Nguyên đốc chiến. Đoàn thuyền đi hàng dọc, đè sóng tiến lên với sức đẩy của sức chèo và sức đẩy vào cánh buồm của gió nên thuyền lướt như bay trên biển. Bách tính Khâm Châu đứng trên bờ nhìn đoàn thuyền ngao ngán lắc đầu:

-Lại chiến tranh.

-Đánh nước nào vậy? Chiêm Thành hay Đại Việt?

-Nghe nói đánh Đại Việt.

-Không học được bài học năm xưa của Hầu Nhân Bảo sao?

-Dân tình đói khổ không cứu giúp, lại phung phí vàng bạc vào cuộc chiến tranh bất nghĩa tốn kém.

-Đánh thế nào được Đại Việt, bên đó có Tể tướng Lý Thường Kiệt, đã đánh Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu mà Tống Thần Tông bó tay ngay trên đất mình. Lần này lại chuốc lấy thất bại nhục nhã thôi.

-Hàng chục vạn con em ta lại chết oan rồi, than ôi!!!

Đạo thủy quân đi được nửa ngày trời, Dương Tùng Tiên hỏi tên hướng đạo:

-Đây là đâu?

-Dạ, bẩm tướng quân, chúng ta đã tiến vào biển châu Yên Bang, lộ Hải Đông của Đại Việt, sắp vào phía Bắc đảo Vân Đồn và quần đảo Bái Tử Long.

Dương Tùng Tiên nói:

-Biển của Đại Việt quá đẹp, đúng là bõ công chinh phạt mà chiếm lấy.

Chợt phía trước mũi thuyền của quân Tống, xuất hiện hàng trăm chiến thuyền nhỏ của quân Việt, chèo như bay tấn công vào đội hình thuyền Tống. Quân Tống đi hàng dọc nên bị những chiến thuyền Việt đánh tạt ngang sườn. Quân Việt bắn tên có lửa sang thuyền Tống. Thuyền Tống to và nặng nề khó vận động, khó tránh, hàng nghìn lính đã chết và 60 chiến thuyền đã cháy. Dương Tùng Tiên ra lệnh:

-Dàn thành đội hình chiến đấu!

300 chiến thuyền liền dàn hình tam giác mà mũi nhọn đi đầu, hai cạnh hai bên bảo vệ cho lâu thuyền chủ soái và đoàn thuyền lương thực, hậu quân là cạnh đáy bảo vệ phía sau. Dù vậy, thuyền quân Tống di chuyển rất chậm. Trong những ngày sau đó, thủy binh Tống bị chiến thuyền Việt chặn đánh 8 trận. Quân Tống thiệt hại thêm 8 thuyền và hàng nghìn binh sĩ. Dương Tùng Tiên rất tức giận với lối đánh du kích của thủy binh Việt. Y nói với viên tùy tướng:

-Bọn thủy binh của Lý Thường Kiệt chẳng qua cũng chỉ là đàn chuột nhắt nhát gan, không dám dàn trận đánh hẳn hoi đàng hoàng.

Thuyền chiến Tống sắp tiến vào biển Vân Đồn, được gọi là sông Đông Kênh. Con đường thủy này có thể gọi là “Quỷ Môn Quan” dưới nước. Bên phía Tây là bờ biển làng mạc, bên phía Đông dòng nước là các đảo, giữa là dòng nước hẹp cho thuyền bè qua lại. Tên hướng đạo nói:

-Bẩm tướng quân, chúng ta sắp tới Vân Đồn, địa thế rất hiểm yếu, phải đề phòng có mai phục.

Mai phục thì cũng phải đi qua để vào được sông Cầu chở 15 vạn bộ binh, kỵ binh của chủ soái Quách Quỳ qua sông để tiến đánh Thăng Long. Ta không vào được, lỡ kế hoạch, ta và các ngươi có chịu nổi lưỡi gươm hình phạt giáng vào cổ không? Vả lại không tiến lên thì ta là đồ nhát gan, còn mặt mũi nào mà làm tướng nữa. Lại còn 10 vạn hộc lương thực không vào được sông Cầu, 15 vạn quân đói khát, còn nói gì đến đánh thắng đây?

Tô Tử Nguyên nói:

-Chủ tướng nên cho 2 vạn quân lên bờ bảo vệ mặt Tây, vượt qua sông Đông Kênh rồi đón họ lên thuyền cũng chưa muộn.

Hòa Mân nói:

-Nên dàn đội hình đi ba hàng dọc, lương thực và thuyền chủ soái đi giữa, thuyền chiến đi hai bên bảo vệ.

Dương Tùng Tiên nói;

-Hai tướng quân nói phải lắm. Tướng quân Tô Tử Nguyên.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy hai vạn quân đổ bộ lên bờ, bảo vệ thuyền chiến và đánh quân mai phục nếu có.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Hòa Mân.

-Dạ, có mạt tướng.

-Ta ra lệnh dàn binh thuyền đi ba hàng dọc, bản tướng quân đi giữa chỉ huy, tướng quân đi sau đốc chiến.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Rồi ghé thuyền vào chỗ gần bờ, Dương Tùng Tiên đổ 2 vạn quân lên bờ, bảo vệ phía Tây cho đoàn binh thuyền. Sau đó chiến thuyền Tống đi thành ba hàng dọc tiến vào sông Đông Kênh, Vân Đồn, châu Yên Bang, lộ Hải Đông.

(Còn nữa)

CVL