Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)

PGS TS Cao Văn Liên

07/02/2022 06:15

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 19.

Một lát sau, 20 lạng vàng được đưa ra. Lê Bá Ly nói với Đồi Mồi:

-Ta cảm ơn con đã cứu mạng gia đình ta. Rồi đây gia đình ta sẽ gặp nạn ly tán. Con cầm số 10 lạng vàng nay về quê lập nghiệp, còn 10 lạng con trao lại cho người bạn con bên phủ Phạm Quỳnh, nói rằng ta tạ ơn cứu mạng.

Đồi Mồi quỳ lạy và nói:

-Con và bạn con đa tạ tướng công Thái tể. Con xin cáo biệt…

Lê Bá Ly nói:

-Thôi đi đi con. Cáo biệt…

chuylbly1-1644161281.jpg
Tranh minh họa: Lão tướng trọng thần Lê Bá Ly tháng 3 năm Tân Hợi (1551) bị phụ bạc cùng con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyên Quyện rời bỏ nhà Mạc vào thẳng Thanh Hóa quy thuận Nam Triều ( nhà Lê). Nguồn: Internet.

 

Bóng Đồi Mồi khuất ra cổng xa dần. Lê Bá Ly gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cầm bức thư này đưa tận tay Thượng thư Nguyễn Thiến, trao xong, cầm thư của Thượng thư về đây lấy thưởng 10 lạng vàng, rõ chưa?

-Dạ, con rõ rồi.

Sau khi nhận được thư của Nguyễn Thiến, Lê Bá Ly lấy vàng trao cho tên gia nhân và cho nó về quê. Ngay chiều hôm đó, Lê Bá Ly cho gia đình vào trại quân ở Hồng Mai. Nguyễn Thiến cũng đem toàn bộ gia đình đến đây. Nguyễn Thiến nói:

-Trong khi Khiêm Vương còn dẹp loạn dư đảng Phạm Tử Nghi ở Quảng Ninh thì bọn Phạm Quỳnh vu cáo nhằm diệt đại thần. Vua Mạc Tuyên Tông còn trẻ đã nghe bọn gian thần. Nay ta định liệu thế nào thưa Thái tể?

Lê Bá Ly nói:

-Ngoài quân bản bộ, tại hạ còn điều động thêm quân của Nguyễn Quyện, của Vạn An Hầu, của nghĩa tử Tả Ngự Hầu, mỗi người 3000 quân, tổng cộng được 1,5 vạn quân. Ta chia quân làm hai cánh, một cánh do tại hạ chỉ huy mai phục ở tư dinh Thái tể, một cánh do Nguyễn Quyện chỉ huy mai phục ở phủ Thượng thư. Khi bọn Phạm Quỳnh, Phạm Giao đến, ta bao vây lại mà đánh chắc là diệt được chúng.

Nguyễn Thiến nói:

-Thải tể nên điều quân của Lê Khắc Thận ở Sơn Nam về, kể cả quân của Nguyễn Khải Khang đề phòng vua Mạc Tuyên Tông điều động quân ở Sơn Tây, Kinh Bắc về đánh chúng ta.

Lê Bá Ly nói:

-Thượng thư nói phải lắm.

Lê Bá Ly liền viết thư cho người mang đến Sơn Nam điều động binh mã.

Lại nói nửa đêm theo kế hoạch Phạm Quỳnh, Đặng Văn Trí  chia quân bí mật bao vây phủ thượng thư của Nguyễn Thiến, còn một đạo do Phạm Giao và Nguyễn Văn Thái chỉ huy bí mật bao vây tư dinh của Thái tể Lê Bá Ly. Quân của Nguyễn Văn Thái và Phạm Giao vẫn thấy trong nhà sáng rực ánh đèn. Phạm Giao cho 1 vạn quân xông vào tư dinh của Lê Bá Ly nhưng trong nhà không một bóng người, còn đang ngạc nhiên thì bị hàng nghìn quân của Lê Bá Ly mai phục nã tên đạn xuống  như mưa. Quân Phạm Giao chết như ngã rạ, sau đó quân Lê Bá Ly xông ra chém giết. Phạm Giao, Nguyễn Văn Thái đại bại, mở đường máu chạy thoát sang Bồ Đề. Bên phủ thượng thư, quân của Phạm Quỳnh và Đặng Văn Trí cũng thấy đèn sáng trưng liền xông vào biệt phủ không người, bị quân mai phục bắn gục hàng nghìn lính và sau đó quân mai phục xông ra chém giết. Phạm Quỳnh, Đặng Văn Trí liều chết chạy được sang Gia Lâm. Kinh thành náo loạn trong đêm. Quân của Lê Bá Ly tràn sang phủ của Phạm Quỳnh, Phạm Giao đốt phá, giết hết cả nhà Quỳnh, Giao không một ai sống sót. Mạc Tuyên Tông đang đêm cũng bỏ kinh thành chạy sang Bồ Đề vì sợ Lê Bá Ly đánh tràn vào Long Phượng Thành. Sớm hôm sau, Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến đang ngồi trong tổng hành dinh thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm Thái tể, có sứ giả của hoàng thượng xin vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Sứ giả là nội quan vào nói:

-Thái tể Lê bá Ly và Thượng thư Nguyễn Thiến tiếp chỉ.

Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến vội hành lễ, Nội quan đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay lệnh cho Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến bãi binh để tỏ lòng trung và để bách tính kinh thành yên ổn làm ăn, không để binh đao làm náo loạn. Khâm thử. Niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ 6”.

Lê Bá Ly nhận chỉ nhưng nói:

-Thần tuân chỉ, nhưng nội quan về nói với hoàng thượng phải đem nộp hai cha con Phạm Quỳnh và Phạm Giao thần mới bãi binh.

Nội quan nói:

-Bản quan sẽ nói với hoàng thượng về đề đạt của Thái tể, nhưng hoàng thượng không nghe thì Thái tể tính sao?

-Ta sẽ không bãi binh.

Quả nhiên Mạc Tuyên Tông không nghe, lại còn triệu các tướng Sơn Tây là Anh Duệ Hầu và Giáp Văn Hầu kéo quân về Đông Kinh đánh Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến. Hai tướng kéo quân về đến Từ Liêm đã thấy quân Lê Bá Ly dàn trận. Lê Bá Ly mặc chiến bào đỏ, áo giáp sắt, đội mũ đâu mâu sắt, cưỡi con ngựa màu nâu cao lớn, tay cầm đại đao. Bên tả là con rể Nguyễn Quyện, con trai của thượng thư Nguyễn Thiến, bên hữu là con trai Lê Khắc Thận đều là những danh tướng của nhà Mạc. Anh Duệ Hầu và Giáp Văn Hầu cũng dàn trận. Anh Duệ Hầu nói:

-Kính chào Thái tể, lão tướng đại thần của triều đình xá gì hai cha con gian thần Phạm Quỳnh, Phạm Giao mà động binh cho mang tiếng bất trung, lại làm tổn thất binh lực của triều đình, trong khi đó Nam Triều đang xâm phạm bờ cõi, đó là nguy cơ lớn nhất của đất nước. Mong Thái tể nghĩ cho triều đình, cho đất nước.

Lê Bá Ly nói:

-Ta đã lập bao công lao cho nhà Mạc. Đối ngoại, ta đã làm cho Minh Thế Tông công nhận Mạc Tuyên Tông. Vậy mà hoàng thượng lại đi nghe bọn bần tiện nhỏ nhen ăn không ngồi rồi đặt điều vu cáo, lại cho phép Phạm Quỳnh đang đêm động binh bao vậy định giết cả nhà ta và nhà Thượng thư Nguyễn Thiến. Nếu như tướng quân thì tướng quân xử lý thế nào? Tướng quân chịu để cho cả nhà bị giết oan chăng?

Giáp Văn Hầu nói:

-Vậy thì Thái tể nói với hoàng thượng giao Phạm Quỳnh và Phạm Giao cho Đại lý tự xử theo tội vu cáo đại thần là được.

-Ta đã đề đạt hoàng thượng giao hai cha con họ cho ta, hoàng thượng không nghe, lại còn điều động hai tướng quân đem quân về đánh ta.

-Cha con Phạm Quỳnh, Phạm Giao phạm tội nhưng hai mạt tướng không thể không tuân chỉ hoàng thượng. Thái tể và quan Thượng thư thông cảm. Bay đâu.

-Có mạt tướng.

-Xông ra bắt Thái tể cho ta.

Một tướng trong hàng quân xông ra, cưỡi ngựa đen, tay múa giáo dài. Nhìn kỹ thì đó là Đỗ Bá, tùy tướng của Giáp Văn Hầu. Nguyễn Quyện bên hàng quân Lê Bá Ly xông ra tiếp chiến, chỉ 5 hiệp, đầu của Đỗ Bá đã rơi xuống đất. Lê Bá Ly trỏ đại đao thét:

-Xông lên giết.

Quân hai bên hò reo giáp chiến, đầu rơi như bổ dưa, máu chảy như suối, đỏ đất Từ Liêm. Thốt nhiên, hàng quân của Anh Duệ Hầu, Giáp Văn Hầu rối loạn. Thì ra quân của Nguyễn Khải Khang do tùy tướng Đông Khang Sơn chỉ huy đến giúp Lê Bá Ly đã đánh tập hậu quân của Giáp Văn Hầu, Anh Duệ Hầu. Quân hai tướng tan vỡ, phá vây tháo chạy. Thừa thắng, Lê Bá Ly truy kích đến Cấu Hà, sai người đến bảo Mạc Tuyên Tông nộp hai cha con Phạm Quỳnh, Phạm Giao sẽ bãi binh. Mạc Tuyên Tông không nghe, đem xa giá chạy về Dương Kinh. Lê Bá Ly tức giận nói:

-Vua Mạc Tuyên Tông chỉ vì hai tên gian thần chứ không vì triều đình và đất nước, càng không vì đại thần. Người xưa nói: “Chim khôn chọn cây mà đậu, người hiền chọn chủ mà thờ”. Đã vậy ta đem quân về theo Nam Triều. Không biết ý quan Thượng thư thế nào?

(Con nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn