Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

PGS TS Cao Văn Liên

08/02/2022 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 20.

Nguyễn Thiến đáp:

-Hoàng thượng nhỏ tuổi không biết phải trái, chằm chằm bệnh vực bọn gian thần, không hỏi đầu đuôi đã cho chúng có quyền giết cả hai nhà. Việc đã đến nước này có ở lại thì hai gia đình ta cũng sẽ bị hại có ngày. Về với Nam Triều là phải, an toàn cho con cháu sau này.

chbang5-4-1644253134.jpg
Tượng thờ Thế tổ Minh Khang - Thái vương Trịnh Kiểm  (1545-1570). Nguồn: Internet

 

Lê Bá Ly bảo Bùi Trụ:

          -Tướng quân cầm thư này của ta đến gặp Lê Trung Tông và  Trịnh Kiểm xem họ có rộng cửa đón chúng ta không.

          -Mạt tướng tuân lệnh, nhưng thưa Thái tể vua Lê Trang Tông chứ ạ?

Lê Bá Ly đáp:

        -Lê Trang Tông mất năm 1548 rồi, con trưởng là Lê Duy Huyền kế vị, đế hiệu là Lê Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình do Trịnh Kiểm phụ chính.

-Dạ, mạt tướng rõ rồi, xin tạm biệt.

Hai ngày sau, Bùi Trụ từ Thanh Hóa về trao cho Lê Bá Ly thư của Lê Trung Tông. Lê Bá Ly mở thư đọc. Thư viết: “ Trẫm đã nhận được thư của ái khanh muốn bỏ nhà Mạc về phò tá nhà Lê. Nhà Lê từ đức Lê Thái Tổ dựng nghiệp cho đến nay vẫn là triều đại chính thống của thiên hạ Đại Việt. Nay Thái tể bỏ chỗ tối về với chỗ sáng, trẫm vui mừng khôn xiết, mở rộng cửa đón Thái tể, quan Thượng thư cùng toàn thể gia quyến và tất cả tùy tướng, quân sĩ dưới quyền. Thái tể hãy về sớm để đáp lòng mong mỏi của trẫm. Lê Trung Tông”.

Lê Bá Ly chuyền thư cho Nguyễn Thiến. Thư Quốc Công Nguyễn Thiến có chút hơi buồn. Sắp xa rời Đông Kinh, xa rời triều Mạc, triều đại đã cho ông đỗ học vị trạng nguyên năm 1532, xa những người bạn đồng môn của ông như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đỗ trạng nguyên năm 1535. Nhưng sóng gió cung đình đã đẩy ông vào bước đường không lối thoát, phải về với Nam Triều, âu cũng là số phận. Rồi Thái tể Phùng Quốc Công Lê Bá Ly, Thượng thư trạng nguyên Nguyễn Thiến đem gia đình con cái, con Lê Bá Ly: Lê Khắc Thận, phò mã nhà Mạc, trấn thủ Sơn Nam, con thứ là Thuần Lương Hầu Lê Khắc Đôn, chỉ huy quân cấm binh nhà Mạc, người cháu là Vạn An Hầu phò mã nhà Mạc, chức Kim Ngô vệ sự. Con rể Lê Bá Ly cũng là con trai Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, Nguyễn Miễn, em Nguyễn Quyện, con rể khác là Bùi Đình Uyên, cháu Bùi Trụ; con nuôi là Tả Ngự Hầu giữ Vệ Cẩm y. Một thông gia khác của Lê Bá Ly là Đông Giáng Hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ. Còn có các tướng tài như Đặng Huấn, Nguyễn Khải Khang. Mỗi người còn đem theo tùy tướng, gia nhân và quân bản bộ của mình. Tổng cộng Lê Bá Ly đã đem về Nam Triều 15.000 quân và nhiều tướng tài của nhà Mạc. Đó là tháng 3 năm 1551, khi đó Lê Bá Ly đã 77 tuổi. Lực lượng chủ yếu của nhà Mạc đã theo Khiêm Vương phụ chính Mạc Kính Điển đi dẹp tàn dư của Phạm Tử Nghi ở Quảng Ninh, cho nên không một lực lượng nào ngăn chặn được Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến, gia đình, con cái, tướng lĩnh và 15.000 đã hành quân ban đêm từ Đông Kinh, sáng hôm sau đã tới thủ phủ trấn Sơn Nam của Lê Khắc Thận, ngày hôm sau nữa vượt Tam Điệp và đi miết về thành Tây Đô, rồi về Vạn Lại-An Trường, kinh đô của Lê Trung Hưng.

Vua Lê Trung Tông, Trịnh Kiểm và các đại thần quan lại Nam Triều dàn quân cờ trống ngoài thành trọng thị đón tiếp Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến gia đình và quân đội, sau đó mở tiệc khao quân tưng bừng suốt đêm. Hôm sau, Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến được biên chế vào triều đình Lê Trung Hưng, quân đội và các tướng lĩnh được nhập vào quân đội của Nam Triều. Hai cuộc loạn do Phạm Tử Nghi và cha con Phạm Quỳnh tạo nên đã làm lực lượng quân sự nhà Mạc hao tổn, suy yếu  nghiêm trọng.

Tại An Bang, Mạc Kính Điển được tin cuộc xung đột giữa Phạm Quỳnh, Phạm Giao với Lê Bá Ly. Vua Mạc Tuyên Tông thất bại chạy về Dương Kinh, Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến và nhiều tướng lĩnh trụ cột cùng 15.000 quân đã theo về Nam Triều, Mạc Kính Điển kêu to:

-Nghĩa phụ đã làm hại nhà Mạc rồi, trời đã hại ta rồi. Tổn thất này làm sao bù lại được để có sức mạnh đánh bại Nam Triều đây? Than ôi!!!

                                          *     *

                                              *

Tháng 6 năm 1551, nắng như trút lửa xuống vùng Tây Đô, màu xanh mướt của những quả đồi vươn lên, cây cối đung đưa theo gió. Bốn bức thành đá vươn lên sừng sững hoành tráng, đồ sộ dưới trời xanh, mây bay lang thang vô định trên không trung chan hòa ánh nắng.

Trong chính điện của Tây Đô, Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm đang bàn việc quân cơ. Trịnh Kiểm nói:

-Nay lão tướng Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Quyện, Lê Khắc Thận và nhiều danh tướng khác đã về với triều đình, lực lượng Lê Trung Hưng ta càng thêm hùng mạnh, nhà Mạc càng thêm suy yếu. Nay ta định mở những trận đánh lớn tấn công chiếm Đông Kinh. Lão tướng có cao kiến gì không?

Lê Bá Ly nói:

-Bẩm Thái sư Tiết chế, lão phu cùng các gia tướng nguyện đi tiên phong giải phóng Đông Kinh.

Nguyễn Hoàng nói:

-Thái sư Tiết chế nên lệnh cho Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang phối hợp cùng đánh xuống Đông Kinh.

Trịnh Kiểm nói:

-Tướng quân nói phải lắm. Bay đâu.

-Dạ, có tùy tướng.

-Tướng quân chạy ngựa lên Tuyên Quang nói với Vũ Văn Mật ngày mai đem quân từ Tuyên Quang đánh vào hướng Tây Bắc Đông Kinh.

-Mạt tướng tuân lệnh Tiết chế.

-Lão tướng Lê Bá Ly.

-Có lão phu.

-Lão tướng đem 2 vạn quân tấn công phía Tây Đông Kinh.

-Lão phu tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Khải Khang.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân tấn công mặt Nam Đông Kinh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Trịnh Kiểm nói tiếp:

-Ta sẽ thống lĩnh ba quân đồng thời tấn công mặt phía Đông Đông Kinh.

6 vạn quân Lê hành quân rầm rập, người ngựa như nước, vũ khí sáng lòa, cờ vàng phấp phới kín trời tiến ra Bắc. Quân Lê không gặp một sức kháng cự đáng kể nào của quân Mạc. Quân Mạc không giao chiến một trận nào, tan vỡ tháo chạy. Quân Lê nhanh chóng bao vây Đông kinh bốn mặt và chuẩn bị công thành. Tại tổng hành dinh có thám mã về báo với Trịnh Kiểm:

-Dạ bẩm Tiết chế, vua Mạc Tuyên Tông đã chạy về Dương Kinh.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Tiết chế, Mạc Kính Điển đã rút quân về Gia Lâm và tổ chức phòng thủ vững chắc.

Vài hôm sau quân Lê công thành, bốn mặt thành không có sự chống cự của quân Mạc. Quân Lê nhanh chóng phá cổng thành và tràn vào chiếm hoàng thành, chiếm Tử Cấm thành. Trịnh Kiểm ra lệnh cho quân đội không được đốt phá cướp bóc. Ai vi phạm quân luật chém. Bởi thế kinh thành vẫn yên bình như không có chiến sự. Phần lớn cư dân đã chạy sang Gia Lâm, chỉ còn lại ở kinh thành rất ít. Không một người lính Mạc nào vì Mạc Kính Điển đã rút hết về Bồ Đề phòng thủ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn