Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 37)

PGS TS Cao Văn Liên

25/02/2022 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 37.

  Liền ngay sau đó lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, Mạc Mậu Hợp chỉ huy 5 vạn quân đánh vào Sơn Nam, đang chuẩn bị đánh vào Thanh Hóa đòi Nam Triều trả lại Bùi Văn Khuê.

-Bay đâu.

-Dạ. Nổi trống tập trung toàn bộ tướng lĩnh và 7 vạn quân tiến ra giải phóng Đông Kinh, tiêu diệt nhà Mạc.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

chuyhda-1645715201.jpg

Hậu cung bên trong di tích có tượng thờ lão tướng Hoàng Đình Ái tại thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) là quê hương của Chúa Trịnh, cũng là quê hương của danh tướng Hoàng Đình Ái. Nguồn: Internet

Cuộc nội chiến Lê - Mạc xảy ra và kéo dài qua hai thế kỷ (1533 - 1677) khiến đất nước chia cắt, bất ổn, lòng người không yên. Trong bối cảnh ấy, danh tướng - Thái Tể Vinh Quốc Công Hoàng Đình Ái (1527 - 1607, có tài liệu viết ông sinh năm 1526) với tài năng xuất chúng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp trung hưng nhà Lê, được xếp vào hàng “Trung hưng đệ nhất công thần”.

 

  Trịnh Tùng thống lĩnh 7 vạn quân, hầu hết các tướng lĩnh, do Hoàng Đình Ái đi tiên phong, Bùi Văn Khuê chỉ huy 200 chiến thuyền cùng tiến ra Thanh Liêm - Sơn Nam, nơi 5 vạn quân của Mạc Mậu Hợp đang tập kết. Trịnh Tùng đóng tổng hành dinh ở núi Kẽm Trống, xã Nham Kênh, Thanh Liêm. Sau khi quan sát trận địa, Trịnh Tùng ra lệnh.

-Tướng Bùi Văn Khuê và tướng Hoàng Đình Ái.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng ban đêm dùng thuyền bí mật chở 2 vạn quân đánh tập hậu quân Mạc, ta sẽ đánh mặt trước, quân Mạc chắc đại bại.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Đêm đó Trịnh Tùng dẫn 5 vạn quân đánh quân Mạc. Mạc Mậu Hợp đem 5 vạn quân ra chống cự. Quân Nam Triều và quân Mạc lao vào nhau hỗn chiến. Thốt nhiên trận địa quân Mạc rối loạn vì bị Bùi Văn Khuê và Hoàng Đình Ái từ cửa sông đổ bộ đánh tập hậu. Quân Mạc tan vỡ, thây đổ máu phun. Tiếng chiêng trống, tiếng la hét, tiếng ngựa kêu trong trận giáp lá cà đẫm máu. 3 vạn quân Mạc bị giết. Các tướng liều chết mở đường máu cho Mạc Mậu Hợp chạy thoát. Tướng Trần Bách Niên nhà Mạc đầu hàng. Quân Nam Triều giải phóng một vùng rộng lớn từ Ninh Bình, Sơn Nam, Thái Bình. Đến đâu Trịnh Tùng cũng phủ dụ bách tính an cư lạc nghiệp, thi hành 3 điều quân luật gắt gao nên quân sĩ không dám đụng đến lê dân. Thiên hạ vui mừng cảm ơn đức và theo về vô kể.

  Tháng 12 năm 1592 trịnh Tùng kéo đại quân lên Sơn Tây. Mạc Ngọc Liễn đem 3 vạn quân dàn trận ngăn chặn quân Trịnh Tùng ở cửa sông Hát. Trịnh Tùng trên voi trỏ gươm thét:

-Xông lên giết.

  Quân Nam Triều như bão táp xông lên. 1 vạn quân Mạc bị giết, còn lại tháo chạy. Mạc Ngọc Liễn chạy trốn lên Tam Đảo. Quân Nam Triều thừa thắng tiến vào đánh Đông Kinh. Đông Kinh hầu như không còn lực lượng phòng thủ, cổng thành phía Nam phút chốc mở toang. Quân Nam triều tràn vào làm chủ Đông Kinh. Mạc Mậu Hợp bỏ chạy về Kim Thành rồi về Dương Kinh. Quân Nam Triều tấn công truy kích đến Kim Thành, bắt được hoàng thái hậu, mẹ cả của Mạc Mậu Hợp. Khi quân Nam Triều áp tải về Đông Kinh, thái hậu đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn. Trong khi đó, quân Nam Triều tiếp tục truy kích tiêu diệt tàn quân Mạc. Tại Hải Dương, Trịnh Tùng đánh bại Mạc Kính Chi ở Thạch Hà, thu phục các huyện và Dương Kinh. Phạm Văn Khoái thu phục các huyện Kinh Bắc. Mạc Mậu Hợp đưa con là Mạc Toàn lên ngôi, xưng là Vũ An Đế, tự mình làm tướng, đốc thúc quân ra trận nhưng quân sĩ hầu hết lũ lượt ra hàng. Mạc Mậu Hợp chạy trốn. Khi đó tổng hành dinh của Trịnh Tùng ở Ninh Giang, Hải Dương. Có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, có một người dân muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

  Người dân bận quần áo nâu, quấn khăn nâu, vào quỳ hành lễ:

-Dạ, bẩm Đô tướng Tiết chế, thảo dân biết chỗ trốn của Mạc Mậu Hợp ạ.

-Ở đâu?

-Dạ, Mạc Mậu Hợp giả làm nhà sư đang trốn ở chùa Mô Khuê, Phượng Nhãn, Bắc Giang ạ.

-Ngươi có thể dẫn đường không?

-Dạ được ạ.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi Trà Quận Công Nguyễn Đình Luân và Liêm Quận Công Lưu Chản đến đây.

-Dạ.

 Hai tướng bước vào:

-Dạ, Đô tướng Tiết chế cho gọi.

-Hai tướng quân đi theo người này dẫn đường bắt Mạc Mậu Hợp. Cầm 20 lạng bạc này bắt được thì thưởng cho anh ta, không bắt được thì chém.

-Dạ mạt tướng tuân lệnh.

   Ngày 6 Tết âm lịch 1592, Mạc Mậu Hợp bị bắt, bị trói đưa về hành dinh. Trịnh Tùng ra lệnh:

-Quỳ xuống hành lễ.

  Bọn mưu sĩ của Trịnh Tùng bàn vào:

-Dạ, bẩm Đô tướng Tiết chế, nên đem Mạc Mậu Hợp tùng xẻo, sau đó cắt đầu đem về Vạn Lại-An Trường cho vua Lê Thế Tông tế Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, thái hậu Trịnh Thị Loan bị tổ tiên ông ta giết.

  Trịnh Tùng nói:

-Ta còn bận chinh chiến đánh tàn quân nhà Mạc, các ngươi cứ như vậy mà làm đi.

-Dạ, tuân lệnh Đô tướng Tiết chế.

   Mạc Mậu Hợp bị đem treo sống, ba ngày sau mới đem chém ở Bồ Đề, thủ cấp đem về dâng vua Lê Thế Tông ở Vạn Lại-An Trường dâng tế linh hồn vua Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, thái hậu Trịnh Thị Loan.

CHƯƠNG III.          HOÀNG HÔN CỦA BẮC TRIỀU

                                                 I.

   Trong cơn tàn cuộc, nội bộ nhà Mạc không thống nhất lại được, mạnh ai nấy làm. Mạc Đôn Nhượng lập Mạc Kính Chỉ, con của Mạc Kính Điển lên ngôi, trong khi đó Mạc Ngọc Liễn lại lập một người con khác của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung. Vũ An Đế Mạc Toàn thế cô phải chạy theo Mạc Đôn Nhượng và Mạc Kính Chỉ. Mạc Toàn vì thế chỉ lấy tước hiệu là Vũ An Vương. Khắp miền Bắc và miền Đông hàng vạn quân Mạc tiếp tục ra đầu hàng quân Nam Triều. Mùa xuân 1593, Mạc Kính Chỉ tập hợp được 6 vạn quân, lên ngôi ở xã Nam Giản, huyện Chí Linh, Hải Dương, lấy niên hiệu là Bảo Định. Trịnh Tùng sai Nguyễn Thất Lý, Bùi Văn Khuê và Ngô Đình Nga tiến đánh Mạc Kính Chỉ. Các tướng Nam Triều thua trận, Nguyễn Thất Lý tử trận, Ngô Đình Nga trọng thương. Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái đem 7 vạn quân đánh dẹp. Quân Ái tới Cẩm Giàng. Mạc Kính Chỉ dốc hết quân ra giữ Thanh Lâm, lấy dãy núi Hầm Giang làm chỗ dựa, đắp thêm hào lũy dọc ven sông. Chiến sự giằng co nhau lâu ngày không phân thắng bại, hai bên tướng sĩ không lúc nào được cởi áo giáp.Trịnh Tùng thấy vậy tự dẫn quân qua sông Nhị, đi gấp đến Cẩm Giàng. Trịnh Tùng ra lênh:

-Tướng quân Hoàng Đình Ái nghe lệnh:

-Dạ

-Tướng quân đem quân đánh vào hạ lưu sông Thanh Lâm.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Hữu Liêu.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem quân bao vây chặn cửa rút lui của quân Mạc.

-Mạt tướng tuân lệnh.

         -Ta sẽ đánh từ thượng lưu sông ép lại phối hợp với tướng quân Hoàng Đình Ái.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 37)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn