Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)

PGS TS Cao Văn Liên

28/02/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 40.

Lại nói Trịnh Tráng được một do thám là gia nhân của nhà Bùi Văn Khuê nghe được kế hoạch phản loạn của ba tướng, biết lực lượng không đủ phòng vệ Đông Kinh, thứ hai nếu Đông Kinh thất thủ thì vua Lê Kính Tông, hoàng tộc và tôn thất nhà Trịnh sẽ vô cùng nguy hiểm. Trịnh Tráng bí mật cho rút lui bằng đường thủy về Tây Đô Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa, Trịnh Tráng cho tùy tướng chạy ngựa báo tin gấp cho Trịnh Tùng đang tác chiến ở Tuyên Quang. Trịnh Tùng nhanh chóng kéo quân về. Tây Đô cuối cùng lại thành nơi tụ hội của triều Lê Trung Hưng và phủ chúa Trịnh. Trịnh Tùng cho do thám hoạt động dày dặc ở Đông Kinh và trấn Sơn Nam để nắm tình hình, xác định thời cơ phản công chiếm Đông Kinh, tiêu diệt nhà Mạc.

                            

chua-trinh-1645972422.jpg
Tranh minh họa: Phủ Chúa Trịnh tại Đông Kinh (Thăng Long). Nguồn: Internet.

                                  

Vào một ngày cuối mùa hạ năm 1600, Trịnh Tùng đang ngồi trong hành dinh ở Tây Đô thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Bình An Vương, nội bộ quân Mạc ở trấn Sơn Nam có biến.

-Biến gì, nói nhanh.

-Dạ, là do tổng trấn Sơn Nam là Bùi Văn Khuê, Tư mã là Phan Ngạn.  Tư mã Phan Ngạn say mê sắc đẹp của Bùi phu nhân là Nguyễn Thị Niên, đã dụ Bùi Văn Khuê ra sông Hoàng Long Ninh Bình giết chết để nhằm chiếm đoạt Bùi Phu Nhân.

Chợt lại có thám mã về báo tiếp:

-Dạ bẩm Bình An Vương, Bùi Phu nhân Nguyễn Thị Niên để trả thù cho chồng đã dụ Tư mã Phan Ngạn ra sông Hoàng Long. Phan Ngạn một mình xuống thuyền và đã bị thị nữ của Bùi Phu nhân giết chết rồi ạ.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Bình An Vương, có hai người, một là thanh niên, một là thiếu niên tay cầm phong thư nói là con của Bùi Văn Khuê và Nguyễn Thị Niên xin vào gặp.

-Cho vào.

Một thanh niên, một thiếu niên khôi ngô tuấn tú bước vào quỳ và nói:

-Dạ bẩm chúa công, hai tiểu nhân là con của Bùi Văn Khuê, thân mẫu là Bùi phu nhân, tiểu nhân là trưởng nam, tên là Bùi Văn Nguyên đã từng gặp chúa công ở Vạn Lại- An Trường. Phụ thân của tiểu nhân đã bị Phan Ngạn giết hại, thân mẫu đã sai người giết chết Phan Ngạn để báo thù. Nhưng…

-Nhưng sao?

-Thân mẫu sau đó viết bức thư này, bảo tiểu nhân về với chúa công, còn thân mẫu đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn rồi ạ.

-Thư đâu?

-Dạ.

Bùi Văn Nguyên dâng thư. Trịnh Tùng mở thư đọc. Thư viết : “Thần tiếp cúi đầu kính chào Bình An Vương. 16 năm nay việc gia đình của thiếp quá nhiều đau thương do binh lửa, do dục vọng con người. Thần thiếp không muốn sống nữa. Nay hai con trẻ của thiếp bơ vơ, Nhà Mạc cũng đã tàn lụi. Chỉ mong chúa công rộng lượng thu nhận hai con thiếp. Dưới suối vàng thần thiếp sẽ phù hộ cho chúa công. Tuyệt thư huyết lệ-Bùi phu nhân kính thư.”

Trịnh Tùng đọc xong thư và nói:

-Thân phụ các ngươi đã có công đem thủy binh về cho ta, nhờ đó ta nhanh chóng lật đổ nhà Mạc. Sao không ở cùng ta hưởng vinh hoa phú quý, lại phản loạn để tan nát cả một gia đình. Đáng thương, đáng thương thay! Ta thu nhận hai ngươi vào quân đội.

-Đa tạ chúa công.

-Bay đâu.

-Đưa hai thanh, thiếu niên này về đội thủy binh, huấn luyện và chăm sóc chu đáo, sai sót ta trị tội.

-Dạ.

Bùi Văn Nguyên dẫn em đi rồi. Trịnh Tùng nói:

-Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn là hai trụ cột của nhà Mạc, nay đã tự giết lẫn nhau. Nhà Mạc coi như không còn ai nữa. Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi thế tử Trịnh Tráng đến đây.

-Dạ.

Trịnh Tráng bước vào hành lễ. Trịnh Tùng nói:

-Con hãy đem 100 chiến thuyền, thủy binh 3 vạn đi theo sông Ninh Giang ra sông Hát, tiến vào Nhị Hà tấn công Đông Kinh.

-Dạ, con tuân lệnh.

-Còn ta sẽ chỉ huy bộ binh tiến ra Sơn Nam tiêu diệt đạo quân của Quận Vân.

Ngày hôm sau Trịnh Tùng dẫn quân ra Sơn Nam, gặp quân Mạc ở cửa sông Giang, quân Lê Trịnh không dàn trận cứ xông lên chém giết. Quân Mạc tuy đông nhưng là nhiều thanh niên nông dân mới họp lại, chưa quen chiến trận, bị đánh thua tơi tả chạy về Gián Khẩu. Quân Lê Trịnh tràn qua Tam Điệp đánh Gián Khẩu. Quân Lê Trịnh phá chiến lũy, ào ạt xông lên chém giết. Vân Quận Công bỏ quân đội tháo chạy. Từ Gián Khẩu Sơn Nam, quân Lê Trịnh tiến về Đông Kinh mà không gặp một sự kháng cự nào của quân Mạc.

Trong khi đó đạo thủy binh của Trịnh Tráng từ Ninh Giang tiến ra sông Hát, tiến vào sông Nhị Hà phối hợp cùng bộ binh đánh Đông Kinh. Các cánh cửa kinh thành 4 phía nhanh chóng bị quân Lê- Trịnh mở toang, quân Mạc hoặc bị giết hoặc đầu hàng. Mạc Kính Cung nhờ các tùy tướng mở đường máu thoát vây chạy theo đường Thái Nguyên, Bắc Cạn lên Cao Bằng. Bùi thái hậu bị bắt và bị giết, Ngô Đình Nga bị bắt và bị Trịnh Tùng ra lệnh phanh thây. Em Phan Ngạn là Quận Quỳnh ra đầu hàng và được Trịnh Tùng tha chết.

Tháng 8 năm 1600 vua Lê Kính Tông và Triều đình cùng phủ chúa về lại Đông Kinh. Một sáng trong phủ chúa Trịnh Tùng đang ngồi uống trà, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Bình An Vương, tại Lãnh Giang Thanh Trì thuộc Đông Kinh, Phù Quốc Hầu nhà Mạc là Nguyễn Dụng chỉ huy 1 vạn quân đang tiến đánh Đông Kinh.

Trịnh Tùng nói:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Điểm 3 vạn quân ta tự thân chinh dẹp loạn.

-Dạ.

  Rồi Trịnh Tùng cưỡi voi che lọng tía, áo chiến bào tía, áo giáp tía, đội mũ đâu mâu màu tía, đi hài tía dẫn đại quân về Thanh Trì. Nguyễn Dụng dàn trận nghênh chiến. Trịnh Tùng dàn quân hình cánh cung chuẩn bị thế bao vây. Trên mình voi, Tùng trỏ kiếm hô:

-Xông lên giết.

  Hai bên lăn vào chém giết. Quân Trịnh Tùng đông, lại thiện chiến. Quân Dụng bị bao vây bị giết thây chồng chất, máu đẫm mặt đất. Nguyễn Dụng bị chặt đầu ngay tại trận, 7.000 quân bị giết, còn lại thì đầu hàng.  Đó là một ngày đầu tháng 1 năm 1601. Từ đó, trong phủ chúa qua các năm Trịnh Tùng liên tiếp nhận được tin báo thắng trận dẹp tàn dư nhà Mạc:

-Dạ bẩm Bình An Vương, Tướng Đinh Văn Tả đã tiêu diệt xong tàn quân Mạc, bình định được Hải Dương và Lạng Sơn.

  Vào năm 1609 thám mã báo:

-Dạ bẩm Bình An Vương, tướng Trịnh Đỗ cùng tướng Nguyễn Danh Thế đã đánh đuổi được Mạc Kính Cung khỏi Thái Nguyên.

  Năm 1618 thám mã báo:

-Dạ bẩm Bình An Vương, các tướng Trịnh Tráng, Trịnh Xuân, Nguyễn Cảnh Kiều, Nguyễn Văn Gia, Tạ Thế Thục, Nguyễn Khải Danh, Trịnh Lâm, Trịnh Bảng đã đánh bại Mạc Kính Khoan ở Thái Nguyên.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn