Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 8.

Cả bọn đưa vua Lê Chiêu Tông vào căn nhà gỗ lợp ngói nghỉ ngơi. Hôm sau thì bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng  đem quân tới, các võ quan Sơn Tây cũng đem quân về hộ giá. Thanh thế quân cần vương rất lớn.

Hôm sau 28 tháng 7, Mạc Đăng Dung đang ngồi trong phủ thì có Mạc Đăng Doanh và Mạc Quyết vào báo:

-Bẩm thân phụ, đêm qua vua Lê Chiêu Tông đã bỏ trốn lên Sơn Tây, đang tập hợp quân cần vương chống lại chúng ta.

chuydkt1-1643215415.jpg
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An. Nguồn: quehuongonline.vn

 

Mạc Đăng Dung giận dữ:

-Các ngươi canh phòng giám sát thế nào vậy? Mạc Quyết coi quân túc vệ, Mạc Đăng Doanh coi điện Kim Quang mà để Lê Chiêu Tông trốn thoát. Mưu đồ bá vương mà làm ăn vậy sao?

Mạc Quyết nói:

-Dạ, đệ xin chịu hình phạt vì vua lẩn trốn trong xe chở thực phẩm. Thực không ngờ…

Mạc Đăng Dung nói:

-Gọi Hoàng Duy Nhạc đến đây.

Hoàng Duy Nhạc bước vào:

-Dạ, chúa công cho gọi mạt tướng?

Mạc Đăng Dung ra lệnh:

-Nay vua Lê Chiêu Tông bỏ chạy lên Sơn Tây tụ hội quân cần vương chống lại ta. Tướng quân đem 4 vạn quân lên đánh và bắt vua trở về.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Rồi Hoàng Duy Nhạc kéo quân về Sơn Tây. Đi đến Thạch Thất, trước mặt là con đường nhỏ đầy cây cối như rừng. Tùy tướng của Hoàng Duy Nhạc nói:

-Đường nhỏ, cây cối rậm rạp, tướng quân đề phòng có mai phục.

Hoàng Duy Nhạc cười ha hả:

-Lê Chiêu Tông phải trốn trong xe thực phẩm để chạy, còn đâu khí thế mà mai với phục.

Nhạc cứ thúc quân đi, khi lọt hết vào khu hiểm địa thì nghe thanh là chiêng trống vang dội. Những trận tên như mưa bão từ hai bên cây rậm tuôn ra. Hàng vạn quân Mạc trúng tên gục chết, máu phun như nước. Sau những trận mưa tên là quân mai phục do Nguyễn Kính, Nguyễn Áng chỉ huy xông ra chém giết. Hoàng Duy Nhạc bị giết tại trận. Tàn quân Mạc còn lại tháo chạy về Đông Kinh.

Sau trận thắng này, thế lực quân cần vương bao trùm các khu vực phía Tây, phía Nam, phía Bắc kinh thành. Mạc Đăng Dung chỉ còn thế lực ở Đông Kinh và khu vực phía Đông. Trong một lần họp phe cánh bàn cách đối phó, Thái sư Lường quốc công Lê Phụ nói:

-Để đối phó với Lê Chiêu Tông và quân Cần Vương, chúng ta phải có danh chính thì ngôn mới thuận, ta phải có vua, phải lập Lê Xuân là em Lê Chiêu Tông lên làm hoàng đế, phế bỏ Lê Chiêu Tông, có như vậy Lê Chiêu Tông mới không còn danh chính ngôn thuận mà huy động quân cần vương. Quân cần vương tự khắc tan rã.

Mạc Đăng Dung vui mừng nói:

-Hay lắm, Thái sư nói chính hợp ý ta.

Hôm sau, Mạc Đăng Dung cho triệu Lê Xuân đến và nói:

-Lê Chiêu Tông tự ý bỏ kinh thành mà đi, nhà vua trở thành phản loạn. Để cho thiên hạ yên bình, nước một ngày không thể không có vua, thần khẩn xin điện hạ lên ngôi hoàng đế.

Rồi Mạc Đăng Dung ra lệnh Lê Xuân mặc áo long bào, đội vương miện, đi hài vàng, sai nội giám dắt tay Xuân lên ngai vàng ở điện Càn Nguyên. Các đại thần vội phủ phục tung hô:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Lê Xuân ngỡ ngàng lóng ngóng. Nội quan đứng cạnh nhắc:

-Hoàng thượng đáp lại đi.

Lê Xuân nói:

-Miễn Lễ, các khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

Mạc Đăng Dung nói:

-Hoàng thượng đăng cơ, đế hiệu là Lê Cung Hoàng đế, niên hiệu Thống Nguyên năm thứ nhất.

Các quan lại hành lễ:

-Chúc mừng hoàng thượng.

Mạc Đăng Dung nói tiếp:

-Một nước không thể có hai vua. Lê Chiêu Tông tự bỏ ngai vàng mà đi, phụ tông miếu xã tắc, phụ chúng ta là tôi trung, thành vua phản loạn. Nay phế truất Lê Chiêu Tông, dáng xuống thành Đà Giang Vương.

Mạc Đăng Doanh nói:

-Bẩm Nhân Quốc Công, nay thế lực của quân cần vương đang mạnh, xin phụ thân đem hoàng thượng về Hải Dương, gây dựng lực lượng mạnh để phản công chống lại.

Lê Phụ nói:

-Mạc Tướng quân nói phải lắm, mong Nhân Quốc Công chấp thuận.

Dung nghe lời, đem vua Lê Cung Hoàng về Hồng Thị, Hải Dương.

Vua Lê Chiêu Tông đem quân về thu phục lại Đông Kinh, dọc đường xa giá dừng lại ở xã Mang Sơn, Sơn Tây. Quan Lại Khoa cấp sự trung Nguyễn Khắc Tuy đem tùy tùng đến đón. Người nhà Tuy can:

-Trước hoàng thượng mới đến Sơn Tây rất khó khăn, có mời đại nhân đến hộ giá, đại nhân không đến, nay lại đến, e không tiện, có khi còn bị hại.

-Trước ta không đến là có lý do riêng. Nay hoàng thượng đang chiêu mộ quân cần vương để đánh Mạc Đăng Dung, lẽ đâu lại giết đại thần thì ai còn đến phò giúp nữa.

Rồi không nghe lời can, cứ đến Mang Sơn yết kiến Lê Chiêu Tông. Lê Chiêu Tông quát:

-Trước kia ta chạy trốn khổi Đông Kinh, tình cảnh rất khó khăn, ta gọi ngươi sao không đến, muốn làm phản chăng? Võ sĩ đâu?

-Dạ, lôi Tuy ra ngoài chém.

Nguyễn Khắc Tuy bị hai võ sĩ lôi đi, vừa đi vừa la hét:

-Hoàng thượng giết đại thần còn ai “cần vương” nữa?

Các đại thần đều thở dài lắc đầu nói:

-Hoàng thượng vẫn sai lầm như xưa, xưa nghe lời dèm pha giết trung thần Trần Chân mới đến cơ sự như ngày nay. Nay đang lúc khó khăn chống quyền thần Mạc Đăng Dung lại giết đại thần vô cớ. Lũ chúng ta chắc chết không có đất mà chôn.

Nghe tin Lê Chiêu Tông về Đông Kinh, Mạc Đăng Dung sai Mạc Đăng Doanh, Phạm Tử Nghi, Dương Chấp Nhất đem 4 vạn quân đi theo Lục Đầu Giang vào sông Thiên Đức, vào sông Nhị Hà, đổ bộ tấn công vào bến Đông Hà. Vua Lê Chiêu Tông sai các tướng Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoàn, Nguyễn Định, Đàm Khắc Nhượng đem 3 vạn quân ra chặn quân Mạc. Hai bên dàn trận, quân hai bên trong chiến phục màu nâu, áo giáp sắt, mũ nhọn sắt, cờ màu vàng, chỉ khác quân Mạc trên cờ ghi chữ “Mạc” màu đen, quân của Lê Chiêu Tông ghi chữ “Lê”, đại đao, gươm, giáo, họa kích tua tủa, cung tên đeo đầy lưng. Tiếng trống trận vang khắp thành phía Bắc và vang dội khắp kinh thành. Lại Thúc Mậu trông thấy Mạc Đăng Doanh liền quát:

-Bọn quyền thần phản loạn sao không xuống ngựa chịu trói.

Mạc Đăng Doanh thét lớn:

-Ai ra bắt thằng giặc này cho ta.

-Có ta.

Từ trong hàng trận quân Mạc, một tướng cao lớn cưỡi ngựa màu nâu múa đại đao xông ra, mọi người nhìn thì ra đó là tướng Phạm Tử Nghi. Bên quân Lê tướng Nguyễn Định múa giáo xông ra. Hai tướng người ngựa xáp nhau, đại đao chạm giáo tóe lửa. Đánh nhau chừng 20 hiệp, Phạm Tử Nghi đưa một nhát đại đao qua cổ, đầu Nguyễn Định đẫm máu rơi xuống đất, ngựa rống lên kéo lê thân Nguyễn Định chạy về hàng quân Lê. Quân Mạc xông lên chém giết quân Lê, một trận kịch chiến khốc liệt, thây người gục đổ, máu phun đỏ đất. Quân Lê núng thế rút lui vào hoàng thành. Cùng lúc đó quân Mạc do Mạc Đăng Dung chỉ huy tấn công từ phường Phúc Cổ vào hành điện. Vua Lê Chiêu Tông đang thiết triều thì có nội quan vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, nguy cấp, Mạc Đăng Dung sắp đánh vào hành điện.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, quân ta giao chiến với quân Mạc ở Đông Hà thất bại và đang rút chạy.

Triều đình hỗn loạn. Bọn Lại Thế Vinh đem xa giá Lê Chiêu Tông ra Nhân Mục rồi chạy về chùa Thiền Quang, xã Thuận Mỗ, huyện Từ Liêm. Đúng lúc nguy kịch, Trịnh Tuy đã lấy quân Tam phủ Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn, cho thuộc tướng là Nguyễn Bá Kỷ đem 1 vạn quân ra Bắc cứu vua. Nhưng nội thần Phạm Biên xui vua Lê Chiêu Tông:

-Trịnh Tuy là người của Trần Chân đã bị hoàng thượng giết, hoàng thượng đã nhiều lần gọi không ra, nay mới cho Nguyễn Bá Kỷ ra, chắc là có ý phản loạn?

Lê Chiêu Tông vốn là người đa nghi, bất chấp đang lúc nguy nan, bố trí võ sĩ mai phục chém chết Nguyễn Bá Kỷ. Trịnh Tuy tức giận cùng Trịnh Duy Thần đem quân ra Bắc, bất ngờ đánh và bắt Lê Chiêu Tông về Thanh Hóa. Quốc Tử giám Tư Nghiệp Lê Hữu Trương chết trong khi bảo vệ vua. Về Tây Đô, Trịnh Tuy nói với Lê Chiêu Tông:

-Quân cần vương chỉ làm rối loạn thiên hạ. Hoàng thượng xuống chiếu giải tán đi, mọi người lại về cai trị ở địa phương của mình.

Lê Chiêu Tông nói:

-Nhưng còn việc diệt trừ quyền thần phản tặc Mạc Đăng Dung?

Trịnh Tuy nói:

-Diệt trừ Mạc Đăng Dung đã có thần.

Lê Chiêu Tông buộc phải xuống chiếu giải tán quân cần vương. Do đó lực lượng chống Mạc ở ngoài Bắc tan rã. Thám mã về báo, Mạc Đăng Dung cười ha hả:

-Đúng là một tên vua ngu ngốc, trong lúc nguy khốn, Nguyễn Bá Kỷ đem 1 vạn quân ra giúp lại nghe lời dèm pha giết đi, nay lại giải tán quân cần vương, ta không đánh mà một lực lượng hùng mạnh chống đối ta phải tan. Đó là Lê Chiêu Tông tự hại mình và giúp cho ta. Trời cho ta thành công chuyến này. Ha!ha!ha!

Chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, có hai tướng của Trần Chân xưa là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng muốn về hàng chúa công. Mong chúa công định đoạt.

Mạc Đăng Dung mừng rỡ nói với Mạc Đăng Doanh:

-Trong số các tướng của Trần Chân và sau này theo Lê Chiêu Tông, chỉ có Nguyễn Kính và Nguyễn Áng là hai tướng giỏi nhất, lực lượng mạnh nhất, nay về với ta thì còn gì bằng. Được hai người này thì thiên hạ trong tầm tay. Cho hai tướng vào.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

(Còn nữa)

CVL