Kỳ 23.
Vài hôm sau, Nguyễn Phúc Thuần đang thiết triều thì thám mã về báo:
-Dạ bẩm Định Vương, quân Trịnh do Hoàng Đình Thể chỉ huy đã chiếm được lũy Thầy ở Nhật Lệ vì các tướng của ta đã không chống cự, hạ vũ khí, mở cửa chiến lũy đầu hàng.
Cả triều đình hoảng loạn. Có tiếng nói:
-Mất lũy Thầy, quân Trịnh sắp tiến vào Phú Xuân rồi…
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Định Vương, Lưu Đồn đã thất thủ, Thông suất Tống Hữu Trương đã bỏ chạy.
Lại có thám mã báo:
-Dạ bẩm Định Vương, Hoàng Ngũ Phúc đã đến Hồ Xá, nói nếu bắt Quốc phó Trương Phúc Loan đem nộp sẽ ngừng tấn công Phú Xuân.
Trương Phúc Loan tức giận đập bàn gầm thét:
-Bọn giặc Trịnh thật vô lễ, ai dám bắt ta?
Nguyễn Cửu Dật đứng dậy nói:
-Vì sự tồn vong của nước nhà, ta dám bắt ngài. Bay đâu.
-Dạ.
Sau những tiếng dạ ran, 100 võ sĩ xông vào. Nguyễn Cửu Dật quát:
-Bắt trói tên quyền thần tàn hại nước nhà này cho ta.
-Tuân lệnh.
Bị bất ngờ, Trương Phúc Loan không chuẩn bị, không đem theo võ sĩ bị bắt và bị trói. Nguyễn Cửu Dật thét:
-Đem nhốt vào xe tù, cử 1000 lính giải tên này đem ra Hồ Xá nộp cho Hoàng Ngũ Phúc để cứu nước nhà.
-Dạ, tuân lệnh.
Hôm sau thiết triều, thám mã lại về báo:
-Dạ bẩm Định Vương, Trương Phúc Loan đã bị Hoàng Ngũ Phúc giết rồi nhưng Hoàng Ngũ Phúc vẫn tiến về Phú Xuân, nói là vào để dẹp giặc Tây Sơn.
Nguyễn Phúc Thuần nói:
-Không rõ Hoàng Ngũ Phúc muốn gì nữa đây?
Tôn Thất Nghiêm nói:
-Bẩm Định Vương, bây giờ thì đã quá rõ ràng quân Trịnh muốn lấy toàn bộ Đàng Trong, một giấc mộng mà 200 năm trước cha ông họ không thực hiện được. Thần còn được biết, chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm còn cầm vài vạn quân vào Nghệ An để tăng thanh thế cho Hoàng Ngũ Phúc Nam tiến.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ bẩm Định Vương, quân ta ở Hồ Xá do Tôn Thất Chí và Nguyễn Văn Chính chỉ huy đã bị Hoàng Ngũ Phúc đánh bại, quân Trịnh đang tiến rất nhanh về Phú Xuân. Tình hình nước nhà rất nguy cấp .
Lại có thám mã báo:
-Dạ, bẩm Định Vương, Quân Trịnh do Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác chỉ huy đã qua thác Trầm Ma đánh tan quân ta và đến rất gần Phú Xuân ạ.
Tôn Thất Nghiêm nói:
-Vận nước nguy cấp, xin Chúa công và hoàng gia hãy tạm lánh về Quảng Nam rồi tính sau.
Nguyễn Phúc Thuần nói:
-Nhưng Quảng Nam đã bị quân Tây Sơn chiếm rồi?
Nguyễn Cửu Dật nói:
-Chúa công yên tâm, thần đã đánh buộc Nguyễn Nhạc bỏ phủ thành Quảng Nam chạy về miền núi rồi.
Nguyễn Phúc Thuần thở dài:
-Thôi đành vậy thôi, nhờ hai ái khanh thu xếp và hộ giá.
Triều đình Phú Xuân khi đó như ong vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy, chủ yếu là chạy theo chúa Nguyễn vào Quảng Nam. Chúa Nguyễn Phúc Thuần đem theo gia thất vào Quảng Nam, trong đó có Nguyễn Phúc Ánh mới 13 tuổi là con Nguyễn Phúc Luân, anh trai Nguyễn Phúc Thuần đã bị Trương Phúc Loan giết. Vậy là đầu năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc dẫn quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Lần đầu tiên quân Trịnh làm chủ toàn bộ Thuận Hóa. Cuộc chiến giữa Trịnh-Nguyễn và Tây Sơn bắt đầu.
Chúa Nguyễn Phúc thuần ở dinh phủ Quảng Nam, ăn sáng xong đang ngồi uống trà thì có thám mã về báo:
-Da, bẩm Định Vương, Tây Sơn Nguyễn Nhạc đã chia quân thủy bộ ra đánh Quảng Nam.
Nguyễn Phúc Thuần hốt hoảng:
-Phía Bắc có quân Trịnh, phía Nam có quân Tây Sơn, ta biết chạy đi đâu bây giờ?
Tôn Thất Nghiêm nói:
-Bẩm chúa công, chỉ còn một con đường duy nhất là đi thuyền vượt biển vào Gia Định.
Nguyễn Phúc Thuần thở dài:
-Cũng chỉ còn con đường đó thôi. Khanh đi chuẩn bị thuyền đi.
-Thần tuân lệnh.
Nguyễn Cửu Dật hộ giá. Tôn Thất Nghiêm đi tìm được một chiếc thuyền đánh cá rồi về nói với Nguyễn Phúc Thuần:
-Dạ bẩm chúa công, thần kiếm được một thuyền đánh cá nên xin Chúa công và hoàng gia thay đổi trang phục thường dân kéo thủy quân Tây Sơn bắt gặp sẽ bị lộ. Nguyễn Phúc Thuần lại thở dài nói:
-Cũng đành vậy thôi.
Rồi chúa tôi thay đồ lụa là gấm vóc bằng quần áo nâu, chít khăn nâu. Đêm chúa tôi lật đật vất vã đi ra biển xuống thuyền. Đi theo chúa là gia thất và vài người tướng như Tôn Thất Nghiêm, Tống Hữu Trương, Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính. Người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Phúc Ánh, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần là chú. Nguyễn Cửu Dật ở lại với tàn quân Nguyễn cùng Nguyễn Phúc Dương, em ruột Nguyễn Phúc Thuần. Đêm tối mịt mù, sóng biển mênh mông, đen kịt gào khóc cho thân phận chúa tôi long đong vất vả trong thời kỳ loạn ly.
Tháng 4 năm 1775, Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc nhận được lệnh của Trịnh Sâm tiếp tục đánh chiếm Quảng Nam, diệt Tây Sơn. Hoàng Ngũ Phúc cho 4 vạn quân vượt đèo Hải Vân. Quân Trịnh đi trên những ngọn đèo sừng sững quanh co đúng là “hùng sơn quan ải”. Chân đèo dài 40 dặm vách dựng đứng, cao 125 trượng, sóng vỗ tung bọt trắng xóa. Phía Tây là những dãy núi cao hùng vĩ, những ngọn tháp đá chạm trời, với tay có thể chạm được mây trắng đang bay nhởn nhơ. Bốn phương là biển trời xanh biếc mênh mông bát ngát. Quân Trịnh và Hoàng Ngũ Phúc lần đầu đặt chân tới nơi núi non biển cả hùng vĩ như vậy. Hoàng Ngũ Phúc với con mắt của một tướng lĩnh già đời chinh chiến, tự hỏi sao chúa Nguyễn không xây thêm ở đây một lũy Thầy. Nơi đây 1 vạn quân chấn giữ thì 1 triệu quân không qua nổi. Tại chân đèo Hải Vân, quân tiên phong Trịnh đã chạm trán với quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn thế yếu rút về Quảng Nam. Hoàng Ngũ Phúc chia quân làm hai đạo cùng tiến.
Đang tháng tư, mùa hè ở cuối Quảng Nam đầu Quảng Ngãi nắng như đổ lửa. Quân Trịnh đã tiến vào vùng Cẩm Sa, Hòa Vinh, Quảng Nam. Trời trong veo, không một gợn gió, cây cối đứng im dưới nắng không một chút xao động. Xóm làng ấp thôn chìm trong nắng mênh mông. Nhưng sôi động hơn là 3 vạn quân Trịnh đang hành quân làm chấn động, không khí nơi đây càng thêm nóng bỏng. Hoàng Ngũ Phúc sai Thế Trung Hầu Hoàng Đình Thể, Đinh Vũ Hầu Nguyễn Đình Đống đem 1 vạn quân đi tiên phong, Hoàng Ngũ Phúc, Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễn và Xán Trung Hầu Bùi Bá Cầu đi trung quân, theo sau là 2 vạn quân đi hậu quân. Bước của voi, vó của kỵ binh cùng bước chân của bộ binh khua cát bụi mù mịt. Cờ vàng bay phấp phới tiến vào Cẩm Sa.
Phía Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đem 2 vạn quân, 50 thớt voi. Lý Tài dẫn 1 vạn quân đi tiên phong. Nguyễn Nhạc dẫn 1 vạn quân đi trung quân, Nguyễn Lữ đi hậu quân. Cờ đỏ rợp trời, khăn đỏ trên đầu 2 vạn quân làm cho bầu trời Cẩm Sa toàn màu đỏ. Quân tiên phong của quân Trịnh và Tây Sơn gặp nhau. Hai bên ném tạc đạn, hàng vạn khẩu hỏa mai khạc lửa. Phút chốc cả vùng Cẩm Sa ngập trong khói lửa. Trong khỏi lửa mịt mù, quân hai bên lao vào nhau chém giết. Quân Tây Sơn khí thế rất hăng, chém giết dữ dội, tiếng reo hò vang trời, trống lớn thúc vang rung chuyển không gian trời đất, thây gục đổ chồng chất, máu tuôn như suối. Đang khi đó Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ cho 2000 kỵ binh nhanh chóng xông vào phá thế trận Tây Sơn. Voi của Tây Sơn bị thương rống lên quay đầu chạy trở về. Quân Tây Sơn vỡ trận, Hoàng Ngũ Phúc tung 2 vạn quân phía sau xông lên chém giết. 1 vạn quân Tây Sơn bị tiêu diệt gần hết, máu chảy như mưa, thây đổ chồng chất. Lý Tài phải chạy về. 1 vạn quân Tây sơn phía sau không chống cự nổi làn sóng ào ạt của 3 vạn quân Trịnh đang xốc tới. Nguyễn Nhạc và các tướng phải rút lui. Quân Trịnh do Nguyễn Đình Đống chỉ huy truy kích đánh tan cả đạo quân mai phục của Nguyễn Lữ. Tại cửa biển Đại Chiêm, thủy binh Tây Sơn do Tập Đình chỉ huy đấu pháo dữ dội với thủy binh Trịnh, 5 thuyền chiến Tây Sơn bốc cháy, 100 thủy binh hy sinh, phía Trịnh cũng bốc cháy chìm 3 thuyền. Thuyền chiến thành những bó đuốc cháy trong tiếng gầm của đại bác và từ từ chìm xuống. Trong khi đó, thuyền chiến quân Trịnh thắng thế đang lao vào bao vây chiến thuyền Tây Sơn. Tập Đình phải dong buồm chạy về Trung Quốc, rời bỏ quân đội Tây Sơn. Trên bộ Nguyễn Nhạc đem quân chạy về Bàn Tân, Quảng Ngãi thế thủ.
(Còn nữa)
CVL