Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 4.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Việc nhỏ, việc nhỏ. Ta phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Phó Đề đốc, dưới trướng của Nguyễn Hữu Dật, cầm quân ra phòng thủ chiến lũy Trường Dục.

Nguyễn Hữu Tiến quỳ xuống:

-Xin đa tạ chúa công. Mạt tướng sẽ hết lòng vì chúa công.

chngphucnguyen-1646579106.jpg
Tranh minh họa chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Đàng Trong). Nguồn: VTV1.

 

Nguyễn Phúc Nguyên rất hài lòng gọi:

-Người đâu.

-Dạ, bẩm chúa công.

-Bày tiệc rượu để ta mừng cuộc hội ngộ với Đào Tiên Sinh, với Phó Đề đốc, mừng đã hoàn thành việc lớn, xây xong chiến lũy phòng thủ vững chắc, bảo vệ Đàng Trong.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Chợt có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chúa công, có sứ giả của vua Lê Thần Tông vào xin gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Một người mặc quan phục nội thần dáng điệu mệt mỏi bước vào:

-Dạ xin kính chào chúa công, mạt tướng được lệnh của An Đô Vương Trịnh Tráng và vua Lê Thần Tông chuyển sắc thư cho chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Đại nhân đặt sắc thư đây cho ta rồi về dịch quán ăn uống nghỉ ngơi, chờ ta hồi đáp.

-Đa tạ chúa công.

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem sứ giả về dịch quán cho ăn uống nghỉ ngơi chu đáo.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Rồi Nguyễn Phúc Nguyên bóc thư ra xem. Sắc thư viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đễ chiếu viết: Dòng họ Nguyễn Phúc, con cháu của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng xưa, dù ở Đàng Trong Thuận Hóa xa xôi nhưng vẫn là bề tôi của triều đình. Cớ sao lâu rồi không ra Thăng Long nghe phủ dụ, cũng không nộp thuế theo quy định có từ thời Đoan Quận Công. Nay sức cho Nguyễn Phúc Nguyên phải tự mình đem thuế ra nộp và nghe phủ dụ, nếu không đi được thì cho  trưởng nam đi để tỏ đạo bề tôi và thuận hiếu, đáp ứng lễ vua tôi. Khâm thử. Niên hiệu Vĩnh Tộ năm  thứ Tám”.

Bên dưới tờ sắc có đóng ấn của triều đình  Lê Trung Hưng.

Nguyễn Phúc Nguyên đọc xong đưa tờ sắc cho Đào Duy Từ và nói:

-Đây là ý muốn của Trịnh Tráng nhưng mượn ý chỉ của triều đình để buộc ta thần phục. Tiên sinh xem có cao kiến gì để đối phó với việc này.

Đào Duy Từ cầm sắc đọc xong liền nói:

-Đúng đây là ý của Trịnh Tráng nhưng mượn triều đình để áp chế chúa công. Ý chúa công thế nào?

-Còn thế nào nữa, Đàng Trong đã bỏ giao thiệp, bỏ nộp thuế từ thời còn Tiên Chúa Nguyễn Hoàng. Nhưng nếu nay ta không tuân theo, Trịnh Tráng sẽ tấn công ngay. Tiên sinh xem ta định liệu thế nào vừa không nhận sắc, vừa trì hoãn chiến tranh thêm một thời gian để ta chuẩn bị.

Đào Duy Từ nói:

-Vừa may chiến lũy bắc Linh Giang đã xây xong có thể đương đầu được với quân Trịnh. Xin chúa công yên tâm. Chúa công muốn xưng hùng xưng bá một phương thì nên cự tuyệt không ra nhưng cứ làm theo thế này thế này…

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Quả là diệu kế. Người đâu.

-Dạ, bẩm chúa công.

-Cho gọi Văn Khuông đến đây.

-Dạ.

Một lát sau Văn Khuông đến:

-Xin kính chào chúa công. Chúa công cho gọi mạt tướng.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Tướng quân chuẩn bị ngày mai đi sứ ra Thăng Long, cùng đi với sứ giả của vua Lê. Lễ vật đã có người của ta chuẩn bị. Tướng quân phải nhớ là đưa xong lễ vật nói là về dịch quán nghỉ ngơi nhưng phải lên đường về ngay. Rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng rõ ạ.

Văn Khuông đi rồi, Nguyễn Phúc Nguyên nói với Nguyễn Hữu Tiến:

-Phó Đề đốc Nguyễn Hữu Tiến nghe lệnh:

-Dạ, có mạt tướng.

-Ngày mai tướng quân đem hai vạn quân hộ tống chở đạn cho súng thần công, lương thực, vũ khí thêm cho chiến lũy Trường Dục, Trấn Ninh. Chiến lũy Trấn Ninh đã có tướng Nguyễn Hữu Dật, riêng tướng quân sẽ chỉ huy và bảo vệ chiến lũy Trường Dục đánh quân Trịnh khi quân Trịnh tấn công.

Nguyễn Hữu Tiến quỳ chắp tay:

-Đa tạ chúa công tin tưởng, mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Nào bây giờ mời Đào Tiên Sinh và tướng quân uống cùng ta vài ly rượu mừng cuộc hội ngộ và mừng chiến lũy Linh Giang đã xong. Từ nay ta đã có thể kê cao gối mà ngủ được rồi.

-Đa tạ chúa công.

                                                     II

Mùa hè năm 1627, ánh nắng chói chang rải xuống kinh thành Thăng Long, rải xuống hoàng thành và phía Đông của hoàng thành là phủ chúa Trịnh mọc lên từ sau năm 1623. Phủ chúa cũ thời Trịnh Tùng đã bị Trịnh Xuân đốt cháy rụi khi Xuân không được làm thế tử. Trịnh Tráng sau khi nối ngôi chúa đã xây dựng phủ mới thật nguy nga tráng lệ. Đây là một tòa thành xây bằng gạch hình chữ nhật mà chiều ngang kéo dài từ hồ Tây ra đến bến Tây Long khoảng 6 dặm, chiều dài từ bờ đê sông Hồng nơi có cung Tây Long kéo dài xuống giáp hồ Bảy Mẫu. Trong thành dưới bóng mát của nhiều cây cổ thụ xanh tươi là cung điện lầu son, gác tía, nơi ở và nơi làm việc của gia đình nhà chúa. Phía Tây của thành có cửa chính gọi là Diên Đức Môn thông ra con đường rộng lát đá đối diện với cửa của hoàng thành, nơi ở của triều đình vua Lê. Qua chính môn là cửa Cáp Môn là phủ Tiết chế, từ phủ Tiết chế đi vào Đại điện có sân điện rộng lớn. Chính giữa có thiên gác hai tầng bày nghi trượng, vũ khí, nghi vệ phô bày uy vũ của nhà chúa. Phía sau là nhà Trung Đường, Nghị Sự Đường, Tĩnh Đường. Nội cung còn có lầu Ngũ phượng, là nơi ở của các tuyên phi. Các hành lang nối các cung điện là những dãy nhà nhỏ dài uốn lượn lợp ngói lưu ly, có bao lơn vòng kiểu cách rất đẹp. Sau nội cung là thái miếu, dinh thự dành cho người nhà chúa có nhiều cửa mở thoáng đãng, các cửa đó đồ sộ, chạm trổ cầu kỳ, chất liệu bằng gỗ lim. Tất cả đều lộng lẫy xa hoa, sơn son thếp vàng. Trên đường đi trồng nhiều cây hoa lá, nhiều chòi tháp nhỏ, nhiều ao. Vườn ngự uyển sau cung có nhiều hồ lớn như hồ Tả Vọng (hồ Gươm) ở phía Nam, phía dưới là hồ Hữu Vọng (Đông phủ). Chung quanh phủ chúa và ven hồ có nhiều nguyệt đài như tả vọng đình trên hồ Tả Vọng. Quanh bờ hồ trồng nhiều cây cảnh kỳ lạ thu thập từ muôn phương về. Đường đi uốn lượn quanh co, có núi non bộ. Bên hồ có nhiều thạch kiều (cầu đá) với những rặng liễu xanh xõa tóc đung đưa theo gió. Trong vườn có nhiều chim thú kỳ lạ hót véo von. Nổi tiếng trong phủ chúa là hồ Long Trì. Phủ chúa là cảnh thần tiên nơi trần thế.

(Còn nữa)

CVL