Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ2)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 2.

Đào Duy Từ đáp:

-Bẩm chúa công, có thể nói thế và lực của quân Lê-Trịnh hiện nay rất mạnh, đặc biệt là sau khi tiêu diệt được nhà Mạc. Địa bàn lãnh thổ bao trùm toàn bộ miền Bắc, Bắc miền Trung Đại Việt, bao trùm cả miền núi và đồng bằng, Bắc miền Trung thì bao gồm từ Thanh Hóa đến Bố Chính, sức người, sức của rất to lớn. Hiện nay mỗi lần động viên, Trịnh có thể huy động được 30 vạn quan, thủy binh gồm 200 chiến thuyền, kỵ binh  khoảng 3 vạn, tượng binh khoảng 500 thớt voi, vũ khí đã được cải thiện đáng kể, ngoài giáo mác, cung tên còn thêm súng hỏa mai và cục ném cháy gọi là nổ tạc đạn (hỏa cầu). Đại bác đặt trên thành phòng thủ và còn đặt trên chiến thuyền. Đó là chỗ rất mạnh của quân đội Lê-Trịnh hiện nay. Còn Đàng Trong của chúa công, phía Bắc từ Nam sông Linh Giang (sông Gianh), phía Nam đến Quảng Nam.

chddtu-1646406162.jpg
Tranh minh họa: Đào Duy Từ - nhà quân sự tài giỏi, mưu lược của chúa Nguyễn Đàng Trong. Nguồn: Internet.

 

Các năm tiếp theo đời chúa Nguyễn Hoàng mở rộng đến Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Năm 1611, Tiên chúa Nguyễn Hoàng đã sai tướng Văn Phong đánh lấy được Phú Yên. Địa bàn như vậy không phải là nhỏ nhưng đó là một dải đất hẹp, khô cằn, nắng gió, phía Đông là biển, phía Tây bị dãy Trường Sơn chắn lối. Tuy nhiên, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã đã rèn luyện cho người dân miền Trung gốc xưa là dân Thanh- Nghệ vốn dày dạn kiên cường, có truyền thống đoàn kết gan dạ, bất khuất. Bây giờ chúa công mà động viên hết cả miền Trung cũng chỉ được 10 vạn quân mà thôi. Như vậy xét toàn diện tổng thể thế và lực Đàng Trong ta kém hơn Đàng ngoài nhiều lần.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sốt ruột:

-Vậy khi quân Trịnh dùng 20 vạn quân, thậm chí 30 vạn quân tấn công theo đường thủy và bộ, ta làm thế nào mong tiên sinh chỉ giáo?

 Đào Duy Từ ung dung uống một ly trà, ngã người tựa vào ghế tràng kỷ, mắt lim dim nhìn trần nhà nói:

-Hàn sĩ đã có cách nhưng không biết chúa công có chịu nghe hay không?

 Nguyễn Phúc Nguyên đáp:

-Tiên sinh nói gì lạ vậy, kế sách giữ nước, giữ cơ nghiệp của cha ông sao ta lại không nghe. Ta hiểu cái tội to lớn nhất của con cháu là làm mất đất nước của cha ông để lại. Mong tiên sinh chỉ giáo.

 Đào Duy Từ đáp:

-Quân Trịnh có thể mạnh với điều kiện tác chiến ở Đàng Ngoài nhưng khi đem quân vào Đàng Trong thì bộc lộ chỗ yếu cơ bản và khó khăn. Thứ nhất huy động 10 đến 20 vạn quân là phải bảo đảm lương thực, khí giới đạn dược. Xưa nay không ít những đội quân hàng trăm vạn mà tan vỡ vì thiếu ăn và đói khát. Cho nên khi tiến vào Đàng Trong, quân Trịnh chỉ có thể kết thúc chiến tranh nhanh chóng. Nếu chiến tranh kéo dài một vài tháng, dù có 20, 30 vạn quân Trịnh vẫn thua.

 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hỏi:

-Muốn quân Trịnh kéo dài chiến tranh thì quân ta phải rút lui chiến lược, sau đó phản công chiến lược. Nhưng tiên sinh biết rồi đấy, đất chúng ta dài và hẹp, rút lui chiến lược đi đâu thì bộ binh Trịnh, nhất là thủy binh sẽ truy kích và tiêu diệt?

 Đào Duy Từ đáp:

-Đúng như chúa công nói, điều kiện lãnh thổ dài và hẹp của ta không thể rút lui chiến lược được, chỉ còn cách ngăn chặn quân địch ngay từ Nam sông Linh Giang và ở phía Bắc sông Nhật Lệ.

Trần Đức Hoài hỏi:

-Quân Trịnh mạnh, ta làm sao ngăn chặn được, không khéo quân ta bị tiêu diệt hết.

-Nhạc phụ và chúa công hẳn biết từ Bắc đi vào Thuận Hóa phải qua sông Linh Giang và sau đó tới sông Nhật Lệ. Địa hình của nam sông Linh Giang và phía bắc sông Nhật Lệ rất hiểm trở, phía tây của sông Linh Giang đến Nhật Lệ là dãy Hoành Sơn hiểm trở, một bên là biển Đông. Từ Nam sông Linh Giang đến Nhật Lệ chỉ có một đồng bằng nhỏ hẹp. Mục đích của ta là ngăn không cho quân Trịnh theo con đường này vượt sông Nhật Lệ để vào Thuận Hóa. Nếu chúa công đồng ý, hàn sĩ sẽ cho xây dựng phòng tuyến chắn giữa hai đầu núi và biển tạo nên cái nút thắt cổ chai bịt lối ra vào. Trên chiến lũy đặt nhiều đại bác và các vũ khí khác. Quân địch khi vượt sông Linh Giang để vào sông Nhật Lệ buộc phải đi theo con đường nhỏ hẹp giữa hai phòng tuyến này. Hai phòng tuyến đó là hiểm địa, dội đại bác, chất cháy, tên , bắn đá xuống. Quân Trịnh chắc chắn bị hao binh tổn thất nặng nề và phải rút lui.

Nguyễn Phúc Nguyên vui mừng:

-         Vậy mà ta không nghĩ ra. Tiên sinh đúng là Gia Cát Lượng tái thế, trời phái đến để cứu Đàng Trong. Nhưng mà ai sẽ chỉ huy xây dựng chiến lũy cho đúng với yêu cầu của tiên sinh?

Đào Duy Từ đáp:

-Nếu chúa công không chê, hàn sĩ xin được chỉ huy xây dựng công trình quan trọng này. Chỉ mong chúa công cho thêm một tướng lĩnh tài năng để huy động quân nhân, huy động nguyên vật liệu.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Không biết cử ai được đây?

Trần Đức Hoài nói:

-Tôi nghe nói Nguyễn Hữu Dật là một trong những tướng giỏi của chúa công, có thể cùng với Đào tiên sinh đảm đang công việc này.

Nguyễn Phúc Nguyên nhớ ra:

-       À đúng rồi, tướng Nguyễn Hữu Dật vốn dòng dõi tướng Nguyễn Bặc, đại thần nhà Đinh và hậu duệ nhà cụ Nguyễn Trãi, khai quốc công thần Hậu Lê. Cha của Nguyễn Hữu Dật đã theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558 và lập được nhiều công lao. Còn Nguyễn Hữu Dật là một tướng tài đức, là tâm phúc của ta. Giao việc cho người này ta và Đào tiên sinh mới yên tâm.

Nguyễn Phúc Nguyên gọi:

-       Người đâu.

-       Dạ, bẩm chúa công.

-       Làm tiệc rượu để ta khoản đãi Trần đại nhân và Đào tiên sinh.

-       Dạ.

Đào Duy Từ nói:

-       Bẩm chúa công, còn nữa:

-       Còn gì nữa tiên sinh?

-       Bẩm chúa công quân sự chỉ là một phần của toàn bộ chính sách cai trị của triều đình, của nhà nước. Hàn sĩ sẽ giúp chúa công cải cách hành chính, cải cách bộ máy triều đình quan lại sao cho tinh gọn mà hiệu quả, tuân theo phép nước. Đó là cái gốc của sức mạnh quân sự. Hàn sĩ còn có thể giúp chúa công chấn chỉnh lại phong tục tập quán, phát triển thuần phong mỹ tục, phát triển văn hóa tinh thần.

Đào Duy Từ nói thêm:

-       Ngay bây giờ chúa công phải cho lập công binh xưởng chế tạo 100 khẩu thần công để đặt trên chiến lũy, chế tạo hàng trăm khẩu để đặt trên chiến thuyền, chế tạo tạc đạn (hỏa cầu) để ném vào địch, chế tạo súng hỏa mai cho từng binh sĩ bên cạnh gươm giáo cung tên. Mở công binh xưởng đóng nhiều loại chiến thuyền. Có những chiến thuyền đặt 3 đại bác, có những chiến thuyền lớn đặt 10 đại bác. Khi có chiến lũy, có nhiều vũ khí, đặc biệt là súng thần công thì lo gì quân Trịnh tấn công. Chúa công có thể kê cao gối mà ngủ.

-       Quân Trịnh cũng có đại bác thì ta làm sao?

-       Xin chúa công yên tâm. Đại bác nặng, bộ binh không thể đem theo được khi hành quân. Đại bác chỉ có thể đặt trên chiến thuyền hoặc trên mình voi nhưng điều đó không đáng kể.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-       Đa tạ tiên sinh, tiên sinh đã giải đi nỗi lo lắng trong lòng ta bấy lâu nay là làm thế nào để Đàng Trong hùng mạnh, trước hết là làm thế nào để phòng thủ đánh bại các cuộc tấn công của quân Trịnh. Bây giờ cũng đã đến giờ ăn cơm. Xin mời Trần đại nhân và Đào tiên sinh uống với ta vài ly rượu mừng cuộc hội ngộ.

Trần Đức Hòa và Đào Duy Từ chắp tay:

-Đa tạ chúa công.

(Còn nữa)

CVL