Kỳ 44.
Hai người cạn ly. Sau đó Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh;
-Tiến đánh Phú Xuân để giải cứu cho Quy Nhơn, cứu Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
-Xin tuân lệnh chúa công.
Thủy quân Nguyễn thuận buồm xuôi gió tiến nhanh vào cửa biển Tư Dung. Phò mã Tây Sơn Nguyễn Văn Trị đem quân chống giữ ở Quy Sơn. Nguyễn Phúc Ánh nói:
-Ta tấn công mặt trước, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem quân đánh tập hậu.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Đêm đó, quân Nguyễn Văn Trị giáp chiến với quân Nguyễn ở ven biển. Súng nổ, đạn bay, quân hai bên chết chồng chất. Thốt nhiên, có tiếng súng và tiếng reo hò phía sau quân Tây Sơn. Quân Nguyễn bốn hướng xông vào giáp chiến. Quân Tây sơn chống cự ngoan cường nhưng hi sinh gần hết, thây đổ máu phun. Nguyễn Văn Trị đại bại mở đường máu mà chạy. Thủy quân Nguyễn Phúc Ánh không gặp một lực lượng thủy quân nào của Tây Sơn, cứ thế tiến vào cửa Thuận An như vào chỗ không người. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh đổ bộ lên bờ, tiến đánh kinh thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh đang ngồi trong điện Trung Hòa, nội thị hốt hoảng vào báo:
-Dạ bẩm hoàng thượng, nguy cấp, nguy cấp…
-Nguy cái gì?
-Dạ bẩm, quân của Nguyễn Phúc Ánh từ cửa Thuận An đã đánh vào kinh thành rồi ạ.
Cảnh Thịnh hốt hoảng:
-Sao chúng nhanh vậy? Nguyễn Văn Trị đâu?
-Dạ, phò mã bị chúng đánh bại ở Quy Sơn bỏ chạy đi đâu không rõ ạ.
-Trần Quang Diệu đâu, Võ Văn Dũng đâu, Bùi Hữu Hiếu đâu?
-Dạ, ba tướng quân này còn vây đánh Quy Nhơn ạ.
Cảnh Thịnh kêu lên:
-Chết rồi, ta mải mê muốn lấy lại Quy Nhơn là đất tổ, điều hết quân đội và tướng giỏi vào đó, khinh suất không lo phòng thủ kinh thành. Ta có tội với tổ tiên, với phụ hoàng Quang Trung bách chiến bách thắng rồi. Không còn ai nữa, ta phải tự thân chinh vậy. Người đâu.
-Dạ, hoàng thượng.
-Đem hết cấm quân theo ta ra ngoài thành đánh giặc. Gọi đô đốc nữ tướng Bùi Thị Xuân đem đội tượng binh và đội nữ binh hộ giá.
-Thần tuân chỉ.
Vua Cảnh Thịnh lần đầu tiên dùng đến bộ giáp vàng, mũ đâu mâu vàng, đi hài vàng, áo bào vàng lên voi đem quân ngự lâm ra trận. Trận đánh bảo vệ Phú Xuân diễn ra khong cân sức, quân Nguyễn đông tới 3 vạn người, thiện chiến. Đô đốc Bùi Thị Xuân vừa hộ giá, vừa chỉ huy tượng binh và nữ binh, tả xung hữu đột. Súng nổ vang trời, tên đạn bay như mưa. Quân Nguyễn chết nhiều nhưng bên quân Cảnh Thịnh quân ngự lâm cũng hi sinh gần hết, đội nữ binh của Bùi Thị Xuân cũng hy sinh nhiều. Vậy mà Bùi Thị Xuân vẫn cầm cự giữ được Phú Xuân từ sáng đến trưa. Nguyễn Phúc Ánh hỏi Lê Văn Duyệt:
-Đây có phải là nữ tướng đã làm ta khốn đốn khi ta đánh Quảng Nam không?
-Dạ bẩm chúa công, chính là nữ tướng này, là phu nhân của Thái phó Trần Quang Diệu.
-Thật là một nữ tướng phi thường.
Để vua Cảnh Thịnh không bị bắt, Bùi Thị Xuân phải hộ giá chạy vào thành và mở cửa sau điện Trung Hòa đem vua chạy về phía Bắc. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:
-Tướng Lê Chất
-Dạ có mạt tướng.
-Tướng quân đem kỵ binh truy kích bắt bằng được Cảnh Thịnh cho ta.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Nguyễn Đình Đắc.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân đem quân chặn đường từ Quy Nhơn ra đây, không cho Trần Quang Diệu về cứu Phú Xuân.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Lê Chất vốn là tướng Tây Sơn đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh nên rất thuộc đường đất vùng Thuận Hóa, đem 500 kỵ binh đuổi Cảnh Thịnh rất gấp. Bùi Thị Xuân cho nữ binh hộ giá Cảnh Thịnh chạy trước, còn mình thì đem tượng binh chặn kỵ binh Lê Chất. Đàn voi thấy ngựa rống lên khủng khiếp và lao vào đội kỵ binh, ngựa sợ voi nên hí lên thảm thiết và quay đầu tháo chạy. Lê Chất đành phải quay về Phú Xuân. Bùi Thị Xuân tiếp tục hộ giá Cảnh Thịnh chạy ra Bắc.
V
Tháng 11 năm 1801, gió se lạnh thổi khắp miền Trung, bầu trời xam xám sầu thảm không một áng mây bay. Bờ Bắc Sông Linh Giang rợp trời cờ đỏ của 3 vạn quân Tây Sơn, trống đập liên hồi. Đây là 3 vạn quân mà Cảnh Thịnh ra Bắc đã tập hợp được, nay tiến về giải phóng Phú Xuân đang bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm đóng tháng 4 năm 1801. Tại Thăng Long, vua Cảnh Thịnh đã đổi niên hiệu Cảnh Thịnh ra niên hiệu Bửu Hưng. Vua Bửu Hưng vừa bước xuống mình voi thì thám mã về báo:
-Bẩm hoàng thượng, quân Nguyễn đã chiếm giữ lũy Thầy để ngăn chặn quân ta vượt qua Nhật Lệ. Tướng Nguyễn Phạm Văn Nhân chỉ huy phòng thủ lũy Trấn Ninh và Đâu Mâu. Quân Nguyễn cũng đã chiếm giữ lũy Trường Dục và nhiều chiến lũy khác. Thủy quân Nguyễn do tướng Nguyễn Văn Trương chỉ huy giữ cửa sông Nhật Lệ.
Vua Bửu Hưng ra lệnh:
-Chúng ta quay về đây là để tiến vào giải phóng kinh thành Phú Xuân, muốn vậy chúng ta phải đánh bại quân Nguyễn, phá tan lũy Thầy để vượt qua sông Nhạt Lệ. Đệ Nguyễn Quang Thùy đánh lũy Trấn Ninh.
-Thần tuân chỉ.
-Tướng Nguyễn Văn Kiên đánh lũy Đâu Mâu.
-Thần tuân chỉ.
-100 chiến thuyền do tướng Đặng Văn Tất , đô đốc Lực chỉ huy chặn vùng biển Nhật Lệ, đề phòng thủy quân Nguyễn vào đánh tập hậu phía Bắc quân ta.
-Thần tuân chỉ.
-Đô Đốc Bùi Thị Xuân và 5000 nữ binh hộ giá.
-Thần tuân chỉ.
Vua Bửu Hưng dứt lời, 3 vạn quân Tây Sơn vượt cầu phao qua sông Linh Giang tiến về sông Nhật Lệ. Quân Tây Sơn cờ đỏ rợp chiến trường xông lên bắn vào lũy Đâu Mâu và lũy Trấn Ninh. Chiến lũy quá kiên cố. Mấy trăm năm trước, trong chiến tranh Trịnh- Nguyễn, quân Nguyễn đã dựa vào chiến lũy này mà đánh bại 6 lần tấn công của quân Trịnh binh hùng tướng giỏi. Trong lịch sử, lũy Thầy chỉ có hai lần thất thủ, lần năm 1773 khi Hoàng Ngũ Phúc từ Băc tấn công vào lấy được lũy là do quân Nguyễn mở cửa thành đầu hàng, lần thứ hai năm 1786 khi Nguyễn Lữ tấn công thì quân Trịnh cũng tự mở cửa lũy đầu hàng. Cho nên khi nghe tin 3 vạn quân Tây Sơn từ Bắc vào, Nguyễn Phúc Ánh đã cho chiếm giữ lũy Thầy và phòng thủ chắc chắn. Lần này quân Tây Sơn xông lên lại phải nằm xuống do đại bác trên chiến lũy bắn dữ dội. Hàng nghìn quân Tây Sơn tử trận, xác người chống chất, máu chảy như suối. Một ngày chiến đấu trôi qua, xác quân Tây Sơn chồng chất, máu chan hòa mặt đất. Vua Tây Sơn nản chí định rút lui. Bùi Thị Xuân nói:
-Hoàng thượng cố đánh, hai canh giờ nữa quân Nguyễn sẽ hết đạn.
Quả nhiên đại bác trên chiến lũy bắn thưa thớt dần. Bùi Thị Xuân nhân lúc súng quân Nguyễn thưa thớt thì thúc trống liên hồi hô quân tiến lên. Quân Tây Sơn lại xông lên như vũ bão. Đại Bác trên lũy lại nổ nhưng thưa thớt. Bùi Thị Xuân nhân cơ hội dẫn 5000 nữ binh vào sát chân lũy Đâu Mâu, cứ một người nhảy lên vai một người và phi thân lên mặt chiến lũy, bằng võ nghệ của Tây Sơn lao vào giết lính Nguyễn trên mặt thành. Quân Nguyễn và lũy Đâu Mâu đã đến hồi nguy ngập. Đang lúc đó, có tên lính Nguyễn chạy và hô to để đánh lừa quân Tây Sơn:
-Thủy binh Tây Sơn đã bị tiêu diệt, quân ta đang đổ bộ bao vây giặc ở phía bắc.
(Còn nữa)
CVL